Thủ tướng Israel: Iran sẽ có bom hạt nhân trong 6 tháng tới
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo bất đồng giữa Mỹ với Israel có thể sẽ trầm trọng hơn nếu Washington không sớm đưa ra “giới hạn đỏ” đối với chương trình hạt nhân của Iran.
Thủ tướng Israel trên NBC: “Iran đã bước vào giới hạn đỏ”
Phát biểu trên kênh truyền hình NBC được truyền trực tiếp đến công chúng Mỹ, Thủ tướng Israel nói rằng Iran có thể đã đi được 90% trong quãng đường tiến tới có lượng uranium được làm giàu đủ để sản xuất vũ khí.
Thông tin này là nhằm đề cập đến hoạt động làm giàu uranium tinh khiết 20% của Iran, cấp độ làm giàu đủ để sản xuất chất đồng vị y học song chưa đủ cho cấp độ vũ khí.
Theo báo cáo của LHQ, Iran đã tích trữ được 91,4kg uranium làm giàu 20%. Theo các chuyên gia, một quả bom hạt nhân cần nguyên liệu tối thiểu là từ 200-250kg uranium được làm giàu ở mức 20%. Iran có thể đạt được mức độ này nếu sản xuất được 15kg urani làm giàu mỗi tháng sau khi đưa toàn bộ các máy ly tâm mới vào hoạt động.
Thủ tướng Israel Netanyahu cảnh báo Iran sẽ có bom hạt nhân trong vòng từ sáu đến bảy tháng tới. Ông còn cho rằng việc Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục chần chừ trước yêu cầu của Israel về sớm ấn định giới hạn đỏ đối với Iran có thể sẽ khiến cho quan hệ của hai đồng minh nảy sinh mối bất đồng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Thủ tướng Netanyahu nói: “Các bạn phải ấn định giới hạn đỏ trước khi quá trễ và một động thái như vậy của Mỹ có thể sẽ giúp làm giảm khả năng tiến hành cuộc tấn công quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân Iran”.
Đây là lần đầu tiên ông Netanyahu nói thẳng đến lý do vì sao Israel liên tục thúc giục Mỹ phải cứng rắn hơn với Iran. Tuy nhiên, hành động này của Thủ tướng Israel có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng với Tổng thống Mỹ vì trước đó ông Obama đã từ chối yêu cầu của Tel Aviv.
Cho đến nay, Wasshington vẫn khẳng định Iran chưa tiến đến giai đoạn “đột phá” hạt nhân, khâu cuối cùng để lắp ráp một quả bom vì vậy ít nhất phải mất một năm nữa Tehran mới có thể đủ khả năng thực hiện điều này. Quan điểm của Washington về thời điểm Iran hoàn thành sản xuất bom hạt nhân hoàn toàn trái ngược với Israel.
Mặc dù thời gian gần đây ông Netanyahu ngừng cáo buộc Iran đã quyết định sản xuất bom hạt nhân song Israel vẫn không rút lại những đánh giá của nước này về nguy cơ một Iran có vũ khí hạt nhân. Ông Netanyahu nói: “Họ thực sự đã bước vào “giới hạn đỏ” và bạn không nên để họ vượt qua ranh giới này”.
Tuy nhiên, đặc phái viên của Tổng thống Obama tại Liên hợp quốc, bà Susan Rice cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Mỹ thay đổi quan điểm của mình đối với đề xuất từ Israel.
Video đang HOT
Bà nói: “Chúng tôi sẽ không đưa ra lựa chọn nào, kể cả lựa chọn quân sự, để đảm bảo rằng Iran không tìm cách có vũ khí hạt nhân, vì Iran chưa đạt đến khả năng này”.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi liệu Israel có đơn phương tấn công Iran, ông Netanyahu nói: “Chúng tôi bảo lưu quyền hành động của mình. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu chúng ta phối hợp với nhau xuất phát từ một quan điểm chung, chúng ta sẽ làm tăng cơ hội cả hai nước sẽ không phải có hành động mạnh”.
Bất đồng giữa hai đồng minh đã làm gia tăng sức ép đối với Tổng thống Mỹ trong khi ông đang tiến hành chặng nước rút cuối cùng cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Tổng thống Mỹ đã quyết định không gặp Thủ tướng Israel khi ông này đến Mỹ vào cuối tháng 9 để tham dự cuộc họp tại LHQ.
Theo Dantri
Mỹ và Israel sẽ tấn công Iran như thế nào?
Mỹ sẽ phải vận hành toàn bộ cỗ máy chiến tranh với hàng trăm chiếc máy bay nếu nghe theo lời kêu gọi của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và tấn công Iran nhằm phá hủy chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo.
Việc đẩy lùi chương trình hạt nhân của Iran cần phải có nỗ lực toàn diện, với các đội máy bay ném bom, máy bay chiến đấu, các nhóm biệt kích, các hàng rào tên lửa đánh chặn và các nhóm tàu sân bay tấn công, kèm theo các máy bay không người lái, thiết bị do thám, máy bay tiếp liệu và hỗ trợ hậu cầu để tiến hành một chiến dịch rầm rộ. Và kết quả tốt nhất của chiến dịch chỉ có thể giúp đẩy lùi chương trình hạt nhân của Iran thêm một thập niên.
Kịch bản chiến tranh
Máy bay chiến đấu hộ tống máy bay ném bom B-2 (giữa) của Mỹ - Ảnh: US Air Force
Các kịch bản về một cuộc tấn công Iran đã được chuyên gia quốc phòng Anthony Cordesman và Abdullah Toukan thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington (CSIS) vạch ra trong một báo cáo có tên "Phân tích tác động của cuộc tấn công phủ đầu các cơ sở hạt nhân Iran" vừa được công bố vào tuần trước.
Báo cáo dài 98 trang nêu rõ mọi thứ, từ số lượng các máy bay ném bom cần thiết cho đến từng loại bom sẽ mang theo. Sau khi phân tích các cuộc tấn công tiềm tàng của cả Israel và Mỹ, cuộc phản công của Iran và cách thức để vô hiệu hóa, hai tác giả đã đưa ra hai kết luận chính:
- "Israel không có khả năng tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu có thể kéo lùi chương trình của Iran được hơn một hoặc hai năm". Bất chấp những lời lẽ cường điệu từ Israel, ý tưởng Tel Aviv phát động một cuộc tấn công đơn phương cũng tồi tệ như việc cho phép Tehran tiếp tục chương trình hạt nhân. Nó sẽ tạo ra một làn sóng các cuộc phản công của Iran, bằng tên lửa, khủng bố và chiến hạm, gây nguy hiểm cho các nước ở khu vực, tàn phá nguồn cung cấp dầu của thế giới, ngay cả khi Israel có thể hoàn thành sứ mệnh.
- Mỹ có khả năng đẩy lùi chương trình hạt nhân của Tehran đến 10 năm. Song họ sẽ phải tiến hành một chiến dịch đồ sộ nếu muốn làm thế. Một cuộc không kích ban đầu sẽ cần có một khối lượng công việc cực lớn, bao gồm việc huy động máy bay ném bom chủ lực, tiêu diệt hệ thống phòng không của đối phương, máy bay hộ tống để bảo vệ máy bay ném bom, chiến tranh điện tử phục vụ cho mục đích lẩn tránh radar và gây nhiễu, các đội máy bay tuần tiễu chiến đấu nhằm chống lại mọi cuộc trả đũa của Iran.
Tuy nhiên, cuộc tấn công ban đầu có vẻ là phần dễ nhất, theo hai ông Cordesman và Toukan. Cùng lúc đó, Mỹ phải giữ không cho Iran phong tỏa eo biển Hormuz tối quan trọng, nơi 20% lượng dầu trên thế giới được vận chuyển qua. Và Mỹ phải bảo vệ các đồng minh sản xuất nhiên liệu ở vùng Vịnh nếu muốn dầu tiếp tục được vận chuyển qua eo biển này.
Tấn công phủ đầu
Đó không phải là một nhiệm vụ tầm thường. Báo cáo viết: "Iran có thể chọn lựa mục tiêu để gây áp lực và đe dọa Mỹ cùng các nước ở phía nam vùng Vịnh. Họ có thể sử dụng tên lửa quy ước tầm xa hoặc máy bay không người lái chống lại những mục tiêu quân sự lớn hoặc đô thị như là vũ khí khủng bố. Họ có thể tấn công rời rạc và không thể đoán trước trong một cuộc chiến tranh tiêu hao hoặc cố gắng tấn công lực lượng hải quân Mỹ và các nước vùng Vịnh".
Một số phương án phòng thủ đã được Mỹ xúc tiến. Để bảo vệ eo biển Hormuz, Mỹ đã duy trì các nhóm tàu tấn công tại khu vực, điều các tàu chiến, tàu rà phá thủy lôi và tàu ngầm tự động đến gần Bahrain. Để phát hiện tên lửa Iran, vốn có thể bắn trúng mục tiêu trong vòng bốn phút, Mỹ đang xây dựng trạm radar X-band tối tân ở Qatar.
Để tiêu diệt những tên lửa tầm trung và tầm ngắn của Iran, Mỹ đã bán các hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot và THAAD trị giá hàng tỉ USD cho Ả Rập Xê Út, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Các tên lửa đánh chặn sẽ được bổ trợ bởi các tàu tuần dương và tàu khu trục trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis tối tân của hải quân Mỹ.
Tuy nhiên, để bảo đảm tên lửa của Tehran không bắn trúng thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út hoặc thủ đô Kuwait City của Kuwait, Mỹ phải loại ra khỏi cuộc chơi 8 căn cứ tên lửa đạn đạo và 15 cơ sở sản xuất tên lửa của Iran, cùng 22 bệ phóng tên lửa nếu tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu.
Máy bay ném bom B-2 và máy bay hộ tống trong một cuộc tập trận của Mỹ - Ảnh: Reuters
Mỹ "cần phải tiêu diệt càng nhiều bệ phóng tên lửa càng tốt... để giảm số lượng đầu đạn sắp bay tới", báo cáo viết.
Mỗi mục tiêu cần hai chiếc máy bay, gồm các loại F/A 18 cất cánh từ tàu sân bay hoặc F-15E và F-16C cất cánh từ các căn cứ không quân gần đó. Tổng cộng, cần phải có đến 90 máy bay. Các mục tiêu phụ có thể bao gồm các nhà máy lọc dầu, mạng lưới điện, căn cứ quân sự, đường xá và cầu cống.
Các máy bay ném bom và tiêm kích của Mỹ có thể thoải mái bắn phá trước sự kém cỏi của lực lượng phòng không Iran. Tuy nhiên, vẫn cần phải loại bỏ hệ thống phòng không và các máy bay chiến đấu của Iran trước khi chúng có thể xoay sở bắn một phát hú họa.
Các máy bay không người lái sẽ được triển khai để thực hiện các sứ mệnh do thám, gây nhiễu hoặc tiêu diệt lực lượng và hệ thống phòng không của phía bên kia. Các lực lượng đặc biệt sẽ tiến hành những sứ mệnh hành động trực tiếp, do thám và cung cấp chỉ dẫn cho các cuộc tấn công nhắm vào những mục tiêu có giá trị cao. Và bằng cách này hay cách khác, cũng cần phải hạn chế khả năng tấn công từ các lực lượng đồng minh của Iran, gồm Hamas và Hezbollah.
Cuộc tấn công chủ lực
Cần phải sử dụng một đội hai chiếc máy bay ném bom B-2 bay từ căn cứ hải quân Diego Garcia ở Ấn Độ Dương để tiêu diệt một trong năm cơ sở hạt nhân của Iran, gồm Fordow, Arak, Esfahan, Natanz và Parchin. Mỗi máy bay sẽ mang theo hai loại bom phá boongke "hàng khủng" GBU-57.
Bom GBU-57 được chế tạo để xuyên qua lớp đất đá, bê tông cốt thép nhằm phá hủy những hầm ngầm của Iran, theo ông Cordesman, người tin rằng loại bom này có thể đẩy lùi chương trình hạt nhân của Iran nhiều năm.
Israel có thể có khả năng tiến hành một cuộc ném bom như thế song lực lượng của họ chỉ vừa vặn đủ để tiến hành chuyện này. Israel cần phải sử dụng phần lớn số máy bay chiến đấu của không quân và toàn bộ các máy bay tiếp liệu, khiến họ không còn máy bay để tấn công những mục tiêu thứ hai.
Các máy bay sẽ phải bay sát biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ trước khi bay qua Iraq và Iran. Và đây rõ ràng không phải là những lãnh thổ thân thiện.
Việc huy động đủ số lượng máy bay, máy bay tiếp liệu và "đến được mục tiêu mà không bị phát hiện hoặc ngăn chặn sẽ phức tạp, có nguy cơ cao, và sẽ có ít đảm bảo rằng sứ mệnh chung sẽ đạt được tỷ lệ thành công cao", báo cáo của CSIS viết.
Và thậm chí nếu các lò phản ứng bị tấn công, "cuộc trả đũa của Iran sẽ có hậu quả tàn phá với khu vực", theo báo cáo.
Theo TNO
Thủ tướng Israel phủ nhận muốn hạ bệ ông Obama Trả lời phỏng vấn của tờ Hayom ngày 14.9, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác bỏ cáo buộc ông đang can thiệp vào kỳ bầu cử tổng thống sắp tới của Mỹ theo hướng bất lợi cho Tổng thống Barack Obama. Trước đó, có ý kiến cho rằng ông Netanyahu liên tục đòi Mỹ cứng rắn hơn với Iran thực chất nhằm tạo...