Thủ tướng: Không để xả lũ làm ngập hạ lưu rồi trả lời “đúng quy trình”
Tại Hội nghị về Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chiều nay, 17/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo : “Không thể để tình trạng xả lũ làm tăng ngập cho dân vùng hạ lưu rồi lại trả lời là xả đúng quy trình. Vậy cái quy trình đó là sai, không thể chấp nhận được”.
Chiều 17/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã dự Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017.
Cho rằng Việt Nam luôn đứng trước nhiều thách thức thiên nhiên, như lời một bài hát là “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, Thủ tướng hoan nghênh các đại biểu, đặc biệt là các vị khách quốc tế đã dành thời gian đến dự Hội nghị tổng kết quan trọng này để rút ra những bài học kinh nghiệm thành công cũng như những khiếm khuyết trong chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai (PCTT), cứu nạn cứu hộ để năm 2017 sẽ làm tốt hơn.
Thủ tướng: “Không thể để tình trạng xả lũ làm tăng ngập cho dân vùng hạ lưu rồi lại trả lời là xả đúng quy trình” (ảnh” VGP)
Nhất trí với các ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng và đại biểu, Thủ tướng cho rằng, năm 2016 có nhiều thiên tai và nhân tai, gây thiệt hại rất lớn, làm chết 264 người, bị thương gần 1.000 người, mất đi khoảng 1% GDP. Trong bối cảnh thiên tai nặng nề như vậy, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phòng chống thiên tai đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, trách nhiệm. Các cơ quan đoàn thể Trung ương, các tổ chức xã hội, đoàn thể, tổ chức quốc tế đã hỗ trợ kịp thời.
“Thiệt hại dồn dập như vậy nhưng chúng ta không để người dân nào đói cơm, lạt muối, màn trời chiếu đất, đứt bữa xảy ra trên các vùng miền của Tổ quốc”, Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Ban Chỉ đạo PCTT, Ủy ban tìm kiếm cứu nạn cứu hộ các cấp. Nhiều cán bộ đã lăn lộn, xả thân, không ngại hiểm nguy.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều mặt tồn tại, bất cập cần rút kinh nghiệm sâu sắc để làm tốt hơn thời gian tới. Đó là bệnh chủ quan. “Thủy hỏa đạo tặc”, lũ lụt, cháy nổ được coi như giặc nhưng nhiều nơi chưa nhận thức tốt.
Luật Phòng chống thiên tai có hiệu lực từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng xong kế hoạch PCTT cấp quốc gia. Một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức xây dựng kế hoạch, phương án PCTT, cứu hộ cứu nạn. Chưa cụ thể hóa được các tình huống, kịch bản sát với thực tế để có phương án ứng phó phù hợp.
Vì vậy, Thủ tướng đề nghị phải khẩn trương hoàn thiện kế hoạch để ban hành trong năm 2017. Và để có kế hoạch PCTT cấp quốc gia tốt, theo Thủ tướng, không chỉ dựa vào chuyên gia, nguồn vốn nước ngoài mà phải biết cách huy động các chuyên gia trong nước, các bộ, ngành, địa phương cùng chung sức để xây dựng cho tốt. Phải biết kết hợp và hài hòa các nguồn lực kinh tế và chất xám ở cả trong và ngoài nước trong một kế hoạch tổng thể quốc gia PCTT.
Xả lũ làm tăng ngập mà lại nói đúng quy trình
Cho rằng công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập phải rà soát, sửa đổi ngay, Thủ tướng nêu ra một số ví dụ cụ thể. Đó là một số công trình thủy điện, giao thông, khu dân cư… khi đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành thì thiếu kiểm tra, giám sát từ khâu lập quy hoạch, chưa quan tâm việc phòng ngừa các tác động của thiên tai, làm gia tăng rủi ro thiên tai trong khu vực.
Video đang HOT
Thủ tướng chủ trì hôi nghị khiển khai nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2017
Thứ hai, hồ chứa nước bên cạnh phục vụ thủy điện, thủy lợi thì phải phục vụ chống lũ, chống hạn. “Không thể để tình trạng xả lũ làm tăng ngập cho dân vùng hạ lưu rồi lại trả lời là xả đúng quy trình”, Thủ tướng nêu rõ. “Vậy cái quy trình đó là sai, không thể chấp nhận được”. Xây hồ chứa nước nhưng khi hạn thì hồ lại cạn kiệt, thiếu nước chống hạn. Như vậy là quy trình điều tiết hồ sai.
Thứ ba, thành phố ngay cạnh biển nhưng lại không thoát được lũ ra biển, mà còn bị lụt nhiều ngày do không tiêu thoát được. Như vậy quản lý xây dựng không quy hoạch hoặc quy hoạch xây dựng sai vì không tính đến đường thoát lũ, Thủ tướng nói. “Những câu hỏi như vậy chúng ta cần phải lưu ý trong quy hoạch thành phố”.
Hoặc như quỹ phòng chống thiên tai do cấp xã, phường thu nhưng lại nộp hết về tỉnh, thành phố, sau đó phường, xã lại phải đi xin như thời bao cấp. Như vậy, tạo cơ chế xin-cho trong khi cấp xã phải làm rất nhiều việc về phòng chống thiên tai theo Luật Phòng chống thiên tai. “ Sao không giao quyền chủ động hơn cho cấp xã?”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Về công tác dự báo, Thủ tướng cho rằng bên cạnh một số kết quả tích cực thì chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều khi gây bất ngờ lớn. Công tác thông tin tuyên truyền chưa đến được với người dân, nhất là vùng thôn bản, vùng sâu, vùng xa nên có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra khi mưa lũ đến.
Quy trình thủ tục hỗ trợ khắc phục hậu quả sau thiên tai còn chậm, còn máy móc. Việc tiếp nhận, phân bổ hỗ trợ ở một số địa phương chưa minh bạch, phát sinh thắc mắc, khiếu nại như báo chí đã phản ánh.
Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý các địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình trạng vi phạm quy định pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai còn khá phổ biến, chậm được khắc phục. “Nổi cộm là nạn cát tặc, khai thác trái phép trên các dòng sông, lấn chiếm lòng, bờ sông, kênh rạch, làm sạt lở đê, kè, cản trở, suy giảm khả năng thoát lũ, tăng nguy cơ, rủi ro thiên tai”, Thủ tướng nói.
Định hướng công tác năm 2017, Thủ tướng quán triệt tinh thần Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu. Do đó, phải nâng cao nhận thức về vấn đề này bởi “khi bão lũ tới rồi thì không cách gì xử lý kịp thời được” nếu không chủ động.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý việc lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các địa phương sớm lập bản đồ chi tiết những điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, trước mắt tại các tỉnh miền núi phía bắc. Từ đó có kế hoạch dài hạn, trung hạn và hằng năm để di dời những công trình, nhà cửa nằm trong khu vực nguy hiểm, kiên quyết, chủ động di dời người dân khỏi các khu vực nguy hiểm.
P.T
Theo Dantri
Thủ tướng: Không "phân lô, bán nền"... mặt biển
Để phát triển du lịch bền vững tại "hòn ngọc lớn" Phú Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ môi trường, gạt bỏ những nhà đầu tư cơ hội, chỉ đến để "thổi" giá đất, trục lợi ngắn hạn. Thủ tướng quán triệt không "phân lô, bán nền" mặt biển...
Ngày 14/4, tại huyện đảo Phú Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kiên Giang về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cũng như của huyện đảo Phú Quốc.
Mô hình đi trước về khu hành chính kinh tế đặc biệt
Thủ tướng thị sát một công trình đang xây dựng bên bờ biển.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với đánh giá cho rằng Kiên Giang như một Việt Nam thu nhỏ, có vị thế rất quan trọng không những trong lĩnh vực kinh tế mà cả quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đặc biệt có vị thế quan trọng đối với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Thời gian qua, Kiên Giang phát triển toàn diện, có tốc độ tăng trưởng cao, riêng quý I/2017 đạt gần 7,4%. Kinh tế biển, nông nghiệp đều phát triển tốt. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng khách du lịch cả trong nước và quốc tế đều rất cao. Một trong những điểm nổi bật là tốc độ phát triển vượt trội của Phú Quốc. Tốc độ tăng trưởng thu ngân sách bình quân 5 năm khoảng 19%; tốc độ tăng thu nội địa 19%; cơ sở hạ tầng được quan tâm; đời sống nhân dân được cải thiện.
Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng Kiên Giang còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Đây là một trong những địa phương chịu tác động bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trực tiếp là hạn hán, xâm nhập mặn. Là tỉnh ở cực Nam Tổ quốc, Kiên Giang có nhiều khó khăn trong kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, tiếp cận công nghệ, đào tạo nhân lực. Còn một số vấn đề cần sớm khắc phục như khai thác cát, bán cát cho nước ngoài, tình trạng phá rừng, vấn đề vệ sinh môi trường.
Kiên Giang thu ngân sách tăng trưởng cao, đứng thứ 3 trong 13 địa phương ở ĐBSCL nhưng chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu chi, còn lại thì nhận trợ cấp từ Trung ương. Thủ tướng mong muốn cuối nhiệm kỳ này, Kiên Giang phấn đấu tự trang trải được ngân sách.
Riêng với Phú Quốc, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã 4 lần họp bàn trong những tháng vừa qua và đã chính thức trình Bộ Chính trị về mô hình phát triển ở Phú Quốc, Bộ Chính trị đã chấp thuận chủ trương và hiện chúng ta đang xây dựng luật pháp triển khai. Như vậy, đối với cả nước và với Kiên Giang, Phú Quốc đi trước một bước về phát triển, là ngọn cờ đi đầu trong phát triển về mô hình mới ở Việt Nam, là mô hình đi trước của 3 khu hành chính kinh tế đặc biệt.
"Một viên ngọc lớn tốt hơn 10 viên ngọc nhỏ"
Về tầm nhìn cho Kiên Giang, Thủ tướng gợi mở, trong tương lai gần, phải phấn đấu thành tỉnh đổi mới, giàu có toàn diện dựa trên lợi thế so sánh tự nhiên, được dẫn dắt bởi những mô thức đột phá về thể chế chính sách năng động và ứng dụng công nghệ trong phát triển dịch vụ du lịch, nông nghiệp, kinh tế biển và công nghiệp hỗ trợ, công nghệ chế biến. Phải gắn kinh tế biển với tầm nhìn mới về chuyển dịch cơ cấu kinh tế Kiên Giang. Nông nghiệp, kể cả thủy sản là thế mạnh phát triển, trong đó động lực trung tâm của sự phát triển bứt phá là mô hình hành chính kinh tế đặc biệt Phú Quốc.
Phấn đấu xây dựng đảo ngọc Phú Quốc thành viên ngọc quý, viên ngọc lớn, trù phú và thịnh vượng, là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí độc đáo, đẳng cấp quốc tế. Tập trung cho Phú Quốc phát triển không phải là cạnh tranh với các địa phương khác mà thu hút nguồn lực và cơ hội phát triển cho Phú Quốc có khả năng cạnh tranh hiệu quả, sòng phẳng với các quốc gia khác; để Phú Quốc có sức hấp dẫn mang tầm quốc tế trong khu vực, thu hút các nhà đầu tư, người giỏi, người thông minh, người giàu đến Phú Quốc, đến Kiên Giang và đến Việt Nam. Phú Quốc cạnh tranh quốc tế chứ không phải cạnh tranh với các khu hành chính kinh tế đặc biệt khác như Vân Đồn, Vân Phong.
Thủ tướng: "Với 20.000 phòng khách sạn ở Phú Quốc, chắc chắn vấn đề môi trường đặt ra thử thách rất lớn".
Thủ tướng cho rằng phát triển Phú Quốc không thể đơn điệu chỉ là du lịch, vui chơi giải trí, nhưng nếu trải ra quá nhiều lĩnh vực thì khó phát triển. Vì vậy, trong mô hình phát triển, cần chọn một số lĩnh vực, trước hết là một trung tâm du lịch, vui chơi giải trí nổi tiếng.
Mục tiêu đặt ra là phải có một Phú Quốc hiện đại, không chỉ về thể chế quản lý, diện mạo và cơ sở hạ tầng, đáp ứng tốt nhu cầu dịch vụ cao cấp mà phải giữ gìn được vẻ đẹp tự nhiên của núi rừng, sông suối, cảnh quan môi trường và bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống của Phú Quốc.
Để Phú Quốc cất cánh nhờ khuôn khổ thể chế đặc biệt chứ không phải nhờ các biệt đãi, ưu ái về nguồn lực, tỉnh cần tập trung trí tuệ vào các giải pháp thể chế và tổ chức có tính chất đột phá mở đường cho phát triển kinh tế và dân sinh. Những đề xuất cốt lõi của Kiên Giang về Phú Quốc cần được thể hiện trong Luật về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, bảo đảm thể chế, chính sách phải có tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
"Diện tích gần xấp xỉ nhưng dân số chỉ bằng khoảng 2% dân số Singapore, vì vậy Phú Quốc có cơ hội to lớn để quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, có tính đón đầu tiềm năng phát triển to lớn trong tương lai. Quy hoạch này phải có tầm nhìn 30 năm, 50 năm chứ không chỉ cho nhu cầu phát triển trước mắt. Một hạt ngọc lớn còn tốt hơn là 10 hạt ngọc quá nhỏ cộng lại", Thủ tướng cho rằng, đất đai là nguồn lực quý báu, cần được sử dụng hiệu quả nhất.
Nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm chất lượng môi trường, Thủ tướng nêu rõ phải làm cho Phú Quốc trở thành thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng. Nếu chúng ta đưa ra con số 20.000 phòng ở Phú Quốc thì chắc chắn vấn đề môi trường đặt ra thử thách rất lớn. "Mất môi trường là mất tất cả", Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng yêu cầu quan tâm đến lợi ích của người dân, nhất là sinh kế, không để người dân đứng bên lề của sự phát triển. Phải kết hợp xây dựng hạ tầng du lịch, công viên, khu giải trí, bệnh viện với việc phục vụ người dân địa phương, kể cả việc để người dân tiếp cận bãi tắm công cộng thuận lợi, không phải phân lô bán nền mặt biển. Đẩy mạnh du lịch dựa vào cộng đồng. Có chính sách ưu đãi, miễn thuế cho nhà đầu tư thì nhà đầu tư phải tham gia đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân địa phương. Thủ tướng cho rằng, cần có một cộng đồng ủng hộ phát triển du lịch; giữ gìn trật tự đô thị nhưng cũng lưu ý cần có phương án lo cho cuộc sống của những người dân sống nhờ vỉa hè đó.
Vì vậy, phát triển Phú Quốc phải tính tới tăng trưởng bao trùm. Sử dụng tài nguyên ở đây phải tạo phúc lợi và tương lai nghề nghiệp cho người dân địa phương. Mô hình phát triển của Phú Quốc phải có tính dung hợp, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, người dân, Nhà nước.
Cần nỗ lực thu hút nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, có thực lực tài chính, có lợi ích đầu tư lâu dài ở Phú Quốc. Tránh các nhà đầu tư cơ hội đến Phú Quốc chỉ để trục lợi ngắn hạn. "Làm sao không để giá đất lên quá cao, chi phí hạ tầng đội lên nhanh chóng", Thủ tướng nói và biểu dương các tập đoàn lớn có định hướng đầu tư bài bản, có trách nhiệm trong phát triển bền vững Phú Quốc.
P.T
Theo Dantri
Thủ tướng yêu cầu điều tra vụ cháu gái bị xâm hại tình dục, uất ức tự tử Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ vừa ký văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ Công an, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu khẩn trương điều tra vụ cháu gái nhiều lần bị xâm hại tình dục, song cơ quan điều tra không khởi tố vụ án đã uất ức tự tử. Văn...