Thủ tướng: Loại khỏi ngành thuế những cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực
Ngày 9/7, tại buổi làm việc với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo phải kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực.
Dù đánh giá cao những đóng góp tích cực của ngành thuế thời gian qua, song trong phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng cho rằng, ngành vẫn có nhiều tồn tại, hạn chế. Yếu kém của công tác quản lý thuế thể hiện rõ nhất nếu so sánh với các nước trong khu vực, khi số giờ nộp thuế của Việt Nam hiện nay là lớn nhất, số lần nộp thuế cũng cao nhất.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo đưa ra khỏi ngành những cán bộ thuế nhũng nhiễu, tiêu cực
Thủ tục hành chính thuế phức tạp, khó khăn trong thực hiện không những làm mất thời gian của người dân và doanh nghiệp mà còn nảy sinh tình trạng nhũng nhiễu, hách dịch, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức trong ngành, làm thất thu thuế của nhà nước. Đây là những hạn chế, yếu kém mà ngành thuế cần phải đặc biệt quan tâm, tập trung khắc phục bằng những giải pháp, hành động cụ thể và hiệu quả. “Phải kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực”, Thủ tướng yêu cầu.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh: “Cải cách hành chính là một trong những khâu đột phá nhằm tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí”.
Thủ tướng yêu cầu ngành thuế phải hoàn thành tốt nhiệm vụ về thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh các khâu trong công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế, khắc phục cho được tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu trong ngành… “Bằng mọi biện pháp, tập trung rà soát, cải cách thủ tục hành chính theo các tiêu chí cụ thể nhằm giảm số lần, thời gian nộp thuế của người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.
Theo báo cáo về công tác quản lý thuế, 6 tháng đầu năm 2014, kết quả thu do cơ quan thuế quản lý ước đạt gần 54% so với dự toán, tăng 14,5% so với cùng kỳ.
Cùng ngày, Thủ tướng cũng làm việc với Tổng cục Hải quan về công tác quản lý và cải cách thủ tục hành chính hải quan. “Thủ tục hải quan cho xuất khẩu mất 4 ngày, cao gấp 2 lần so với bình quân khu vực. Thủ tục nhập khẩu là 4 ngày trong khi bình quân khu vực chỉ có 3 ngày là không thể chấp nhận được”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong công tác quản lý và thủ tục hải quan vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nổi lên là việc tổ chức, triển khai thực hiện cơ chế, chính sách về quản lý và cải cách thủ tục hải quan nhiều trường hợp còn chậm, chưa thật hiệu quả; công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện các quy định về quản lý và thủ tục hải quan chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là theo hướng đơn giản, minh bạch, công bằng, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho rằng, nhận thức, trách nhiệm, tinh thần phục vụ của một số cán bộ hải quan chưa cao, vẫn còn tình trạng tiêu cực, sách nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Một số cán bộ hải quan thông đồng với doanh nghiệp buôn lậu, thông quan sai, chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước, gây thất thu cho ngân sách, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.
Thủ tướng yêu cầu ngành Hải quan từng bước được hiện đại hóa theo hướng tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ và cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu về hội nhập, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, thúc đẩy tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước.
Quang Phong
Theo Dantri
Thủ tướng: "Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin lỗi nhân dân"
Lắng nghe và xem xét hơn 300 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng chia sẻ, làm lãnh đạo doanh nghiệp vô cùng khó và để tình trạng cấp cơ sở gây khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng nói: "Tôi xin lỗi nhân dân".
Thủ tướng: "Tôi mong mỗi doanh nghiệp xây dựng được văn hóa của mình" (Ảnh: VGP).
Hội trường lớn của Trung tâm Hội nghị quốc tế ngày 28/4 chật kín không còn trống một chỗ ngồi. Hàng trăm đại biểu từ các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp trong cả nước đổ về tham dự "Thủ tướng và doanh nghiệp 2014" - tại đây, các thành viên Chính phủ sẽ lắng nghe doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc và đưa ra những kiến nghị cho cơ quan điều hành.
Còn về phía các doanh nghiệp, nói như bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, "đến đây không phải để nghe thành tích mà để có được cách giải quyết vướng mắc".
Theo phản ánh của bà Cúc, mặc dù Tổng cục Thuế đã có tuyên ngôn về người nộp thuế rất rõ ràng, nhưng "càng xuống dưới nhiệt huyết càng mất đi" và trong việc tháo gỡ chính sách về thuế thì việc "tiếp tục tinh thần lãnh đạo ngành rất khó khăn".
Hay như trong chuyện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, có những doanh nghiệp suốt ngày phải mất thời gian tiếp các đoàn thanh tra với cùng một nội dung. Trong khi đó, tư tưởng chung của cơ quan thanh tra, kiểm tra là cứ phải phát triển ra được sai sót và phải thu được tiền về.
Trước phản ánh này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói, "Tôi nghe Hội tư vấn thuế nói, tôi rất sốt ruột. Bây giờ nộp thuế mà cũng khó khăn quá".
Trước hàng trăm đại diện của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam, Thủ tướng chia sẻ: "Tôi thực sự xin lỗi. Là người đứng đầu Chính phủ, tôi cũng xin lỗi nhân dân. Bây giờ tôi nghe nói như thế, quyết tâm trên này hăng hái như thế, đi càng xuống càng giảm, tới nhân viên thành như không có chuyện gì xảy ra".
Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ trăn trở, "Bây giờ như thế, doanh nghiệp sẽ như thế nào, khi mà đây là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế?".
Trong Hội nghị này, vướng mắc nộp thuế chỉ là một trong hàng loạt các vấn đề được phía doanh nghiệp đưa ra. Hơn 300 kiến nghị đã được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp trình lên Chính phủ và gửi tới các Bộ ngành, các cơ quan hữu quan.
(Ảnh: VGP).
Làm doanh nghiệp khó lắm!
Qua lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng đánh giá, có một nội dung mà Chính phủ đang tập trung chỉ đạo, là cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính. "Bây giờ chúng tôi nghiêm túc nhìn nhận, thấy đúng là có một bước tiến dài nhưng thủ tục hành chính vẫn còn cản trở, gây khó khăn cho cộng động doanh nghiệp. Đây là trách nhiệm của Chính phủ".
Lấy ví dụ về thủ tục thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh, Thủ tướng khẳng định, Hiến pháp là đạo luật cao nhất và Luật doanh nghiệp đã nêu rõ, doanh nghiệp được kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Thế nhưng trong thực tế, thủ tục quá nhiều.
"Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo từ 15 ngày đã rút xuống còn 3,5 ngày, nhưng có thể nhanh hơn nữa được không?", người đứng đầu Chính phủ đặt vấn đề.
Bên cạnh đó là tình trạng không công bằng trong thủ tục đất đai, trong kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp dù là đúng pháp luật nhưng gây phiền hà. Thủ tướng nói, "có khi do không phải thủ tục mà do đạo đức, phẩm chất của cán bộ công chức".
Thông cảm với những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, Thủ tướng nói: "Cũng có lần tôi nói rất chân thành, rằng, bây giờ phân công tôi làm Thủ tướng, tôi nghiêm túc chấp hành, sẵn sàng làm chứ phân công tôi làm doanh nghiệp là tôi từ chối. Làm không được đâu! Tôi nói như thế để biết là các anh, chị làm Chủ tịch, Tổng giám đốc doanh nghiệp là khó lắm".
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng gửi gắm, muốn thành công trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt như thế này thì năng lực quản trị của doanh nghiệp phải được nâng lên, phải áp dụng khoa học kỹ thuật và nâng cao năng suất lao động.
"Tôi cũng mong mỗi doanh nghiệp xây dựng được văn hóa của mình. Trước hết là quan hệ với người lao động trong doanh nghiệp, cố gắng đóng bảo hiểm ngoài tiền lương theo quy định cho công nhân, coi như một nhà chung sức với nhau để phát triển, cùng có lợi", Thủ tướng nói.
Đối với xã hội, doanh nghiệp nào có điều kiện thì đóng góp xóa đói giảm nghèo, từ thiện. Đối với đất nước phải thực hiện đúng luật thuế.
Thông qua đàm phán các Hiệp định thương mại, Chính phủ đang nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp, tuy nhiên, theo Thủ tướng, bản thân doanh nghiệp cũng phải biết giữ thị trường và phải đoàn kết với nhau.
"Nếu buôn không có bạn, bán không có phường, cạnh tranh với nhau làm sao mà tồn tại được. Cá tra, cá basa, rồi tôm... cạnh tranh nhau rồi chính chúng ta phá nhau".
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp vươn lên nhưng không còn cách nào khác là doanh nghiệp phải tự vươn lên. Chẳng hạn trong sản xuất, kinh doanh đường, nếu nhà máy không cải thiện năng suất, không cải tiến công nghệ để hạ giá thành thì không thể cạnh tranh được với đường nhập khẩu. Chính phủ chỉ có thể hỗ trợ chứ không thể đưa luật ra "ngăn sông cấm chợ" bảo hộ cho doanh nghiệp.
Bích Diệp
Theo Dantri
Doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ hóa đơn điện tử Nhiều doanh nghiệp Việt đã nhanh chóng thích ứng với những giải pháp mang tính đột phá: giải pháp hóa đơn điện tử - thay thế cho hóa đơn giấy truyền thống. Tổng cục Thuế cho hay bắt đầu từ năm 2014, cơ quan này sẽ tiến hành thí điểm dịch vụ hóa đơn điện tử ở một số ngành trên địa bàn...