Thủ tướng Đức từ chối tới Nga dự kỷ niệm Ngày chiến thắng
Do căng thẳng xoay quanh cuộc khủng hoảng Ukraine, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ không tới Nga dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5 này. Tuy nhiên, bà sẽ tới Mátxcơva một ngày sau đó để đặt hoa tại đài tưởng niệm các chiến sỹ vô danh đã hy sinh trong Thế chiến II.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Berlin, Đức hồi năm 2009. (Ảnh: AFP)
Tờ DW dẫn lời phát ngôn viên của văn phòng Thủ tướng Đức Steffen Seibert ngày 11/3 đưa ra thông tin trên và lí giải rằng “xem xét những hành động của Nga tại Crimea và đông Ukraine trong hơn một năm vừa qua, việc bà Merkel tới dự buối duyệt binh ngày 9/5 là không phù hợp”.
Dù không đến dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng của Nga (ngày Hồng quân Liên Xô đánh bại phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai), bà Merkel sẽ cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin tới đặt hoa tại đài tưởng niệm các chiến sỹ vô danh một ngày sau đó (10/5). Phát ngôn viên Steffen Seibert cho biết Tổng thống Nga đã đồng ý với kế hoạch này.
Thủ tướng Đức được coi là người đi đầu trong nỗ lực quốc tế để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Ukraine bằng các biện pháp hòa bình.
Video đang HOT
Bà Merkel đã nhiều lần gặp gỡ Tổng thống Nga Putin và các bên liên quan để bàn về cách giải quyết xung đột miền đông Ukraine.
Quan hệ giữa Nga với Mỹ và EU hiện đang rơi xuống điểm thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Chính quyền Kiev và phương Tây cáo buộc Nga hỗ trợ vũ khí, tài chính và binh lính cho các phiến quân miền đông, khiến giao tranh diễn ra liên miên tại đây. Về phần mình, Mátxcơva phủ nhận mọi cáo buộc này.
Thoa Phạm
Theo Dantri/DW
Tổng thống Ukraine: "Phe ly khai đã rút phần lớn vũ khí hạng nặng"
Tổng thống Ukrainie Petro Poroshenko ngày 9/3 xác nhận phe ly khai thân Nga tại miền đông đã "rút một lượng lớn các vũ khí hạng nặng". Ông cho hay quân chính phủ cũng đã di dời phần lớn các vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng chiến sự.
Các vũ khí hạng nặng của phe ly khai tại một nhà kho lớn ở Snizhne, cách Donetsk, đông Ukraine khoảng 90 km. (Ảnh: AFP)
BBC dẫn lời ông Poroshenko ngày 9/3 đưa ra thông tin trên trong một bài phát biểu trên truyền hình, đồng thời xác nhận chính phủ của ông đã rút phần lớn các rốc két và hệ thống pháo hạng nặng.
Chỉ trước đó 3 ngày, Tổng thống Ukraine đã cáo buộc phe ly khai do dự và không tiến hành rút vũ khí dưới sự giám sát của quốc tế, theo như quy định của thỏa thuận Minsk 2.0 hồi tháng 2 vừa qua.
Nói về hiệu lực của thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2.0 mới đạt được tháng trước trong cuộc họp 4 bên Pháp, Đức, Nga, Ukraine, người đứng đầu chính phủ Kiev hôm qua cho hay: "Thỏa thuận ngừng bắn có thể đang tồn tại hoặc không, tùy theo cách bạn phán xét".
Tổng thống Petro Poroshenko cho hay kể từ ngày thỏa thuận Minsk 2.0 có hiệu lực, 64 quân lính chính phủ đã chết. Ông cũng bổ sung kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra 1.549 lính Ukraine đã tử trận.
Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đang giám sát việc thực hiện thỏa thuận Minsk 2.0 tại đông Ukraine.
Theo thỏa thuận trên, hoạt động rút vũ khí cần được tiến hành từ đầu tháng 3 này. Hai bên cần tạo ra một vùng đệm rộng ít nhất 50km đối với các loại đạn pháo có kích cỡ lớn hơn 100mm, 70 km đối với các hệ thống rốc két đa nòng và 100 km đối với các rốc két và tên lửa hạng nặng hơn với bắn tầm xa hơn (như tên lửa đạn đạo Tochka-U).
Hiện OSCE đánh giá thỏa thuận ngừng chiến về cơ bản được giữ vững dù một số vụ đụng độ thỉnh thoảng vẫn xảy ra.
Tính đến nay, ít nhất 6.000 người đã chết trong xung đột tại đông Ukraine kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra, sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3 năm ngoái.
Trong một diễn biến mới nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã tiết lộ về kế hoạch bí mật thâu tóm bán đảo Crimea. Ông và các quan chức an ninh đã mở một cuộc họp "xuyên màn đêm" hồi tháng 2 năm ngoái. Khi đó, người đứng đầu điện Kremlin đã âm thầm ra lệnh sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga và yêu cầu quân đội sẵn sàng giải cứu Tổng thống Ukraine lúc đó sắp bị hạ bệ.
Thoa Phạm
Theo Dantri/BBC
Tổng thống Putin tiết lộ chiến dịch đặc biệt đưa Crimea trở về Nga Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kể về những sự kiện tháng 2/2014, theo đó chính quyền nước này tiến hành chiến dịch đặc biệt đưa Crimea (Crưm) trở lại thành phần LB Nga. Một số chi tiết cụ thể của chiến dịch được ông phác họa trong bộ phim "Con đường về Đất mẹ" sắp được chiếu trên Kênh-1 truyền hình Nga....