Thủ tướng: Điều tra, xử lý nghiêm sai phạm thi THPT quốc gia
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018. Chính phủ giao Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.
Khắc phục hạn chế, thiếu sót trong việc tổ chức thi
Nghị quyết 104 nêu rõ nhiệm vụ với Bộ GD-ĐT là phải tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá cụ thể hiện trạng đầu tư, cải tạo nhà vệ sinh, cung cấp nước sạch trong trường học trước năm học mới, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ này rà soát, xác định rõ những hạn chế, thiếu sót trong công tác tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, hoàn thiện hệ thống quản trị của ngành giáo dục, quy trình kỹ thuật, đồng thời tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và nhân dân, tổ chức tổng kết, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, bất cập, bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch tất cả các khâu của kỳ thi.
Bộ GD-ĐT cũng cần phối hợp với Bộ Công an điều tra xử lý nghiêm các vi phạm trong kỳ thi vừa qua.
Công tác tổ chức thi THPT quốc gia được cho là còn nhiều hạn chế, thiếu sót (ảnh minh hoạ)
Cũng liên quan đến ngành giáo dục, mảng xây dựng chính sách, Chính phủ thống nhất thông qua đề xuất của Bộ GD-ĐT về bổ sung chính sách nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm theo lộ trình quy định tại dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Đồng thời, thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW (khóa XI.
Chính phủ giao Bộ GD-ĐT tiếp tục lấy ý kiến Nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học về dự án Luật này, nhất là việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia; phối hợp với Hội đồng Dân tộc, UB Dân tộc rà soát vấn đề cử tuyển; chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), báo cáo Thủ tướng trước khi trình Quốc hội dự án luật này.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc rà soát, sửa đổi các Luật liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học theo hướng một luật sửa nhiều luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai cơ chế tự chủ đại học; bổ sung quy định về Hội đồng trường đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ có chức năng thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan chủ quản, giám sát các mặt hoạt động của trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, Bộ GD-ĐT tập trung quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
Kiểm tra hồ chứa, đập thủy điện, khu vực sạt lở nguy hiểm
Về các lĩnh vực điều hành khác, Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương liên quan rà soát, kiểm tra an toàn, chất lượng hồ chứa, đập thủy điện, gắn trách nhiệm cụ thể trong quá trình vận hành, điều tiết, bảo đảm an toàn hồ, đập trong mùa mưa lũ, an toàn tính mạng và tài sản của người dân ở vùng hạ du; đánh giá tổng thể công tác bảo đảm an toàn các hồ chứa, đập thủy điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2018.
Video đang HOT
Bộ NN&PTNT theo dõi chặt diễn biến thời tiết, mực nước sông, suối, hồ, đập; kiểm tra an toàn các đê, kè, công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ đập lớn, kiên quyết không đưa các hồ yếu, có sự cố vào chứa nước. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các thành viên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai rà soát, chủ động có các phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng phải phối hợp với Bộ TN-MT, các cơ quan và địa phương liên quan thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, bố trí lại dân cư khu vực sạt lở nguy hiểm, bảo đảm an toàn cho người dân. Hướng dẫn người dân trồng bù diện tích lúa, rau màu bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão, lũ; kiểm soát tốt dịch bệnh, cây trồng, vật nuôi tại vùng bị ngập lụt.
Ngoài ra, Chính phủ giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, có chế tài xử lý nghiêm, chấn chỉnh hoạt động dịch vụ vận tải, tăng cường trách nhiệm của các nhà xe, lái xe; xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường nắm tình hình, bảo đảm an ninh, an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, nhất là các hoạt động kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi, nhất là khu vực nông thôn. Phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, đề nghị truy tố, xử lý kịp thời các đối tượng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam.
Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát quy hoạch, có các giải pháp công trình nhà ở khu vực có nguy cơ sạt lở; có cảnh báo và giải pháp đối với nhà chung cư cũ, bị hư hỏng nặng tại các đô thị lớn; theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản để có đối sách phù hợp, kịp thời; phát triển nhà ở xã hội; theo dõi, đôn đốc việc di dời các trụ sở cơ quan ra khỏi khu vực đô thị theo kế hoạch.
Theo Dantri
Nghi vấn bao che sai phạm trong chấm thi: Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình nói gì?
Trao đổi với PV Dân trí sáng 3/8, ông Bùi Văn Cửu, Phó chủ tịch tỉnh UBND tỉnh Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh cho biết, đơn vị này nhận được đơn tố cáo của người dân trước thời điểm chấm thẩm định. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh không phải đến lúc nhận được đơn mới vào cuộc.
Ông Cửu khẳng định, việc xử lý sai phạm các cá nhân đến đâu còn căn cứ vào kết quả điều tra của cơ quan công an. Tuy nhiên, quan điểm của tỉnh là xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội để trả lại công bằng cho thí sinh.
Thưa ông, liên quan đến sai phạm về điểm thi ở Hòa Bình hiện đã điều tra đến đâu?
Bộ GD&ĐT ngày 2/8 đã nêu về sai phạm điểm thi ở Hòa Bình. Trước đó, tôi đã giao cho sở GD&ĐT báo cáo Bộ GD&ĐT. Bộ Công an đang chỉ đạo, kết quả như thế nào, tôi cũng đang chờ.
Là người đứng đầu ban chỉ đạo thi, khi có thông tin dư luận cho rằng điểm của Hòa Bình bất thường, tôi cũng băn khoăn. Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức họp, trong đó có tôi, giám đốc công an tỉnh, giám đốc sở GD&ĐT. Tại cuộc họp đó, chủ tịch UBND tỉnh đã giao giám đốc sở kiểm tra, xem xét đánh giá toàn bộ sự việc về kỳ thi.
Sau đó, giám đốc sở GD&ĐT, trưởng phòng khảo thí đã báo cáo Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ. Sau đó, thực hiện quyết định của Bộ trưởng GD&ĐT, tỏ công tác về chấm thẩm định ở Hòa Bình. Kết luận ngày 23/7 cho thấy 100% bài thi chấm thẩm định có kết quả trùng khớp với kết quả công bố ngày 11/7.
Giáo viên chấm thi môn tự luận tại Hòa Bình, kì thi THPT quốc gia 2018 (Ảnh: Mỹ Hà).
Theo Sở GD&ĐT công bố, có 5 cán bộ liên quan đến sai phạm này. Vậy, đó là những ai, thưa ông?
Quyết định thành lập ban chấm thi, ban phách do chủ tịch và phó chủ tịch hội đồng thành lập. Tôi không trực tiếp làm. Tôi là trưởng ban chỉ đạo và không biết, không nắm rõ những người này. Công an cũng chưa làm việc với tôi.
Được biết, ngày 23/7, có thông tin 100% bài thi chấm thẩm định của Hòa Bình có kết quả hoàn toàn trùng khớp như tỉnh đã công bố trước đó. Vậy đơn vị nào công bố thông tin này, thưa ông?
Sau khi có thông tin về điểm thi của Hòa Bình bất thường vì có nhiều điểm cao, Bộ GD&ĐT đã về chấm thẩm định.
Đây là việc làm thường xuyên, hàng năm đều có và chọn các bài từ điểm 8 trở lên để chấm thẩm định. Theo đó, Hội đồng chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT đã kết luận 100% bài thi của Hòa Bình trùng khớp với kết quả mà Hòa Bình thông báo.
Như vậy, Bộ là người công bố kết quả này chứ không phải Sở GD&ĐT Hòa Bình.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) kiểm tra khâu chấm trắc nghiệm tại Hòa Bình (Ảnh: Mỹ Hà).
Theo nguồn tin của Dân trí, sau khi chấm thẩm định, Lãnh đạo tỉnh nhận được đơn khiếu nại, tố cáo sai phạm nên Hòa Bình mới kiểm tra kĩ hơn để phát hiện sai phạm? Điều đó đúng không thưa ông?
Tôi khẳng định điều đó không đúng. Đích thân Chủ tịch UBND tỉnh nhận được một cái đơn phản ánh trước thời điểm Bộ GD&ĐT chấm thẩm định. Về nội dung đơn, tôi không được rõ vì không phải người trực tiếp được nhận đơn.
Sau khi Bộ GD&ĐT chấm thẩm định, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản giao cho Giám đốc Sở GD&ĐT kiểm tra, đồng thời về báo cáo Lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT đã cho chấm thẩm định và có kết quả 100% bài thi đúng như công bố.
Sau đó, tiếp tục triển khai theo công văn của Bộ GD&ĐT, chúng tôi tiếp tục triển khai rà soát xem các khâu trong quá trình tổ chức thi và chấm thi có vấn đề gì không thì được báo cáo phát hiện thấy điểm bất thường trong máy tính dùng chấm thi.
Chúng tôi đã báo cáo Bộ GD&ĐT cùng Bộ Công an để kiểm tra và hiện đang chờ kết quả điều tra chứ không phải chúng tôi bao che.
Nếu phát hiện ra sai phạm, với tư cách là người đứng đầu kì thi, theo ông, cần xử lý các đối tượng sai phạm ở mức độ ra sao thưa ông?
Tôi nghĩ xử lý thế nào là tùy mức độ sai phạm. Tỉnh không can thiệp vào việc làm cao hay làm thấp mà tùy thuộc vào mức độ sai phạm của từng đối tượng để quyết định.
Khẳng định kết quả "bình thường" nhưng bây giờ lại thành "bất thường", cảm giác của ông thế nào?
Tôi buồn và thấy trong quá trình thực hiện của Hòa Bình, có thể có khâu nào đó chưa kín kẽ hết.
Mặc dù chúng tôi đã quán triệt với anh em là phải làm rất cẩn thận, không được chủ quan trong tất cả các khâu phải đúng quy định.
Khi xảy ra thông tin ban đầu, tôi trao đổi với Giám đốc Sở GD&ĐT cùng Trưởng Phòng Khảo thí, tất cả các khâu điều không có bất cập. Thậm chí Trưởng Phòng Khảo thí còn khẳng định với tôi, quân của em không thể nào làm bậy, làm sai điều gì.
Trong quá trình chấm, Bộ GD&ĐT còn về kiểm tra và đánh giá cao nên rất tin tưởng. Thậm chí, sau khi có kết quả chấm thẩm định và yên tâm hơn. Nhưng sau đó, tiếp tục công tác rà soát theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, mới phát hiện ra sai phạm.
Mỹ Hà ( thực hiện)
Theo Dân trí
Lùi thông qua Luật Giáo dục sau tiêu cực thi cử "Cử tri nuối tiếc về tính nghiêm túc của kỳ thi đại học trước đây", Trưởng ban Dân nguyện chia sẻ và đồng tình với quan điểm cần thêm thời gian để lấy ý kiến cử tri về Luật Giáo dục sửa đổi. Chu nhiem Ủy ban Tu phap Le Thi Nga phát biểu tại phiên họp chiều 8/8 Chiều 8/8, Ủy ban...