Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp mua bảo hiểm y tế cho người nghèo
Nói về tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm y tế cho người lao động, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ý nghĩa của chính sách bảo hiểm với từng người dân, cả xã hội. Thủ tướng kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp… mua, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho những người khó khăn.
Tối 30/6, tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam 1/7, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) và Bộ Y tế phối hợp tổ chức Chương trình “Bảo hiểm y tế toàn dân – Chung tay vì sức khỏe cộng đồng”. Thủ tướng Nguyễn Phúc tham dự chương trình này.
Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành và thành phố Hà Nội; đại diện Sở Y tế, cơ quan BHXH và một số bệnh viện thuộc 14 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc; đại diện cộng đồng bệnh nhân BHYT; đại diện một số doanh nghiệp.
Thủ tướng và các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ tham dự chương trình.
“Sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và đã ban hành, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, trong đó đặc biệt chú trọng BHYT nhằm giúp người dân khắc phục những rủi ro bệnh tật và giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh”, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng cho biết, chủ trương phát huy vai trò của BHYT và tiến tới BHYT toàn dân được thể hiện nhất quán trong các nghị quyết của Đảng và từng bước được thể chế hóa tập trung chỉ đạo thực hiện. Năm 2008, lần đầu tiên Luật BHYT được ban hành, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho triển khai thực hiện tiến tới BHYT toàn dân.
Nhờ sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành y tế, ngành BHXH và sự đồng tình hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, việc thực hiện chính sách BHYT đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tỉ lệ người tham gia BHYT tăng nhanh, từ 5,6% dân số năm 1993 lên 63,7% năm 2011 và đến nay là trên 82%. Phạm vi, quyền lợi BHYT ngày càng mở rộng, gắn với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Hệ thống thông tin giám định đã liên thông trên 12.000 cơ sở khám chữa bệnh BHYT trong toàn quốc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận việc thực hiện chính sách BHYT vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Nhận thức về vai trò của BHYT nhiều nơi còn chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy, chính quyền còn thiếu quyết liệt.
Việc tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng, hiệu quả. Việc chấp hành chính sách, pháp luật về BHYT của một số DN chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT xảy ra nhiều, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT chưa được khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm, gây bức xúc dư luận.
Theo Thủ tướng, để phát triển chính sách BHYT bền vững, hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân và xã hội, thời gian tới, cần tập trung thực hiện các giải pháp tăng độ bao phủ BHYT, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 trên 90% dân số nước ta tham gia BHYT.
Video đang HOT
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quán triệt sâu sắc về vai trò quan trọng của BHYT, coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tập trung thực hiện một số giải pháp.
Thủ tướng: “Với tinh thần tương thân tương ái, tôi kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nhiệt tình, tích cực tham gia hỗ trợ mua và tặng thẻ BHYT cho những người còn khó khăn”.
Một là tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về BHYT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia BHYT đối với người lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp tham gia BHYT theo diện gia đình, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ khi tham gia BHYT; cơ chế quản lý Quỹ BHYT hiệu quả, phòng chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm bình đẳng việc khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân.
Hai là, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với BHYT và dịch vụ khám chữa bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức thực hiện; chia sẻ sử dụng thông tin hiệu quả giữa các cơ sở y tế.
Ba là, xây dựng chế tài chặt chẽ để yêu cầu các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm phải đóng BHYT theo Luật BHYT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHYT, các tập thể, cá nhân lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT.
Bốn là, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là tại các tuyến y tế cơ sở, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tạo điều kiện để các bệnh viện tư nhân tham gia chăm sóc, khám chữa bệnh bằng BHYT, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và giảm tình trạng lãng phí. Đồng thời khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý, mua sắm sử dụng thuốc và vật tư y tế theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, công khai, minh bạch.
Năm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách và pháp luật của BHYT, bảo hiểm xã hội, để người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị, hiểu về lợi ích, trách nhiệm và quyền lợi để chủ động tích cực tham gia BHYT.
Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn còn gần 20 triệu người dân chưa tham gia BHYT, trong đó có không ít người yếu thế, gặp khó khăn trong cuộc sống. Thủ tướng nêu rõ: “Với tinh thần tương thân, tương ái, chung tay vì sức khỏe cộng đồng, tôi kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nhiệt tình, tích cực tham gia hỗ trợ mua và tặng thẻ BHYT cho những người còn khó khăn, giúp họ có được chỗ dựa khi ốm đau bệnh tật”. Giúp người dân tham gia BHYT là giải pháp quan trọng để góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, phồn vinh và hạnh phúc.
P.T
Theo Dantri
Thủ tướng dự hội nghị "Hà Nội 2017 Hợp tác đầu tư và phát triển"
Sáng 25.6, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị "Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển".
Tại Hội nghị, Thủ tướng chứng kiến TP.Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 48 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 74.370 tỷ đồng và cùng các nhà đầu tư ký kết biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến 134.790 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị "Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển".
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng giới thiệu danh mục các dự án Hà Nội mong muốn thu hút đầu tư, gồm 17 dự án theo hình thức PPP với tổng số vốn 802.700 tỷ đồng và 119 dự án theo hình thức xã hội hóa với tổng số vốn 303.850 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác tổ chức Hội nghị với nhiều đổi mới, lắng nghe nhiều chiều hơn từ các đại biểu trong và ngoài nước, đồng thời đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, chân thành, thẳng thắn với nhiều ý tưởng tốt đẹp của các đại biểu dự Hội nghị.
Theo Thủ tướng, trong thời gian qua, tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ đã nhận được sự hưởng ứng sâu sắc, mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp. Những chuyển biến tích cực gần đây ở nhiều địa phương khác chứng tỏ tinh thần cải cách phát triển đã được lan tỏa.
"Nhân sự kiện này, một lần nữa tôi khẳng định Chính phủ kiến tạo không thể và không chỉ dừng lại ở lời nói. Chính phủ kiến tạo phải được chuyển hóa thành hành động từ các ngành, các cấp, từ các tư lệnh ngành và lãnh đạo tất cả các địa phương", Thủ tướng nhấn mạnh.
Biểu dương những nỗ lực trong năm qua của các lãnh đạo Hà Nội, Thủ tướng cho biết, mới đây có doanh nghiệp đã chia sẻ với ông rằng một lãnh đạo của Hà Nội đã giải quyết thấu đáo một vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải chỉ trong 1 ngày, sau 1 tin nhắn của doanh nghiệp.
"Đó chính là hành động kiến tạo của lãnh đạo địa phương. Qua ví dụ này, tôi muốn nhấn mạnh rằng mọi bộ máy cơ sở phải chuyển biến nhạy bén, kịp thời, sâu sát với các quyết sách từ Chính phủ và Trung ương. Người dân, doanh nghiệp mong mỏi sự chuyển biến cả hệ thống từ Trung ương tới xã phường", Thủ tướng nói.
Về "địa lợi", vị trí chiến lược quan trọng của Hà Nội, Thủ tướng nhắc lại Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ cách đây hơn một nghìn năm: Vùng đất này nằm chính giữa nam bắc đông tây, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh, xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương.
Trải qua một nghìn năm, Thủ đô Hà Nội là nơi đất lành chim đậu, với nhiều di sản thiêng liêng, sức mạnh văn hóa - tri thức độc đáo, là nơi khởi nghiệp của nhiều giá trị tinh hoa trong nước và quốc tế, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư hàng đầu thế giới. Những điều kiện và nguồn lực đó không chỉ làm Hà Nội ngày càng tốt hơn, hiện đại hơn mà còn phát huy, lan tỏa ra nhiều tỉnh thành lân cận và cả nước, đưa Hà Nội thành động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa của cả nước.
Tăng trưởng kinh tế của Hà Nội 20 năm qua đạt mức bình quân 9,5%/năm, quy mô nền kinh tế của Hà Nội từ chỗ chỉ chiếm 8,2% cả nước nay đã tăng lên 13,6%, đóng góp hơn 16,5% ngân sách cả nước. Hà Nội cũng đang phát huy hiệu quả sức mạnh liên kết với các tỉnh, thành phố lân cận trong cả nước.
Đồng thời, Thành phố đang tập trung ưu tiên huy động nguồn lực cho hạ tầng giao thông, trong bối cảnh ngân sách chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông, Hà Nội đã có hướng đi rất đúng là đẩy mạnh xã hội hóa, tư nhân đầu tư 80% nhu cầu còn lại.
Trong 52 dự án trọng điểm của Hà Nội thì có tới 38 dự án hạ tầng giao thông đô thị với 422.000 tỷ đồng. Nếu 52 dự án này làm tốt, Hà Nội sẽ là nơi có hạ tầng giao thông thuộc nhóm tốt nhất nước. Cùng với hạ tầng khu công nghiệp, viễn thông, năng lượng, mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin của Thành phố đã vươn lên đứng thứ hai cả nước.
Các dịch vụ trực tiếp liên quan tới doanh nghiệp đều có thể thực hiện 100% trên môi trường mạng. Nhiều doanh nghiệp đánh giá mức độ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động của Hà Nội thuộc nhóm tốt nhất cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Nội phải là nơi gieo mầm những ước mơ khởi nghiệp kinh doanh, những hoài bão xây dựng sự nghiệp có tầm ảnh hưởng vượt khỏi biên giới quốc gia.
Để thu hút được nhiều nhà đầu tư, lôi cuốn được những ý tưởng xuất sắc và tầng lớp tinh hoa, chính quyền Thành phố cần hành động hiệu quả mỗi ngày, có phương thức kết nối, đồng hành, động viên toàn diện sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong nươc và quốc tế vào mục tiêu Hà Nội xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, bản sắc, hướng tới một thành phố toàn cầu, một Thủ đô có vị thế nổi bật trong ASEAN và rộng hơn.
Cùng với đó, quyết liệt cải cách quản trị các cấp hành chính, xây dựng một bộ máy trách nhiệm, tin cậy và hiệu quả, thông qua việc phát triển và phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, hướng tới kỹ trị, tăng cường trách nhiệm giải trình. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân, tiếp tục tăng thứ hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, giáo dục, y tế, dịch vụ khác...
Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, phát triển đô thị đồng bộ, tương thích với hạ tầng xã hội thông qua tăng cường hợp tác, liên kết mạnh mẽ và chặt chẽ với các địa phương nhằm xóa bỏ sự manh mún và dàn trải trong chính sách phát triển, tối ưu hóa chi phí sử dụng hạ tầng, đẩy mạnh phân công sản xuất, xây dựng giá trị liên vùng, liên kết với các chuỗi giá trị quốc gia và quốc tế.
Với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, Chính phủ, Thủ tướng cam kết kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích khởi nghiệp và đầu tư, bảo đảm ổn định chính trị, tinh thần thượng tôn pháp luật từ Trung ương đến địa phương, cải cách thể chế theo hướng cởi mở, trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế đóng góp và hưởng lợi một cách tương xứng, bình đẳng mọi thành quả phát triển.
"Các Bộ trưởng và Chính phủ xắn tay áo cùng Hà Nội thực hiện quyết tâm liêm chính, kiến tạo. Chính phủ, Thủ tướng tin rằng với cách làm mới, quyết tâm mới, Hà Nội sẽ có bước phát triển mạnh mẽ và phát triển bền vững. Tin tưởng các nhà đầu tư sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng Hà Nội phát huy mọi tiềm lực, vật lực, đặc biệt là tiềm năng rất lớn lao về vốn trí thức, vốn xã hội và văn hóa", Thủ tướng bày tỏ.
Thay mặt chính quyền Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cam kết, "thực hiện thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội sẽ tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác và phát triển. Sự hài lòng của doanh nghiệp, công dân là thước đo đánh giá tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả trong hoạt động của hệ thống chính quyền thành phố".
Theo Danviet
TP HCM 'kêu cứu' Thủ tướng vì sợ metro số 1 chậm tiến độ Theo lãnh đạo TP HCM, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của nhà nước với các nhà đầu tư nước ngoài. Ngày 23/6, tại buổi làm việc với lãnh đạo TP HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, thành phố có vị trí quan trọng không chỉ đối với miền Nam...