Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp Hoa Kỳ
Tiếp tục chuyến công tác tại Hoa Kỳ, trưa ngày 27/9 (giờ địa phương), tại New York, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự và phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Việt-Mỹ, đồng thời đối thoại với các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ.
Đúng 23h00, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có mặt tại khán phòng trong sự chào đón nồng nhiệt của các doanh nhân hàng đầu Hoa Kỳ. Cùng dự sự kiện này có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình; Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng; ông Vũ Quốc Cường, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ và nhiều quan khách.
23h10: Ông Alex, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Việt Nam đã có phát biểu trước khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Ông Chủ tịch nói: Thủ tướng là người bạn thân thiết của Hoa Kỳ. Điều này thể hiện niềm tin của các DN Hoa Kỳ vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam và Thủ tướng có mặt ở đây đã minh chứng cho điều đó.
Các DN Hoa Kỳ kỳ vọng vào triển vọng tăng trưởng kinh tế ASEAN. Hội đồng Kinh doanh ASEAN-Hoa Kỳ cũng rất quan tâm đến điều này.
Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn Hoa Kỳ đóng góp hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ. Thời gian tới, sự có mặt của các DN Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ nâng cao hơn nữa kim ngạch thương mại hai nước.
Chúc mừng Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam trong việc điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế. Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang đi đúng hướng. Bên cạnh đó, chúng tôi mong Việt Nam cải cách hơn nữa thủ tục hành chính, cho phép nhiều người Mỹ đóng góp vào kinh tế Việt Nam.
Kinh tế toàn cầu ảm đạm nhưng thương mại hai chiều Việt Nam-Hoa Kỳ vẫn đạt trên 22 tỷ USD trong năm ngoái. Chúng tôi mong muốn con số này sẽ tăng trưởng hơn nữa trong thời gian tới.
Ngoài ra, chúng tôi mong Việt Nam tạo nhiều cơ hội hơn nữa về hạ tầng cơ sở cho các DN nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ.
Các công ty công nghệ của chúng tôi cũng nhận thấy có nhiều cơ hội kinh doanh tại Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung.
Chúng tôi nghĩ rằng, còn nhiều băn khoăn về nhiều quy định kinh doanh đối với các DN FDI.
Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ mong muốn hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam hơn nữa.
Chúng tôi đánh giá cao sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam với các DN Hoa Kỳ, đặc biệt là cá nhân ngài Thủ tướng.
Các DN Hoa Kỳ mong muốn và ủng hộ mạnh mẽ để Việt Nam gia nhập TPP để đem lại lợi ích cho hai bên.
Các nhà DN Hoa Kỳ cũng rất háo hức kinh doanh ở Việt Nam khi TPP hoàn thành.
Chúng tôi mong muốn gặp quý vị ở Hà Nội trong năm nay và nhiều năm nữa và trở thành đối tác của quý vị.
Video đang HOT
Phát biểu tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Trong nhiều năm qua Việt Nam đã nỗ lực tiến hành công cuộc đổi mới và đã đạt được những thành tựu to lớn, từ một nước nghèo, bị tàn phá bởi chiến tranh, đã trở thành nước có thu nhập trung bình, là điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài, đã đạt và vượt nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Hiện nay chúng tôi đang quyết tâm đưa đất nước phát triển bền vững, trở thành nước công nghiệp hiện đại.
Song song với các cải cách ở trong nước, Việt Nam chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện. Chúng tôi đang tiến hành đàm phán 6 Hiệp định thương mại tự do quan trọng với các khu vực và trung tâm kinh tế hàng đầu trên thế giới, bao gồm Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các FTA với EU, với Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan, với Khối mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA), và với Hàn Quốc. Với triển vọng hoàn tất các Hiệp định này, nhất là Hiệp định TPP, Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến quan trọng, hấp dẫn của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đồng thời, với vị trí địa chiến lược quan trọng, Việt Nam sẽ đóng vai trò cầu nối đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN thống nhất sẽ hình thành vào năm 2015.
“Việt Nam đang cải cách thể chế để các DN nước ngoài có thể đầu tư minh bạch vào việt Nam theo chuẩn mực quốc tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Việt Nam tham gia đàm pháp TPP trong điều kiện Việt Nam có trình độ thấp nhất trong 12 thành viên. Điều này, khi Tổng thống Obama gặp tôi đã nói rằng Hoa Kỳ hiểu Việt Nam và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam.
Bộ trưởng thương mại Hoa Kỳ khi đàm phán cũng theo tinh thần của Tổng thống Obama.
“Khó khăn đàm phán không còn ở Hoa Kỳ mà ở các nước khác”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chúng tôi đang huy động ngoài nhà nước, nước ngoài đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện không chỉ cho đầu tư trong nước và cả nhà đầu tư nước ngoài. Tôi kêu gọi các nhà DN Hoa Kỳ tham gia đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng, giáo dục….
Việt Nam đang tập trung sức trong nước và nước ngoài là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển. Việt Nam đang có 16.000 người đang học tập tại Hoa Kỳ.
Chúng tôi đang chỉ đạo tái cơ cấu đầu tư công hiệu quả. Chúng tôi cũng mở cửa đầu tư công cho DN nước ngoài tham gia qua TPP.
Cuối cùng, chúng tôi đang tăng cường và thực hiện hiệu quả là nâng cao năng lực quản lý của cơ quan nhà nước Việt Nam. Việt Nam là thành viên tích cực, xây dựng của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi mong các bạn ủng hộ tiến trình cải cách ở Việt Nam, để góp phần đầu tư thương mại thành công ở Việt Nam.
Mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama đã thống nhất nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Hy vọng, Hoa Kỳ sẽ là bạn hàng, nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam.
Tôi xin nói là lĩnh vực ICT, năng lượng, hàng không, tài chính, ngân hàng là những lĩnh vực chúng tôi rất khuyến khích. Hoa Kỳ không nên phân biệt đối với hàng hóa Việt Nam. Các mặt hàng nông sản liên quan đến hàng triệu nông dân nghèo Việt Nam.
Sau khi có bài phát biểu quan trọng, Thủ tướng đã đối thoại với hơn 50 doanh nghiệp lớn trong nhiều lĩnh vực của Hoa Kỳ, như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, công nghiệp, xuất nhập khẩu, dệt may, xây dựng cơ sở hạ tầng, hàng tiêu dùng…
Buổi đối thoại là dịp để giới thiệu về các chủ trương, chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Câu hỏi (Đồng Chủ tịch một quỹ đầu tư tài chính ở Việt Nam): Năm 2007 chỉ số cạnh tranh của Việt Nam rất cao nhưng giờ lại không cao như vậy. Chính phủ Việt Nam làm gì để thu hút các nhà đầu tư quay trở lại Việt Nam?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế tác động vào Việt Nam. Kinh tế VN không tăng trưởng cao như 10 năm trước. 3 năm qua chúng tôi chủ động điều tiết tăng trưởng để ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên tăng trưởng 3 năm qua, từ 2010 đến nay, vẫn đạt bình quân 5,6%/năm. Nợ xấu của hệ thống NH theo chuẩn quốc tế là 7%, nhưng quan trọng là đã kiểm soát nợ xấu không tăng lên.
Mục tiêu Việt Nam đặt ra đến cuối 2015 nợ xấu dưới 3%. Ông Thống đốc NHNN đã cam kết trước Quốc hội điều đó. Nhưng chúng tôi tin là sẽ làm được.
Thứ hai, chúng tôi đã mở cửa khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn. Hiện nay, đầu tư FII vào thị trường chứng khoán rất tốt. Theo UB chứng khoán Nhà nước, gần đây đầu tư này đã đạt 8 tỷ USD.
Tối nay, tôi đã chứng kiến ký kết một hợp tác đầu tư lĩnh vực bảo hiểm. Ở Việt Nam có 40 ngân hàng 100% vốn nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam.
Hiện, nhà đầu tư nước ngoài được nắm cổ phần 30% trong TCTD. NHNN cũng đang xem xét nới rộng tỷ lệ này. Chúng tôi cam kết mở thị trường tài chính không kém gì các nước trong khu vực. Mời các bạn tham gia thị trường tài chính, tiền tệ của Việt Nam.
Câu hỏi (Đồng Chủ tịch một công ty tài chính có hợp tác với châu Á): Đầu năm nay (chúng tôi) có đầu tư vào dự án liên danh với Vingroup để hoàn thành dự án Royal City. Tuy nhiên, đến nay thị trường bất động sản rất ảm đạm. Chính phủ làm gì kích cầu bất động sản?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi đã gặp các bạn ở Hà Nội. Tôi hoan nghênh đầu tư của các bạn vào Vin, một đầu tư đầu tiên của nước ngoài vào đầu tư tư nhân ở Việt Nam, trong lĩnh vực bất động sản.
Khủng hoảng tác động vào thị trường bất động sản cũng khó khăn. Chúng tôi đưa ra giải pháp làm ấm dần thị trường này: qui hoạch lại thị trường, mở rộng cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào bất động sản, mở rộng tín dụng cho người mua nhà… Giải pháp này không có gì mới, đã được thực hiện ở nhiều nước như Nhật, Mỹ… nhưng gắn kết với các giải pháp đặc thù của Việt Nam, tôi tin rằng thời gian tới thị trường sẽ ấm lên và 200 triệu đầu tư của ngài vào Việt Nam sẽ thành công.
Ngay sau buổi đối thoại này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ gặp gỡ Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Tổng Giám đốc UNICEF, Tổng Giám đốc Quỹ Dân số Thế giới UNPA, Tổng thống Haiti.
Đặc biệt, vào chiều tối ngày 27/9 (giờ địa phương), Thủ tướng sẽ có bài phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Đại Hội đồng sẽ nêu bật tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin chiến lược góp phần củng cố hòa bình, giải quyết các xung đột trên thế giới, thể hiện tinh thần Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực vào công việc chung của Liên Hợp Quốc. Việc Thủ tướng đại diện cho Việt Nam tham dự Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68 là nhằm tiếp tục triển khai đường lối hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
Theo Chinhphu.vn
Nghệ An gấp rút ổn định tình hình ở giáo xứ Mỹ Yên
Liên quan đến vụ việc gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, giữ người trái pháp luật xảy ra vào các ngày 30/8, 3 và 4/9 tại giáo xứ Mỹ Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Thái Văn Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An.
Ông bày tỏ quan điểm của Ủy ban Nhân dân tỉnh đối với vụ việc và thông điệp gửi đến đồng bào Công giáo trên địa bàn nhằm khẩn trương ổn định tình hình, tạo điều kiện thuận lợi để bà con giáo dân yên tâm phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống.
Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An Thái Văn Hằng. (Nguồn: TTXVN)
- Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta từ trước đến nay, xin ông cho biết kết quả việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo tạo điều kiện cho đồng bào có đạo nói chung và đồng bào Công giáo nói riêng trên địa bàn tỉnh Nghệ An yên tâm sống tốt đời, đẹp đạo?
Ông Thái Văn Hằng: Với quan điểm là đồng bào có đạo hay không có đạo, đều là công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đều có trách nhiệm và nghĩa vụ trước pháp luật, từ trước đến nay, cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh Nghệ An, từ tỉnh đến cơ sở đều luôn quan tâm, chú trọng phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống người dân, trong đó có đồng bào Công giáo.
Những nhu cầu chính đáng, hợp pháp, phù hợp thực tế và phù hợp pháp luật Việt Nam của bà con giáo dân về cơ bản đều được đều giải quyết kịp thời, đúng quy định.
Thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã tạo điều kiện tu sửa, xây mới nhiều thánh đường Công giáo, cơ sở thờ tự phục vụ hoạt động hành đạo. Tỉnh đã hỗ trợ, giải quyết cho tách lập 23 xứ đạo, 43 họ đạo, các họ đạo mới được tách lập đã được giải quyết đất đai, hàng chục cơ sở tôn giáo được mở rộng khuôn viên...
Tỉnh cũng đã phê duyệt, cấp phép xây dựng cho hơn 70 nhà thờ, nhà phòng, nhà học giáo lý. 97% cơ sở tôn giáo đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giải quyết giao đất cho hầu hết các họ đạo được tách lập mới, mở rộng khuôn viên hơn 25 cơ sở (nhà thờ, xứ, họ). Đặc biệt, hiện nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh đang xem xét, giải quyết mở rộng khuôn viên Đền Thánh An Tôn - Giáo họ Trại Gáo (xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc). Công tác đào tạo chức sắc, dạy giáo lý tín đồ cũng được quan tâm đúng mức.
Tỉnh cũng tạo điều kiện giúp đỡ, phối hợp tổ chức, đảm bảo các lễ lớn, lễ trọng của giáo họ diễn ra an toàn, trang trọng.
Thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Nhà nước, Nghệ An cũng đã triển khai nhiều chương trình, dự án trên địa bàn vùng Công giáo, nhất là đầu tư hạ tầng cơ sở, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, hỗ trợ vốn, đào tạo nghề cho giáo dân... Nhờ đó, đến nay trong vùng giáo dân Nghệ An đã có hơn 25 làng nghề, hơn 33 làng có nghề và hàng trăm hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân hoạt động có hiệu quả, tạo điều kiện cho hàng chục ngàn hộ giáo dân thoát nghèo.
Từ sự quan tâm của chính quyền và những cố gắng, nỗ lực của bà con giáo dân, tỷ lệ hộ giàu ở vùng giáo dân đã tăng lên 41% vào năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 giảm còn 16,63%. Số xã nghèo vùng giáo dân giảm từ 27 xã năm 2006 xuống chỉ còn 9 xã hiện nay. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ mức 8,6 triệu đồng/người năm 2006 lên 12,4 triệu đồng/người/năm hiện nay.
Thực hiện đường hướng hành đạo sống phúc âm trong lòng dân tộc, chấp hành nghiêm chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tỷ lệ làng văn hóa, hộ gia đình giáo dân văn hóa tăng lên rõ rệt: Năm 2007 là 30.000 hộ, đến năm 2012 là hơn 35.000 hộ. Làng đạt chuẩn văn hóa từ 50 làng năm 2007 đã tăng lên 130 làng năm 2012.
- Thưa ông, vụ việc tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng ở Giáo họ Trại Gáo, Giáo xứ Mỹ Yên thuộc xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của huyện Nghi Lộc và tỉnh Nghệ An, xin ông cho biết quan điểm của lãnh đạo tỉnh đối với vụ việc này?
Ông Thái Văn Hằng: Vụ việc vừa xảy ra tại Giáo họ Trại Gáo, Giáo xứ Mỹ Yên là một trong nhiều vụ việc thể hiện những hành động quá khích của một số chức sắc, chức việc, giáo dân cực đoan dưới sự xúi giục từ các tổ chức, thế lực phản động trong và ngoài nước, dẫn đến việc một số người dân đã bị kích động, nghe theo, thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật.
Có thể khẳng định rằng, việc giáo dân bao vây trụ sở chính quyền địa phương, giữ người trái pháp luật, hành hung cán bộ Nhà nước, đập phá tài sản là những hành vi vi phạm Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An áp dụng các biện pháp như: Tổ chức để lực lượng Công an bảo vệ trụ sở Đảng ủy, Hội đồng nhân dân xã Nghi Phương là cần thiết và hợp pháp. Bất cứ nhà nước nào cũng phải bảo vệ chính quyền, bảo vệ tài sản công; bảo vệ tính mạng, sức khỏe của cán bộ khi bị xâm hại. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi theo dõi và thấy rằng, lực lượng Công an không sử dụng vũ khí mà chỉ sử dụng công cụ hỗ trợ và các biện pháp nghiệp vụ. Chúng tôi cho rằng, đây là hoạt động chính đáng, hợp pháp, tuân thủ pháp luật của Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.
-Thưa ông, để bà con giáo dân Giáo họ Trại Gáo, Giáo xứ Mỹ Yên thuộc xã Nghi Phương cũng như nhân dân trên địa bàn ổn định đời sống, lao động, sản xuất bình thường, giữ vững mối đoàn kết lương - giáo, chính quyền và các chức sắc tôn giáo cần thực hiện những biện pháp gì?
Ông Thái Văn Hằng: Để ổn định tình hình, củng cố mối đoàn kết lương-giáo, tiếp tục nâng cao đời sống người dân, với tinh thần cầu thị, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi Tòa Giám mục Giáo phận Vinh, đề nghị phối hợp, giải quyết vụ việc.
Thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đề nghị các chức sắc tôn giáo tổ chức đối thoại xung quanh vụ việc, cùng tổ chức rút kinh nghiệm, nhận thức rõ những hành vi trái quy định của pháp luật để khắc phục, sửa chữa, phối hợp thực hiện tốt hơn việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước cần nhận định một cách khách quan, toàn diện để phản ánh một cách chân thực nhất nội dung sự việc và những hành vi vi phạm pháp luật.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An cũng đề nghị các chức sắc tôn giáo không được tiếp tục có những lời nói, hành động, văn bản mang nội dung kích động, lôi kéo người dân dẫn đến vi phạm pháp luật, đưa người dân từ chỗ vô tội trở thành kẻ phạm tội.
Tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục triển khai các đề án phát triển kinh tế-xã hội tại Nghi Phương, Nghi Lộc đồng thời nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật cho bà con địa phương, để bà con yên tâm lao động, sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống, tham gia vào công cuộc phát triển địa phương ngày một giàu đẹp.
-Để tránh xảy ra những vụ việc tương tự như ở Giáo họ Trại Gáo, thông điệp mà chính quyền địa phương gửi đến cộng đồng giáo dân Nghệ An nói chung, Giáo xứ Mỹ Yên nói riêng là gì, thưa ông?
Ông Thái Văn Hằng: Trong lịch sử dân tộc ta, đồng bào Công giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, cũng như quê hương Nghệ An. Vụ việc gây rối trật tự công cộng tại Giáo họ Trại Gáo vừa qua chỉ là do một số người dân do hạn chế về kiến thức pháp luật, bị một số tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước kích động thông qua một số chức sắc tôn giáo, dẫn đến vi phạm pháp luật.
Chúng tôi đề nghị các chức sắc tôn giáo hãy vì lợi ích của người dân, thực hiện đúng Lời giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI: "Người Công giáo tốt là người công dân tốt" và Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam: "Sống phúc âm giữa lòng dân tộc." Bất cứ công dân của một quốc gia nào cũng phải có nghĩa vụ tôn trọng pháp luật của nước sở tại. Chúng ta là người dân đất Việt, đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
- Xin cám ơn ông.
Theo nhóm PV Thông tấn xã
Xăng dầu lãi to vẫn kỳ kèo chuyện nộp thuế Buộc phải nộp ngay thuế trước khi thông quan hàng hóa vào Việt Nam khiến các DN xăng dầu kêu ca vì không lo đủ tiền nộp ngay, hoặc bị phạt chậm nộp nếu hàng về cảng rơi vào ngày nghỉ lễ, Tết. Xin nộp thuế từng phần Cục Hải quan Cần Thơ vừa phản ánh, nhiều DN xăng dầu đang đề nghị...