Thủ tướng đề nghị miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực
Sáng 20/5, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong những tháng đầu năm 2020, tình hình quốc tế có những biến động lớn, chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch Covid-19.
Thủ tướng nêu rõ, trong nước, hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” – vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động KTXH và bảo đảm đời sống của nhân dân.
Chính phủ đã chỉ đạo phòng chống dịch một cách toàn diện theo các kịch bản đề ra, phù hợp với diễn biến tình hình. Các biện pháp ứng phó được triển khai sớm hơn và cao hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)…
Nhờ đó, đến nay, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Liên tục trong hơn một tháng qua, ở Việt Nam chưa có trường hợp nào lây nhiễm trong cộng đồng; trong khi nhiều quốc gia phát triển, có nền y tế hiện đại vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.
Đạt được kết quả quan trọng này là do chúng ta đã sớm nhận thức đúng, có đối sách phù hợp, kịp thời, tập trung chỉ đạo liên tục, hành động quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả.
Các tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia, nhiều hãng truyền thông, chuyên gia uy tín đánh giá Việt Nam có mô hình chống dịch hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp, được nhân dân ủng hộ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, với tinh thần “khó khăn gấp đôi phải cố gắng gấp ba” trong thực hiện “mục tiêu kép”, các địa phương, doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các hoạt động KTXH.
Mặc dù gặp khó khăn, thách thức lớn, nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta vẫn có những điểm sáng trong phát triển kinh tế, nhất là duy trì được nền tảng vĩ mô ổn định và các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển KTXH sau dịch.
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 (Ảnh Duy Tiến ANTĐ)
Video đang HOT
Theo báo cáo, tăng trưởng GDP quý I của nước ta vẫn đạt 3,82%, thuộc nhóm cao trong khu vực và trên thế giới. Trong khó khăn, nhiều địa phương vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao. Chúng ta vẫn duy trì sản xuất kinh doanh, không để rơi vào suy thoái; trong khi hầu hết các nước, đối tác lớn đều tăng trưởng âm…
Từ quá trình chống dịch Covid-19 thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm quý cần được tiếp tục phát huy để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong thời gian tới.
Đặc biệt, để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề xuất, kiến nghị Quốc hội xây dựng, triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù, như:
Cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020.
Miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Đáng chú ý, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1-7-2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.
Tổng cục Hải quan: Hải quan các tỉnh, thành không được sách nhiễu DN xuất khẩu gạo
Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố không để tình trạng sách nhiễu doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đồng thời kiến nghị Thủ tướng giao cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ các tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng.
Kiểm tra gạo: Không phải dỡ khỏi container
Trước những băn khoăn, bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo liên quan đến việc mở tờ khai hải quan, thông quan gạo xuất khẩu, chiều 17/4, Tổng cục Hải quan đã có điện gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố yêu cầu xử lý các vướng mắc liên quan đến việc kiểm tra thực tế đối với các lô hàng gạo xuất khẩu, tránh gây bức xúc cho doanh nghiệp.
Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan kiểm tra hồ sơ để xác định gạo xuất khẩu đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Việc kiểm tra thực tế để xác định lượng hàng hóa thực xuất khẩu, đề nghị các đơn vị sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, không yêu cầu doanh nghiệp phải dỡ hàng ra khỏi container (đối với hàng đóng trong container).
Cụ thể, đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ, khối lượng hàng hóa phải được kiểm tra qua cân, được cơ quan hải quan ghi nhận để xác nhận số lượng thực tế xuất khẩu.
Đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường biển, cơ quan hải quan căn cứ khối lượng hàng hóa thực tế được xếp lên phương tiện vận tải của hãng tàu hoặc đơn vị xếp dỡ để xác nhận số lượng thực tế xuất khẩu.
Đối với doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên theo Quyết định của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện việc kiểm tra hồ sơ (luồng vàng) và thực hiện biện pháp kiểm soát lượng gạo xuất khẩu theo hướng dẫn tại điểm 1 nêu trên.
Tổng cục Hải quan yêu cầu không để tình trạng phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Ảnh: I.T
Đối với các lô hàng đã được vận chuyển đến cửa khẩu xuất, nhưng đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu, đã được hệ thống phân luồng kiểm tra thực tế hàng hóa, Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa thực hiện kiểm tra thực tế theo đề nghị của Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai.
Tổng cục Hải quan cũng đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố kiểm tra, theo dõi việc thực hiện của công chức hải quan, không để tình trạng phiền hà, sách nhiễu, gây bức xúc doanh nghiệp.
Ý kiến của Bộ Tài chính chưa được xem xét thấu đáo
Cũng trong chiều nay 17/4, Tổng cục Hải quan tiếp tục có thêm thông tin về những diễn biến xung quanh việc xuất khẩu gạo. Trong thông tin phát đi, Tổng cục Hải quan kiến nghị nhiều giải pháp nhằm đảm bảo xuất khẩu gạo công khai, minh bạch và gắn với đảm bảo an ninh lương thực.
Theo Tổng cục Hải quan, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã làm việc với các đơn vị, trong đó có thành viên là Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, thời gian cuộc họp chỉ có 1/2 ngày nên chưa thể đánh giá được tổng thể nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ Tài chính sau đó đã có hai lần tham gia ý kiến với Bộ Công Thương bằng hai công văn khác nhau.
Trong đó, Bộ Tài chính có đề nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo đối với gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm; tạm dừng xuất khẩu loại gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6 để đảm bảo mua đủ gạo dự trữ quốc gia.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã được phê duyệt kết quả trúng thầu và thông báo kết quả trúng thầu nhưng có văn bản từ chối ký hợp đồng hoặc không đến ký hợp đồng với số lượng 160.300 tấn. Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị chỉ cho phép xuất khẩu gạo đối với những doanh nghiệp đã trúng thầu với các cục Dự trữ nhà nước khu vực và phải ký hợp đồng giao hàng xong...
Bộ Tài chính cũng nêu rõ theo phương án điều hành nêu trong dự thảo của Bộ Công Thương cho thấy doanh nghiệp rất bị động trong quyết định phương án kinh doanh, thậm chí phải đền bù hợp đồng do không còn số lượng được xuất.
Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án. Thứ nhất, giao Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu giữa các doanh nghiệp có sự giám sát của Bộ Công Thương. Thứ hai, giao Bộ Công Thương phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. "Tuy nhiên, các ý kiến nêu trên không được Bộ Công Thương tiếp thu" - Tổng cục Hải quan cho hay.
Tổng cục Hải quan cũng đề xuất phương án quản lý hạn ngạch xuất khẩu gạo mới. Ảnh: I.T
Đề xuất 2 phương án quản lý hạn ngạch xuất khẩu gạo
Về công tác quản lý gạo xuất khẩu, để đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng gạo xuất khẩu; đảm bảo tính công khai, minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp khi lên kế hoạch xuất khẩu gạo và xử lý lượng gạo hiện đang lưu giữ tại cửa khẩu nhưng chưa thể xuất khẩu, Tổng cục Hải quan kiến nghị như sau:
Đối với các lô hàng gạo hiện đang tồn tại cảng chưa xuất khẩu, Thủ tướng cho phép xuất khẩu các lô hàng gạo đã đưa vào cảng trước ngày 24/3/2020 nhưng chưa đăng ký tờ khai hải quan trong tháng 4 được xác nhận bởi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng, cơ quan hải quan (theo phản ánh của Hiệp hội Lương thực Việt Nam là 146.453 tấn). Số lượng gạo xuất khẩu sẽ trừ vào hạn ngạch xuất khẩu.
Đối với công tác quản lý hạn ngạch trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng phê duyệt số lượng gạo được phép xuất khẩu (không bao gồm gạo nếp) và định hướng lộ trình, tiến độ xuất khẩu. Trên cơ sở đó, giao Bộ Công Thương lựa chọn phương án tối ưu để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2 phương án được Tổng cục Hải quan đề xuất là: Phương án 1, giao Bộ Công Thương tổ chức bán đấu giá hạn ngạch xuất khẩu gạo (tương tự như việc đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường đã và đang được Bộ Công Thương triển khai). Theo đó, Bộ Công Thương công bố công khai hạn ngạch gạo được xuất khẩu và chia thành các gói đấu giá.
Các doanh nghiệp được phép tham gia đấu giá nếu đáp ứng các điều kiện sau: Đap ưng điêu kiên quy đinh tai Nghi đinh sô 107/2018/NĐ-CP vê kinh doanh xuât khâu gao; đã trúng thầu cung cấp gạo, đã ký hợp đồng và hoàn thành việc giao gạo cho Cục Dự trữ nhà nước khu vực; ký thỏa thuận với ít nhất là 1 hệ thống siêu thị về việc đảm bảo cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.
Doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện nêu trên và được Bộ Công Thương thông báo doanh nghiệp đấu giá, cơ quan Hải quan sẽ giải quyết thủ tục xuất khẩu theo quy định.
Phương án 2, giao Bộ Công Thương phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
Theo Tổng cục Hải quan, để đảm bảo công khai, minh bạch, cũng như cần có thời gian để cơ quan Hải quan mở lại hệ thống (sau khi ngừng tiếp nhận tờ khai do hết hạn ngạch) khi ban hành quyết định phân bổ hạn ngạch xuất khẩu, Bộ Công Thương cần thống nhất với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) về thời điểm bắt đầu áp dụng để thông báo công khai cho các doanh nghiệp biết, thực hiện.
Không áp dụng hạn ngạch sau dịch Covid-19
Trường hợp sau khi chấm dứt dịch bệnh Covid-19, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT đánh giá tình hình sản xuất lúa gạo trong nước, nhu cầu dự trữ quốc gia và tiêu dùng trong nước, nếu đảm bảo ổn định cung cầu thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được tiếp tục thực hiện việc kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP; không áp dụng quản lý bằng hạn ngạch xuất khẩu.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, về biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm chính sách quản lý gạo xuất khẩu, Thủ tướng giao cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ các tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện nghiêm Nghị định số107/2018/NĐ-CP, chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020 và công văn số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020, làm rõ việc có hay không dấu hiệu trục lợi từ chính sách quản lý hạn ngạch xuất khẩu gạo để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Khánh Nguyên
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Ảnh hưởng virus Corona tới kinh tế rất nghiêm trọng Liên quan tới tới tác động của dịch bệnh do virus Corona đối với tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, hiện mức độ ảnh hưởng của bệnh dịch do virus Corona đối tới kinh tế là...