Thủ tướng: Ngăn chặn thông tin xấu trên mạng Internet
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu kiên trì các biện pháp ngăn chặn tối đa thông tin xấu, độc hại trên mạng Internet.
Chủ động cung cấp thông tin chính thống
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1. 2015 (ngày 30.1), Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2015. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng yêu cầu thực hiện tốt các chính sách người có công, an sinh xã hội bảo đảm cho đối tượng chính sách và người nghèo đón Tết, không được để nhân dân thiếu đói trong dịp tết; triển khai có hiệu quả các chương trình tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ hộ cận nghèo.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường và thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia và nâng cao vị thế đất nước.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nhất quán việc tăng cường và chủ động cung cấp thông tin chính thống, chính xác, nhanh chóng, kịp thời về tình hình kinh tế – xã hội, các chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả các phương tiện truyền thông mới như mạng xã hội.
Video đang HOT
Đồng thời, Thủ tướng cũng giao các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, nhất là thông tin mạng; phát huy mặt tốt đồng thời kiên trì các biện pháp ngăn chặn tối đa thông tin xấu, độc hại trên mạng Internet
Giá dầu giảm có lợi nhiều hơn có hại
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế – xã hội tháng đầu năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, có những tác động, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của kinh tế Việt Nam. Nổi lên là giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh xuống 44,41 USD/thùng (29.1.2015) và có thể xuống 42 USD/thùng trong quý I.2015.
Bên cạnh đó, nền kinh tế còn đối diện nhiều khó khăn như: Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn; ngành dầu khí và thu ngân sách có thể chịu ảnh hưởng do giá dầu thô thế giới giảm mạnh; tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp…
Tại phiên họp, các ý kiến nhận định giá dầu giảm có thể ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác dầu thô của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, trên cơ sở tính toán, sản lượng khai thác dầu thô sẽ không giảm so với kế hoạch. Theo Bộ Tài chính, tác động của dầu thô tới nền kinh tế nước ta là tác động hai chiều, có cả khó khăn và thuận lợi, trong đó, mặt thuận lợi là nhiều hơn.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1.2015 tiếp tục giảm tháng thứ 3 liên tiếp không phải là dấu hiệu của sự giảm phát. Bởi nguyên nhân chủ yếu do giá xăng, dầu, giá gas trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh theo giá thế giới.
Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2015 nổi lên vấn đề là giá dầu thô thế giới giảm mạnh, thấp hơn so với mức dự báo khi tính toán các chỉ tiêu vĩ mô, cân đối thu chi ngân sách như đã trình Quốc hội.
Tuy nhiên “theo tính toán tổng hợp, giá dầu giảm có lợi nhiều hơn có hại, mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 6,2% vẫn khả thi, ngân sách vẫn cân đối được” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu và cho biết với dự báo giá dầu xuống 40 USD/ thùng, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 10.000 tỷ đồng và như vậy ngân sách hoàn toàn có khả năng cân đối mà không làm đảo lộn các nhiệm vụ thu chi.
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Kiên định và bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2015 đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, nhất là các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế (GDP), lạm phát và cân đối ngân sách nhà nước.
“Kiên định giữ mục tiêu tăng trưởng 6,2%, không để đảo lộn cân đối ngân sách, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 5%” – Thủ tướng yêu cầu.
Theo_Dân việt
Không tự khắc phục được thì tìm biện pháp ngăn chặn
Chiều qua 29-10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ. Bộ trưởng và lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi nóng của báo giới liên quan tới cân đối thu- chi ngân sách trong bối cảnh nợ công tăng cao, làm rõ thêm thông tin về vụ bắt giữ, tạm giam nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương.
- Xin hỏi Bộ trưởng, trong cuộc họp Chính phủ, vụ việc bắt giữ, tạm giam ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương có được đặt ra? Thủ tướng có ý kiến gì về việc này không?
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên: Về việc ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương vừa bị bắt, ban đầu khi Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến hành thanh tra thường xuyên đã phát hiện Ngân hàng này có những dấu hiệu bất ổn, nên đã thông báo lại cho ông Thắm chuẩn bị khắc phục những bất ổn đó, đưa ngân hàng hoạt động tốt hơn, có quy định thời gian để thực hiện. Sau khi cơ quan điều tra vào cuộc, phát hiện ông Hà Văn Thắm không tự khắc phục được sai lầm của mình nên đã xem xét khởi tố, Viện Kiểm sát phê chuẩn dùng biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam ông này. Tội danh là vi phạm các quy định về tín dụng.
Chính phủ không bàn nội dung này tại phiên họp, chỉ thông tin qua báo cáo. Quan điểm của Chính phủ, đối với các vi phạm thuộc lĩnh vực kinh tế, chúng ta hết sức thận trọng, tạo điều kiện tốt nhất cho những người vi phạm tự khắc phục và khi nào họ không tự khắc phục được thì chúng ta tìm biện pháp ngăn chặn cần thiết. Đó là trách nhiệm của cơ quan bảo vệ pháp luật. Chúng ta không hình sự hóa với những trường hợp vi phạm kinh tế khi không cần thiết. Cơ quan điều tra đang điều tra vụ việc và sẽ thông báo khi có kết quả chính thức.
- Ngân hàng Nhà nước có thể cho biết nguyên nhân chính dẫn đến việc thanh tra phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra? Sai phạm cụ thể của ông Thắm ra sao?
- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: Trong quá trình giám sát và thanh tra đối với các tổ chức tín dụng nói chung, cũng như Ngân hàng Đại Dương nói riêng, NHNN đã phát hiện ra những sai phạm trong hoạt động lãnh đạo của cá nhân ông Hà Văn Thắm. NHNN đã đề nghị Ngân hàng Đại Dương khắc phục sau thanh tra. Trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, NHNN thấy rằng Ngân hàng Đại Dương chưa khắc phục những sai phạm và lại phát sinh thêm những sai phạm mới. NHNN đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra và hiện nay cơ quan điều tra đang trong quá trình điều tra tất cả sai phạm của ông Hà Văn Thắm.
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên: Như tôi vừa nói, Thanh tra NHNN đã làm nhiệm vụ thường xuyên của mình trong quá trình quản lý Nhà nước. Quá trình thanh tra đã phát hiện những dấu hiệu vi phạm. Tuy nhiên, những dấu hiệu đó mới là bước đầu, còn cơ quan điều tra khi xét thấy những dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì cần phải xử lý. Chúng ta chờ kết quả điều tra làm rõ thì sẽ có thông tin chính xác hơn.
- Hiện nay chi thường xuyên chiếm 70% cơ cấu chi. Xin Bộ trưởng cho biết lí do khiến chi thường xuyên tăng cao, có phải do kỷ luật ngân sách chưa nghiêm và giải pháp của Chính phủ trong thời gian tới?
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên: Về cơ cấu chi, Chính phủ đã có báo cáo trong kỳ họp Chính phủ lần này cũng như báo cáo trước Quốc hội. Chúng ta biết rằng đất nước hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Tăng trưởng của chúng ta nhiều năm chưa đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng chúng ta không giảm bất cứ loại chi nào cho con người, an sinh xã hội và quốc phòng trong tình hình mới.
Con số mà chúng ta thấy là tốc độ tăng chi chung cao, mà trong đó chi thường xuyên cao hơn tốc độ tăng GDP. Đây là sự cân đối không hợp lý. Chính phủ bàn và thấy rằng, cần có giải pháp để tính toán lại, cân đối lại.
Chúng ta nói nôm na như trong gia đình là có những nhu cầu không thể giảm mà thậm chí còn tăng, nhất là cho con người. Chi lương tăng suốt thời gian qua. Chi cho đầu tư phát triển giảm. Lần này Chính phủ bàn và đặt ra yêu cầu phải tính toán lại bằng cách tiết kiệm, tính toán cho hợp lý, quản lý, kiểm soát tốt, cân đối lại nguồn chi để đảm bảo quá trình lâu dài. Trong đó có tính toán giải pháp lương tới đây.
Trong lúc kinh tế khó khăn, chúng ta đã giảm một số nguồn thu, giảm, giãn thuế để doanh nghiệp có điều kiện vượt qua khó khăn, điều đó cũng làm cho thu-chi của chúng ta bị ảnh hưởng. Cần bàn kỹ lại, tính toán lại, kiểm soát chặt chẽ để thu-chi cân đối được.
Theo_An ninh thủ đô
Xăng sinh học tốt, rẻ, sạch, sao dân không chịu dùng? Nhiều năm, bằng nhiều nỗ lực, đầu tư rất nhiều tiền... thế nhưng xăng sinh học vẫn rất kén người mua. Theo Quyết định của Chính phủ, từ 1/12/2014, xăng sinh học E5 sẽ được sản xuất để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 địa phương: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà...