Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các nước dự GEF ủng hộ lập trường của Việt Nam về Biển Đông
Ngày 27/6, trong cuộc tiếp lãnh đạo các nước dự Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo các nước ủng hộ lập trường, nỗ lực của ASEAN và Việt Nam về duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Tiếp Tổng thống Nauru bên lề Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF 6) tại Đà Nẵng, Thủ tướng chúc mừng Nauru tiếp quản chức Chủ tịch Quỹ Môi trường toàn cầu từ Micronesia, đồng thời sẽ là Chủ tịch của nhóm các quốc đảo Thái Bình Dương từ tháng 9/2018.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam luôn quan tâm theo dõi tình hình Nauru cũng như các nước Nam Thái Bình Dương khác. Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Tổng thống thúc đẩy việc trao đổi đoàn công tác trong một số lĩnh vực hai bên có tiềm năng như thủy sản, nghề cá, nông nghiệp, du lịch, khai khoáng… Việt Nam hoan nghênh các đoàn Nauru sang học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về trồng lúa, phát triển cây công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, viễn thông…
Thủ tướng cảm ơn Nauru đã ủng hộ đề cử Việt Nam là ứng cử viên của Nhóm cho vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng thống Cộng hòa Nauru – Baron Waqa
Tổng thống Nauru Baron Waqa bày tỏ vui mừng, vinh dự đến thăm Việt Nam và bày tỏ sự ngưỡng mộ về truyền thống của đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là những thành tựu trong phát triển kinh tế- xã hội. Tổng thống Baron Waqa cho rằng Việt Nam hiện là nền kinh tế mới nổi giàu tiềm năng ở khu vực; đồng thời hy vọng Việt Nam sẽ đóng vai trò ngày càng tích cực trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương thời gian tới.
Tổng thống Baron Waqa nhấn mạnh đến vai trò ngày càng to lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, hiệu ứng nhà kính. Bày tỏ quan tâm đến lĩnh vực nghề cá, Tổng thống Baron Waqa mong muốn Việt Nam ủng hộ Nauru trong việc ngăn ngừa, phòng chống các hành vi đánh bắt cá trái phép bởi điều này không chỉ liên quan đến sinh kế của các quốc đảo như Nauru mà còn nhằm bảo vệ môi trường biển. Bên cạnh đó, Nauru cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam trong đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người, tội phạm xuyên biên giới.
Tiếp Tổng thống Marshall, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trong thúc đẩy quan hê hữu nghị với Marshall, hoan nghênh Marshall đã cử Đại sứ Marshall tại Nhật Bản kiêm nhiệm Việt Nam (2014); sẵn sàng tạo điều kiện để Marshall sớm mở cơ quan đại diện tại Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị hai bên thúc đẩy việc trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, thúc đẩy các bộ, ngành hai nước xem xét, ký kết một số thỏa thuận hợp tác trong một số lĩnh vực cơ bản, thiết lập một số cơ chế hợp tác khung.
Video đang HOT
Chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công Kỳ họp của GEF lần này, Tổng thống Marshall bày tỏ ấn tượng về tiến bộ nhanh chóng của Việt Nam, nhất là về xóa đói giảm nghèo, điều này thể hiện rất rõ ở thành phố Đà Nẵng.
Tổng thống cho biết, trước tác động của biến đổi khí hậu, quốc đảo Marshal đứng trước nguy cơ tồn vong, nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm 1,5 độ C và nhìn nhận, thích ứng với biến đổi khí hậu là mối quan tâm chung của hai quốc gia.
Tổng thống Marshal hoan nghênh đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc hai bên ký kết cơ chế hợp tác khung để hai nước gần nhau hơn, chia sẻ kinh nghiệm, giúp hai nước cùng phát triển, đồng thời khẳng định ủng hộ quan điểm về bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tiếp Tổng thống Guyana, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những thành tựu của Chính phủ và nhân dân Guyanna trong xây dựng và phát triển đất nước thời gian gần đây.
Thủ tướng tiếp Tổng thống Guyana
Thủ tướng khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với Guyana; đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, nhằm tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.
Tổng thống Guyana nhất trí hai bên thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tiếp xúc, tìm hiểu thị trường của nhau, tăng cường hơn nữa kim ngạch thương mại và đầu tư hai chiều hiện nay.
Tại các cuộc tiếp, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các nước ủng hộ lập trường, nỗ lực của ASEAN và Việt Nam về duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Thủ tướng đưa ra nhiều cơ hội hợp tác cho các nhà đầu tư Canada
Tiếp tục chương trình tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada, chiều 8/6, theo giờ địa phương, tức sáng sớm 9/6 theo giờ Việt Nam, tại bang Québec, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự sự kiện Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam - Canada.
Đây là hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn nhân dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp Việt Nam và Canada.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc toạ đàm. Ảnh: Thống Nhất -TTXVN
Phát biểu chào mừng tại Tọa đàm, chào đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các doanh nghiệp Việt Nam đến với Québec, Thị trưởng Québec, bang Québec, ông Régis Labeaume đã thông tin về sự năng động của doanh nghiệp và thành phố, mở ra cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, Ngài Thị trưởng nhấn mạnh đến những lĩnh vực mà Québec có thế mạnh như công nghiệp điện tử, năng lượng, môi trường, vật liệu, dịch vụ tài chính, khoa học đời sống, khởi nghiệp...
Phó Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Canada, ông Vincent Joli-Coeur đánh giá cao những cải cách, đổi mới của Việt Nam hơn 30 năm qua, đồng thời đưa ra những nhận định lạc quan về kinh tế cũng như cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Ông Vincent Joli-Coeur cho biết, trong số những quốc gia mà Ngân hàng Quốc gia Canada hiện diện thì Việt Nam đứng thứ nhất về sự cởi mở đối với đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng hoàn thiện các tiêu chuẩn không chỉ về cơ sở hạ tầng mà cả đạo đức kinh doanh.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu đến các nhà đầu tư Canada về một nền kinh tế Việt Nam năng động, môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện và luôn chào đón các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó có những con số ấn tượng như tăng trưởng kinh tế cao, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 425 tỷ USD, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt trên 37 tỷ USD năm 2017, thu nhập bình quân theo ngang giá sức mua là 6.800 USD.
Thủ tướng thông tin các nhà đầu tư nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam đều đánh giá cao về hiệu quả đầu tư tại Việt Nam, nhất là về độ mở nền kinh tế với việc tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do toàn cầu. Gần đây là tháng 3 vừa qua, Việt Nam và Canada là một trong số các quốc gia thành viên đã ký và đang tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo đó, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế và như vậy, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính của Canada vào Việt Nam sẽ được miễn giảm thuế...
Đưa ra nhiều cơ hội hợp tác cho các nhà đầu tư Canada, Thủ tướng thông tin Việt Nam đang tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, kể cả những lĩnh quan trọng như hàng không, điện lực, dầu khí, viễn thông, hạ tầng giao thông. Đây là cơ hội tốt để các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Canada nói chung, thành phố Quebec nói riêng tham gia mua cổ phần, trở thành đối tác cổ đông chiến lược.
Dẫn ví dụ cụ thể để minh chứng về tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến Dự án liên doanh đa quốc gia: Nhà máy điện năng lượng mặt trời có quy mô 168MW với số vốn 150 triệu USD vừa được khởi công mới đây tại tỉnh Ninh Thuận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến kiến trao bản ghi nhớ hợp tác giữa 2 nước. Ảnh: Thống Nhất -TTXVN.
Gợi mở những tiềm năng hợp tác cấp quốc gia giữa hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trên tinh thần Tuyên bố chung giữa hai nước, Việt Nam xác định Canada là đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ. Nền kinh tế hai nước có tiềm năng to lớn, có tính bổ trợ cho nhau cao hơn là tính cạnh tranh. Đặc biệt Việt Nam có một nền nông nghiệp nhiệt đới phong phú, bổ dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm và nhiều thế mạnh trong các sản phẩm công nghiệp khác.
Với tiềm năng đó, Thủ tướng cho rằng, mức kim ngạch thương mại hai chiều hiện nay trên 6 tỷ USD chưa đáp ứng được mong đợi và mức 3,5 tỷ USD về đầu tư chưa thể hiện rõ năng lực của các nhà đầu tư Canada vào Việt Nam. Hai bên cần tích cực nỗ lực để phấn đấu tăng cao hơn nữa các chỉ số này trong thời gian tới.
Ngay tại Tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi của các nhà đầu tư Canada. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam luôn coi trọng nhà đầu tư nước ngoài, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư. Việt Nam tiếp tục kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, không chỉ là số lượng mà còn coi trọng cả chất lượng, đặc biệt là sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chuỗi giá trị toàn cầu, những dự án bảo vệ môi trường cho người dân và xã hội tốt nhất. Trong đó, những lĩnh vực ưu tiên như: Xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, những lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao...
Các nhà đầu tư Canada cũng đặt các câu hỏi về giải pháp thúc đẩy thương mại hai nước; vấn đề đào tạo lao động có trình độ và ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài.
Về vấn đề đào tạo lao động, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với 60% là lực lượng lao động trẻ. Việt Nam đã xuất khẩu hàng năm hàng trăm nghìn lao động và đều qua đào tạo ngoại ngữ. Là quốc gia thành viên Cộng đồng Pháp ngữ, bên cạnh Tiếng Anh, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đào tạo tiếng Pháp và một số ngôn ngữ quốc tế khác nhằm mục tiêu tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.
TTXVN
Chưa nên thông qua Luật Đặc khu: "Bút sa" thì... khó sửa! Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bày tỏ như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về những băn khoăn của ông đối với dự án Luật Đặc khu Phóng viên: Thưa ông, điều gì khiến ông quan tâm nhất trong dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mà Quốc hội sẽ đưa...