Thủ tướng hỗ trợ khẩn cấp người dân thiệt hại do cá chết
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 772 hỗ trợ gạo, vốn… cho người dân tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường.
Quyết định nêu rõ sẽ hỗ trợ hộ nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường. Theo đó, Chính phủ hỗ trợ 15 kg gạo một người mỗi tháng trong thời gian 1,5 tháng với các hộ gia đình chủ tàu, lao động trên tàu khai thác hải sản vùng ven bờ, vùng lộng công suất dưới 90 CV và các hộ gia đình làm dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng trực tiếp.
Cá chết ở Đà Nẵng. Ảnh: NT
Tàu không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90 CV đánh bắt ven bờ và vùng lộng do phải tạm ngừng ra khơi được hỗ trợ một lần tối đa 5 triệu đồng. Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức hỗ trợ cụ thể theo từng loại tàu, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Các doanh nghiệp, chủ vựa, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có hoạt động thu mua, dịch vụ hậu cần nghề cá được vay vốn tín dụng tại các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định. Khoản vay này sẽ được tính lãi suất thấp nhất áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn và được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian tạm trữ tối đa 6 tháng để thu mua, tạm trữ hải sản từ ngày 5/5-5/6.
Thủ tướng chỉ đạo, hải sản khai thác trong vùng biển từ 20 hải lý trở vào thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế khi cơ quan có thẩm quyền xác nhận không bảo đảm an toàn buộc phải tiêu hủy thì được hỗ trợ tối đa 70% giá trị.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng hỗ trợ khắc phục hậu quả môi trường, gồm chi phí tiêu hủy hải sản chết bất thường như: chi phí vận chuyển, thu gom, vật tư, hóa chất khử trùng, tiêu độc; hỗ trợ tiền công tiêu hủy, bảo hộ lao động, trang thiết bị…
Đầu tháng 4, cá nuôi lồng bè gần khu kinh tế Vũng Áng bị chết. Hiện tượng bất thường này lan dần theo hướng Bắc – Nam đến Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế). Khoảng 70 tấn cá biển tự nhiên, 30 tấn cá nuôi lồng bè đã chết. Theo kết quả điều tra do Bộ Tài nguyên công bố tối 27/4, độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa (còn gọi thủy triều đỏ) có thể là nguyên nhân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó đã chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương lập đoàn kiểm tra, xác định nguyên nhân chính xác gây ra thảm họa môi trường này. Formosa là đối tượng kiểm tra bởi có hệ thống xả ngầm xuống biển.
Ngày 7/5, đoàn liên ngành với sự tham gia của 7 bộ gồm Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công Thương, Công an, Quốc phòng cùng Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam đã kết thúc đợt thanh tra, đưa các số liệu, tài liệu ghi nhận ở Khu Kinh tế Vũng Áng về Hà Nội phân tích, từ đó có kết luận cuối cùng về việc chấp hành quy định bảo vệ môi trường của Formosa.
Lan Hạ
Theo VNE
Hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt do ô nhiễm sông Bưởi
Không những làm chết cá sông, cá lồng, tình trạng ô nhiễm sông Bưởi còn đe dọa đến nguồn nước sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân ở 22 xã thuộc huyện Thạch Thành và Vĩnh Lộc (Thanh Hóa).
Ngày 9/5, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh đang ráo riết chỉ đạo các ngành chức năng xử lý vụ cá chết hàng loạt trên sông Bưởi. Công việc trước mắt là khẩn trương tiêu hủy số cá chết, vớt xác cá dưới lòng sông và nghiên cứu phương án cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân nếu thiếu nước sạch.
Hơn 17 tấn cá trắm nuôi và hàng tấn cá tự nhiên trên sông Bưởi đã chết do ô nhiễm. Ảnh: Lê Hoàng.
Ông Quyền khẳng định, tình trạng ô nhiễm trên sông Bưởi hiện rất nghiêm trọng, không những làm chết cá sông, cá lồng của người dân mà còn đe dọa đến nguồn nước sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân ở 22 xã (15 xã thuộc huyện Thạch Thành và 7 xã của huyện Vĩnh Lộc) sinh sống ven sông Bưởi.
Chính quyền tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo người dân không tự ý ăn cá chết dưới sông, không dùng nguồn nước đã ô nhiễm. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các Sở ngành chức năng tìm giải pháp đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân.
Trực tiếp thị sát tình hình, ông Quyền chỉ đạo công an tỉnh phối hợp các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình điều tra và sớm hoàn thiện hồ sơ nhằm khởi tố vụ án hình sự vụ xả thải gây ô nhiễm sông Bưởi. UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình xác định rõ nguyên nhân; trên cơ sở kết quả phân tích các mẫu nước tham mưu cho UBND tỉnh để kịp thời báo cáo Thủ tướng.
Cá tự nhiên chết nổi trắng sông Bưởi chưa kịp vớt đã phân hủy khiến nguồn nước thêm ô nhiễm. Ảnh: Lê Hoàng.
Trước đó từ sáng 4/5, nhiều người dân ra sông Bưởi (đoạn chảy qua xã Thạch Lâm, Thạch Thành, Thanh Hóa) phát hiện cá chết nổi khắp lòng sông. Nước sông chuyển màu xanh đục và bốc mùi hôi. Những ngày tiếp theo, cá lồng nuôi của nhiều hộ dân phía hạ lưu sông Bưởi cũng chết hàng loạt. Phạm vi ghi nhận cá chết ước tính 30 km dọc sông.
Theo thống kê sơ bộ từ UBND huyện Thạch Thành, toàn huyện có 32 hộ bị thiệt hại với 71 lồng cá, tổng trọng lượng hơn 17 tấn. Riêng xã Thành Vinh có 28 lồng của 16 hộ dân ở hai thôn Lộc Phượng 1, Bãi Cháy đã bị thiệt hại hoàn toàn, tổng trọng lượng cá lên đến hơn 10 tấn...
Bước đầu, nhà chức trách xác định, "thủ phạm" gây ra hiện tượng cá chết trên sông Bưởi là do Công ty CP mía đường Hòa Bình (có trụ sở đóng tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) xả thải bẩn ra môi trường.
Nước sông Bưởi đen kịt ở phía thượng nguồn. Ảnh: Ngọc Thành.
Ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thanh Hóa), cho hay trong buổi làm việc với đoàn công tác của Sở Tài nguyên Môi trường hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình, lãnh đạo Công ty CP mía đường Hòa Bình thừa nhận đã xả nước thải chưa qua xử lý ra thượng nguồn sông Bưởi. Việc xả thải bẩn diễn ra nhiều ngày liên tiếp trong khoảng nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 5.
Lê Hoàng
Theo VNE
Chất thải đặc quánh 'đầu độc' sông Bưởi khiến cá chết hàng loạt Mỗi ngày 300 m3 nước thải chưa qua xử lý từ nhà máy đường ở Hoà Bình đã đổ ra thượng nguồn sông Bưởi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công ty cổ phần Mía Đường Hòa Bình đóng tại xã Tân Mỹ (Lạc Sơn, Hòa Bình) vừa thừa nhận trong thời gian ngắn đi vào sản xuất (từ tháng 15/3 đến...