Thủ tướng: Lắng nghe ý kiến, xem ‘hỗ trợ đã đến nơi, đến chốn chưa’
Sáng nay (13/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về công tác chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Thủ tướng với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh ứng phó dịch COVID-19 khi mà giữ cho mặt trận thứ 2 về kinh tế không bị đứt gãy cũng là yêu cầu cấp bách.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp – Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tham dự có lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, VCCI…
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho rằng, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, trong đó mức độ thiệt hại đối với cộng đồng doanh nghiệp rất nặng nề, có những ngành bị ảnh hưởng rất lớn như du lịch, vận tải, dịch vụ ăn uống… Không chỉ các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp Nhà nước mà cả doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn chồng chất. Trước tình hình ấy, nếu không nhìn thấy, không có sự động viên, khích lệ, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, sự vươn lên của doanh nghiệp thì doanh nghiệp, nhân tố quan trọng đóng góp cho tăng trưởng, giải quyết việc làm, sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Thủ tướng hoan nghênh một số sáng kiến về vấn đề này, cho rằng tiếp theo các gói hỗ trợ thì nên có một hội nghị với doanh nghiệp toàn quốc để lắng nghe thêm ý kiến, để kiểm tra, “xem sự hỗ trợ của chúng ta đã đến nơi, đến chốn chưa, có gì vướng mắc”. Thủ tướng mong muốn lắng nghe đầy đủ ý kiến của các loại hình doanh nghiệp, các hiệp hội… để có quyết sách đúng.
Do đó, cần tổ chức hội nghị này nhằm xử lý, giải quyết các vấn đề, hỗ trợ, động viên, lắng nghe ý kiến của các loại hình doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề phản ánh tâm tư, nguyện vọng để khắc phục các bất cập, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vươn lên.
Thủ tướng nêu rõ, việc đầu tiên trong giai đoạn hiện nay là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nhưng nhiệm vụ thứ 2 rất quan trọng đối với Chính phủ là bảo vệ lực lượng sản xuất, trước hết là các loại hình doanh nghiệp để kinh tế không bị đổ gãy. “Chúng ta đã có một số biện pháp hỗ trợ thì chúng ta tiếp tục lắng nghe có những biện pháp trong thời gian tới, những biện pháp như vậy đã bao quát chưa”.
Thủ tướng lấy ví dụ về một giải pháp ít tốt kém mà Nhà nước làm được là tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt, “sự chậm trễ, cửa quyền, rườm rà, phức tạp sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển”. Cơ chế nào ràng buộc, gây khó, Thủ tướng đặt vấn đề và nhấn mạnh tinh thần là tìm mọi biện pháp để tháo gỡ, tạo thuận lợi cho mọi loại hình doanh nghiệp vươn lên, làm sao có dòng vốn mới đầu tư vào Việt Nam.
Thủ tướng cho rằng, cần có một sản phẩm sau hội nghị, có thể là một nghị quyết hay văn bản nào đó về vấn đề này.
Nhấn mạnh sự cần thiết của việc tổ chức hội nghị, ý kiến các bộ, ngành cho rằng, mục tiêu là động viên, khích lệ cộng đồng doanh nghiệp bình tĩnh, tự tin, vững bước vượt qua khó khăn, thách thức; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Hội nghị đề cập đến chủ đề doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ khởi động nền kinh tế.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bày tỏ cảm ơn Thủ tướng sẽ tổ chức cuộc gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp, các chiến sĩ trên mặt trận chống suy giảm kinh tế, rất trông đợi sự kiện này, để làm sao có thể tận dụng được “thời gian vàng” phục hồi kinh tế.
Ông cho rằng sau hội nghị, cần có một chương trình hành động cụ thể tiếp sức cho doanh nghiệp trụ vững và có thể hồi phục trong thời gian tới. Chương trình này cần có có địa chỉ, có thời gian, có người thực hiện, có chế tài cụ thể.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, trước hết, các bộ cũng phải tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, chứ không phải vấn đề gì cũng đẩy lên Thủ tướng; nhấn mạnh việc Chính phủ tiếp tục đổi mới trong điều hành thông qua áp dụng công nghệ, xây dựng Chính phủ điện tử.
Một số ý kiến đề xuất tổ chức hội nghị theo hình thức vừa trực tuyến vừa truyền hình trực tiếp để cộng đồng doanh nghiệp và người dân theo dõi.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, mặt trận thứ nhất là “chống dịch như chống giặc”, mọi người dân là chiến sĩ trên mặt trận đó. Bây giờ, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam đã khó khăn nhiều, phải có mặt trận thứ 2 là mặt trận phát triển kinh tế, trong đó, doanh nghiệp, doanh nhân là chiến sĩ. “Chúng ta giữ cho mặt trận thứ 2 về kinh tế không bị đứt gãy, giữ được việc làm cho người lao động và có sự tăng trưởng cần thiết, là yêu cầu cấp bách hiện nay”.
Thủ tướng khẳng định sự cần thiết tổ chức hội nghị để phục hồi nền kinh tế sau dịch COVID-19 với chủ đề hướng vào tái khởi động nền kinh tế sau dịch.
Về sản phẩm sau hội nghị, Thủ tướng gợi ý, có thể là một quyết định về chương trình hành động tái khởi động nền kinh tế hoặc một nghị quyết nêu các biện pháp cần thiết thúc đẩy phát triển doanh nghiệp…
Tại hội nghị, cần có báo cáo về tình hình doanh nghiệp hiện nay và các định hướng lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển các loại hình doanh nghiệp, giữ nhịp độ phát triển.
Thủ tướng nhất trí việc tổ chức hội nghị theo hình thức vừa trực tuyến vừa truyền hình trực tiếp và thời gian tổ chức vào thời điểm phù hợp, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh bởi bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là quan trọng nhất.
Răn đe người chủ quan ra đường để công sức chống dịch không 'đổ sông đổ bể'
ĐBQH cho rằng chỉ một nhóm người dân chủ quan ra đường giữa dịch bệnh có thể khiến cho nỗ lực của cả hệ thống chính trị đổ sông, đổ bể.
Sau hơn 1 tuần nghiêm túc thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, những ngày qua ở Hà Nội và TP.HCM, người dân lại đổ xô ra đường gây cảnh tượng đông đúc, nhộn nhịp. Điều này có nguy cơ đe dọa thành quả phòng chống dịch COVID-19 của cả nước.
VTC News có cuộc phỏng vấn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về vấn đề này.
ĐBQH Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
- Một tuần sau Chỉ thị 16 của Thủ tướng, đường phố Hà Nôi, TP.HCM bắt đầu đông nghẹt như chưa từng có lệnh cách ly xã hội, thưa ông?
Chính phủ đã công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc. Đây là đại dịch, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều bị ảnh hưởng rất lớn. So với thế giới, Việt Nam bị tác động chưa nhiều nhưng chúng ta không thể nào chủ quan, mất cảnh giác được.
Ở nước ta hiện nay, nếu để lây nhiễm nhiều trong cộng đồng thì bệnh viện có thể quá tải, không đủ y bác sĩ để điều trị cho người nhiễm, rất nguy hiểm. Khi không đủ lực lượng, số ca mắc quá đông sẽ dẫn đến chết người, đó là điều tất nhiên.
Vì vậy, ý thức của toàn bộ người dân trong việc phòng chống bệnh COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng là cực kỳ quan trọng.
Một tuần qua, mọi người cơ bản chấp hành rất tốt. Tuy nhiên 2 ngày gần đây, ở Hà Nội, TP.HCM có hiện tượng dân đổ xô ra đường, tụ tập, đi lại rất đông, có người không mang khẩu trang. Ở các ngã ba, ngã tư, khi đèn đỏ, rất nhiều xe máy ùn ứ lại, điều này rất nguy hiểm vì không hề có sự giãn cách xã hội.
Một số người còn tụ tập để câu cá, hát hò... Đây có thể coi là hành động hết sức phi lý, có phần vô cảm trong bối cảnh hiện nay.
Sự thiếu ý thức của một số người có thể dẫn đến hậu hoạ mà chúng ta không thể lường trước, khiến công sức chống dịch 2 tháng nay có thể đổ sông, đổ biển.
Nếu lỡ phát sinh một cộng đồng nhiễm bệnh lây lan nhanh thì chúng ta sẽ trở tay không kịp. Trên thế giới, nhiều nước hùng mạnh về kinh tế, quân sự đang thảm thương vì tình cảnh này. Cho nên Việt Nam phải cố gắng cao nhất để điều đó không xảy ra.
- Hà Nội, TP.HCM và các địa phương trên phải làm gì để ngăn chặn kịp thời sự chủ quan của người dân và không để xảy ra viễn cảnh đen tối đó?
Chúng ta đã có quy định xử phạt vi phạm hành chính với vấn đề phòng chống dịch COVID-19, vì vậy phải xử phạt nghiêm minh để phòng ngừa, răn đe với những người thiếu ý thức.
Sự thiếu ý thức của một số người có thể dẫn đến hậu hoạ mà chúng ta không thể lường trước, khiến công sức chống dịch 2 tháng nay có thể đổ sông, đổ biển. ĐBQH Phạm Văn Hoà
Việc tập trung đông người ở các quán hàng, ngã ba, ngã tư, hay tụ tập hát hò, câu cá là điều cấm kỵ. Lực lượng chức năng cần xử phạt nghiêm các đối tượng này. Với những kẻ lợi dụng dịch COVID-19 để đua xe cũng phải bị xử lý.
Còn những người trốn cách ly là đối tượng nguy hiểm, có thể trở thành nguồn lây nhiễm cho xã hội, cần phạt nặng. Người không đeo khẩu trang cũng phải xử phạt.
- Ngoài việc xử phạt những người vi phạm, có cần thiết áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn không, thưa ông?
Tôi cho rằng hiện nay, biện pháp hàng đầu là xử phạt những người vi phạm, song song với việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân.
Với những kẻ có hành vị chống đối, cự cãi, không hợp tác thì phải bắt giữ, bắt giam theo quy định đề phòng ngừa, răn đe.
Theo tôi, thời điểm hiện tại, các biện pháp của chúng ta đã cứng rắn, nếu muốn mạnh hơn nữa thì phải chờ ý kiến của Chính phủ và các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Việc thực hiện các biện pháp răn đe nặng nề hơn như một số nước đã làm thì phải xem xét trong từng hoàn cảnh cụ thể.
- Nhiều ý kiến cho rằng nếu tình trạng không được cải thiện, cần phải phong toả cả thành phố để kiểm soát chặt chẽ hơn. Theo ông, thời điểm nào cần thiết áp dụng việc này?
Chúng ta đã phong toả các điểm nhỏ như những ổ dịch có người dương tính, ví dụ ổ dịch Bạch Mai hay một số tuyến phố, chung cư. Tình hình hiện tại ở nước ta chưa đến mức phải phong toả quy mô lớn, cả một tỉnh hay thành phố.
Thời điểm này, theo tôi chỉ cần phong toả những nơi có mầm bệnh. Thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM nếu cần phong toả thì phải xem xét rất thấu đáo, xem mức độ dịch như thế nào, có cần thiết phong toả hay không.
Yêu cầu cấp thiết hiện nay với chúng ta là không được chủ quan. Hiện số ca mắc mới hàng ngày tăng không nhiều, lệnh cách ly xã hội của Chính phủ được người dân rất hoan nghênh và nghiêm túc thực hiện.
Nếu để xuất hiện nhiều ca bệnh ngoài cộng đồng thì trên đất nước Việt Nam, tỉnh thành nào cũng sẽ bị, như vậy hết sức nguy hiểm.
- Xin cảm ơn ông!
Video: Dân Hà Nội lại đổ ra đường dù vẫn trong những ngày cách ly xã hội
XUÂN TRƯỜNG
Thủ tướng bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Chủ tịch EVN Thủ tướng quyết định bổ nhiệm lại ông Bùi Thanh Sơn giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Dương Quang Thành giữ chức Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt...