Thủ tướng: Nếu hàng trăm chỉ đạo với Vinashin được thực hiện…
“Với Vinashin, Chính phủ, Thủ tướng đã có hàng trăm văn bản chỉ đạo. Thủ tướng nhắc không được mua tàu cũ mà rồi tàu nát vẫn được mua về mà không ai biết…” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại bài học về hiệu quả, hiệu lực hoạt động điều hành của Chính phủ.
Sáng 15/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Văn phòng Chính phủ.
Báo cáo về nhiệm vụ tham mưu tổng hợp phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng cho biết, trong năm, văn phòng đã tiếp tục cải tiến, đổi mới công tác, tạo chuyển biến mạnh trong việc xây dựng pháp luật, cơ chế chính sách (trọng tâm là các dự án luật, pháp lệnh thực thi Hiến pháp).
Năm 2014, Văn phòng Chính phủ đã thẩm tra, tham mưu tổng hợp trình 29 dự án luật, pháp lệnh, trong đó có nhiều dự án lớn, phức tạp; ban hành 42/48 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, đạt 88%. Cơ bản khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản (năm 2012 nợ 24 văn bản, năm 2013 nợ 17 và năm 2014 chỉ còn nợ 6 văn bản, trong đó không có văn bản nào thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng phải nợ lại).
Văn phòng Chính phủ cũng tiếp nhận, xử lý hơn 95.000 văn bản trong năm, tổng hợp trình lãnh đạo Chính phủ hơn 14.600 công việc cần giải quyết; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành gần 24.300 văn bản. Hầu hết các ý kiến đề xuất độc lập của Văn phòng đã được lãnh đạo Chính phủ chấp thuận.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị.
Tuy vậy, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ vẫn xác nhận nhiều hạn chế trong năm 2014. Một số đề án trong chương trình công tác được chỉ rõ là chưa bảo đảm tiến độ và chất lượng. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chuyên môn còn chậm. Việc theo dõi, nắm bắt tình hình, tham mưu xử lý, chỉ đạo giải quyết các vấn đề dư luận xã hội quan tâm đôi khi chưa kịp thời; chưa có nhiều thông tin phân tích sâu sắc để chủ động định hướng dư luận hoặc phản bác thông tin sai trái.
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ xác định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế tồn tại đó là do chủ quan, ý thức trách nhiệm của một sốc án bộ, đảng viên, công chức chưa cao. Một số cấp uỷ Đảng chưa có biện pháp hữu hiệu nắm bắt diễn biến tư tưởng của đảng viên, chưa coi trọng công tác giám sát.
Việc đôn đốc, giám sát thực hiện chương trình công tác trong một số trường hợp cũng còn thiếu quyết liệt. Chia sẻ thông tin trong phối hợp thẩm tra các đề án còn hạn chế chưa phát huy được trí tuệ tập thể.
Video đang HOT
Góp ý kiến thảo luận tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ tổng hợp Vũ Thiện Vương trả lời câu hỏi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt ra 1 năm trước: ai là người giúp Thủ tướng tổng hợp, theo dõi, đốc thúc, kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương. Ông Vương khẳng định, Văn phòng Chính phủ đã triển khai, thực hiện nhiệm vụ này tốt hơn hẳn, trong năm 2014.
Ngay từ đầu năm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã giao cho một Phó Chủ nhiệm Văn phòng phụ trách, đốc thúc triển khai các văn bản, chỉ đạo xuống từng đơn vị, theo dõi và báo cáo, cập nhật việc thực hiện hàng tuần.
“Năm ngoái Thủ tướng hỏi, chúng tôi còn băn khoăn nhưng giờ, nếu được yêu cầu, sau 5 phút, chúng tôi có thể báo cáo ngay là bộ nào, cơ quan nào còn “nợ” thực hiện bao nhiêu văn bản, nợ quá hạn bao nhiêu ngày. Hàng tuần chúng tôi đều tổng hợp lại số liệu để thúc xuống, các bộ ngành còn nợ không thể “cãi” được” – ông Vương khẳng định.
Đối chiếu với việc thực hiện nhiệm vụ này thời gian trước, ông Vương so sánh, vụ Vinashin xảy ra, rà soát lại mới thấy trong 1 năm trước đó, Chính phủ đã có 187 văn bản, quyết định nhắc nhở, chỉ đạo đối với tập đoàn này mà không có hồi âm, báo cáo kết quả thực hiện. Nếu chỉ 1/3 số văn bản này được thực hiện thì đã không có hệ quả đáng tiếc như đã xảy ra.
Vụ trưởng Vụ pháp luật Phạm Tuấn Khải cũng nhắc một trăn trở của Thủ tướng về vấn đề nhân sự, con người trong bộ máy của Văn phòng Chính phủ khi ý kiến, hoạt động tham mưu cho Thủ tướng, các Phó Thủ tướng vẫn có nhiều e dè, chưa phát huy được hết tinh thần chủ động, sáng tạo. Ông Khải cho rằng, đây là một nghịch lý khi các chuyên viên của Văn phòng đều được tuyển chọn từ các bộ, ngành đưa về, đáng ra việc nắm thông tin, tình hình và tham mưu trong mỗi lĩnh vực theo dõi đều phải rất tốt.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ băn khoăn của các các bộ. Nhắc lại việc hàng trăm văn bản chỉ đạo Vinashin trước đây “mất hút” như đá ném ao bèo, Thủ tướng chỉ rõ: “Thủ tướng nhắc không được mua tàu cũ mà rồi tàu nát vẫn được mua về mà không ai biết, làm trái cũng không có đề xuất xử lý gì. Cuối cùng, là Thủ tướng, tôi đành chịu, phải nhận trách nhiệm… Cần rút kinh nghiệm từ việc này, chúng ta ban hành văn bản rồi thì phải nắm được chỉ đạo đó được thực hiện đến đâu”. Thủ tướng nêu yêu cầu, mỗi chuyên viên của Văn phòng Chính phủ soạn, trình văn bản nào phải theo dõi, đôn đốc luôn việc thực hiện yêu cầu, chỉ đạo. Chính việc này thể hiện hiệu lực, hiệu quả của công tác điều hành.
Thủ tướng nhắc ngay việc hiện tại, vừa qua làm việc, Tổng Cục thuế, Tổng cục Hải quan đã cam kết giảm thủ tục, cắt giảm giờ nộp thuế, làm thủ tục hải quan xuống hơn 200 giờ nhưng đó mới chỉ là kết quả giảm trên giấy, thực tế triển khai như nào, Văn phòng Chính phủ phải kiểm soát, nắm thông tin thay cho Thủ tướng xem doanh nghiệp phải mất bao nhiêu ngày làm việc này.
Thủ tướng cũng ghi nhận hướng tiến bộ tích cực của Văn phòng trong năm 2014 qua nhiều việc chủ động tham mưu như vụ sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng khiến 12 công nhân mắc kẹt, những vướng mắc trong quản lý người nghiện… để Chính phủ có hướng chỉ đạo kịp thời.
Thủ tướng lưu ý thời gian chuẩn bị có các sự kiện lớn của đất nước tới đây, những thông tin không đúng làm phân tâm xã hội, Văn phòng Chính phủ phải chủ động nắm bắt, phải tổng hợp, tham mưu để để xuất Thủ tướng, các Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ phận thông tin phản hồi. Thủ tướng nhắc chủ động nắm bắt dư luận trên các mạng xã hội, triển khai tuyên truyền, đấu tranh bằng lý lẽ ngay trên “mặt trận” này để người dân thấy nhà nước vẫn luôn hiện diện, song hành.
P.Thảo
Theo Dantri
Quy chế hoạt động các Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế, chính trị
Các Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Phạm Bình Minh vừa cùng ký ban hành quy chế tổ chức, hoạt động của các Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, về chính trị, an ninh quốc phòng...
(Ảnh minh hoạ).
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế là một bộ phận của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế (Ban Chỉ đạo quốc gia) được thành lập theo quyết định số 596/QĐ-TTg ngày 23/4/2014 của Thủ tướng về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế.
Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất, tham mưu, tư vấn cho Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia các chủ trương, chính sách lớn, chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế; nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về các chủ trương và định hướng đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế chung để làm cơ sở cho việc xây dựng phương án đàm phán của các Bộ, ngành.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế còn giúp Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chỉ đạo và phối hợp hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong việc Việt Nam tham gia các hoạt động kinh tế - thương mại trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các tổ chức, các diễn đàn và hiệp định kinh tế - thương mại quốc tế, khu vực khác; chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về kinh tế, thương mại trong nước để thích ứng với các định chế, các tổ chức kinh tế - thương mại quốc tế và khu vực mà Việt Nam tham gia...
Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế được tổ chức trên cơ sở kế thừa Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, bao gồm Trưởng ban là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh. Phó Trưởng ban là Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Các ủy viên gồm: Thứ trưởng Bộ Công Thương, kiêm Tổng Thư ký Ban Chỉ đạo liên ngành; Thứ trưởng Bộ Tài chính; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế.
Văn phòng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế chuyển thành Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành, đặt tại Bộ Công Thương.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thì lưu ý, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng là một bộ phận của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế (Ban Chỉ đạo quốc gia), được thành lập theo Quyết định 596/QĐ-TTg, ngày 23/4/2014 của Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế.
Ban Chỉ đạo liên ngành có nhiệm vụ tham mưu cho Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia trong việc đề ra các định hướng, chiến lược, giải pháp lớn và xác định những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần cần tập trung chỉ đạo, điều hành trong từng giai đoạn liên quan đến hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng.
Bên cạnh đó, tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng; giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng.
Đồng thời, giúp Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia theo dõi, đôn đốc sự phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, cơ quan liên quan của Đảng, Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể nhân dân để đảm bảo sự triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành.
Các Ủy viên Ban Chỉ đạo liên ngành gồm: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kiêm Tổng Thư ký Ban Chỉ đạo liên ngành, phụ trách mảng công tác hội nhập quốc tế về chính trị; Thứ trưởng Bộ Công an, phụ trách mảng công tác hội nhập quốc tế về an ninh; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phụ trách mảng công tác hội nhập quốc tế về quốc phòng.
Ban Chỉ đạo liên ngành có Bộ phận giúp việc đặt tại Bộ Ngoại giao; hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.
P.Thảo
Theo Dantri
Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương tăng cường chống buôn lậu Làm việc với tỉnh Bình Phước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp phải xác định công tác phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và thường xuyên. (Ảnh minh hoạ) Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Phước cần...