Thủ tướng nên trả lời chất vấn tại phiên họp Quốc hội giữa kỳ
Sáng nay, 17.5, Uỷ ban Thường vụ Quốc đã hội họp cho ý kiến về một số vấn đề về chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Tại phiên họp Quốc hội giữa kỳ, sau khi các Phó Thủ tướng trả lời, Thủ tướng cũng sẽ lên trình bày những câu hỏi mà đại biểu trực tiếp hỏi. Ảnh: Zing.vn
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 20.4, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi văn bản xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Tổng thư ký Quốc hội đã nhận được ý kiến đóng góp của một số Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và một số cơ quan hữu quan. Các ý kiến nhất trí với dự kiến chương trình, đồng thời góp ý về một số vấn đề cụ thể.
Về thời gian chất vấn, kỳ họp lần này sẽ dành 3 ngày. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nên giảm xuống còn 2,5 ngày như các kỳ họp trước.
Về vấn đề này, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, cho rằng các kỳ trước thời gian chất vấn chỉ có 2,5 ngày, kỳ này mới bắt đầu thực hiện 3 ngày. “Kỳ này vừa nâng lên 3 ngày lại yêu cầu giảm, chưa làm thử đã giảm. Chúng ta cứ làm thử đã”, ông Phùng Quốc Hiển nói.
Chốt lại vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian chất vấn sẽ vẫn giữ 3 ngày. “Thời gian chất vấn 2,5 ngày trước đây bị cho là ngắn nên rất nhiều đại biểu và cử tri yêu cầu tăng thời gian chất vấn vì đây là nội dung cử tri rất quan tâm”.
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, theo luật giám sát, người được chất vấn phải trực tiếp trả lời không được ủy quyền. Nhưng thông lệ từ trước tới nay, kỳ họp cuối năm thì Thủ tướng sẽ trực tiếp trả lời, kỳ họp giữa năm thì ủy quyền cho 1 Phó Thủ tướng, thường là Phó Thủ tướng thường trực thay mặt trả lời.
Video đang HOT
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi trực tiếp với tôi là đề nghị cho giữ thông lệ này. Không phải Thủ tướng ngại trả lời nhưng công việc của Thủ tướng rất nhiều, do đó giữ thông lệ này là để vừa đảm bảo thực hiện đúng luật giám sát và giảm bớt những áp lực trong công tác điều hành quản lý của Chính phủ”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, theo Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cũng phải trả lời chất vấn để thể hiện bản lĩnh nghị trường của mình, thể hiện khả năng điều hành quản lý các lĩnh vực được phân công hay ngoài lĩnh vực được phân công, khả năng bao quát công việc chung của Chính phủ.
“Theo đó, Thủ tướng nói mỗi một kỳ họp giữa năm sẽ phân công 1 Phó Thủ tướng thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn chứ không chỉ 1 Phó Thủ tướng thường trực, lần lượt năm nay là Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, năm sau là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, năm sau nữa là Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tiếp nữa là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết.
Sau khi các Phó Thủ tướng trả lời chất vấn, Thủ tướng vẫn sẽ lên trình bày những câu hỏi mà đại biểu trực tiếp hỏi Thủ tướng bằng văn bản và sau đó Thủ tướng cho ý kiến thêm những vấn đề các Phó Thủ tướng đã trình bày nếu chưa rõ.
“Có nghĩa, Thủ tướng vẫn xuất hiện ở nghị trường và ít nhất các đại biểu Quốc hội có thể hỏi từ 5 – 7 câu hỏi trong kỳ họp”, Chủ tịch Quốc hội giải thích thêm.
“Trước đó, trả lời chất vấn phiên đầu tiên trên cương vị Thủ tướng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất được nhân dân, cử tri và đại biểu Quốc hội đồng tình, khen ngợi. Việc Thủ tướng trực tiếp trả lời chất vấn gần một buổi đã tạo nên không khí mới trong nghị trường. Đề nghị lần này Chính phủ tiếp tục tinh thần đổi mới tăng tính đối thoại và trực diện những vấn đề mà cử tri quan tâm”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến.
Ngoài ra, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng họp bàn thêm nội dung cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Võ Kim Cự, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh.
Cũng trong phiên họp sáng nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng họp cho ý kiến (lần 2) về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và sẽ trình Quốc hội về dự thảo này. Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ trình Quốc hội thông qua hai kỳ họp. Theo chương trình, chiều nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành Tiểu dự án để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam. Riêng dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam sẽ cân nhắc có nên cho thêm vào chương trình kỳ họp lần này không vì chưa đủ hồ sơ để trình ra Quốc hội.
Theo Danviet
Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn những vấn đề gì?
Trong 10 nhóm vấn đề các đại biểu Quốc hội có thể chất vấn trực tiếp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có những nội dung thời sự được cập nhật như: Đánh giá các dự án thua lỗ lớn; Xử lý trách nhiệm các sự cố ô nhiễm môi trường; Công tác luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ...
Theo chương trình chất vấn chi tiết của kỳ họp Quốc hội thứ hai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có 130 phút trả lời chất vấn trước Quốc hội vào sáng thứ năm (17/11).
Cụ thể, theo chương trình dự kiến, từ 8h30 đến 11h10 ngày 17/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những nội dung thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các nhóm vấn đề đã chất vấn với 4 vị Bộ trưởng trong ngày 2 ngày trước đó (15-16/11/2016).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội khóa XIII sáng 13/6/2015 (ảnh: Chinhphu.vn).
Như vậy là phạm vi nội dung trả lời của Thủ tướng đã được "khuôn" lại so với thông lệ các phiên chất vấn tại kỳ họp cuối năm Quốc hội các khóa trước thường làm. Đó là Thủ tướng trả lời chất vấn trực tiếp về bất cứ vấn đề nào các đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt ra.
Trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ trong khóa trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng nhiều lần đăng đàn trả lời chất vấn theo sự ủy quyền của người đứng đầu Chính phủ tại các kỳ họp giữa năm. Gần đây nhất, tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIII diễn ra giữa năm 2015, ông Nguyễn Xuân Phúc nhận nhiều chất vấn từ vấn đề Biển Đông tới nợ công, hạ tầng giao thông, việc lấn sông tại Đồng Nai, chặt cây xanh tại Hà Nội hay tình trạng công chức "cắp ô".
Kỳ này, các nội dung đại biểu có thể chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nằm trong 10 nhóm vấn đề dành cho 4 Bộ trưởng được chọn đăng đàn (Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng TN-MT, Bộ trưởng GD-ĐT, Bộ trưởng Nội vụ). Có nhiều nội dung đã được lật đi lật lại trong các phiên chất vấn trước đây như chống buôn lậu, thủy điện xả lũ, quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản, chương trình cải cách giáo dục, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương...
Nhưng cũng có những nội dung mới, thời sự được cập nhật, đưa vào chương trình chất vấn, ví như chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô; đánh giá các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả; xử lý trách nhiệm với các dự án để xảy ra sự cố môi trường; đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp; công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ...
Bản tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu về dự kiến nhóm vấn đề chất vấn thậm chí đã nêu nhiều đề xuất nội dung khác như xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, việc mua ngân hàng thương mại với giá 0 đồng; chính sách quản lý, sử dụng tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp; án tồn đọng, án oan sai chưa được giải quyết; tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội; quy hoạch và phê duyệt dự án xây dựng cơ bản (khu dân cư, chung cư); kết quả trồng rừng thay thế và hỗ trợ đời sống người dân ở các công trình thủy điện; các dự án BOT đường bộ...
Ví dụ, với nhóm vấn đề được đề xuất cho Bộ Nội vụ, một số vị đại biểu đề nghị bổ sung nội dung trách nhiệm của Bộ trong tham mưu để Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn chức danh Phó chủ tịch UBND Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh và việc tặng thưởng các danh hiệu nhà nước đối với Tổng công ty xây lắp dầu khí...
Với các nhóm vấn đề trong lĩnh vực Tài nguyên - môi trường, một số ý kiến đề nghị đề cập rõ đến việc xem xét, xử lý trách nhiệm trong vụ Formosa; giải pháp khắc phục; trách nhiệm của Bộ trưởng; việc xử lý, kỷ luật tổ chức, cá nhân có liên quan (vì đây là vấn đề đang được xã hội, người dân rất quan tâm, theo dõi, nên cần phải có sự trao đổi, giải trình, làm rõ để công khai minh bạch và định hướng dư luận).
Theo UB Thường vụ Quốc hội thì đây đều là những vấn đề nổi lên, được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm nhưng không được chọn để chất vấn vì nhiều nội dung đã được đại biểu Quốc hội chất vấn và đang trong quá trình triển khai thực hiện việc khắc phục những hạn chế, bất cập theo nghị quyết của Quốc hội.
Các nhóm vấn đề được đề xuất đối với các lĩnh vực đã có cân nhắc đến thời lượng dành cho chất vấn, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những nội dung bức xúc, thiết thực nhất. Do đó, trong quá trình chất vấn, đề nghị đại biểu bám sát nội dung nhóm vấn đề đã nêu để có thể chất vấn những nội dung cụ thể có liên quan.
P.Thảo
Theo Dantri
Lãnh đạo tỉnh đã lắng nghe dân để giải quyết có tình có lý chưa? "Chủ tịch các tỉnh đã đối thoại với dân chưa, đã lắng nghe dân để giải quyết thấu tình, đạt lý chưa, đã đi sát, kiểm tra kết luận của mình đúng sai ra sao", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi khi chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương về tình hình an ninh trật tự sáng nay...