Thủ tướng Malaysia dập đầu cầu nguyện cho MH370
Thủ tướng Malaysia vừa đến thăm một ngôi đền Hồi giáo gần sân bay quốc tế Kuala Lumpur để cầu nguyện cho những người trên chuyến bay MH370 mất tích được an toàn.
Thủ tướng Malaysia (thứ ba từ phải sang) dập đầu cầu nguyện cho hành khách MH370 tại một đền thờ Hồi giáo gần sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Ảnh: Xinhua
Theo Xinhua, Thủ tướng Najib Razak cùng những người khác đến cầu nguyện cho các hành khách và tổ bay trên chuyến MH370 của hãng Malaysia Airlines, tại một ngôi đền gần sân bay quốc tế Kuala Lumpur, bang Selangor. Trước đó, khoảng 1.000 người Hồi giáo sống gần đền cũng đến tham dự lễ cầu nguyện thường kỳ.
Ông Najib không có bất cứ bình luận nào về hoạt động tìm kiếm máy báy bay mất tích. Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng cho biết ông sẽ hoãn chuyến thăm chính thức tới Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar để ở lại Malaysia, giám sát cuộc tìm kiếm máy bay mất tích. Theo New Strait Times, chuyến công du của thủ tướng Malaysia đáng lẽ diễn ra từ ngày mai tới ngày 19/3.
Ông Mohammad Hafiz, người tổ chức lễ cầu nguyện, cho biết mỗi ngày ông đều cầu cho 239 người trên máy bay kể từ hôm 8/3, và ông sẽ tiếp tục làm điều đó cho tới khi máy bay được tìm thấy. Trong khi đó, Shamsani, một người dân tham gia, cho biết ông hy vọng tất cả các hành khách, tổ bay sẽ sớm về nhà.
Video đang HOT
Chiếc Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines hôm 8/3 đột nhiên biến mất khi đang trên đường tới Bắc Kinh, không lâu sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur. Gần hai phần ba hành khách là người Trung Quốc. Hoạt động tìm kiếm phi cơ mất tích với nhiều tàu và máy bay của 12 quốc gia nay đã sang ngày thứ 7, nhưng chưa thấy dấu hiệu của nó.
Người Malaysia theo Hồi giáo hôm nay làm lễ cầu nguyện tại đền thờ gần sân bay Quốc tế Kuala Lumpur. Ảnh: Xinhua
Trọng Giáp
Theo VNE
Trung Quốc xin cấp phép thêm tàu và máy bay tìm kiếm MH370
Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn nhận được công văn từ Cục Lãnh sự Bộ ngoại giao về việc vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) xin cấp phép cho 4 tàu cứu hộ và một máy bay C130 tham gia tìm kiếm MH370.
Trung tá Nguyễn Ngọc Sơn, phát ngôn viên của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, lúc 16h30 ngày 14/3, Văn phòng Uỷ ban nhận được Công văn của Cục lãnh sự Bộ ngoại giao về việc vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) xin cấp phép phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn máy bay MH370 của Malaysia, gồm 4 tàu cứu hộ và một máy bay C130. "Chúng tôi đã chuyển nội dung trên đến cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đợi phản hồi", trung tá Sơn nói.
Trung tá Nguyễn Ngọc Sơn thông báo về việc Văn phòng Uỷ ban nhận được Công văn của Cục lãnh sự Bộ ngoại giao về việc vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) xin cấp phép phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Nguyên Anh.
Gần 1 tuần máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH370 mất tích một cách bí ẩn, 12 nước đã tham gia vào công cuộc tìm kiếm. Bên cạnh khu vực lãnh hải của Việt Nam được cho là nơi máy bay có thể gặp nạn, Malaysia đã mở rộng khu vực tìm kiếm ra eo biển Malacca - nơi cách khu vực tìm kiếm hiện tại khoảng 1.000 km.
Đến hôm nay, Việt Nam vẫn duy trì lực lượng tìm kiếm lớn, song chuyển từ trạng thái khẩn cấp sang thường xuyên. Các phương tiện đã dịch về bên trái đường bay như Vùng rừng U Minh (Cà Mau) và vùng đất liền rộng lớn ở quân khu 9, quân khu 7, quân khu 5, khu vực giáp với Campuchia... Tuy nhiên, hiện chưa phát hiện bất kỳ dấu vết nào của MH370.
5 máy bay với 6 chuyến được điều đến khu vực khả nghi. 7 tàu cũng liên tục tìm kiếm. Lúc 9h 20 phút, tại tọa độ 8 độ 13 phút vĩ độ Bắc, 104 độ 34 phút kinh độ đông, máy bay AN26 phát hiện được 1 vệt màu vàng dài 20km phía Tây Nam mũi Cà Mau khoảng 25 lý, gần bờ. Hiện Sở chỉ huy đã giao địa phương xác minh.
Trong ngày, lực lượng nước ngoài tham gia tìm kiếm gồm có 2 máy bay của Trung Quốc, 2 máy bay của Singapore, một tàu Mỹ, một máy bay Nhật Bản. Cho đến cuối ngày, phía Malaysia chưa có đề nghị Việt Nam đưa phương tiện sang phối hợp tìm kiếm.
Trước đó, trong một cuộc họp, tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam kể, cách đây hơn 30 năm, một phi công cũng tên Tuấn, lái chiếc MIG 17 rơi xuống biển khu vực Ninh Trữ (Ninh Thuận). Máy bay không nổ mà chỉ gãy một phần cánh.
"Sau đó, do biển nông nên lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy và trục vớt lên được. Vì thế, đừng mặc định rằng máy bay bay ở độ cao 10 km hay 11 km rơi xuống là phải nổ. Có thể vì máy bay vẫn điều khiển được, tiếp nước với tốc độ không lớn nên vẫn còn nguyên vẹn", tướng Tuấn nói.
Phó Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam không loại trừ giả thiết chiếc Boeing 777 bị hỏng, gãy và đang nằm dưới nước. Các lực lượng tìm kiếm của Việt Nam vẫn tiếp tục được duy trì, chia các vị trí kiểm tra. Các máy bay sẽ nối nhau và tàu thì liên tục tìm kiếm.
Hoàng Thùy
Theo VNE
Máy bay mất tích rơi xuống biển Vũng Tàu? Một nhân viên của giàn khoan dầu Songar Mecur (ngoài khơi Vũng Tàu) khẳng định, đã tận mắt chứng kiến một chiếc máy bay bốc cháy trong khoảng 10-15 giây trước khi rơi xuống biển vào rạng sáng 8/3. Vụ máy bay mất tích: Không tặc có thể đã vào được buồng lái Quần thảo rừng U Minh tìm máy bay mất tích...