Thủ tướng: Hoạt động “lấn” Biển Đông làm giảm lòng tin, gia tăng căng thẳng khu vực
Diễn biến phức tạp trên Biển Đông với những hành động gây quan ngại sâu sắc và sự lên tiếng không chỉ của các nước ASEAN trở thành một nội dung nghị sự tại Hội nghị Cấp cao Mekong – Nhật Bản lần thứ 7. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu bật về vấn đề này.
Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị cùng thống nhất Chiến lược Tokyo 2015 về hợp tác Mekong – Nhật Bản.
Ngày 4/7/2014, tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản đã chính thức diễn ra Hội nghị Cấp cao Mekong – Nhật Bản lần thứ 7 với sự tham dự của lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Hội nghị.
Hội nghị đã rà soát tổng thể tình hình thực hiện Chiến lược Tokyo 2012 trong ba năm qua và thảo luận về định hướng hợp tác trong giai đoạn tới. Các nhà lãnh đạo ghi nhận những kết quả quan trọng đã đạt được trong cả ba trụ cột hợp tác, đặc biệt trong phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ kết nối khu vực, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và các nước Mekong, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, giao lưu nhân dân và đào tạo nguồn nhân lực. Lãnh đạo các nước Mekong cũng đánh giá cao việc Nhật Bản đã thực hiện trên 600 tỷ yên ODA cam kết cho hợp tác Mekong – Nhật Bản trong giai đoạn 2012-2015.
Các nhà lãnh đạo nhất trí thông qua Chiến lược Tokyo 2015 với mục tiêu bao trùm cho hợp tác Mekong – Nhật Bản giai đoạn 2016-2018 là bảo đảm ổn định khu vực và đạt “tăng trưởng chất lượng” tại Tiểu vùng Mekong. Theo đó, các chương trình hợp tác sẽ tập trung vào bốn trụ cột hợp tác gồm: (i) Phát triển hạ tầng công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển đô thị, năng lượng, công nghiệp phụ trợ, giao thông, cấp thoát nước, nông nghiệp và công nghiệp chế biến, công nghệ thông tin và viễn thông; và tăng cường kết nối đường bộ, đường biển và đường không giữa các nước Mekong, gắn kết tiểu vùng Mekong với các khu vực xung quanh;(ii) Phát triển các ngành công nghiệp và chuỗi giá trị khu vực thông qua thực hiện “Tầm nhìn phát triển công nghiệp Mekong” và xây dựng các đặc khu kinh tế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo đội ngũ chuyên gia và công nhân lành nghề; tăng cường kết nối thể chế, kết nối kinh tế và giao lưu nhân dân; (iii) Phát triển bền vững vì một tiểu vùng Mekong xanh, với trọng tâm là tăng cường hợp tác trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn thủy hải sản; (iv) Tăng cường phối hợp với các cơ chế Tiểu vùng Mekong khác và hợp tác với khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan.
Để triển khai Chiến lược Tokyo 2015 về hợp tác Mekong – Nhật Bản, các nhà lãnh đạo yêu cầu các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Kinh tế xây dựng Kế hoạch hành động và “Tầm nhìn phát triển công nghiệp Mekong”. Hội nghị đã hoan nghênh cam kết của Nhật Bản dành 750 tỷ Yên ODA cho các nước Mekong trong ba năm tới.
Với mục tiêu bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực, các nhà lãnh đạo đã tái khẳng định quyết tâm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn hợp tác giữa các nước thành viên về các vấn đề khu vực và toàn cầu thuộc quan tâm chung.
Những hành động trên biển gây xói mòn lòng tin
Video đang HOT
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.
Trong Tuyên bố Chiến lược Tokyo 2015 về hợp tác Mekong – Nhật Bản, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của đại dương, một tài sản chung của thế giới; khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ hơn để đảm bảo an ninh an toàn hàng hải trong khu vực; nhấn mạnh việc cần phải thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC).
Các nhà lãnh đạo cũng nhắc lại cam kết đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không, an toàn hàng hải, giao thương thông suốt và giải quyết hòa bình các tranh chấp theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được công nhận trên toàn cầu, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982. Lãnh đạo các nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây tại Biển Đông làm phức tạp thêm tình hình, gây xói mòn lòng tin và ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, ổn định tại khu vực.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định đóng góp của hợp tác Mekong – Nhật Bản đối với phát triển kinh tế xã hội của tiểu vùng Mekong và tiến trình hội nhập ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập ba nội dung chính mà hợp tác Mekong – Nhật Bản cần chú trọng trong thời gian tới để đạt được mục tiêu &’tăng trưởng chất lượng’ tại các quốc gia thành viên gồm: (i) Hỗ trợ các nước Mekong xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc để tăng trưởng ổn định và ứng phó hiệu quả với các ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài; (ii) Bảo đảm sự hài hòa và cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, đặc biệt là hợp tác trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước Mekong; (iii) Bảo đảm môi trường hòa bình và ổn định cho phát triển.
Toàn cảnh Hội nghị Cấp cao Mekong – Nhật Bản lần thứ 7.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình với quan điểm chung của các nhà lãnh đạo thể hiện trong Tuyên bố Chiến lược Tokyo 2015 về hợp tác Mekong – Nhật Bản. Thủ tướng nhấn mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển đảo tại Biển Đông đang diễn biến phức tạp, những hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên quy mô lớn đã làm thay đổi căn bản nguyên trạng cấu trúc của nhiều đảo, đá và bãi ngầm, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm giảm lòng tin và gia tăng căng thẳng khu vực. Những hành động này đã gây quan ngại sâu sắc và sự lên tiếng không chỉ của các nước ASEAN, của khu vực mà còn nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông là nguyện vọng, là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Các bên liên quan cần tuân thủ các nguyên tắc tự kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, không làm thay đổi nguyên trạng, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC; thúc đẩy việc sớm xây dựng Bộ quy tắc COC.
P.Thảo
Theo Dantri
Thủ tướng tham dự hai Hội nghị Cấp cao tại Myanmar
Sáng 22/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam rời Hà Nội sang tham dự hai Hội nghị cấp cao tại Nay Pyi Taw, Myanmar.
Sáng 22/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam rời Hà Nội sang tham dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 7 (CLMV 7) và Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 6 (ACMECS 6) tại Nay Pyi Taw, Myanmar từ ngày 22-23/6 theo lời mời của Tổng thống Myanmar Thein Sein.
Thời gian qua, hợp tác tiểu vùng Mekong diễn ra sôi động, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác lớn trong và ngoài khu vực. Hiện có hơn 10 cơ chế hợp tác Mekong đang hoạt động và bổ trợ hữu hiệu cho hợp tác song phương giữa các quốc gia, thúc đẩy phát triển bền vững tại tiểu vùng. Các cơ chế hợp tác giữa các nước Mekong và các đối tác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tiểu vùng.
Tình hình an ninh chính trị tại tiểu vùng Mekong nhìn chung ổn định. Các nước Mekong duy trì mức tăng trưởng kinh tế khá, trung bình khoảng 6-7%/năm. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành cuối năm 2015 sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cũng như thách thức đối với các nước thành viên đặc biệt là các nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) trong phát triển kinh tế - xã hội và thu hẹp khoảng cách phát triển.
HNCC CLMV lần thứ 6 (Vientiane, 3/2013) đã kiểm điểm tình hình triển khai các kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2012 thảo luận về phương hướng đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ CLMV.
Các nhà lãnh đạo đánh giá cao nỗ lực của các Bộ trưởng triển khai các dự án hợp tác, bao gồm việc hoàn thành hầu hết các dự án hợp tác kinh tế trong kế hoạch hành động CLMV các năm 2011 và 2012 và xây dựng được Kế hoạch chung trong hợp tác du lịch. Các nước Campuchia, Lào và Myanmar cảm ơn và đánh giá cao Chương trình học bổng CLMV thường niên của Việt Nam. Các nước đánh giá cao sự hỗ trợ của Ban thư ký ASEAN trong việc tìm kiếm nguồn lực tài chính cho các dự án và khoản 20 triệu USD hỗ trợ của Nhật Bản dành cho các nước CLMV trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Nhật Bản.
Trước đó, Việt Nam đã tổ chức thành công HNCC CLMV lần thứ 4 vào tháng 11/2008. Hội nghị đã nhất trí định hướng thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác CLMV, bao gồm thương mại và đầu tư, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng, du lịch và phát triển nguồn nhân lực. Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân và doanh nghiệp các nước vào tiến trình hợp tác.
Hội nghị nhất trí tạo thuận lợi và thúc đẩy các doanh nghiệp nước thành viên hợp tác đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, khoáng sản, thủy điện, phát triển hạ tầng, dịch vụ và logistics... Các nước đánh giá cao Việt Nam thành lập Chương trình Học bổng CLMV.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí giảm tần suất họp Cấp cao CLMV xuống còn hai năm một lần, tổ chức họp Bộ trưởng trước các Hội nghị Cấp cao hoặc giữa hai kỳ Hội nghị Cấp cao nếu cần thiết, tổ chức họp SOM hàng năm. Thông qua Danh mục 58 dự án hợp tác CLMV, đồng thời giao các quan chức cao cấp sớm hình thành danh mục dự án ưu tiên kêu gọi tài trợ và xây dựng lộ trình cụ thể triển khai. Hội nghị nhất trí với đề xuất của Lào tổ chức Hội thảo khu vực nhằm huy động hỗ trợ quốc tế cho hội nhập của các nước CLMV vào ASEAN vào đầu năm 2009.
* Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác kinh tế chung và song phương để khai thác và phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển.
Tại HNCC ACMECS 5 (Vientiane, Lào, 13/3/2013), các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Vientiane và Chương trình hành động ACMECS giai đoạn 2013-2015, theo đó gắn kết hơn nữa hợp tác ACMECS với quá trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 và thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, nâng cao tính cạnh tranh, vai trò và vị trí của các nước ACMECS trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Chương trình hành động nêu rõ các định hướng hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực công nghiệp-năng lượng, du lịch, thương mại-đầu tư, nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, kết nối giao thông, y tế, an sinh xã hội, và môi trường.
Hội nghị cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao tính khả thi của các dự án, nhất trí các nước cần sớm xây dựng nội dung chi tiết cho 28 dự án ưu tiên và phối hợp với Ban thư ký ASEAN để vận động tài trợ từ các đối tác phát triển.
Việt Nam cũng đã đăng cai và tổ chức thành công HNCC ACMECS 3 vào đầu tháng 11/2008. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố các Nhà Lãnh đạo ACMECS về thúc đẩy và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư và du lịch, nhất trí ưu tiên hợp tác liên kết kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy thương mại, đầu tư nội khối nhằm đối phó với thách thức và biến động bất lợi của suy giảm kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, Hội nghị đã nhất trí thành lập nhóm công tác về môi trường.
Đoàn Việt Nam tham dự HNCC CLMV 7 và HNCC ACMECS 6 lần này nhằm đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, kết nối khu vực, bảo vệ nguồn nước, phát triển nguồn nhân lực; nâng cao vị thế của Việt Nam, thể hiện vai trò dẫn dắt trong hợp tác Mekong và củng cố quan hệ với các nước trong khu vực cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Myanmar.
Theo_VTV
Campuchia-Lào-Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh Đây là một trong những nhiệm vụ được đặt ra khi Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển CampuchiaLàoViệt Nam lần thứ 8. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thủ đô Vientiane, Lào vào chiều 24/11, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam...