Thủ tướng Italy: Nga phải được mời quay lại G8
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho rằng Nga phải được mời quay trở lại khối G7 (để tạo thành G8) vì một số vấn đề quốc tế hiện không thể giải quyết được khi Tổng thống Vladimir Putin không có mặt trên bàn họp.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte (Ảnh: Reuters)
“Chúng ta phải chuyển thành G8 với sự hiện diện của ông Putin trên bàn họp, để có thể giải quyết những vấn đề hiện không thể giải quyết được vì tất cả chúng ta không được ngồi cùng với nhau”, Thủ tướng Conte nói trong cuộc họp báo ngày 22/10.
Theo Thủ tướng Conte, Nga là một “nhân tố quan trọng trong tất cả các cuộc khủng hoảng quốc tế”. Do vậy, việc đối thoại với Moscow là điều vô cùng cần thiết.
Nhà lãnh đạo Italy cũng đang cân nhắc các vấn đề liên quan tới các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Ông Conte tin rằng các lệnh trừng phạt này không phải là cách để giải quyết các vấn đề hiện nay. Theo Thủ tướng Conte, Italy không muốn làm tổn hại tới các doanh nghiệp và xã hội dân sự Nga.
Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng Italy thể hiện mong muốn mời Nga quay trở lại nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Nga từng là thành viên của G8 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Canada). Tuy nhiên, lãnh đạo các nước thành viên đã quyết định loại Nga ra khỏi G8 vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Năm 2017, Nga tuyên bố rút vĩnh viễn khỏi G8.
Hồi tháng 6, Thủ tướng Conte từng nói sẽ “khó khăn, nếu không muốn nói là không thể” tìm được các giải pháp “thực tế và lâu dài” cho các cuộc khủng hoảng của thế giới hiện nay nếu Nga không tham gia vào các cuộc đối thoại. Ngoài nhà lãnh đạo Italy, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho rằng Nga nên được mời quay trở lại G7.
“Chúng ta có cả một thế giới phải vận hành… Chúng ta nên cho phép Nga quay trở lại vì chúng ta cần có Nga trên bàn đàm phán”, ông Trump nói.
Video đang HOT
Trong khi đó, các nghị sĩ Đức cũng kêu gọi đưa Moscow quay trở lại G7. Lãnh đạo đảng Die Linke của Đức hồi tháng 4 từng nói hòa bình ở Trung Đông và châu Âu sẽ chỉ khả thi nếu phương Tây hợp tác với Nga.
Tổng thống Putin (thứ hai từ trái sang) dự hội nghị thượng đỉnh G8 năm 2013. (Ảnh: Reuters)
Về phần mình, Tổng thống Vladimir Putin từng nói trong cuộc họp của G7 tại Canada hồi tháng 6 rằng lãnh đạo các nước thành viên của khối nên chấm dứt những hành động vô nghĩa và tập trung vào việc giải quyết các vấn đề thực sự. Bình luận trên của ông Putin được đưa ra sau khi các thành viên G7, ngoại trừ Mỹ, ủng hộ một tuyên bố trong đó thể hiện sự thống nhất của khối đối với cái gọi là “hành vi gây bất ổn” của Nga.
Điện Kremlin cho biết nếu các nước khác sẵn sàng muốn làm việc với Nga một lần nữa, Moscow cũng sẵn lòng đáp ứng.
“Liên quan tới sự trở lại của Nga với G7, G8, chúng tôi chưa từng rời bỏ nhóm. Nhưng các đồng nghiệp của chúng tôi đã từ chối tiếp nhận Nga (hồi năm 2014) vì những lý do mà ai cũng biết. Dù vậy, chúng tôi vẫn vui vẻ nếu được gặp mọi người ở Moscow”, Tổng thống Putin phát biểu hồi tháng 6.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow chưa bao giờ đề nghị bất kỳ ai để được cho phép quay trở lại G8. Ông Lavrov nói rằng Nga đã tham gia các thể chế khác như SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải), BRICS (Nhóm các nền kinh tế mới nổi), G20 (Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới) và các thể chế này đều có triển vọng tốt.
Thành Đạt
Theo Dantri/ RT
G7 căng thẳng vì Tổng thống Trump đề xuất Nga trở lại khối
Căng thẳng tại khối 7 cường quốc hàng đầu thế giới đã bị đẩy lên mức mới sau hàng loạt những động thái từ Mỹ và 6 nước còn lại, trong đó có việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đề xuất mời Nga trở lại G7.
Các nguyên thủ quốc gia khối G7 (Ảnh: Reuters)
Theo thông báo phát đi từ văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Macron, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã đồng thuận phản đối Nga quay trở lại G7 theo đề xuất của ông Trump.
"Quan điểm chung của châu Âu là chống lại việc Nga trở lại G7", một trợ lý cấp cao của ông Macron nói với báo giới, dù các nhà lãnh đạo từng bỏ ngỏ "khả năng đối thoại" với Moscow.
Trước đó, tân Thủ tướng Italy Conte nói rằng ông ủng hộ đề xuất của ông Trump nhằm đưa lại Nga về G7, cho rằng đó là vì lợi ích của tất cả.
Hiện quan hệ giữa Anh và Nga đang có một số vướng mắc, nhất là sau khi London cáo buộc Nga đứng sau vụ tấn công cựu điệp viên của Moscow đang sống tại Anh. Thủ tướng May từng trả lời Sky News rằng: "Rõ ràng chúng ta biết là chúng ta cần phải hợp tác với Nga. Cụm từ tôi dùng ở đây là hợp tác nhưng hãy cẩn trọng. Hãy nhớ vì sao mà G8 lại trở thành G7. Và trước bất cứ một cuộc bàn bạc hay thương lượng về vấn đề này, chúng ta cần chắc chắn Nga đã thay đổi hướng đi và theo một con đường khác".
Ngày 8/6, ông Trump cho rằng Nga nên có mặt ở bàn đàm phán tại hội nghị G7. Phía Canada lập tức lên tiếng phản đối đề xuất của ông Trump, theo Sputnik. Đại diện từ phía Nga cũng cho hay hiện Moscow đang tập trung vào mô hình khác, không phải là G7.
Tổng thống Trump rời G7 sớm
Trong những ngày qua căng thẳng nội bộ khối G7 đã gia tăng. Mâu thuẫn bắt đầu bằng việc các đồng minh của Mỹ đồng loạt lên tiếng chỉ trích chính sách thương mại đơn phương vì lợi ích nước Mỹ, cho đến đề xuất bất ngờ của ông Trump và việc ông sẽ rời cuộc họp từ sớm với lý do bay tới Singapore chuẩn bị gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 12/6.
Theo lịch trình từ Nhà Trắng, ông Trump sẽ chỉ dự cuộc họp đến phần nội dung "bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ", và bỏ qua chủ đề thảo luận về "biến đổi khí hậu và năng lượng sạch".
Nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump đã gạt bỏ đi vai trò truyền thống của Washington tại G7. Trong khi những người tiền nhiệm của ông ủng hộ thương mại tự do và hệ thống thương mại tuân thủ luật lệ của Tổ chức Thương mại thế giới thì quan điểm của ông Trump là ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ vì ông cho rằng Mỹ đang là nạn nhân của những thương vụ không công bằng.
Ngoài ra, giới quan sát cũng lo ngại rằng với tình hình căng thẳng hiện tại 7 thành viên trong khối có lẽ sẽ gặp khó khăn trong việc đồng thuận để đưa ra tuyên bố chung.
Các chuyên gia cho rằng ông Trump dường như đang đi những nước cờ khá mạo hiểm vào thời điểm này khi ông cần rất nhiều sự ủng hộ từ các đồng minh trong các vấn đề đàm phán với Triều Tiên và tình hình Trung Đông.
Ông Sebastian Mallaby, chuyên gia về quan hệ quốc tế, nhận định rằng quan hệ giữa Mỹ và phần còn lại ở G7 đã đi tới một cuộc khủng hoảng cấp độ cao hơn, cho rằng vấn đề không còn là vì căng thẳng thương mại, mà là quan điểm của ông Trump với một hệ thống đã tồn tại lâu nay.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Mỹ và Nga thảo luận về hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới Ngày 22/10, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cho biết ông đã thảo luận với Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev về những phiên bản mới của Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START), đồng thời khẳng định Washington vẫn còn thời gian để quyết định lập trường liên quan đến vấn đề này. Tên...