Thủ tướng nêu 6 mục tiêu chống Covid-19
Thủ tướng nêu một trong những mục tiêu thời gian tới là quyết tâm kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh tại TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Chủ trì hội nghị trực tuyến với 27 tỉnh, thành phía Nam về phòng chống Covid-19, sáng 15/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 6 mục tiêu, trong đó ” bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân là trên hết, trước hết, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm cần thiết trong cuộc sống”.
Ông chỉ đạo ngành y tế tập trung cứu chữa ca bệnh nặng, hạn chế người tử vong vì dịch bệnh. Các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ biên giới, khu cách ly, phong tỏa; nhanh chóng ổn định tình hình để người dân trở lại sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường…
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, bám sát các mục tiêu trên, căn cứ tình hình cụ thể để thực hiện; tận dụng “giờ vàng, ngày vàng, tuần vàng” để thực hiện các nhiệm vụ.
Biểu dương TP HCM và các địa phương đã làm tốt nhiều mặt, nhưng Thủ tướng cho rằng có nơi, có lúc chưa bám sát diễn biến, chưa dự báo, lường hết khó khăn, đặc biệt là sự lây lan của biến chủng virus mới. Có địa phương còn bị động, lúng túng, thậm chí bất ngờ. Một bộ phận người dân chủ quan, chưa chấp hành nghiêm quy định chống dịch. Những nguyên nhân này khiến kết quả chống dịch tại một số nơi chưa đạt như mong muốn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp với các tỉnh phía nam về chống Covid-19, sáng 15/7. Ảnh: Nhật Bắc
Theo Thủ tướng, việc thực hiện Chỉ thị 16 chưa lường hết khó khăn và khả năng đáp ứng của các địa phương, nên còn xảy ra một số vấn đề, lưu thông hàng hóa còn ách tắc, khan hiếm nhu yếu phẩm, để người dân kêu ca, phàn nàn. Ông đề nghị các địa phương “mổ xẻ nghiêm túc, kịp thời khắc phục những hạn chế nói trên”.
Dự báo những ngày tới số ca nhiễm tại TP HCM và các tỉnh phía nam có thể tăng lên , còn ổ dịch tiềm ẩn trong cộng đồng. Vì vậy, các địa phương phải xác định, nếu thực hiện Chỉ thị 16 không nghiêm dễ gây ra hậu quả nặng nề; sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp, chuỗi cung ứng có thể bị tác động mạnh.
Tiếp tục tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các địa phương phải chủ động xét nghiệm, nhanh chóng khoanh vùng, bao vây, dập dịch những nơi có nguy cơ cao. Chiến dịch tiêm vaccine theo thứ tự ưu tiên, đảm bảo an toàn, khoa học, không gây phiền hà cho người dân.
Video đang HOT
TP HCM và các tỉnh có dịch bệnh lan rộng, “ưu tiên số một là tập trung chống dịch hiệu quả, nhưng không bỏ qua cơ hội để thúc đẩy sản xuất kinh doanh”. “Chỉ những nơi nào đủ điều kiện an toàn mới đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh”, Thủ tướng nói.
Ông lưu ý, tình hình mới phải có cách tiếp cận mới, chống dịch theo hướng tôn trọng lợi ích chính đáng của người dân; các tỉnh, thành cắt giảm chi tiêu không cần thiết để tập trung chống dịch, bồi dưỡng lực lượng tuyến đầu, mua vaccine.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết TP HCM tiêu thụ từ 9.000-10.000 tấn thực phẩm và đồ tươi sống mỗi ngày, trong khi lượng hàng dự trữ tới 120.000 tấn, tức là đủ 12 ngày. Tuy nhiên, do các chợ truyền thống dừng hoạt động nên một số người dân gặp khó khăn khi mua sắm. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn sẽ phối hợp để cung ứng đủ hàng hóa cho các địa phương, chống găm hàng ép giá.
Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ tổ chức và công bố các “luồng xanh” hàng hóa quốc gia, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa trên nguyên tắc giảm thiểu các thủ tục, nhanh nhất, thuận lợi nhất. Từng địa phương phải xây dựng “luồng xanh” của mình để lưu thông hàng hóa đi, đến hoặc đi qua địa phương… Bộ trưởng nêu thực tế, nhiều tỉnh thông thoáng, nhưng có nơi lại ách tắc, cần rút kinh nghiệm và tham khảo cách làm của các địa phương khác.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương đề nghị Bộ Y tế có sổ tay hướng dẫn từng nội dung chống dịch và tập huấn cho lực lượng tuyến đầu.
Bí thư Tỉnh uỷ Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho rằng, một trong những ưu tiên phòng, chống dịch là bảo đảm an toàn cho hệ thống vận tải biển, cảng biển, hoạt động dầu khí… Ông đề nghị có gói vaccine cho người lao động đang làm việc tại những nơi này.
Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến sáng 15/7 lên 34.659, ghi nhận ở 58 tỉnh thành.
Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị mới về chống dịch COVID-19
Bộ Y tế vừa trình Thủ tướng ban hành chỉ thị mới về phòng, chống dịch COVID-19 khi dịch bùng phát trên diện rộng, phức tạp, với sự xuất hiện của biến chủng Delta có khả năng lây lan rộng theo chùm, qua không khí.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và chỉ đạo chống dịch tại Bệnh viện dã chiến thu dung số 3 TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Theo tờ trình của Bộ Y tế, đến nay cả nước đã trải qua 4 giai đoạn bùng phát dịch COVID-19, tổng số ca nhiễm bệnh ghi nhận khoảng 30.000 ca, đã có 9.878 người khỏi bệnh và 125 người chết vì dịch.
Điều đáng nói, trong 3 giai đoạn trước cả nước chỉ có hơn 1.700 ca nhiễm bệnh, riêng giai đoạn 4 bùng phát từ ngày 27-4 đến nay có khoảng 27.000 người dương tính với COVID-19.
Bộ Y tế đánh giá đợt dịch thứ 4 bùng phát có quy mô lớn, nhiều nguồn lây, nhiều chủng, ổ dịch, đặc biệt sự xuất hiện biến chủng Delta lây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm tăng ca bệnh nặng.
Trong giai đoạn 4 dịch đã xâm nhập vào cơ sở y tế, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở tôn giáo tập trung đông người và lây nhiễm trong cộng đồng ở các đô thị đông dân cư.
Nguyên nhân theo Bộ Y tế xác định do chủng virus Delta có khả năng lây lan nhanh, lây nhiễm theo chùm, qua không khí.
Nguồn lây trong cả 4 lần bùng dịch đều do mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài qua đường nhập cảnh. Từ ngày 1-1-2021 đến nay, có 513.000 lượt người nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó có 21.000 người nhập cảnh trái phép.
Thời gian qua, Thủ tướng đã ban hành 3 chỉ thị chống dịch số 15, 16, 19, nhưng theo Bộ Y tế, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, một số giải pháp chống dịch cần điều chỉnh, bổ sung, thay đổi cho phù hợp.
Dự thảo chỉ thị mới về phòng chống dịch COVID-19 kế thừa các giải pháp hiệu quả của 3 chỉ thị nêu trên, đồng thời nhấn mạnh quan điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng về công tác phòng chống dịch theo tinh thần "chống dịch như chống giặc", tập trung mọi nguồn lực nhằm dập dịch nhanh nhất, đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.
Thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ": chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ.
Bảo đảm công bằng trong tiếp cận vắc xin, tập trung cho đối tượng ưu tiên, trước hết là khu vực sản xuất. Sau khi đạt miễn dịch cộng đồng thì chuyển sang tiêm chủng mở rộng.
Dự thảo chỉ thị mới về chống dịch COVID-19 cũng đưa ra nhiều giải pháp chống dịch. Đó là tăng cường kỷ luật chống dịch, cấp dưới phải tuyệt đối chấp hành chỉ đạo của cấp trên; căn cứ tình hình dịch bệnh địa phương có thể vận dụng linh hoạt, bổ sung các biện pháp khác phù hợp.
Áp dụng giãn cách xã hội trên phạm vi hẹp nhất có thể, không máy móc theo địa giới hành chính, bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân khu vực thực hiện cách ly, phong tỏa, có biện pháp phân phối hàng hóa nông sản khu vực cách ly, phong tỏa, Thủ tướng sẽ là người quyết định áp dụng giãn cách theo vùng liên tỉnh khi cần thiết.
Các địa phương được áp dụng chỉ định thầu khi mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế chống dịch; ứng dụng công nghệ để truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng.
Thực hiện biện pháp phòng chống dịch theo nguy cơ từng địa bàn, khu vực.
Đối với địa bàn trong trạng thái bình thường mới chỉ áp dụng nghiêm thông điệp 5K là khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế.
Địa bàn có nguy cơ bên cạnh áp dụng 5K sẽ điều tra dịch tễ trường hợp mắc bệnh để truy vết, khoanh vùng, cách ly, phong tỏa khu có người mắc bệnh.
Những khu vực có nguy cơ cao buộc phải dừng hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng, không tập trung 10 người trở lên ngoài khu vực công sở, trường học, bệnh viện, giảm số người làm việc tại cơ quan, công sở, tăng làm việc trực tuyến.
Với địa bàn nguy cơ rất cao áp dụng phong tỏa, cách ly y tế tập trung, giãn cách xã hội 14 ngày.
Phân biệt chỉ thị 15 - 16 - 19 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống COVID-19 - Đồ họa: NGỌC THÀNH
Thủ tướng triệu tập họp với 27 tỉnh, thành đang "nóng" dịch Covid-19 TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang có diễn biến dịch bệnh rất phức tạp, Thủ tướng yêu cầu xác định giải pháp mới, bổ sung quy định để thực hiện nhiệm vụ ưu tiên số một là chặn dịch. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với 27 tỉnh, thành phía Nam...