Thủ tướng: Giảm thủ tục sẽ bớt tham nhũng
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2015 diễn ra trong ngày 1/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không chỉ nêu rõ các “địa chỉ” có nguy cơ nảy sinh tham nhũng lớn mà còn yêu cầu các Bộ trưởng phải chủ động việc rà soát hoàn thiện, cải cách thể chế để chủ động phòng chống tham nhũng.
Thủ tướng: Giảm thủ tục sẽ bớt tham nhũng.
Sau khi nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Tham nhũng to nhất là trong lĩnh vực đất đai”. Tiếp đến, sử dụng ngân sách, thu ngân sách (thuế, hải quan) cũng là lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, mất mát, chia chác. Bên cạnh đó, tham nhũng còn gây nhiều nhức nhối trong lĩnh vực chi ngân sách qua hoạt động mua sắm, đầu tư công.
Để ngăn chặn tham nhũng trong các lĩnh vực trên, Thủ tướng cho rằng nếu chính sách đất đai rõ ràng, các quy định liên quan tới giao đất, chuyển mục đích sử dụng, thu hồi đất… được thực hiện công khai, minh bạch thì chắc chắn tham nhũng sẽ giảm.
Trong lĩnh vực thu ngân sách, Bộ Tài chính phải đẩy mạnh công khai, minh bạch hơn nữa các chính sách, thủ tục về thuế, hải quan. Đặc biệt phải đẩy mạnh thu ngân sách, thu thuế qua mạng – coi đây là giải pháp quan trọng trong phòng chống tham nhũng. Tương tự, trong lĩnh vực mua sắm, đầu tư, đấu thầu, Thủ tướng cũng yêu cầu phải tăng cường công khai, minh bạch.
Thủ tướng cho rằng một công trình sau khi đấu thầu lại điều chỉnh tăng giá tới 5-7 lần, “đấu thầu, chỉ định thầu bạt mạng, điều chỉnh giá liên tục” thì tất yếu sẽ tạo kẽ hở cho tham nhũng.
Dẫn ví dụ từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, công trình lớn như thế mà nhà thầu giữ nguyên giá không điều chỉnh gì; hay cầu Cần Thơ dù gặp sự cố trong khi thi công, nhưng nhà thầu cũng không điều chỉnh giá. Vậy “tại sao người ta không điều chỉnh mà mình lại điều chỉnh?”, Thủ tướng đặt câu hỏi và cho biết, chúng ta đã sửa Luật Đấu thầu theo hướng này. Theo đó, luật không cho phép điều chỉnh giá. Sau khi đấu thầu phải giữ nguyên giá theo đúng thông lệ quốc tế. Với quy định này sẽ “bịt” được kẽ hở để chạy điều chỉnh giá.
Theo Thủ tướng, trong phòng, chống tham nhũng thì vấn đề cơ chế, thể chế, thủ tục có ý nghĩa quan trọng. Vì ban hành thêm bao nhiêu thủ tục là có thêm bấy nhiêu “nguy cơ nhũng nhiễu, phong bì”. Chính vì vậy, bớt được một thủ tục không cần thiết là giảm thêm một nguy cơ tham nhũng.
Tuy nhiên, để chủ động xây dựng, hoàn thiện thể chế, góp phần phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì bên cạnh việc sửa luật, các bộ, ngành mà trực tiếp là các Bộ trưởng, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình phải chủ động, cố gắng hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính để giảm nguy cơ tiêu cực, nhũng nhiễu.
Video đang HOT
Thủ tướng cho biết, trong lĩnh vực thuế, từ hơn 800 giờ, Bộ Tài chính đã cải cách thủ tục để giảm xuống còn hơn 100 giờ nộp thuế. Qua đó, giảm thêm được không ít tiêu cực, phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng. Tương tự, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan cũng giảm mạnh; thời gian thực hiện thủ tục BHXH của doanh nghiệp cũng giảm từ hơn 300 giờ xuống còn 50 giờ… Thủ tướng cho rằng, với từng đó thủ tục đã được đơn giản thì nguy cơ tham nhũng giảm đi rất nhiều.
Nhấn mạnh sự chủ động của các bộ, đặc biệt là trách nhiệm của các Bộ trưởng trong việc hoàn thiện, cải cách thể chế, Thủ tướng nói: Bộ trưởng chính là cơ chế, chính sách. Chúng ta sửa luật giảm 80 giờ thuế; sửa Nghị định giảm 80 giờ, nhưng Bộ trưởng Tài chính chỉ sửa 1 thông tư đã giảm được hơn 200 giờ thực hiện thủ tục thuế. Như vậy, sự chủ động của các Bộ trưởng trong việc đơn giản hóa các thủ tục, cơ chế hành chính có vai trò quan trọng để kiến tạo cơ chế phòng, chống tham nhũng.
Chính vì vậy, trong phòng, chống tham nhũng, bên cạnh các việc áp dụng các biện pháp hình sự mạnh (như phạt tù…) thì giải pháp chủ động nhất vẫn là cải cách hành chính.
Để thực hiện tốt giải pháp này, từng Bộ trưởng phải tích cực chỉ đạo rà soát, hoàn thiện, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để vừa làm tốt việc phòng, chống tham nhũng vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân sản xuất kinh doanh, Thủ tướng chốt lại!
Theo Chính Phủ
Tai nạn lao động nghiêm trọng được bàn trong phiên họp Chính phủ
Ngày 1/4/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2015. Nhấn mạnh các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cũng lưu ý tình trạng kiểm soát an toàn lao động chưa chặt chẽ, để xảy ra những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng...
Thủ tướng chủ trì phiên họp tháng 3 của Chính phủ.
Tại phiên họp, Chính phủ nghe, thảo luận về Báo cáo tóm tắt đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2015; Báo cáo tóm tắt bổ sung tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2014, tình hình triển khai dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015; Báo cáo quyết toán NSNN năm 2013 và một số báo cáo quan trọng khác.
Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2015 tiếp tục chuyển biến và đạt được kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn gặp một số khó khăn, thách thức như tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn; tăng trưởng các khu vực dịch vụ và nông, lâm, thủy sản đạt thấp hơn cùng kỳ; thời tiết nắng nóng, khô hạn tại một số tỉnh duyên hải Nam trung bộ và Đông Nam bộ đang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; xuất khẩu khu vực trong nước giảm so với cùng kỳ; vẫn còn tình trạng kiểm soát an toàn lao động chưa chặt chẽ, để xảy ra những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng...
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, ngay từ đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc, trách nhiệm, khẩn trương trong việc triển khai các Nghị quyết của Trung ương; kịp thời cụ thể hóa các Nghị quyết bằng các chương trình, hành động cụ thể. Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền và toàn dân, bức tranh chung tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
" Nổi bật là tốc độ tăng trưởng GDP quý I đạt 6,03%. Tôi đã nghe các Bộ chức năng báo cáo, khẳng định con số này đã được rà soát, đánh giá kỹ càng, trên cơ sở cách tính khoa học, theo thông lệ quốc tế", Thủ tướng phát biểu.
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phát huy những kết quả đạt được, nỗ lực khắc phục những hạn chế, yếu kém; chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, tăng cường phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được đã đề ra.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ, tăng cường phối hợp giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để bảo đảm ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô; theo dõi sát diễn biến lạm phát, giá dầu và biến động kinh tế thế giới để có điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời.
" Nhất quán và quyết tâm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không chủ quan" - Thủ tướng yêu cầu.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; triển khai các biện pháp khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nông dân, nhất là đầu ra và giá cả hàng nông sản
" Tôi đề nghị Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì tháo gỡ và có giải pháp ngay" - Thủ tướng phát biểu, đồng thời cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ và địa phương cần tiếp tục tập trung triển khai công tác phòng, chống hạn, hỗ trợ địa phương vượt qua khó khăn do hạn hán trong thời gian tới. Không để người dân bị thiếu đói do hạn hán.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển, như: vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA... Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, giải ngân các dự án hạ tầng quan trọng, cấp bách; phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, tăng tổng cầu và tạo ảnh hưởng lan tỏa tích cực đến các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các lợi thế trong các Hiệp định thương mại, cam kết quốc tế và lợi thế cũng như thách thức của Cộng đồng kinh tế ASEAN. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, chủ động tham gia đàm phán, ký kết Hiệp định TPP và các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác. Chuẩn bị tốt các điều kiện để khai thác hiệu quả các cơ hội, thuận lợi và khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức của hội nhập.
" Các bộ cần nghiên cứu đưa ra các hàng rào kỹ thuật phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước" - Thủ tướng yêu cầu.
Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch; có giải pháp phù hợp để sử dụng hiệu quả số tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành của DNNN. Thủ tướng nhấn mạnh, ngoài 289 DNNN cổ phần hoá trong năm nay, các bộ, ngành cần tính toán đẩy nhanh hơn nữa, không chỉ trong cổ phần hoá doanh nghiệp, mà cần bán tiếp phần vốn Nhà nước ở những doanh nghiệp không cần nắm giữ, hiệu quả thấp; đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
" Việc cổ phần hoá không chỉ để có vốn đầu tư cho những lĩnh vực khác quan trọng, cấp thiết, mà mục tiêu cao nhất là để doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả hơn" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quan tâm thực hiện tốt các chính sách người có công, các đối tượng chính sách. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chú trọng hơn nữa công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh và các điều kiện lao động.
Thực hiện tốt công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2015; triển khai nhiệm vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Tiếp thu, điều chỉnh các quy định sao cho hợp lý nhất, tạo sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân và toàn xã hội.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính, tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; kiểm soát chặt chẽ, tăng cường phòng chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia.
P.Thảo
Theo Dantri
Thủ tướng: Nhà nước phục vụ dân - đã đến lúc không chỉ là lời nói Ngày 31/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có buổi làm việc với lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương nhằm kiểm điểm, đánh giá việc triển khai cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH). Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Vũ Văn Ninh, Vũ Đức Đam và lãnh đạo...