Thủ tướng muốn nghe ‘hiến kế’ gỡ nút thắt trong ngành nông nghiệp
Mở đầu Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm ngoái, xuất khẩu nông nghiệp đạt 40,02 tỷ USD, là một kỷ lục, vậy năm nay hơn là bao nhiêu, chủ trương, biện pháp mới nào để tạo nên cái hơn đó?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị – Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Sau khi nghe báo cáo tổng kết của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, báo cáo đã nêu đầy đủ các kết quả nhưng “nguyên nhân gì dẫn đến kết quả đó”, trong lãnh đạo, chỉ đạo, vai trò của các thành phần xã hội, doanh nghiệp, hợp tác xã hay sự nhận thức của người nông dân đối với tái cơ cấu như thế nào.
Nhắc lại ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ và địa phương vừa qua rằng “năm 2019 phải hơn năm 2018″, Thủ tướng cho rằng, năm ngoái xuất khẩu nông nghiệp đạt 40,02 tỷ USD, là một kỷ lục, vậy năm nay hơn là bao nhiêu, chủ trương, biện pháp mới nào để tạo nên cái hơn đó?
Thủ tướng đặt vấn đề nút thắt trong ngành nông nghiệp hiện nay là gì, ngoài nút thắt về đất đai thì còn nút thắt nào cần thảo luận tại Hội nghị hôm nay? “Nhiều khi chúng ta tháo gỡ nhưng tháo gỡ không đến nơi đến chốn, chưa đúng chỗ thì nông nghiệp khó phát triển”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng mong muốn các đại biểu thảo luận về giải pháp đối với những vấn đề thuộc quản lý ngành nông nghiệp như giống, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, “để bà con yên tâm chất lượng tốt, giá cả tốt, không có phân bón giả, giống giả…”. Đây là khâu rất quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng nông sản.
Vấn đề nữa là sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp với các ngành khác. “Ai làm thị trường, ai làm chất lượng, trách nhiệm làm sao?”, Thủ tướng lưu ý cần xem xét vấn đề nảy sinh đối với ngành nông nghiệp khi chúng ta tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do như CPTPP hay EVFTA.
Video đang HOT
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để gỡ nút thắt cho nông nghiệp Việt Nam phát triển, không chỉ xử lý vấn đề làm sao để 100 triệu dân có thực phẩm an toàn, đời sống nâng lên, nông dân phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước mà điều quan trọng là hướng vào xuất khẩu, nâng kim ngạch hơn so với năm 2018, một mục tiêu rất khó khi con số hiện nay đã ở mức cao.
Ngành nông nghiệp đã thể hiện là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế, trở thành một động lực tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 3,76% trong năm 2018, được xem là cao nhất trong 7 năm trở lại đây.
Việt Nam khẳng định vị thế là cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới (đứng thứ 15 và đã xuất khẩu sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ). Kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản đạt kỷ lục trên 40 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém và nhiều thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở nên phổ biến, chủ đạo. Kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỉ trọng cao và tiếp tục bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển, lợi thế cạnh tranh năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao.
Thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro; trong khi năng lực quản trị, công tác dự báo cung-cầu còn bất cập.
Dich bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; quản lý ATTP vẫn rất khó khăn, phức tạp. Một số địa phương cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới để chuyển sang giai đoạn nâng cao, nhưng một số địa phương có số xã đạt chuẩn rất thấp.
Năm 2019, ngành nông nghiệp xác định và hướng tới: Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh.
Đức Tuân
Theo Chinhphu.vn
Bão 'trái vụ' sẽ tăng cấp, tiến gần các tỉnh Tây Nam Bộ
Theo dự báo, bão số 1 (tên quốc tế Pabuk) di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc. Đến sáng 3-1, vị trí tâm bão cách mũi Cà Mau khoảng 200km, cách Côn Đảo 270km.
Ngày 2-1, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết hồi 10 giờ cùng ngày vị trí tâm bão số 1 cách đất liền các tỉnh Nam Bộ khoảng 450km về phía Đông Nam, cách Côn Đảo khoảng 360km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Hình ảnh mây vệ tinh cho thấy cơn bão dự kiến sẽ tăng cấp.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 10 giờ ngày 3-1, vị trí tâm bão cách mũi Cà Mau khoảng 200km về phía Nam, cách Côn Đảo khoảng 270km về phía Tây Nam.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 4-1, vị trí tâm bão cách mũi Cà Mau khoảng 320km về phía Tây, cách đảo Thổ Chu (Kiên Giang) khoảng 230km về phía Tây Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Do ảnh hưởng của bão, từ hôm nay đến hết ngày 3-1 ở vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm huyện đảo Côn Đảo) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động.
Để ứng phó với bão, sáng 2-1, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức họp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan triển khai các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết hiện nay có 5 tỉnh cấm tàu thuyền ra khơi là Bạc Liêu, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Kiên Giang.
Đến sáng 2-1, lực lượng chức năng đã hướng dẫn, kiểm đếm cho 76.054 phương tiện/405.607 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để phòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Bên cạnh đó, theo báo cáo trực tiếp của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu cứu nạn Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện có 2 tàu chưa liên lạc được và 2 tàu bị chìm.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho rằng phải xác định đây là cơn bão nguy hiểm, "trái vụ" nên nguy cơ ảnh hưởng lớn. Vì vậy, các đơn vị cần phối hợp thông báo cho các tàu thuyền tránh vùng biển nguy hiểm. Đồng thời, Bộ GTVT cần rà soát hoạt động vận tải biển vãng lai (không biết luồng lạch, địa hình) để tránh nguy hiểm...
VIẾT LONG
Theo PL
Quy định mới về phương thức quản lý điều kiện bảo đảm ATTP cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản Ngày 30/10/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 17 /2018/TT-BNNPTNT Quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi...