Thủ tướng “khai tử” nhiều chương trình, dự án xé lẻ nguồn lực đầu tư
Hiện có 16 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo hoàn thành dứt điểm 14 chương trình trong số này trong năm 2015 để đưa vào sử dụng các dự án đầu tư dở dang, không mở thêm các dự án đầu tư mới.
Cắt hẳn 14 chương trình mục tiêu quốc gia sau 2015
Ngày 5/8/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành Chỉ thị về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 – 2020.
Chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tổ chức lập kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016-2020 nguồn vốn ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ theo các căn cứ, bao gồm tình hình và kết quả thực hiện đầu tư công giai đoạn 2011-2015, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020 của cả nước, ngành, lĩnh vực và địa phương; Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020; các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được phê duyệt; các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt; dự kiến nhu cầu vốn đầu tư công.
Sẽ chỉ còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia được giữ lại sau năm 2015 là chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Chỉ thị yêu cầu nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 phải nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại các Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế – xã hội; không bố trí vốn cho chương trình, dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư công.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan phấn đấu thanh toán cơ bản các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết ngày 31/12/2014. Từ năm 2015 trở đi, các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản. Nếu để phát sinh các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản từ 1/1/2015, các Bộ, ngành và địa phương bị xử lý vi phạm theo các quy định của Luật Đầu tư công.
Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu để đảm bảo nguồn vốn cho các công trình thực sự cần thiết, không xé lẻ vốn cho nhiều chương trình, giai đoạn 2016-2020 chỉ thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015 không tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo để hoàn thành dứt điểm, đưa vào sử dụng các dự án đầu tư dở dang, không mở thêm các dự án đầu tư mới.
Chỉ thị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát và tổng hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/7/2015.
Cắt giảm thủ tục thuế, hải quan
Cũng trong ngày 5/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan.
Theo Chỉ thị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 19 ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và các Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, chú trọng đẩy mạnh cải cách những thủ tục hành chính có liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan.
Video đang HOT
Các Bộ ngành cũng phải phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu thuế, chống chuyển giá và quản lý thu thuế khoán quyết liệt, hiệu quả hơn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2014; đẩy nhanh thực hiện các giải pháp và giải quyết các thủ tục hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp bị thiệt hại tại một số địa phương; cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tăng cường hậu kiểm.
Về quy trình, thủ tục kê khai, nộp thuế, Chỉ thị yêu cầu giảm thời gian kê khai, nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm các nước ASEAN-6; phấn đấu cuối năm 2014 có 95% số doanh nghiệp khai thuế điện tử, 15/63 địa phương thực hiện nộp thuế điện tử và 63/63 địa phương triển khai trong năm 2015; cắt giảm tối thiểu 50% số giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế, phấn đấu đến năm 2015 bằng với mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (171 giờ/năm).
Ngoài ra, Chỉ thị cũng yêu cầu công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục hành chính thuế, hải quan trên mạng internet; triển khai có hiệu quả mô hình một cửa liên thông; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra thuế, hải quan; tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại; và chấn chỉnh, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức thuế, hải quan đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chỉ thị của Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai quốc gia; Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sửa đổi quy định về điều kiện thành lập doanh nghiệp mới; Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành quy định về việc phối hợp trong việc thanh tra tại doanh nghiệp đảm bảo tránh trùng lắp, chồng chéo với thanh tra thuế, hải quan. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội, Bộ Y tế nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy trình, thủ tục hành chính thu, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để đến cuối năm 2014 cắt giảm 1/3 số lần và giảm 50% số giờ thực hiện nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế so với hiện nay.
P.Thảo
Theo dantri
Ông Nguyễn Thanh Nghị: "Đề án đặc khu sẽ là bước ngoặt cho Phú Quốc"
"Để phát triển Phú Quốc trở thành một trung tâm dịch vụ du lịch lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, cần thiết phải có những chính sách ưu đãi vượt trội".
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.
Quan điểm này được ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh khi nói về chiến lược phát triển và quy hoạch chung xây dựng huyện đảo Phú Quốc (thuộc tỉnh Kiên Giang) đã được phê duyệt.
Theo chiến lược này, Phú Quốc sẽ là trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; là trung tâm thương mại, dịch vụ cao cấp, trung tâm tài chính của khu vực và là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ chuyên ngành.
Về tình hình đầu tư vào Phú Quốc thời gian gần đây, ông Nghị nói:
- Huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, nằm trong vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Phú Quốc có diện tích tự nhiên 593 km2, bao gồm 27 hòn đảo lớn nhỏ. Trong đó, đảo Phú Quốc là đảo lớn nhất có diện tích tự nhiên 567 km2.
Đến nay, Phú Quốc đã thu hút 200 dự án đầu tư với tổng diện tích 8.768 ha.
Trong đó, 112 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 4.850 ha với tổng vốn đầu tư hơn 135.000 tỷ đồng; có 18 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 6.849 tỷ đồng; 16 dự án đang triển khai xây dựng, các dự án còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Nhiều dự án chính, công trình trọng điểm được triển khai đầu tư ở Phú Quốc. Đáng chú ý là một số dự án, công trình chính đã và đang đầu tư xây dựng, như: cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đã được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác, có thể tiếp nhận các loại máy bay dân dụng hiện đại nhất hiện nay; cảng biển quốc tế An Thới, cảng du lịch, đã đầu tư hoàn thành đường cáp ngầm 110 KV xuyên biển từ đất liền ra đảo; hệ thống đường giao thông trục Bắc - Nam và đường quanh đảo đang được gấp rút hoàn thành.
Đang có nhiều dự án về dịch vụ du lịch, nhất là các khu khách sạn cao cấp đang được triển khai. Tỉnh cũng đang tích cực triển khai nhiều chương trình thu hút đầu tư vào Phú Quốc đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Số lượng dự án đầu tư vào Phú Quốc khá lớn, nhưng số dự án triển khai còn hạn chế. Nguyên nhân vì đâu, thưa ông?
Việc triển khai chậm các dự án đầu tư của tỉnh có 4 nguyên nhân chính:
Một là, việc lập và phê duyệt các quy hoạch còn chậm; giải quyết các thủ tục đầu tư; các thủ tục liên quan đến đất đai, cấp chứng nhận đầu tư... còn vướng mắc, chưa đảm bảo yêu cầu.
Hai là, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư.
Ba là, nguồn lực tài chính của các nhà đầu tư còn hạn chế, không đảm bảo cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng các dự án.
Bốn là, việc triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông còn chậm cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư.
UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo khắc phục những hạn chế nêu trên để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trên huyện đảo Phú Quốc.
Thế nhưng, có không ít nhà đầu tư đang hối thúc chính quyền địa phương sớm bàn giao mặt bằng để triển khai dự án...
Do sự phức tạp về nguồn gốc đất đai và sự biến động của thị trường trong thời gian qua, cũng như việc quản lý đất đai có lúc còn hạn chế, nên quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án trên địa bàn Phú Quốc gặp khó khăn.
Cùng với đó là cơ quan chuyên môn của huyện phải tiến hành triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho nhiều dự án mà bộ máy thì hạn chế.
Tuy vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo và UBND huyện Phú Quốc luôn cố gắng hết sức để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc này và sẽ sớm bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư triển khai dự án.
Chúng tôi cũng mong rằng, các nhà đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương cố gắng khắc phục khó khăn, tranh thủ triển khai thi công trong những phần đất mà chính quyền đã bàn giao trong vùng dự án.
Nhiều dự án được cấp phép cùng với việc chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng liệu có làm mất lợi thế về cảnh quan thiên nhiên của Phú Quốc, tạo nên xung đột giữa nhà đầu tư với người dân địa phương?
Xây dựng và phát triển đảo Phú Quốc phải đảm bảo mục tiêu bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử văn hóa và bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ rừng Phú Quốc.
Đây là quan điểm xuyên suốt từ lập quy hoạch chung xây dựng và quản lý triển khai quy hoạch trên đảo Phú Quốc. Các dự án đầu tư phải luôn đảm bảo sự hài hòa, phù hợp thân thiện với môi trường tự nhiên và phù hợp với cảnh quan khu vực. Các dự án gần biển phải có chỉ giới cách bờ biển theo quy định.
Trong quá trình phát triển các dự án, chính quyền sẽ đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng. Với quan điểm phát triển để phục vụ người dân tốt hơn, các khu vực bãi biển sẽ được quản lý hài hòa để người dân có thể tiếp cận sử dụng.
Vậy định hướng phát triển đặc khu kinh tế Phú Quốc trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
Mặc dù được các cấp ủy Đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để Phú Quốc có được nhiều chính sách ưu đãi đặc thù, song phát triển của Phú Quốc vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Quá trình triển khai các cơ chế chính sách ưu đãi phát triển Phú Quốc bộc lộ nhiều bất cập, chưa tạo niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.
Do đó, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh Kiên Giang đã xây dựng và vừa trình Chính phủ đề án "xây dựng đặc khu kinh tế Phú Quốc".
Với đề án này, để phát triển Phú Quốc trở thành một trung tâm dịch vụ du lịch lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, cần thiết phải có những chính sách ưu đãi vượt trội về thuế, tài chính, ngân hàng, đất đai, nhà ở, đầu tư, thương mại, thu hút nguồn nhân lực... đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế để thu hút mạnh đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực, thương hiệu và uy tín vào đầu tư phát triển Phú Quốc.
Nếu được Trung ương chấp thuận đề án, đây sẽ là một bước ngoặt lớn đánh dấu bước phát triển mới mạnh hơn, nhanh hơn của Phú Quốc trong tương lai.
Theo Huyền Ngân
VnEconomy
Hà Nội xin ý kiến Chính phủ về đường ống dẫn nước sạch sông Đà Báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, UBND TP Hà Nội nêu rõ, sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án liên quan đến sự cố vỡ đường ống nước giai đoạn 1 tại Vinaconex, thì việc để Vinaconex triển khai giai đoạn 2 dự án phải được xem xét cụ thể... Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND...