Thủ tướng Israel khước từ mọi đề xuất ngừng chiến của Hamas
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 21/1 đã bác bỏ các điều kiện do Hamas đưa ra nhằm chấm dứt chiến tranh và thả con tin, trong đó bao gồm việc Israel rút quân hoàn toàn và để Hamas nắm quyền ở Gaza.
Xe tăng của lực lượng Israel tiến về Gaza. Ảnh AP.
Trong bối cảnh các máy bay Israel tiếp tục ném bom Khan Younis ở phía Nam Dải Gaza, quan chức cấp cao của Hamas Sami Abu Zuhri nhấn mạnh việc nhà lãnh đạo Israel từ chối chấm dứt cuộc tấn công quân sự ở Gaza “đồng nghĩa là không có cơ hội cho sự trở lại của những người (Israel) bị bắt giữ”.
“Để đổi lấy việc thả các con tin, Hamas yêu cầu chấm dứt chiến tranh, rút lực lượng của chúng tôi khỏi Gaza, thả tất cả những kẻ giết người và hiếp dâm, không được động đến Hamas”, ông Netanyahu cho biết, đồng thời “bác bỏ hoàn toàn các điều khoản đầu hàng của Hamas”.
Theo một thỏa thuận do Mỹ, Qatar và Ai Cập làm trung gian vào cuối tháng 11/2023, hơn 100 trong số khoảng 240 con tin bị bắt ở Gaza trong cuộc tấn công của phiến quân Hamas vào ngày 7/10 đã được trả tự do để đổi lấy việc thả 240 người Palestine bị giam giữ ở nhà tù Israel.
Kể từ đó, ông Netanyahu đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để đảm bảo thả hơn 130 con tin vẫn đang bị giam giữ.
Ông Netanyahu cũng có quan điểm mạnh mẽ hơn về vấn đề nhà nước Palestine so với trước đây. “Tôi sẽ không thỏa hiệp trong việc kiểm soát an ninh toàn diện của Israel đối với tất cả lãnh thổ phía Tây sông Jordan”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 19/1 cho biết ông đã nói chuyện với Thủ tướng Netanyahu về các giải pháp khả thi để thành lập một nhà nước Palestine độc lập, đồng thời gợi ý rằng một giải pháp liên quan đến một chính phủ phi quân sự hóa.
Video đang HOT
Ông Netanyahu hôm 20/1 cũng lên tiếng phản đối những nhận xét của ông Biden về tình trạng nhà nước của Palestine một khi cuộc chiến chống lại Hamas ở Gaza kết thúc. Hai nhà lãnh đạo cũng không đồng quan điểm về việc người Palestine có một nhà nước, một giải pháp mà ông Biden ủng hộ để đạt được hòa bình lâu dài.
Trong tuyên bố ngày 21/1, ông Netanyahu tái khẳng định rằng ông sẽ yêu cầu Israel “kiểm soát an ninh toàn diện đối với toàn bộ lãnh thổ phía Tây sông Jordan”
Kênh liên lạc 'đặc biệt' giúp làm dịu căng thẳng giữa Mỹ và Iran
Một số nước đã nhiều lần phải làm trung gian kể từ cuộc tấn công do Hamas tiến hành nhằm vào miền Nam Israel và dẫn đến cuộc xung đột ở Dải Gaza.
Iran và Mỹ sử dụng "kênh Saudi Arabia" để trao đổi thông điệp và làm dịu căng thẳng ở Gaza. Ảnh: AFP/SPA
Chín tháng kể từ khi Riyadh và Tehran khôi phục quan hệ sau nhiều năm thù địch, Saudi Arabia đã đảm nhận vai trò mới là trung gian giữa Iran và Mỹ, ba nguồn tin ở Iran mới đây cho biết.
Các quan chức cấp cao ở Riyadh đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tiếp các thông điệp giữa hai nước trên và giảm bớt căng thẳng về cuộc chiến của Israel ở Gaza.
Quá trình này bắt đầu vào tháng 11 năm ngoái, khi Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian tham dự hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp ở Riyadh về cuộc chiến ở Gaza với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo và Liên đoàn Arab.
Một quan chức Iran cho biết Ngoại trưởng Amirabdollahian đã mang theo một thông điệp đến hội nghị để chuyển tới Mỹ thông qua các quan chức Saudi Arabia. Nguồn tin này xác nhận phía Saudi Arabia sau đó đã chuyển thông điệp đó tới các quan chức cấp cao ở Mỹ.
Một nguồn tin khác trong Bộ Ngoại giao Iran tiết lộ rằng Saudi Arabia đã được sử dụng làm cầu nối giữa hai bên cùng với Oman, Qatar và Thụy Sĩ, những quốc gia đôi khi đại diện cho Mỹ về mặt ngoại giao tại Tehran.
Bốn nước đã nhiều lần phải làm trung gian kể từ cuộc tấn công do Hamas thực hiện vào Israel và dẫn đến cuộc chiến ở Gaza.
Iran là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất của Hamas và các nhóm khác như Hezbollah ở Liban và Houthi ở Yemen, vốn đã tấn công Israel cũng như các mục tiêu có liên quan đến Israel và Mỹ khi Tel Aviv thực hiện chiến dịch tấn công leo thang vào Gaza.
Theo nguồn tin của Bộ Ngoại giao Iran, các thông tin liên lạc giữa Iran và Mỹ chủ yếu tập trung vào việc kiềm chế căng thẳng và tránh leo thang lớn hơn trong khu vực.
Nguồn tin trên cho biết Tehran đã cảnh báo Mỹ về những hậu quả tiềm tàng nếu cuộc chiến của Israel ở Gaza, vốn đã khiến hơn 24.000 người thiệt mạng , dẫn đến căng thẳng khu vực lên mức không thể kiểm soát.
Những điều này sẽ bao gồm việc Israel bị đánh bại trong một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn và gia tăng áp lực an ninh đối với quân đội Mỹ.
Tàu khu trục USS Cole của Mỹ bị hư hại nghiêm trọng sau một vụ tấn công liều chết trên Vịnh Aden. Ảnh: AFP/TTXVN
Đưa ra những nhượng bộ
Nguồn tin đầu tiên cho biết Saudi Arabia đã được sử dụng như một cầu nối khi căng thẳng gia tăng sau vụ Israel ám sát các chỉ huy cấp cao của những quốc gia và nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn trong khu vực.
Sau khi Israel ám sát Tướng Razi Mousavi thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vào ngày 25/12 vừa qua, một phái đoàn Saudi Arabia đã đến thăm Tehran với thông điệp từ Washington nói rằng Mỹ muốn kiềm chế xung đột ở Gaza.
Cụ thể, Mỹ đã đề xuất những nhượng bộ tiềm tàng liên quan đến Israel, chẳng hạn như Washington sẽ không ủng hộ các quan chức Israel cực hữu, vốn thống trị trong chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Điều này sẽ phụ thuộc vào việc Iran không tìm cách làm chệch hướng nỗ lực thiết lập mối quan hệ đầy đủ giữa Israel và Saudi Arabia, một quá trình bị gián đoạn do chiến tranh ở Gaza bùng nổ.
Vào ngày 8/1, Đại sứ Iran tại Syria Hossein Akbari xác nhận rằng Tehran đã nhận được thông điệp từ "một trong những quốc gia vùng Vịnh Ba Tư". Theo Đại sứ Akbari, nước này (ám chỉ đến Saudi Arabia) cử phái đoàn tới Iran với thông điệp từ Mỹ, đưa ra kế hoạch giải quyết xung đột cho toàn khu vực, thay vì chỉ giải quyết cuộc chiến ở Gaza.
Một nguồn tin khác của Iran cũng tiết lộ Mỹ đã sử dụng các kênh của Saudi Araboa để thông báo cho Tehran rằng họ sắp tấn công lực lượng Houthi ở Yemen, nhóm đang tiến hành các cuộc tấn công vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ để làm gián đoạn nguồn cung cấp và thương mại của Israel.
Thông điệp kêu gọi Iran kiềm chế các nhóm ủy nhiệm trong cuộc tấn công của Mỹ, lưu ý rằng các cuộc tấn công vào lực lượng Houthi ban đầu sẽ "không quá mạnh", nhưng nếu Tehran phản ứng mạnh mẽ thì Mỹ sẽ đáp trả quyết liệt.
Sau đó, lực lượng Mỹ và Anh đã thực hiện đợt không kích đầu tiên vào Houthi ở Yemen ngày 12/1. Ngày hôm đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: "Tôi đã gửi thông điệp tới Iran. Họ biết là không nên làm gì cả. Chúng tôi sẽ đảm bảo sẽ đáp trả Houthi nếu họ tiếp tục hành vi thái quá này, cùng với các đồng minh của chúng tôi".
Một cựu quan chức ngoại giao Iran nhận định đường dây liên lạc đang diễn ra giữa Washington và Tehran phản ảnh mong muốn của cả hai bên trong việc giảm căng thẳng và tránh một cuộc chiến tranh Trung Đông lớn hơn. Tuy nhiên, cuộc trao đổi không chính thức giữa Iran và Mỹ về việc kiểm soát mọi thứ đang bị thử thách bởi các cuộc tấn công ngày càng gia tăng của các nhóm vũ trang trong khu vực nhằm vào các mục tiêu của Mỹ.
Báo Mỹ nói Israel mới tiêu diệt được 1/5 số tay súng Hamas Theo ước tính của tình báo Mỹ, Israel mới chỉ tiêu diệt được 20% đến 30% số tay súng của Hamas ở Dải Gaza kể từ ngày 7/10/2023. Các tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống Rafah, Dải Gaza, ngày 17/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN Dẫn báo cáo mật được biên soạn hồi đầu tháng này, tờ Wall Street Journal...