Thủ tướng Đức Merkel quay lại làm việc sau thời gian tự cách ly
Thủ tướng Angela Merkel đã trở lại văn phòng làm việc sau thời gian tự cách ly khi bà có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-COV-2.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Reuters dẫn lời người phát ngôn của Thủ tướng Đức cho biết ngày 3/4, Thủ tướng Angela Merkel đã trở lại văn phòng làm việc sau thời gian tự cách ly và làm việc tại nhà vì tiếp xúc với một bác sĩ được chẩn đoán dương tính với SARS-CoV-2. Bác sỹ này là người tiêm phòng cho bà hôm 20/3.
Cùng ngày, báo Der Spiegel đưa tin, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer muốn đưa thêm 4 nước vào danh sách kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và buộc các hành khách đi máy bay phải thực hiện cách ly.
Theo báo trên, dự kiến nội các liên bang Đức ngày 3/4 sẽ thảo luận về đề xuất mới. Đề xuất sẽ chỉ cho phép những người có lý do chính đáng – như những người đi lại thường xuyên qua biên giới – nhập cảnh từ Ba Lan, Séc, Bỉ và Hà Lan.
Video đang HOT
Những hạn chế tương tự đã được thực hiện đối với các nước láng giềng của Đức gồm Áo, Pháp, Thụy Sĩ, Luxembourg và Đan Mạch.
Theo Worldometers, tính đến 17g45 chiều 3/4 (theo giờ Việt Nam), Đức đã có 85.063 người nhiễm SARS-CoV-2, 1.111 ca tử vong và 22.440 ca được chữa khỏi.
Đức đang là quốc gia có số ca nhiễm virus SARS CoV-2 cao thứ tư thế giới sau Mỹ, Tây Ban Nha và Italy./.
Merkel: Covid-19 là thách thức lớn nhất từ Thế chiến II
Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo Đức đang đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ sau Thế chiến II khi bước vào cuộc chiến chống Covid-19.
"Tình hình đang nghiêm trọng. Hãy thật nghiêm túc. Chưa có thách thức nào lớn như vậy sau khi nước Đức thống nhất và thậm chí kể từ lúc Thế chiến II chấm dứt. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự đoàn kết tập thể của chúng ta", Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trên truyền hình hôm 18/3.
Merkel trải qua 15 năm cầm quyền với nhiều biến cố lớn như khủng hoảng tài chính, khủng hoảng tị nạn năm 2015 và Brexit, song bà chưa từng lên sóng nhắn nhủ trực tiếp tới người dân, ngoài khi đọc thông điệp năm mới.
"Tôi tin rằng chúng ta có thể thực hiện thành công nhiệm vụ này, nếu tất cả công dân thực sự hiểu bổn phận của chính mình", Merkel nói, thêm rằng mọi người đều góp một phần làm chậm lại đại dịch đã xuất hiện khắp toàn cầu, dẫn tới nhiều cuộc phong toả thời bình chưa từng có.
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trên truyền hình hôm 18/3. Ảnh: AFP.
Chính quyền Đức gần đây đã đóng cửa các trường học, nhiều doanh nghiệp và địa điểm công cộng để ngăn chặn Covid-19 lây lan. Giới quan sát nhận định thông điệp của Merkel là "lời cảnh báo cuối cùng" trước khi thực hiện các biện pháp mạnh tay hơn.
Đức đã tạm dừng yêu cầu mọi người ở nhà, trái ngược với những hạn chế nghiêm ngặt ở Pháp, Bỉ, Italy và Tây Ban Nha. Thay vào đó, người Đức vẫn tiếp tục ra ngoài để tận hưởng không khí mùa xuân và các cuộc tụ tập.
Merkel không công bố bất kỳ biện pháp nào cứng rắn hơn, song bà nói rằng điều đó có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Nhiều tờ báo Đức bình luận bài phát biểu của Merkel mang tính "lịch sử" và gây xôn xao, đánh dấu sự thay đổi trong giọng điệu, cho thấy "Thủ tướng rất tỉnh táo".
Thủ tướng Đức cho biết bà hiểu sự khó khăn khi từ bỏ những quyền như tự do đi lại, khẳng định chúng chỉ mang tính tạm thời trong xã hội dân chủ. "Tuy nhiên, bây giờ chúng rất cần thiết để cứu sống chúng ta", Merkel nói.
Nền kinh tế hàng đầu châu Âu từ hôm 16/3 thực hiện kiểm soát chặt biên giới đất liền với Pháp, Áo, Luxembourg, Đan Mạch và Thụy Sĩ. Bộ Nội vụ Đức đã mở rộng những hạn chế trên vào tối 18/3, bao gồm giao thông hàng không và đường biển.
Merkel cũng khẳng định Đức có hệ thống chăm sóc y tế tuyệt vời, song cảnh báo các bệnh viện đều có thể bị quá tải nếu có quá nhiều bệnh nhân nhiễm nCoV nghiêm trọng được chuyển đến trong một thời gian ngắn.
Bài phát biểu của Merkel lặp lại cảnh báo của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó, khi ông tuyên bố Pháp sẽ dốc toàn lực chống Covid-19. Macron ra lệnh cho người Pháp ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi cần khi đất nước "có chiến tranh" với nCoV, người vi phạm sẽ bị phạt.
Covid-19 đã xuất hiện tại 173 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 200.000 người nhiễm bệnh và gần 9.000 người tử vong. Đức, một trong những ổ dịch lớn nhất châu Âu, hiện ghi nhận hơn 12.000 ca nhiễm, trong đó 12 người tử vong.
Ngọc Ánh (Theo AFP)
Theo vnexpress.net
Ngừng hôn má, bắt tay: Covid-19 đang thay đổi thế giới thế nào? Thay vì bắt tay, hôn má, nhiều người dùng ánh mắt hoặc cử chỉ tay như một cách chào hỏi giữa mùa dịch Covid-19. Ở khắp nơi trên thế giới, nhiều người đang thay đổi thói quen tại nơi làm việc, ở nhà và trong những nơi thờ phụng để giảm nguy cơ mắc Covid-19 và ngăn không cho dịch lây lan thêm....