Thủ tướng giao Công an điều tra việc nhập phế liệu không người nhận
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương, các cảng biển và Hải quan cung cấp danh sách để điều tra, làm rõ nguyên nhân các container phế liệu được vào Việt Nam mà không có người nhận, người vận chuyển.
Chính phủ siết chặt quy định nhập khẩu phế liệu (ảnh minh họa, ảnh IT).
Chiều nay (8.8), tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ (gồm Thủ tướng và các Phó Thủ tướng) về công tác quản lý môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu (là các địa phương có cảng biển có số lượng lớn phế liệu tồn đọng) căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra tình trạng trên; tăng cường phối hợp để kiểm soát chặt chẽ, tốt hơn việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam trong thời gian tới, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng tới môi trường sống và uy tín của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra toàn diện công tác cấp phép nhập khẩu phế liệu trong thời gian qua, xử lý nghiêm các cán bộ có liên quan, thu hồi giấp phép của các doanh nghiệp nếu phát hiện sai phạm.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương ban hành quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với toàn bộ mặt hàng phế liệu được phép nhập khẩu. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương làm rõ nhu cầu sử dụng từng loại phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước hiện nay, khả năng sử dụng các phế liệu sẵn có trong nước cho sản xuất, tác động đến môi trường của từng loại phế liệu, tiêu chí, tiêu chuẩn nhập khẩu của từng loại phế liệu để có cơ sở nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19.12.2014 quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất theo hướng hạn chế tối đa danh sách phế liệu được nhập khẩu, bảo đảm công khai, minh bạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8.2018.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương, các cảng biển và Hải quan cung cấp danh sách để điều tra, làm rõ nguyên nhân các container phế liệu được vào Việt Nam mà không có người nhận, người vận chuyển; khẩn trương điều tra, truy tố một số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường do nhập khẩu phế liệu trái phép vào Việt Nam.
Bộ Quốc phòng huy động các lực lượng chức năng có trách nhiệm để phòng ngừa, ngăn chặn từ xa việc nhập khẩu phế liệu trái phép vào Việt Nam.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các địa phương tổ chức tiêu hủy, di dời các container phế liệu đang tồn đọng để trả lại không gian cho các cảng biển.
Bộ Công Thương rà soát quy định hiện hành, có giải pháp kiểm soát và hạn chế hoạt động tạm nhập tái xuất đối với phế liệu.
Cách nào ngăn rác bẩn "vô chủ" vào Việt Nam?
Những lỗ hổng lớn trong cấp phép, giám sát, quản lý nhập khẩu phế liệu thời gian qua đã bị doanh nghiệp lợi dụng...
Những lỗ hổng lớn trong cấp phép, giám sát, quản lý nhập khẩu phế liệu thời gian qua đã bị doanh nghiệp lợi dụng để nhập phế liệu vô tội vạ. Tuy nhiên, khi hàng về tới cảng thì doanh nghiệp chủ hàng "biến mất", khiến các cảng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vì những container rác thải "vô chủ" tồn đọng. Cách nào ngăn rác bẩn "vô chủ" vào Việt Nam?
Video đang HOT
Ông Hoàng Văn Thức
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT):
Sẽ kiến nghị sửa đổi danh mục phế liệu được phép nhập khẩu
Tính đến hết tháng 5/2018, Bộ TN&MT đã cấp 242 Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu (Giấy xác nhận) trên phạm vi cả nước. Trong đó, 139 Giấy xác nhận cấp cho cơ sở sản xuất nhập khẩu phế liệu trực tiếp; 103 Giấy xác nhận cấp cho DN nhận ủy thác.
Tình trạng tồn đọng phế liệu tại các cảng biển do nhiều chủ hàng hoặc DN nhập khẩu không đến làm thủ tục thông quan do chưa có Giấy xác nhận vẫn ký hợp đồng mua bán phế liệu, dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng đã về đến Việt Nam nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu, gây ùn ứ tại các cảng biển.
Bên cạnh đó, một số đơn vị nhập khẩu có Giấy xác nhận quá hạn hoặc giả mạo Giấy xác nhận hoặc dùng giấy xác nhận của các doanh nghiệp khác liên hệ với các hãng tàu để đưa hàng về Việt Nam, nhưng không thể thông quan hàng nên gây tình trạng ùn ứ cục bộ tại các cảng biển. Một số hãng tàu vận chuyển trong tờ khai E-Manifest lược khai hàng hoá không có phế liệu, nhưng thực tế có phế liệu, sau khi dỡ hàng xuống cảng mới khai báo cụ thể số lượng, chủng loại hàng hóa là phế liệu....
Chính vì vậy, cần phải điều chỉnh thời gian phân loại để xử lý các container phế liệu tồn đọng. Với mốc 90 ngày như hiện nay, chủ tàu nước ngoài cũng đã cao chạy xa bay. Trong khi khâu tiêu hủy lại cực kỳ tốn kém, khó khăn.
Bộ TN&MT đang rà soát và sẽ rút ngắn thời gian cấp Giấy xác nhận nhập khẩu đối với các cơ sở sản xuất đã đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Bộ cũng sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho rà soát và sửa đổi danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo hướng loại bỏ các phế liệu có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường hoặc các phế liệu hiện nay trong nước đã chủ động được nguồn cung.
Ông Âu Anh Tuấn
Ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan):
Có biện pháp ngăn chặn từ xa khi hàng chưa vào Việt Nam
Đối với các lô phế liệu đang tồn đọng tại các cảng, cơ quan hải quan tiến hành rà soát, phân loại và xử lý. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu nhưng không có người đến nhận, nếu là hàng hóa gây ô nhiễm môi trường sẽ yêu cầu phải vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Liên quan tới nhập khẩu phế liệu, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) vừa khởi tố một trường hợp là Công ty TNHH Đức Đạt với tội danh buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng qua biên giới; đồng thời bàn giao hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Cục Điều tra chống buôn lậu đang tiếp tục thu thập thông tin, điều tra các trường hợp khác làm giả giấy tờ để nhập khẩu phế liệu.
Đến nay, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cơ quan hải quan địa phương, các đơn vị nghiệp vụ của ngành Hải quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm soát rủi ro, phòng chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan, giám sát quản lý đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu.
Đồng thời, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan hải quan địa phương có biện pháp ngăn chặn từ xa khi hàng hóa vẫn còn trên tàu, chưa dỡ hàng xuống cảng trên cơ sở phân tích thông tin hàng hóa khai báo trên bản lược khai hàng hóa (manifest) trước khi hàng đến.
Đối với hàng hóa là chất thải, phế liệu không đáp ứng điều kiện, quy chuẩn môi trường; hoặc người nhận hàng không có tên trong danh sách DN đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện, sẽ không cho phép dỡ hàng xuống cảng và yêu cầu hãng tàu vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, đồng thời xử lý theo quy định.
Trường hợp hàng đã qua sử dụng, nghi vấn la phê liêu hoặc người nhập khẩu không thuộc danh sach được câp Giây xac nhân đu điêu kiên thi đưa vào diện kiểm tra, kiểm soát trọng điểm...
Ông Bùi Thiên Thu
Ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN:
Cần xây dựng quy chế phối hợp liên ngành giải quyết container tồn đọng
Khối lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển khu vực TP.HCM và Hải Phòng khoảng hơn 5.700 container. Trong đó, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn quản lý khoảng 4.480 container (20% là phế liệu giấy, 80% còn lại là phế liệu nhựa và phế liệu khác).
Trước thực trạng trên, Cục Hàng hải VN đã yêu cầu các cảng vụ tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra tàu, thuyền vận chuyển hàng phế liệu nhập khẩu; Đồng thời, đề nghị các DN cảng biển, hãng tàu thống kê loại hàng, số lượng và kiến nghị cơ quan hải quan khẩn trương phân loại để xử lý các container phế liệu tồn đọng.
Trường hợp cần giải phóng hàng tồn đọng ra khỏi khu vực cảng, DN cảng phải phối hợp với hãng tàu, đại lý hãng tàu và các bên liên quan kiến nghị cơ quan hải quan cho chuyển các lô hàng phế liệu nhập khẩu đã lưu bãi trên 30 ngày và các lô hàng lưu bãi trên 90 ngày về các khu vực kho, bãi khác. Đối với các hãng tàu/đại lý hãng tàu, Cục Hàng hải VN yêu cầu tăng cường kiểm soát chặt chẽ giấy phép nhập khẩu của lô hàng phế liệu được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực trước khi đưa hàng lên tàu.
Cục Hàng hải VN cũng đề nghị Bộ GTVT kiến nghị với các bộ, ngành liên quan phối hợp xây dựng quy chế phối hợp liên ngành. Đặc biệt, kiến nghị với Bộ TN&MT rà soát hồ sơ, cấp Giấy xác nhận về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu cho các DN đủ điều kiện, kịp thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền danh sách DN được cấp Giấy xác nhận và DN có hàng tồn đọng nhưng không đủ điều kiện; Đồng thời nghiên cứu, sửa đổi một số quyết định, thông tư về quản lý chất thải và phế liệu, tiến tới thắt chặt, loại bỏ những loại/mã phế liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Bà Bùi Thị Hồng Thu
Bà Bùi Thị Hồng Thu, Phó phòng kinh doanh, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng:
Cần kiểm soát nguồn hàng nhập về
Hiện, khu vực cảng Hải Phòng còn tồn đọng 608 container tại các cảng của Công ty CP Cảng Hải Phòng và 900 container tại cảng Đình Vũ. Hàng tồn đọng chủ yếu là các loại hàng giá trị thấp như lốp cao su, quần áo cũ, thuốc y tế hết hạn, nhựa phế liệu, linh kiện điện tử cũ.
Thời gian qua, cảng Hải Phòng đã thiệt hại hàng trăm tỷ đồng đối với những container rác thải vô chủ. Những container này theo quy định không được phép nhập về Việt Nam. Tuy nhiên khi container về tới cảng, doanh nghiệp chủ hàng "biến mất", đơn vị nhận hàng có công văn nói rằng họ không nhập hàng đó. Những container tồn đọng tại cảng khiến doanh nghiệp cảng mất đi nguồn thu phí lưu kho bãi, mất diện tích, gây ô nhiễm môi trường... Khi thực hiện tiêu hủy, chủ tàu và doanh nghiệp cảng phải chịu chi phí này khiến chúng tôi thiệt hại nặng nề.
Các cơ quan quản lý nhà nước phải có chế tài cụ thể kiểm soát nguồn hàng nhập về, kiên quyết không cho những mặt hàng dạng rác thải về Việt Nam. Chúng tôi cũng kiến nghị sửa đổi quy định doanh nghiệp cảng và các hãng tàu phải chịu chi phí xử lý đối với những container tồn đọng bởi chúng tôi đều là nạn nhân của việc một số chủ hàng làm ăn gian dối, nhập rác thải về Việt Nam.
Tái xuất 5 container rác thải nhựa khỏi khu vực cảng Hải Phòng
Ngày 5/8, đại diện lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng cho biết: Cục Hải quan Hải Phòng vừa tiến hành kiểm tra 5 container loại 40 feet chứa phế liệu nhập khẩu. Đây là 5 trong số các container tồn đọng quá 30 ngày tại Chi cục Hải quan Đình Vũ. Sau khi tiến hành kiểm tra, tất cả đều chứa rác nhựa chảy nước lênh láng và bốc mùi hôi thối.
Trước đó, thực hiện kế hoạch xử lý hàng tồn đọng của Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan Hải Phòng, Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng) đã tổ chức xác minh 5 container có dấu hiệu nghi vấn. Theo thông tin trên vận đơn (manifest), các container trên ghi là phế liệu nhựa, nhưng thực tế khi hải quan mở container, toàn bộ hàng hóa là rác thải nhựa.
Được biết, 5 container trên có nguồn gốc xuất phát từ cảng Australia, sau đó quá cảnh qua cảng Singapore trước khi cập cảng Hải Phòng. Người gửi là một chủ hàng tại Hồng Kông, đơn vị nhận hàng là một doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã từ chối nhận lô hàng trên.
Ông Nguyễn Sỹ Tráng, Cục phó Cục Hải quan Hải Phòng cho biết: "Đơn vị sẽ yêu cầu hãng tàu vận chuyển ra khỏi Việt Nam theo đúng quy định. Những lô hàng đã mở tờ khai, Hải quan Hải Phòng sẽ kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định của pháp luật".
Nhóm PV (Thực hiện)
Theo baogiaothong
Cục Hàng hải họp khẩn xử lý container "rác" tồn đọng tại các cảng biển Rất nhiều đại diện đến từ các hãng tàu, chủ hàng, cảng biển cho đến Cục hàng hải, Vụ Vận tải, Tổng cục Hải quan... đều có mặt để mong tìm hướng xử lý container hàng hóa phế liệu tồn đọng tại các cảng biển. Cuộc họp do Cục hàng hải Việt Nam và Vụ Vận tải (Bộ GTVT) phối hợp tổ chức...