Thủ tướng lệnh dừng xây các khu trung tâm hành chính tập trung
Để có điều kiện đánh giá kỹ hơn và rút kinh nghiệm việc đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tập trung, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tạm dừng triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tập trung.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho một số địa phương lập quy hoạch và chuẩn bị đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính theo hướng đảm bảo đáp ứng nhu cầu xây dựng hệ thống hành chính tập trung, hiệu quả, sử dụng nguồn vốn đầu tư từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất các cơ sở nhà, đất hành chính cũ và ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, để có điều kiện đánh giá kỹ hơn và rút kinh nghiệm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tạm dừng triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tập trung.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện việc đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tập trung tại các địa phương trong thời gian qua và đề xuất giải pháp phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương tạm dừng triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tập trung
Xây trụ sở không phải là vấn đề cần ưu tiên
Theo Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, việc liên quan đến xây dựng những trung tâm hành chính tỉnh với quy mô không nhỏ, đến cả ngàn tỷ và thậm chí có những dự án đang đề xuất là đến cả 10.000 tỷ trong bối cảnh hiện nay gây ra bức xúc không chỉ với Quốc hội đang trong kỳ họp mà ở xã hội cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
“Bản thân giới chuyên gia chúng tôi cũng hết sức lo ngại. Trước tiên, đó là chuyện hiện nay ngân sách của chúng ta đang rất eo hẹp. Hàng năm ngân sách của chúng ta thâm hụt khoảng 5% GDP, như vậy, liên tục trong những năm qua, nợ công của chúng ta tiến rất nhanh đến ngưỡng an toàn (65%GDP). Chính phủ cũng đang phải tính sẽ phát hành 3 tỷ đô la trái phiếu vì chúng ta không có nguồn để trả nợ cũ mà còn phải vay nợ mới.” chuyên gia Vũ Đình Ánh phân tích.
Video đang HOT
Theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh khó khăn và nhiều dự án đầu tư công đang phải sắp xếp điều chỉnh lại mà đặt ra hàng loạt dự án như vậy không chỉ gây ra bức xúc mà thậm chí còn gây sự khó hiểu nhất định đối với sự quản lý ngân sách nói chung cũng như quản lý hoạt động đầu tư công nói riêng.
Theo TS Vũ Đình Ánh, việc xây những trung tâm hành chính tập trung không phải là không đúng chủ trương bởi ngoài đầu tư cho kinh tế thì vẫn phải đầu tư cho xã hội, văn hóa…, nhưng quan trọng là vấn đề thời điểm. “Khi nào chúng ta thấy thích hợp thì mới triển khai các dự án như vậy. Quan trọng nhất là phải có trật tự ưu tiên để làm sao những dự án, công trình bức xúc nhất, quan trọng nhất phải triển khai trước thay vì những công trình mà tính chất chưa hẳn là quan trọng hay thời điểm chưa thích hợp.” ông nói.
Theo ông, hiện nay nhu cầu đầu tư nói chung, đặc biệt là nhu cầu đầu tư công, từ Trung ương đến dịa phương đều phải đặt vấn đề là công trình thật sự bức xúc mới được ưu tiên.
“Vấn đề này hiện nay Quốc hội đang có những ý kiến khác nhau, ví dụ như tiết kiệm chi thường xuyên, thậm chí chưa tăng lương năm 2016, Còn theo quan điểm của tôi, mục mà chúng ta cần tiết kiệm và chống lãng phí nhất trong bối cảnh hiện nay là xem xét lại đầu tư công của nhà nước. Hiện nay, tuy không lớn nhưng việc triển khai nhiều dự án đầu tư công chưa thực sự cần thiết là cần phải rà soát. Bởi vì, mỗi dự án đầu tư công chi cả chục, cả trăm, cả ngàn tỷ nhưng hiệu quả đầu tư công lại đang khó đánh giá.” TS Vũ Đình Ánh nhận xét.
Về ý kiến cho rằng địa phương tự cân đối nguồn vốn, thậm chí là không cần xin ngân sách Trung ương hay có thể đi vay, bán đất trụ sở cũ…, ông Ánh nói:
“Khi chúng ta bắt đầu thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, đã có quy định rất chặt chẽ. Đó là bất kể công trình đầu tư công nào, từ khâu phê duyệt chủ trương đến quyết định đầu tư đều phải giải thích hoặc xác định rõ nguồn vốn. Hiện nay, chúng ta quá băn khoăn về nguồn vốn mà lại quên mất một vấn đề rất quan trọng trong đầu tư công, trong đó có các trung tâm hành chính, tượng đài…, là những công trình đó đã quá cấp thiết hay chưa chứ chưa nói đến tiền ở đâu ra.” TS nêu quan điểm.
Theo vị chuyên gia này, vấn đề thứ hai không kém phần quan trọng, đó là chưa khắc phục bệnh đầu tư công theo phong trào.
“Nhìn thấy các trung tâm hành chính tập trung này, tôi có cảm nhận hoàn toàn là quay lại đầu tư theo phong trào. Tỉnh này có thì tỉnh kia cũng phải có. Đây là lỗi trong đầu tư công mà chúng ta phải khắc phục.” ông nói.
Cũng theo TS Ánh, vấn đề cần quan tâm nữa, đó là việc đầu tư dàn trải. “Trong tình huống như thế này, ngân sách trung ương và địa phương đều khó khăn, có đi vay nợ cũng không đơn giả, chúng ta không thể mượn cớ xây dựng để phục vụ cho cải cách hành chính. Trong cải cách hành chính, vấn đề cơ bản là cán bộ, là cách thức tổ chức chứ không phải là hình thức như cái trung tâm hành chính tập trung.” TS thẳng thắn nêu quan điểm.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, TS Phạm Sĩ Liêm day dứt: “Quê tôi Nghệ An, là tỉnh nghèo nhất nước, cùng với Thanh Hóa là tỉnh đông dân và cũng rất nghèo, được Trung ương trợ cấp vào loại nhiều nhất, trong lúc cấp bách như thế này lại đi xây trụ sở cho nó đàng hoàng là chưa phải. Phải là hạ tầng đô thị hay trường học, bệnh viện chứ chưa phải là trụ sở.”
Còn Phó Vụ trưởng Vụ ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính Đỗ Việt Đức thì nhấn mạnh, những địa phương đó điều đầu tiên là phải thực hiện việc phát triển kinh tế nói chung, trong đó thực hiện tốt việc đảm bảo an sinh xã hội. Sau khi những nhiệm vụ đó cơ bản hoàn thành mới có thể dành nguồn cho cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trụ sở, hoặc nếu có nguồn thì mới xây dựng mới.
Xuân Hưng
Theo_VnMedia
Tạo dựng khung pháp lý đầy đủ thi hành Luật đầu tư
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư nhằm góp phần tạo dựng khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ và minh bạch cho việc thi hành Luật đầu tư.
Ảnh minh họa
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo Nghị định nhằm 4 mục tiêu cụ thể:
Một là, quy định chi tiết nguyên tắc, cách thức áp dụng và thực hiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh cũng như cơ chế tập hợp, công bố, giám sát thi hành các quy định về vấn đề này nhằm bảo đảm thực hiện nhất quán nguyên tắc: nhà đầu tư được tự do đầu tư kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.
Hai là, cụ thể hóa một số quy định về bảo đảm đầu tư và chính sách ưu đãi đầu tư đối với một số ngành, nghề, địa bàn nhằm tiếp tục củng cố, hoàn thiện cơ chế bảo hộ, khuyến khích đầu tư phù hợp với các cam kết hội nhập của Việt Nam, đồng thời bảo đảm thu hút đầu tư chọn lọc và có hiệu quả.
Ba là, hướng dẫn thực hiện một số quy định của Luật nhằm cải cách thủ tục hành chính trong toàn bộ quá trình thực hiện dự án đầu tư từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thành lập tổ chức kinh tế đến triển khai, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư và các hoạt động kinh doanh.
Bốn là, quy định chi tiết nội dung, trách nhiệm và cơ chế phối hợp quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh giữa các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, cơ quan đăng ký đầu tư nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 79 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ những quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh; ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; thủ tục đầu tư...
Đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư
Theo dự thảo đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 và Điều 16 Luật đầu tư được quy định chi tiết như sau: 1- Dự án đầu tư thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư hoặc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định; 2- Dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định; 3- Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; 4- Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên trừ lao động làm việc không trọn thời gian và lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng; 5- Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao.
Mức ưu đãi cụ thể đối với các dự án trên được áp dụng như sau: Mức ưu đãi đối với dự án đầu tư 1, 2, 5 thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và đất đai; mức ưu đãi đối với dự án đầu tư 3 được áp dụng như mức ưu đãi đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; mức ưu đãi đối với dự án đầu tư 4 được áp dụng như mức ưu đãi đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Dự thảo nêu rõ, trường hợp dự án đầu tư đáp ứng điều kiện hưởng các mức ưu đãi khác nhau, nhà đầu tư được chọn áp dụng mức ưu đãi đầu tư cao nhất.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.
Tuệ Văn
Theo_Báo Chính Phủ
Cần Thơ muốn xây 'trung tâm hành chính tầm nhìn trăm năm' Khu trung tâm hành chính mới của Cần Thơ rộng 11 hecta nằm ở khu Nam với kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó đề xuất trung ương hỗ trợ một nửa. Tòa nhà UBND TP Cần Thơ hiện nay. Ảnh: Cửu Long UBND TP Cần Thơ vừa phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng cuộc thi ý tưởng thiết kế...