Thủ tướng mong doanh nghiệp quân đội lâu đời thành tập đoàn hàng đầu về kinh tế biển
Chiều 19/12, trong chuyến công tác tại TP Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ tới thăm, làm việc với Tổng Công ty Tân Cảng Sản Gòn, một doanh nghiệp đã kết hợp tốt nhiệm vụ kinh tế và quốc phòng.
Thủ tướng thăm hỏi cán bộ TCTy Tân Cảng Sài Gòn.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chúc mừng tốt đẹp nhất tới các cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ, người lao động của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn nhân dịp kỷ niệm ngày 22/12.
“Mục tiêu chung của chúng ta là xây dựng Việt Nam trở thành một nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Để thực hiện mục tiêu đó, ngay sau ngày giải phóng, Đảng ta, Quân đội ta đặc biệt coi trọng kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội với quốc phòng an ninh”, Thủ tướng nói.
Trong những năm qua, Tổng Công ty đã năng động, sáng tạo, thực hiện tốt sứ mệnh được Đảng, Nhà nước giao, năng động, sáng tạo, hoàn thành nhiều công trình dân sự biển, hải đảo, đi đầu trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển, đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao, nộp ngân sách khá, đặc biệt là phát triển theo xu hướng cổ phần và liên kết.
Thủ tướng cũng biểu dương Tân Cảng Sài Gòn về việc cải cách thủ tục hành chính, một điều kiện để giảm thời gian bốc dỡ container từ 35 giờ xuống còn 12 giờ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Nhấn mạnh nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền biển đảo và công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, Thủ tướng mong muốn, Tổng Công ty từng bước vươn ra tầm quốc tế với tinh thần khởi nghiệp không ngừng, sáng tạo trong kinh doanh để xây dựng Tân Cảng Sài Gòn trở thành tập đoàn kinh tế quốc phòng hàng đầu Việt Nam về kinh tế biển.
Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Tổng Công ty tập trung vào một số nhiệm vụ. Đó là tiếp tục quán triệt vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp quốc phòng, vững vàng trên cả 2 nhiệm vụ kinh tế và quốc phòng.
Thủ tướng biểu dương việc giảm thời gian bốc dỡ container từ 35 giờ xuống còn 12 giờ.
Chỉ đạo chặt chẽ công tác đầu tư, phát triển sản xuất với bước đi vững chắc, bảo đảm hiệu quả. Cùng với việc mở rộng địa bàn, phát triển sản xuất thì trước hết tập trung vào các vị trí chiến lược địa kinh tế với địa quân sự trên cả nước.
Video đang HOT
Tiếp tục sắp xếp lại doanh nghiệp theo đúng kế hoạch và lộ trình trên tinh thần luôn duy trì tư duy khởi nghiệp. “Khởi nghiệp không chỉ ở thanh niên mà cả với các doanh nghiệp lâu đời”, Thủ tướng nhắc nhở Tổng Công ty tiếp tục phát huy tinh thần bộ đội Cụ Hồ, luôn đổi mới không ngừng, không dừng lại với những gì đã có.
Bên cạnh đó, tập trung đổi mới quản trị, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, phát huy văn hóa đặc trưng của doanh nghiệp quân đội, coi đây là yếu tố then chốt, tạo sự khác biệt.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã chỉ đạo giải quyết các kiến nghị cụ thể của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn với kỳ vọng doanh nghiệp này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn là doanh nghiệp quốc phòng – kinh tế thuộc Quân chủng Hải Quân, Bộ Quốc phòng hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và được xếp hạng Tổng Công ty đặc biệt vào năm 2010. Bên cạnh nhiệm vụ quân sự quốc phòng, doanh nghiệp đặc thù có tổng giá trị vốn hóa lên đến trên 30.000 tỷ đồng này có nhiệm vụ phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh tế biển. Năm 2016, dự kiến doanh thu của đơn vị đạt 17.263 tỷ đồng, tăng 12%, lợi nhuận đạt 1.952 tỷ đồng.
Theo Dantri
Thủ tướng: Cùng là con cháu Lạc Hồng, phải chung tay xây dựng đất nước
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị của Thủ tướng với các tổ chức tôn giáo tổ chức tại TPHCM hôm nay, 19/12. Thủ tướng nhấn mạnh, đều là người Việt Nam, đều là con cháu Hồng Lạc, mỗi người cần có trách nhiệm chung với dân tộc, cùng chung tay xây dựng đất nước.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đã lắng nghe, trao đổi về những vấn đề mà các chức sắc cao cấp các tổ chức tôn giáo quan tâm.
Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay, Nhà nước ta đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 39 tổ chức tôn giáo, một pháp môn tu hành, với trên 24 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số. Cả nước có gần 53 nghìn chức sắc, 133,7 nghìn chức việc, 28 ngàn cơ sở thờ tự.
Thủ tướng gặp gỡ các chức sắc tôn giáo cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện các tổ chức tôn giáo bày tỏ, thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động. Các chức sắc tôn giáo khẳng định, đồng bào các tôn giáo luôn phát huy truyền thống yêu nước, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại diện các tổ chức tôn giáo đánh giá cao Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vừa được Quốc hội thông qua và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành để Luật sớm đi vào đời sống. Một số chức sắc tôn giáo bày tỏ mong muốn Chính phủ tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh hợp tác quốc tế...
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các đại biểu đã có nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, đóng góp với Chính phủ để thực hiện ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo. Các ý kiến đều thể hiện tinh thần yêu Tổ quốc cùng mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.
Theo Thủ tướng, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng đã được các cơ quan liên quan triển khai nghiêm túc, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại Kỳ họp thứ 2 tháng 11 vừa qua với nhiều điểm mới, tiến bộ.
Thủ tướng yêu cầu giải quyết thoả đáng các kiến nghị từ đại diện các tôn giáo.
Thời gian qua, tình hình tôn giáo ở nước ta tương đối ổn định. Các sinh hoạt tôn giáo cơ bản tuân thủ quy định của pháp luật. Đồng bào, chức sắc, tín đồ các tôn giáo nhiệt tình hưởng ứng và tham gia có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
"Một mặt vui mừng trước những kết quả đạt được nhưng chúng ta cũng cần khách quan nhìn nhận, hoạt động tôn giáo, công tác tôn giáo của chúng ta cũng đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức mà quý vị đại biểu, chức sắc, chức việc các tôn giáo đã nhìn nhận và phát biểu", Thủ tướng trao đổi.
Khó khăn nằm cả ở mặt khách quan và chủ quan. Có những khó khăn về điều kiện kinh tế-xã hội, môi trường sống, có những khó khăn nằm ở cơ chế, chính sách, pháp luật và khâu thực hiện. Có những khó khăn do sự khác biệt về nhận thức, do có sự chưa thấu hiểu nhau giữa các cơ quan chức năng và các tổ chức tôn giáo; thậm chí đâu đó còn có sự xúi giục, kích động từ các thế lực xấu.
"Chúng ta đều là người Việt Nam, đều là con cháu Hồng Lạc, chúng ta cần có trách nhiệm chung với dân tộc, cùng chung tay xây dựng đất nước", Thủ tướng đề nghị các vị chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Nhà nước cùng giải quyết những khó khăn, vướng mắc với tinh thần xây dựng, thiện chí, khách quan, thượng tôn pháp luật và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.
Ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng cũng trực tiếp xử lý, giải quyết các kiến nghị của các vị chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo.
Về kiến nghị Chính phủ có văn bản hướng dẫn sát với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tránh rơi vào cơ chế xin - cho, Thủ tướng nhìn nhận đây là ý kiến xác đáng và cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp với các các quan liên quan, khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn trên cơ sở bám sát các nội dung Luật giao cho Chính phủ thực hiện và sẽ công bố thời gian tới.
Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Nội vụ sớm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Luật, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến Luật đến đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo từ Trung ương đến địa phương. Thủ tướng đề nghị các chức sắc, chức việc, nhà tu hành cũng cần nghiên cứu Luật này để "chúng ta cùng nhau thực hiện tốt pháp luật trên tinh thần thượng tôn pháp luật".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Bí thư Thành uỷ TPHCM và các đại biểu tham gia hội nghị.
"Về ý kiến quý vị nêu việc thành lập chi hội trên các đảo thì hiện nay, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo có quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc. Tới đây, khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thì việc thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc được áp dụng tại điều 28, 29 của Luật này", Thủ tướng phát biểu.
Trước phản ánh về tình trạng căng thẳng ở một số địa phương thời gian qua, Thủ tướng trả lời, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhưng không chấp nhận hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Đảng, Nhà nước, nhân dân cũng như đồng bào có đạo biết rất rõ ai có thái độ xây dựng, ai có thái độ thiếu xây dựng trước các sự việc của đất nước.
Thủ tướng cho rằng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới nhu cầu văn hóa tâm linh của đồng bào có đạo, trong đó có đồng bào có đạo ở nước ngoài. Các tổ chức tôn giáo cần quan tâm, qua sinh hoạt tôn giáo để đoàn kết cộng đồng, bảo tồn, phát huy văn hóa Việt Nam và các lĩnh vực khác, qua đó, xây dựng hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Trong khuôn khổ thời gian hạn hẹp, không thể giải đáp tất cả các vấn đề, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng ghi nhận, xem xét xử lý theo đúng thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng nếu vượt thẩm quyền với tinh thần "không để tình trạng kiến nghị không được trả lời".
Để triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, cần kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối an ninh trật tự, lợi dụng chống phá Nhà nước, gây cản trở đối với Việt Nam trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam (Ảnh: VGP)
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ 1/1/2018, vì vậy Thủ tướng đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo trong thời gian từ nay đến 1/1/2018. Đồng thời, quán triệt, tuyên truyền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện Luật khi có hiệu lực.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, nhân văn, bác ái của các tôn giáo trong đời sống xã hội, làm phong phú và bồi đắp cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam; phát huy nguồn lực trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam nói chung và đồng bào tôn giáo nói riêng trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và lao động sản xuất. Đây vừa là mục tiêu vừa là động lực để chúng ta cùng phấn đấu thực hiện.
Thủ tướng giao Ban Tôn giáo Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chức năng, các địa phương rà soát các cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; các lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề; đặc biệt là vấn đề đất đai, xây dựng cơ sở thờ tự; hoạt động quốc tế, pháp nhân của tổ chức tôn giáo... để kịp thời đề xuất bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh trong các văn bản pháp luật khác phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
"Có thể nói, đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng cho đất nước phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người nhằm góp phần xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh; phát huy các nguồn lực tôn giáo, tạo sức lan tỏa trong xã hội, xây dựng nếp sống văn minh "tốt đời, đẹp đạo" gắn bó đồng hành cùng dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và phát triển đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.
Công Quang - Phương Thảo
Theo Dantri
Hứng chịu 5 trận lũ liên tiếp, Bình Định kêu gọi cứu trợ khẩn cấp Phải hứng chịu 5 đợt lũ liên tiếp trong vòng 1 tháng, người dân ở Bình Định không còn gì để ăn hoặc phải ăn mì tôm. Tỉnh đang kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp lương khô, nước uống, đồ ăn sẵn cứu dân. Mưa lớn liên tiếp đổ xuống Bình Định trong vòng 1 tháng qua khiến nhiều địa bàn trong tỉnh...