Thủ tướng giao 5 nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không-Không quân
Tại lễ kỷ niệm do Quân chủng Phòng không-Không quân tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ phải bảo đảm chủ động trong mọi tình huống, kiên quyết không để bị động bất ngờ, nhất là trước khả năng địch tấn công từ trên không, trên biển, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa…
Ngày 21/12, Thủ tướng dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 28 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân và 45 năm Ngày Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.
Bày tỏ vui mừng đến thăm Quân chủng Phòng không-Không quân, nhân dịp này, Thủ tướng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lời thăm hỏi đến cán bộ, tướng lĩnh, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng của toàn quân nói chung và Quân chủng Phòng không-Không quân nói riêng cùng các đồng chí cựu chiến binh, thân nhân các gia đình thương binh, liệt sĩ.
Thủ tướng phát biểu tại lễ kỷ niệm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”
Thủ tướng nhấn mạnh, hơn nửa thế kỷ qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng phòng không-không quân đã lập nhiều chiến công xuất sắc.
Đặc biệt, trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972, cùng với quân và dân Thủ đô Hà Nội, bộ đội phòng không-không quân đã phát huy cao độ vai trò nòng cốt trong cuộc đối đầu thử thách chưa từng có trong lịch sử, đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không lớn nhất của Mỹ, chủ yếu bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Cùng với quân và dân miền Bắc, đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay chiến lược B.52, làm nên Chiến thắng vĩ đại “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.
“Sau 45 năm nhìn lại, chúng ta càng tự hào về ý nghĩa lịch sử và thời đại của chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không. Đó là chiến thắng của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của Đảng ta; chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc ta; là ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược với tất cả sự mưu trí, lòng dũng cảm và tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, gian khổ”, Thủ tướng nêu rõ.
“Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi trở thành một dấu son chói lọi, viết tiếp thêm một trang sử vẻ vang trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Từ chiến thắng này, chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm quý báu mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được vận dụng sáng tạo trong điều kiện mới.
Đó là bài học về sự kiên định đường lối lãnh đạo của Đảng, xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng – nhân tố quyết định giành thắng lợi; bài học về sự chỉ đạo chiến lược và chiến dịch tài tình, sắc bén trên cơ sở nắm chắc tình hình địch, sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi tình huống xảy ra; bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại; bài học về sự sáng tạo, tự chủ, tự lực, tự cường; bài học về sự giúp đỡ thủy chung, trong sáng của bạn bè quốc tế và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới…
Thủ tướng cho rằng trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, lực lượng phòng không-không quân luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, lập nhiều chiến công hiển hách.
Video đang HOT
Biểu dương những thành tích lực lượng phòng không-không quân đã đạt được những năm qua, Thủ tướng nhấn mạnh, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền bầu trời và biển đảo nói riêng đang đặt ra những nhiệm vụ rất nặng nề cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có trọng trách của lực lượng phòng không-không quân. Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng và Quân chủng cần đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng để lực lượng phòng không-không quân phát huy cao nhất vai trò, vị trí trong thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng đề nghị Quân chủng thực hiện tốt một số nhiệm vụ. Thứ nhất, Quân chủng Phòng không-Không quân là lực lượng được ưu tiên đầu tư tiến thẳng lên hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Để làm được điều đó, phải chú trọng xây dựng lực lượng thật sự mạnh cả về con người và vũ khí, trang bị; trong đó, lấy xây dựng con người là trung tâm – nhân tố quyết định thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng cùng Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải thăm Quân chủng Phòng không – Không quân
Lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu; bảo đảm toàn Quân chủng là một khối thống nhất về ý chí và hành động, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng trong mọi tình huống. Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, có tinh thần khắc phục khó khăn, tự lực, tự cường; nếu phải đương đầu với cuộc chiến tranh hiện đại thì phải quyết tâm đánh thắng trận đầu, đánh thắng liên tục, bắn rơi tại chỗ các phương tiện tiến công đường không của địch.
Cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trình độ chuyên môn cao và năng lực thực tiễn, tiếp thu và ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào huấn luyện, chiến đấu; phát huy trí tuệ con người Việt Nam trong việc làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật.
Thứ hai, không ngừng hoàn thiện thế trận phòng không gắn với thế trận phòng thủ trên từng khu vực. Thường xuyên nghiên cứu, nắm chắc tình hình, âm mưu thủ đoạn của địch, nhất là đối tượng tác chiến phòng không để có những phương án tác chiến chính xác, kịp thời, phù hợp với điều kiện của ta. Phát huy khả năng và hiệu quả chiến đấu cao nhất của từng lực lượng, từng đơn vị trong Quân chủng. Bảo đảm chủ động trong mọi tình huống, kiên quyết không để bị động, bất ngờ, nhất là trước khả năng địch tấn công từ trên không, trên biển; bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Đặc biệt, phải làm tốt vai trò làm tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng xây dựng các lực lượng phòng không, không quân, phòng không nhân dân, tạo thành thế trận phòng không nhân dân vững mạnh, rộng khắp, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn các cuộc kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta và những cuộc chiến tranh trên thế giới gần đây, nhất là các chiến dịch phòng không lớn để vận dụng trong điều kiện mới. Tăng cường nghiên cứu lý luận quân sự, nghệ thuật tác chiến phòng không hiện đại; coi đào tạo và huấn luyện chiến đấu là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của tất cả các cấp; công tác huấn luyện phải sát với yêu cầu nhiệm vụ, thực tế chiến đấu hiện nay. Tích cực nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ quân sự trong lĩnh vực phòng không-không quân; trong đó, chú ý nghiên cứu phòng, chống tiến công đường không bằng vũ khí công nghệ cao của địch. Chủ động có kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào lực lượng phòng không-không quân.
Thứ tư, không ngừng nâng cao công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại. Tăng cường năng lực sửa chữa, sản xuất và ứng dụng các công nghệ mới nhằm bảo quản, nâng hạn sử dụng, nâng cao độ tin cậy của các loại vũ khí, trang bị; từng bước cải tiến, đổi mới trang thiết bị, sản xuất phụ tùng, linh kiện thay thế. Bảo đảm giữ tốt, dùng bền, khai thác, sử dụng hết tính năng, tác dụng của mọi loại vũ khí, khí tài hiện có.
Những năm gần đây, mặc dù Quân chủng được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư hiện đại hóa vũ khí, trang bị, nhưng vẫn còn nhiều loại đã cũ, khả năng sữa chữa, sản xuất trong nước khó khăn. Trước tình hình đó, tôi đề nghị các đồng chí cần nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong công tác quản lý, huấn luyện, điều hành bay, tôi yêu cầu lãnh đạo Quân chủng thường xuyên chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm an toàn bay, tuyệt đối không để xảy ra các sự cố, gây mất an toàn.
Coi trọng nâng cao chất lượng công tác hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng,… bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác được thực hiện ngày càng tốt hơn.
Thứ năm, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng; quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, để đối ngoại quốc phòng thực sự trở thành mũi nhọn trong bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước.
Theo Dantri
Thủ tướng: Đưa ngành rau củ quả Việt Nam xứng với tiềm năng
Chiều (18.12), tỉnh Đồng Tháp tổ chức Diễn đàn "Phát triển thị trường cho ngành rau, củ, quả và giải pháp phát triển hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp, nông thôn". Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo. Đây là một trong những sự kiện lớn trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Tháp (diễn ra trong 2 ngày 18 và 19.12).
Rau củ quả vượt gạo, dầu khí
Theo Bộ NNPTNT, năm nay ngành rau, củ, quả Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao 45% so với năm 2016, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,4 - 3,5 tỷ USD, lớn hơn nhiều tổng kim ngạch xuất khẩu gạo mặc dù diện tích trồng chỉ bằng 40%.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn "Phát triển thị trường cho ngành rau, củ, quả và giải pháp phát triển hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp, nông thôn"
Dù tiềm năng rất lớn nhưng lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập, nhất là ở khâu chế biến và tổ chức thị trường. Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ mới bằng 1% thị phần rau quả thế giới.
Ngoài việc nhu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng, nguyên nhân khiến các mặt hàng nông sản Việt Nam, đặc biệt là rau quả kém cạnh tranh so với các nước khác là do logistics. Theo các số liệu thống kê, Việt Nam là một trong những nước có chi phí logistics rất cao.
Cụ thể, tỉ trọng chi phí logistics trên GDP ở Việt Nam là 20,8%, trong khi tỉ lệ này ở Trung Quốc là 15,4%, Thái Lan là 10,7%, trung bình khu vực châu Á Thái Bình Dương 13,5%, Châu Âu 9,2%, Bắc Mỹ 8,6% và mức trung bình của thế giới là 11,7%.
Để gia tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển thị trường toàn cầu cho ngành rau củ quả Việt Nam, tại diễn đàn, các nhà đầu tư, cơ quan chức năng cùng các đơn vị có liên quan thảo luận tìm ra giải pháp phát triển ngành rau, củ, quả và hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp - nông thôn.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngành rau quả Việt Nam có tiềm năng rất lớn và đã có tốc độ tăng trưởng mạnh, xuất khẩu của ngành hàng này đã vượt lúa gạo, dầu khí.
Tuy nhiên, năng suất, chất lượng rau quả còn thấp và còn nhiều vấn đề đặt ra, thất thoát sau quy hoạch còn rất cao (trên 30%), thường xuyên diễn ra việc "được mùa rớt giá", "được giá mất mùa", giá trị gia tăng còn thấp. Thủ tướng đặc biệt lưu ý về bất cập hạ tầng, nhất là logistics với tính cạnh tranh còn thấp.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành rau củ quả
Thủ tướng đề nghị các ngành chức năng tập trung hoàn thiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp dài hạn gắn với yêu cầu thị trường trong điều kiện biến đổi khí hậu. Hoàn thiện cơ chế chính sách đầu tư, bao gồm cả vùng nguyên liệu vào nhà máy chế biến, khuyến khích phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để làm sao giảm bớt tầng lớp trung gian, đặc biệt là chính sách coi trọng doanh nghiệp, ưu tiên phát triển kinh tế tập thể, trong đó có tổ hợp tác và hợp tác xã.
Thủ tướng đề nghị các ngành chức năng tập trung hoàn thiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp dài hạn gắn với yêu cầu thị trường trong điều kiện biến đổi khí hậu
Tiếp tục đổi mới tư duy nhận thức trong việc phát triển thị trường và sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào bảo quản, chế biến, xúc tiến thương mại, tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để bắt kịp trình độ khu vực của thế giới.
Đồng thời, cần cải thiện nhanh chóng hơn dịch vụ logistics trong chuỗi giá trị ngành hàng rau củ quả nói riêng và nông sản nói chung. Không thể đi mãi lối mòn sản xuất manh mún, tự phát, chạy theo năng suất, chất lượng kém, xuất khẩu thô mà cần có cách làm mới, bài bản hơn cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.
"Sau hội nghị này, Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là Bộ NNPTNT sẽ thảo luận, có biện pháp tốt hơn để đưa ngành rau củ quả Việt Nam xứng với tiềm năng. Về nguồn lực, Chính phủ luôn quan tâm hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào rau củ quả" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết một số thỏa thuận hợp tác đầu tư, hợp đồng thương mại giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư với UBND tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, Công ty Cổ phần Lavifood đã ký kết biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Đồng Tháp và Viện kinh tế nông nghiệp hữu cơ về việc đầu tư chiến lược vào Khu công nghiệp chế biến sâu rau- củ- quả đầu tiên của Việt Nam tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp.Đồng thời, còn có 8 doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đang quan tâm đầu tư vào dự án nhằm xuất khẩu nông sản tỉnh Đồng Tháp đi các thị trường quốc tế như: Mỹ, Nhật, EU...Trong đó, có một số tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực phân phối nông sản, bao gồm: Global Food Importers (Mỹ), Ota Floriculture Auction Co.,Ltd (Nhật Bản) và Korea Agro-Fisheries & Food Trade Corporation (Hàn Quốc).Cũng tại sự kiện này, UBND tỉnh Đồng Tháp, Viện kinh tế nông nghiệp hữu cơ, Công ty Cổ phần Lavifood và đối tác thương mại Greenland Business Group ký kết một thoả thuận nhằm thúc đẩy việc xuất khẩu chính ngạch nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc với giá trị ít nhất 500 triệu đô la Mỹ trong 2 năm đầu tiên và sẽ tăng dần trong các năm tiếp theo.
Theo Danviet
Điện Biên Phủ trên không: Phi công Mỹ lái B52 "thấy lạ" khi bị bắn rơi "Trận "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" kết thúc, đầu năm 1973 tôi có gặp giặc lái B52 của Mỹ và hỏi rằng "Các ông nghĩ gì khi bay vào Hà Nội?". Ông ta nói thẳng là đã nắm rất rõ về lực lượng của ta... Tôi hỏi tiếp bây giờ ngồi trong nhà tù Hỏa Lò ông nghĩ gì? Ông...