Thủ tướng: Luật có tốt, công tác điều hành mới hiệu quả
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ là xây dựng thể chế. Luật pháp tốt, đúng, phù hợp, công tác quản lý điều hành của Nhà nước sẽ hiệu lực, hiệu quả và ngược lại.
Trong hai ngày (từ 16-17/7), tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã tổ chức phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật. Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe các tờ trình từ các Bộ chủ trì soạn thảo, báo cáo thẩm định và tập trung thảo luận, cho ý kiến về các dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật Dân số; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán; dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chức năng xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách,… của Chính phủ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước muốn đi vào cuộc sống phải được thể chế hóa, cụ thể hóa bằng luật pháp, bằng cơ chế, chính sách. Luật pháp có tốt, đúng, phù hợp thì công tác quản lý điều hành của Nhà nước sẽ hiệu lực, hiệu quả và ngược lại.
“Bảo đảm tính kịp thời, đúng tiến độ, không để chậm trễ, không để nợ đọng văn bản; đồng thời đảm bảo chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật, đó là tính hợp pháp, hợp hiến, khả thi” – Thủ tướng yêu cầu.
Xác định rõ vai trò của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan hành pháp và cơ quan chấp hành của Quốc hội là ý kiến của các thành viên Chính phủ trong thảo luận, đóng góp ý kiến vào những vấn đề lớn liên quan đến dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) như vị trí, chức năng của Chính phủ; vị trí và chức năng của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ…
Các ý kiến cũng đề nghị trong xây dựng dự án luật cần bám sát hơn nữa vào tinh thần và các quy định cụ thể của Hiến pháp 2013; thể hiện rõ hơn quy định về sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong thực hiện nhiệm vụ chung; sự phân cấp, phân quyền trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước; đề cao sự chủ động của các thành viên Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành…
Thảo luận Dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương, ý kiến phát biểu của nhiều thành viên Chính phủ cho rằng, dự án luật cần bám sát, thể chế hóa các quan điểm của Đảng về đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương; bảo đảm được sự thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, phát huy dân chủ.
Các thành viên Chính phủ cũng tập trung làm rõ những vấn đề lớn của dự án luật như về mô hình tổ chức chính quyền địa phương; tổ chức và tên gọi cơ quan hành chính quận, phường; mô hình đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt; phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm thành viên UBND các cấp;…
Cho ý kiến về những định hướng lớn trong xây dựng dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến phát biểu, đóng góp ý kiến của các thành viên Chính phủ để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện 2 dự án luật này trên tinh thần bám sát Hiến pháp, thực tiễn và kế thừa các luật hiện hành.
Thảo luận về Dự án Luật Dân số (có 9 chương, 59 điều), các thành viên Chính phủ đã khẳng định sự cần thiết xây dựng dự án Luật này; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến vào những nội dung lớn của dự án luật.
Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán, các thành viên Chính phủ cho rằng, sau 10 năm thực hiện Luật Kế toán cho thấy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán là cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về kế toán, đặc biệt là nguyên tắc kế toán, chế độ kế toán; tạo điều kiện phát triển ngành kế toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội cũng như tạo điều kiện tăng cường quản lý, giám sát của Nhà nước, giám sát của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân trong lĩnh vực kế toán.
Video đang HOT
Với 17 chương, 162 điều, dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã nêu cụ thể, quy định rõ về khái niệm về văn văn bản quy phạm pháp luật; quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; việc tăng cường dân chủ, phát huy trách nhiệm công dân trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật;… nhằm đổi mới cơ chế, quy trình xây dựng, khắc phục các bất cập, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng nghe báo cáo, đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.
Đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để bổ sung, hoàn thiện các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết.
P.Thảo
Theo dantri
Hỗ trợ ngư dân bám biển: Không để tình trạng "được mùa mất giá"
Trả lời PV Dân trí về việc hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn, Thứ trưởng NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định, sắp tới việc đánh giá chất lượng thủy sản sẽ được thực hiện công khai, bớt khâu trung gian trong tiêu thụ, nâng giá bán cho ngư dân.
Ngày 7/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Đây được coi là một nghị định "thần tốc" bởi từ khi soạn thảo đến khi ban hành NĐ chỉ mất có 40 ngày. Chiều 16/7, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã có cuộc gặp mặt và trả lời báo chí xung quanh các chính sách hỗ trợ ngư dân (ND) đóng tàu, bám biển.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám trao đổi với báo chí chiều ngày 16/7
Thưa Thứ trưởng, có thông tin cho rằng việc điều tra nguồn lợi thủy sản xa bờ chưa cụ thể nên ngư dân cũng sẽ khó mặn mà với việc vay số tiền lớn để đóng tàu cá xa bờ. Xin ông cho biết thêm về công tác dự báo ngư trường để có thể phát huy được hiệu quả của Nghị định này?
Chi phí đóng tàu vỏ thép cao hơn 1,5 lần đóng tàu vỏ gỗ. Hơn nữa khi đóng tàu có công suất lớn hơn, ND cần được đào tạo thêm và phải đồng bộ hóa ngư cụ, do vậy e ngại của ND là có thật.
Để ND yên tâm, cần tuyên truyền phổ biến trên cơ sở triển khai một số mô hình có hiệu quả. Gần đây chúng tôi có tổ chức sơ kết mô hình thí điểm sản xuất cá ngừ đại dương theo chuỗi tại 3 tỉnh là Phú Yên, Bình Định và Khánh Hòa. Đây là một trong những đề án nằm trong chủ trương chung để hiện đại hóa ngành cá.
Trữ lượng cá ngừ vằn còn khá tương đối nên trước mắt sẽ chỉ đạo phát triển khai thác đối tượng này. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ lựa chọn ngành ưu tiên để thí điểm. Tất nhiên, trước mắt ND còn phải suy nghĩ vì Nghị định nói rõ rằng ND và chủ tàu sẽ quyết định việc đóng và sửa chữa tàu chứ không thể ép buộc họ.
Theo một số ND đã dùng tàu vỏ thép, tàu vỏ thép có chi phí đi biển cao. Điều này cũng khiến nhiều thuyền viên e ngại khi tham gia đi biển với chủ tàu vỏ thép vì họ lo sợ hiệu quả sản xuất không cao. Để khuyến khích ND đóng tàu cũng như vươn khơi, trong Thông tư hướng dẫn của Bộ có chính sách nào hỗ trợ ND vay vốn lưu động không?
Điều 4 trong Nghị định 67 có đề cập chính sách vay vốn lưu động. Theo đó, ND được vay vốn tín dụng dài hạn để đóng tàu và vay vốn ngắn hạn để có vốn lưu động. Vay vốn lưu động là rất quan trọng. Trước đây ND phải vay và phụ thuộc vào nậu vựa. Nay chính sách mới sẽ giúp ND có có vốn lưu động cho từng chuyến ra khơi mà không phải phụ thuộc vào nậu vựa nữa. Để ND vay được vốn lưu động này thì vai trò của tổ chức tín dụng là rất quan trọng.
Có 24 mẫu thiết kế tàu vỏ thép để ngư dân lựa chọn
Xin Thứ trưởng cho biết đến nay đã có bao nhiêu mẫu tàu cá được lựa chọn? Ngư dân sẽ được quyền lựa chọn mẫu tàu như thế nào khi được vay vốn của Nhà nước?
Theo Nghị định 67, ND sẽ được hỗ trợ thiết kế mẫu tàu vỏ thép. Chúng tôi sẽ thiết kế 24 mẫu tàu cho 6 nghề theo quy mô từng nghề đảm bảo yêu cầu khai thác của từng nghề và đảm bảo tối ưu vật liệu. Chúng tôi sẽ cố gắng ban hành các mẫu tàu này trước 25/8 và ND có quyền lựa chọn mẫu thiết kể trong đó với quy mô đầu tư phù hợp, lựa chọn doanh nghiệp thiết kế tàu. ND cũng có không dùng mẫu thiết kế tàu của Bộ nhưng nếu họ thuê thiết kế riêng thì chi phí sẽ cao hơn và mẫu tàu của họ sẽ phải được phê duyệt trước khi tiến hành thi công. Do đó, Bộ sẽ cố gắng tối ưu hóa các mẫu tàu để ND lựa chọn.
Thưa ông, đến nay Bộ đã có phương án gì để tránh phá vỡ quy hoạch nếu người dân ồ ạt tham gia đóng tàu?
Nếu không có chính sách quản lý tốt thì nhiều ND ồ ạt đóng tàu tự phát như Quyết định 393-TTg thì sẽ có nhiều tàu phải nằm bờ. Do vậy, trong thiết kế Nghị định 67 đã đưa ra một số cơ chế kiểm soát căn cứ vào quy hoạch của Bộ NN&PTNT và dựa vào nguồn lợi thủy sản. Trong chính sách phát triển con cá ngừ đại dương đã có quy hoạch cho tàu và giao cho 3 tỉnh từ hạn mức đóng tàu, và sẽ làm tương tự với các nghề khác để hướng dẫn địa phương phát triển nghề.
Thứ 2, ND và chủ tàu muốn vay vốn theo chính sách cho vay dài hạn để đóng tàu vỏ sắt phải đăng ký với UBND xã, từ đó họ sẽ kiểm tra xem họ có thực sự đi biển không, họ làm nghề gì, sau đó mới trình lên UBND tỉnh phê duyệt. Điều này vẫn đảm bảo quyền của ND và chủ tàu đánh bắt xa bờ đồng thời biết nhu cầu vay vốn của ND là bao nhiêu, phát triển nhóm nghề nào, và từ đó tư vấn cho ND phát triển nghề phù hợp.
Thứ ba, trong quy trình vay vốn, giải ngân cần có sự giám sát của ngân hàng. Chính sách khuyến khích tạo điều kiện để ND tiếp cận vốn nhưng phát triển phải có định hướng, có lợi cho ND, tránh tình trạng ND nhiều tỉnh cùng đăng ký phát triển một nghề sẽ làm cạn kiệt tài nguyên và gây ra mâu thuẫn về quyền lợi.
Công khai đánh giá chất lượng thủy sản, nâng giá bán cho ND
Hiện nay, đa số ND không được sở hữu tàu vì không có khả năng vay vốn và trả nợ. Họ phải thuê lại tàu từ các doanh nghiệp đóng tàu rồi thuê người ra khơi đánh bắt. Theo Thứ trưởng, việc ra đời Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản sẽ giúp ND tàu gỗ thoát nghèo như thế nào?
Chính sách này không phân biệt ND tàu vỏ gỗ hay tàu gì mà hỗ trợ tất cả ND đi biển. Với tàu vỏ gỗ, có nhiều vấn đề cần xem xét. Với tàu gỗ công suất 90CV trở lên thực hiện đánh bắt ven bờ cần tổ chức lại, nâng cao kỹ thuật kết hợp với bảo vệ nguồn lợi ven bờ và khuyến khích ND có tàu gỗ công suất nhỏ hơn 90CV đăng ký đóng tàu vỏ sắt để tiến hành đánh bắt xa bờ. Hỗ trợ ND đóng tàu vỏ sắt cũng là một chính sách hỗ trợ họ thoát nghèo.
Ngư dân được phép dùng tàu vỏ sắt làm thế chấp khi vay vốn sản xuất
Nghị định 67 ra đời sẽ giải quyết vấn đề hạ tầng nghề cá cho tàu cá công suất lớn như thế nào để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng tồn ứ và ND bị ép giá?
Đây là vấn đề lớn của nghề cá và cần thực hiện các bước theo quy hoạch trong QĐ445 và QĐ375 và đề án tái cơ cấu ngành thủy sản. Thực hiện QĐ67, cần tăng cường xây dựng CSHT đồng bộ gồm cảng cá, khu neo đậu, chợ và các cảng dịch vụ cho ND. Đề án thí điểm sản xuất cá ngừ đại dương theo chuỗi đã tổ chức đấu giá, công bố công khai chất lượng cá ngừ. Hiện nay chất lượng cá ngừ do tàu vựa đánh giá và ND không được đánh giá. Do vậy, trước mắt sẽ làm thí điểm với con cá ngừ, sau đó sẽ làm khâu bảo quản, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với chủ tàu để bớt khâu trung gian, kiểm soát chất lượng minh bạch để ND được tiếp cận và có giá phù hợp hơn.
Khi ND đóng tàu vỏ sắt với công suất lớn sẽ hình thành những nhóm sản xuất. Do đó, việc quản lý đội tàu đòi hỏi người đứng đầu đội sản xuất phải có năng lực thực sự, trong khi đa số ND lại chỉ học hết cấp 1. Theo Thứ trưởng, làm thế nào để giúp ND nâng cao năng lực quản lý đội tàu?
Đây là nghề cá nhân dân, cha truyền con nối nên tàu vỏ gỗ không có nhu cầu lớn về điều khiển phương hiện đại, nhưng khi đóng tàu vỏ thép hiện đại có trang thiết bị mới thì ND phải được đào tạo thêm. Trong Nghị định có hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, vận hành tàu, hướng dẫn tập huấn kỹ thuật khai thác, bảo quản trên tàu miễn phí. Trong đề án cá ngừ ta thuê cả chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn. Về quản lý đội tàu thí đã có chính sách liên kết hình thành tổ sản trên biển để mỗi đội tàu cử ra được trưởng nhóm và đội trưởng có trình độ và năng lực để tập hợp ND, nhất là tàu dịch vụ nghề cá được trang bị hiện dại cũng giúp liên kết với ND.
Để Nghị định sớm được triển khai vào thực tiễn, về phía ngành đã có sự chuẩn bị về Thông tư và các văn bản hướng dẫn như thế nào thưa Thứ trưởng?
Chúng tôi đang tiến hành thống kê ý kiến và sẽ cố gắng ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định này trước 25/8.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Nguyên An (thực hiện)
Theo Dantri
"Nâng cao năng lực để bảo vệ ngư dân" Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám nhận định, việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển của Việt Nam là tin vui đối với ngư dân Việt Nam, nhưng những rủi ro sẽ vẫn còn phức tạp. "Tôi nghĩ đây là kết quả của quá trình đấu tranh của ngư dân,...