Thủ tướng khẳng định nhận định đúng về diễn biến kinh tế cuối năm
Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 hôm nay, 1/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, về những con số ước báo cáo Quốc hội, đến nay có thể khẳng định những nhận định đưa ra về khả năng hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu được giao của năm 2017 là đúng.
Thủ tướng chủ trì phiên họp tháng 11 của Chính phủ
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tháng 11 vừa qua có nhiều sự kiện lớn của đất nước. Quốc hội họp kỳ họp thứ 4, có những nghị quyết quan trọng cho năm 2018 và một số nghị quyết khác về giám sát tối cao, thông qua 6 luật. Phục vụ kỳ họp Quốc hội, với tinh thần chủ động, các thành viên Chính phủ đã tham gia trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2017 với 13/13 chỉ tiêu đạt và vượt.
Đồng thời, Quốc hội cũng đưa ra một số vấn đề về bất cập, tồn tại mà cơ quan điều hành cần tiếp tục phấn đấu tốt hơn nữa, triển khai tốt hơn nữa các nghị quyết của Quốc hội.
Thủ tướng cũng nhắc lại sự kiện quan trọng trong tháng 11, các cơ quan đã chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, từ nội dung đến công tác lễ tân, hậu cần, an ninh…, được nhiều đại biểu từ các nền kinh tế đánh giá cao.
Vấn đề lớn nổi lên tháng 11 cần tập trung chỉ đạo, giải quyết là về tình thiên tai, bão lũ lớn và những hệ quả để lại.
“Cơn bão số 12 đã tàn phá nặng nề 9 tỉnh miền Trung, đặc biệt là Khánh Hòa, Phú Yên. Hôm qua, 30/11, Thủ tướng đã trực tiếp kiểm tra khắc phục hậu quả tại Khánh Hòa thì thấy mức độ thiệt hại rất lớn. Riêng Khánh Hòa có 45 người chết, mất tích. Hàng nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản, tàu thuyền bị hư hỏng, các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhà xưởng bị thiệt hại, sập đổ. Những cơ sở hạ tầng xã hội như bệnh viện, trường học đến nay chưa có đủ vật liệu, nhân công để sửa chữa toàn bộ” – Thủ tướng nói.
Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo, không để người dân bị đói, không có chỗ ở; không để hỗ trợ đi sai địa chỉ, sai mục đích, tiếp nhận tài trợ, viện trợ, nhất là viện trợ nước ngoài cần kịp thời hơn.
Về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận khi chỉ còn 1 tháng nữa kết thúc năm 2017 và chuẩn bị cho Nghị quyết 01 về các biện pháp chỉ đạo điều hành năm 2018, trong đó, tập trung góp ý về các mặt tồn tại, bất cập.
Điểm lại các kết quả đạt được trong tháng 11 và 11 tháng của năm 2017, người lãnh đạo đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Qua tháng 11, về những con số mà chúng ta ước báo cáo Quốc hội có thể khẳng định chúng ta đã nhận định đúng. Trong quá trình xây dựng báo cáo, các cơ quan chức năng đã xem xét con số một cách khách quan, chính xác, cụ thể”.
Video đang HOT
Thủ tướng: “Không để có tình trạng lấy nghị quyết năm ngoái để làm năm nay”.
Thủ tướng cũng nêu rõ những tồn tại, bất cập và yêu cầu các thành viên Chính phủ góp ý kiến một cách thẳng thắn nhất xung quanh những nội dung này. Đó là thiên tai gây thiệt hại lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành tập trung khắc phục, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tiếp tục triển khai, chứ không phải qua bão là thôi.
Ngoài ra còn những vấn đề đã tồn tại lâu như việc giải ngân vốn đầu tư còn chậm, sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc như bạo hành trẻ em, nhất là cấp mẫu giáo; lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo; đầu tư tiền ảo, vấn đề hàng giả, hàng nhái; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; hóa chất nhỏ lẻ độc hại…
“Chúng ta chỉ còn đúng 1 tháng nữa là kết thúc năm 2017, khối lượng công việc còn rất lớn nên không được chủ quan”, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo để hoàn thành toàn diện mục tiêu đề ra.
Thủ tướng đề nghị phân tích, lý giải rõ mặt tồn tại để có biện pháp khắc phục tốt hơn, nhất là chuẩn bị cho năm 2018, đồng thời lưu ý các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với từng ngành, từng lĩnh vực để đưa vào Nghị quyết 01 về điều hành kinh tế-xã hội năm 2018, “không để có tình trạng lấy nghị quyết năm ngoái để làm năm nay”. Các bộ, ngành liên quan xem xét, chốt lại các vấn đề quan trọng trong điều hành để thể hiện quyết tâm trong việc thực hiện kế hoạch, nhất là thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ mà Trung ương, Quốc hội đề ra.
Dự thảo Nghị quyết 01 sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Chính phủ mở rộng với các địa phương vào cuối tháng này. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến tại Hội nghị, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện, trình Thủ tướng ký ban hành và triển khai ngay từ những ngày đầu năm 2018.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 0,13%, bình quân tăng 3,61%; lạm phát cơ bản tăng 1,42%.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao, 11 tháng tăng 9,3% (cùng kỳ 2016 tăng 7,4%). Khu vực dịch vụ phục hồi mạnh với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 10,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng qua đạt 11,65 triệu lượt, tăng 27,8%.
Vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, theo đó, vốn đăng ký 19,8 tỷ USD, tăng 52%; tổng vốn đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần đạt 33,1 tỷ USD, tăng 53,4%. Xuất khẩu đạt hơn 193 tỷ USD, xuất siêu 2,8 tỷ USD.
P.T
Theo Dantri
Phó Thủ tướng: Cơ chế đặc thù là cơ hội vàng cho TP.HCM
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP.HCM trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Quốc hội. (Ảnh: VPQH)
Sáng nay (20.11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Nhân dịp này, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ có trao đổi với báo chí xung quanh nội dung nêu trên.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP.HCM không phải vì riêng TP này mà vì cả nước, theo tinh thần cả nước vì Thành phố, Thành phố vì cả nước.
Thưa Phó Thủ tướng, bên cạnh cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM, đầu tàu kinh này đang có những lợi thế gì có thể tận dụng để phát triển?
- Trước hết những thể chế gì TP. HCM đang có cần phải cố gắng làm cho tốt hơn. Ví dụ những chính sách của Thành phố này như ba đột phá chiến lược; các trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế, như đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, khu vực tài chính ngân hàng. Gần đây T.Ư có nói đến khu vực sự nghiệp công lập và cơ cấu lại thu chi ngân hàng đảm bảo bền vững nợ công. Năm lĩnh vực tái cơ cấu trọng điểm này TP.HCM có nhiều dư địa để phát triển.
Tôi đã từng nói nhiều lần với lãnh đạo của TP.HCM, với những cơ chế chính sách trong khuôn khổ pháp luật dành chung cho cả nước, TP.HCM với thế mạnh và truyền thống cần tận dụng làm làm cho tốt. Thứ hai, cần phải tận dụng tốt cơ chế, chính sách đặc thù tới đây được Quốc hội thông qua, đó coi như cơ hội vàng để TP.HCM phát triển.
Thành phố phải có đề án, chương trình hết sức cụ thể, còn Quốc hội chỉ đề ra khung chung. Từ chủ trương đó, muốn đưa vào thực tiễn cuộc sống phải có đề án, chương trình. Có loại đề án cấp Chính phủ phê duyệt, có loại thuộc thẩm quyền Thủ tướng, có cái thuộc thẩm quyền của Thành phố, cần phải huy động tổng lực, tổ chức thực hiện bên cạnh đó thường xuyên cập nhật, đánh giá.
Theo Phó Thủ tướng, sau khi Quốc hội thông qua cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM, TP cần ưu tiên triển khai trên những lĩnh gì trước?
- Triển khai cần bám sát những nội dung Nghị quyết đã nêu, trong đó có vấn đề về quản lý đô thị, quản lý xây dựng đầu tư, vấn đề tài chính, ngân sách, sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
Đặc biệt, Thành phố cần sớm có đề án để thực hiện Nghị quyết 18 và 19 của Hội nghị BCH T.Ư 6 khóa XII về tinh giản biên chế, sắp xếp lại các cơ quan trong hệ thống chính trị; tổ chức sắp xếp lại đổi mới lại cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Làm tốt vấn đề này sẽ tạo ra xung lực rất lớn cho Thành phố. Tôi được biết chỉ tính riêng năm vừa qua, TP.HCM chỉ sắp xếp bên trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị và sắp xếp lại một số cơ quan trong hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập đã giảm chi thường xuyên từ 3 - 4%.
Nhìn rộng ra thấy TP.Hà Nội cũng vậy, chỉ riêng năm 2017, Thành phố này tổ chức sắp xếp bên trong các phòng, các ban, các đơn vị cấp sở và gom lại những đơn vị sự nghiệp, chưa giảm được nhiều biên chế nhưng bằng đấy việc làm được đã giúp giảm chi thường xuyên trong tổng chi của Hà Nội là 4,85%. Chưa kể Thành phố còn thu được nhiều đất đai, tài sản công từ việc sắp xếp lại để đầu tư trở lại cho sự nghiệp công lập và các lĩnh vực khác.
Khi Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, có ý kiến lo ngại về đề xuất của Chính phủ cắt 18.800 tỷ đồng chống ngập và 2 bệnh viện tuyến cuối của TP đã được Quốc hội giao khi cho Thành phố được hưởng số thu thoái vốn doanh nghiệp nhà nước của TP để đầu tư cơ sở hạ tầng, ông nghĩ sao?
- Về con số cụ thể sẽ do Quốc hội tính toán. 18.800 tỷ đồng so với cả nước hay so với TP.HCM không phải là quan trọng nhất. Số đó cũng đã có trong kế hoạch đầu tư công, bây giờ tính tổng nguồn lực thu bù đắp được số đó hay trừ số đó ra, việc này Quốc hội sẽ tính toán cụ thể.
Về tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM từ nay đến 2020 vẫn là 18% (TP.HCM được giữ lại 18%, còn lại 82% là điều tiết về ngân sách trung ương). Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM không thay đổi tỷ lệ điều tiết ngân sách.
Cân đối ngân sách phải có thời kỳ ổn định ít nhất là 3 năm, bắt đầu cân đối từ 2017 -2020. Các địa phương khác cũng đã cân đối trong tổng thể của kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn 5 năm.
Xin cảm ơn Phó Thủ tướng (!)
"Hội đồng nhân dân TP.HCM quyết định chi trả mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của Thành phố. Việc thực hiện các quy định này phải gắn với việc sắp xếp bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước", trích tờ trình tóm tắt của Chính phủ, Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Theo Danviet
Thủ tướng: Tập trung khắc phục hậu quả bão và ứng phó khẩn cấp mưa lũ Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 12 và ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại miền Trung và Tây Nguyên. Công điện nêu rõ: Bão số 12 đổ bộ vào bờ với gió giật đo được cấp 12 - 13 đã gây thiệt hại lớn tại tỉnh khu vực Nam Trung...