Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực giảm giá thịt lợn của Bộ NNPTNT, đàn lợn sẽ tăng mạnh từ quý IV/2020
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những biện pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đưa ra nhằm kìm giá thịt lợn như: tăng đàn, tái đàn, nhập lợn sống. Thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn.
Cụ thể, tại cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao, nhất trí với các biện pháp mà Bộ NNPTNT đưa ra gồm tái đàn, tăng đàn, nhập lợn sống, xử lý vấn đề giống lợn để bảo đảm tái đàn, quản lý tốt hơn khâu trung gian, kiểm soát chi phí của từng khâu để tiếp tục giảm giá thịt lợn phù hợp.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương phải chỉ đạo làm tốt khâu lưu thông, phân phối, bán buôn, bán lẻ để góp phần bình ổn giá thịt lợn.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, 6 tháng đầu năm 2020, chăn nuôi bò và gia cầm tiếp tục tăng trưởng khá.
Tổng sản lượng thịt các loại ước đạt 2,58 triệu tấn, giảm 2,56% so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng thịt lợn ước đạt 1,64 triệu tấn, giảm 8,8%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 702.100 tấn, tăng 12,3%; sản lượng thịt bò 187.500 tấn, tăng 4,1%; trứng đạt 7,22 tỷ quả, tăng 11%.
Cán bộ trạm kiểm dịch động vật Lao Bảo (Quảng Trị) tiến hành kiểm dịch lô lợn sống nhập về từ Thái Lan. Ảnh: Giang Nguyễn.
Sau hơn một năm chống chọi với dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại chưa từng có (từ tháng 2/2019), đến nay đã có trên 99% số xã đã công bố hết dịch, bảo đảm các điều kiện cho tái đàn, tăng đàn (Việt Nam trong 12 tháng đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, so với Trung Quốc cần hơn 17 tháng và hiện dịch bệnh vẫn đang xảy ra tại nước này).
Cho đến nay, cả nước chỉ còn 183 xã (1%) của 15 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 30 ngày (trên 95% số xã của 15 tỉnh, thành phố này đã công bố hết dịch).
Đây là điều kiện cơ bản để người chăn nuôi, doanh nghiệp và các địa phương tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn và hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu trên 5.000 con lợn cụ kỵ, ông bà và sẽ nhập hơn 10.000 con trong năm 2020, bảo đảm đủ giống cho giai đoạn 2021 – 2024; đối với lợn bố mẹ, đã nhập hơn 6.000 con và đăng ký nhập hơn 400.000 con…
Việc tái đàn chủ yếu diễn ra ở các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tại khu vực hộ chăn nuôi nhỏ còn chậm.
Để điều tiết cung – cầu và bình ổn giá thịt lợn, trong 6 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp đã nhập khẩu trên 70.000 tấn thịt lợn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh việc tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn, lần đầu tiên cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan để cung ứng cho thị trường tiêu dùng trong nước; đồng thời chỉ đạo tăng cường khai thác và nuôi trồng thủy sản, cơ cấu lại ngành chăn nuôi và các ngành khác để cung ứng đầy đủ thực phẩm thay thế thịt lượng lợn thiếu hụt trên thị trường.
Video đang HOT
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, tại cuộc họp sơ kết kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu ngành chăn nuôi tiếp tục kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt để không tái nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn nhằm ổn định thị trường và giá thịt lợn trong nước; nhập khẩu thịt lợn với số lượng phù hợp, bảo đảm lợi ích người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Hướng dẫn doanh nghiệp và người dân các điều kiện để tái đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh.
Phối hợp với các Bộ: Công Thương, Tài chính kiểm soát giá thành và giá bán sản phẩm của doanh nghiệp chăn nuôi lớn; kiểm soát chặt, hạn chế tối đa đầu cơ, găm hàng để tăng giá lợn thịt, lợn giống; nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ sản xuất con giống và tín dụng để người chăn nuôi vay vốn đầu tư khôi phục chăn nuôi lợn.
Săn lùng heo nái - "cỗ máy ATM" đưa về nuôi, nhà nông cần lưu ý 6 điều này
Do giá heo hơi duy trì mức cao, khiến giá heo giống cũng tăng lên mức kỷ lục, từ 2,7 - 3,6 triệu đồng/con.
Mức giá này quá hấp dẫn nên nhiều người chăn nuôi đang săn lùng heo nái, hoặc heo hậu bị đưa về nuôi. Nhiều người còn ví von, ai có heo nái lúc này chẳng khác nào có máy ATM "nhả ra tiền".
Tuy nhiên, giá heo nái, heo hậu bị rất đắt đỏ, từ 11,5 - 13 triệu đồng/con. Do heo nái có giá trị lớn nên trong quá trình nuôi, các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo bà con cần tuân thủ 6 nguyên tắc.
Nhiều người ví von, ai có heo nái lúc này chẳng khác nào có máy ATM "nhả ra tiền" vì giá heo giống đang ở mức cao, dao động từ 2,7 - 3,6 triệu đồng/con tùy trọng lượng. Ảnh: T.Q
Anh Nguyễn Đắc Thép, chủ cơ sở chăn nuôi tại TP.Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) cho biết, cơ sở chăn nuôi của anh hiện có 900 con nái cụ kị, ông bà, tuy nhiên việc sản xuất nái bố mẹ, hậu bị (để làm lợn nái đẻ con) luôn không đáp ứng đủ nhu cầu. Khách hàng muốn mua heo hậu bị, phải đợi tới tháng 8 - 9 mới có hàng.
Theo ông Trầm Quốc Thắng, Giám đốc HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (huyện Củ Chi, TP HCM), dịch tả heo châu Phi khiến HTX bị thiệt hại đến 60%. Do heo giống để nuôi thịt quá thiếu nên một số nơi ứng phó tạm thời bằng cách giữ lại heo thịt (cái), cho phối giống mang thai để có heo con nuôi, bỏ qua các yếu tố về di truyền.
Mặc dù kỹ thuật nuôi heo nái hiện nay đã có nhiều bước tiến triển rõ rệt so với trước đây nhờ ứng dụng công nghệ về giống, dinh dưỡng, vệ sinh thú y, chuồng trại, trang thiết bị chuyên dùng. Nhưng thực tế cho thấy, người chăn nuôi vẫn thường xuyên gặp các vấn đề như heo cái hậu bị chậm hoặc rối loạn lên giống, tỷ lệ đậu thai thấp, heo nái đẻ ít con, heo con yếu, heo con chết non,...
Một trong những lô heo hậu bị mới xuất bán cho khách hàng của anh Nguyễn Đắc Thép. Ảnh: Đ.T
Theo một số tài liệu khuyến nông, muốn khắc phục tình trạng trên, người nuôi heo nái cần tập trung rà soát lại hiện trạng để áp dụng 6 biện pháp quản lý và kỹ thuật sau đây.
1. Luôn sử dụng con giống tốt
Giống heo phù hợp nuôi sinh sản hiện nay là giống Yorkshire và Landrace thuần hoặc heo lai (cha) Yorkshire x (mẹ) Landrace (nếu sử dụng tinh nọc là giống Landrace và mẹ là giống Yorkshire thì khả năng sinh sản của heo cái lai sau này vẫn được nhưng có thấp hơn đôi chút).
Heo cái hậu bị cần có nguồn gốc rõ ràng. Trong quá trình nuôi cần đánh giá sức phát triển, ngoại hình để có thể quyết định lưu giữ hay loại thải. Nên mua heo cái hậu bị có trọng lượng ít nhất trên 60 kg thay vì mua heo nhỏ lúc lẻ bầy. Điều này sẽ giúp giảm tình trạng heo không đạt yêu cầu phải loại thải.
Khi heo đẻ, cần tiếp tục theo dõi, ghi lại số liệu liên quan đến sức sinh sản, chất lượng heo giống ở tất cả các lứa đẻ, nếu không đạt cần mạnh dạn loại thải. Tâm lý của nhiều hộ chăn nuôi vẫn thiên về việc lưu giữ heo cái đã đầu tư dù không đạt. Bà con rất ngại loại thải để mua nhập heo cái khác. Tuy nhiên thực tế cho thấy, loại thải để đầu tư mới sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Công nhân tại một trại lợn ở xã An Phú, Mỹ Đức (Hà Nội) thực hiện phối giống cho lợn nái theo phương pháp gián tiếp. Ảnh tư liệu
2. Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Nhu cầu dinh dưỡng của heo nuôi sinh sản có thể phân thành 4 giai đoạn khác nhau về số lượng và thành phần các chất bên trong khẩu phần thức ăn: Hậu bị, mang thai, nuôi con và nái khô chờ phối.
Trước đây, người nuôi heo nái gặp khá nhiều khó khăn trong việc phối trộn thức ăn sao cho phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của heo cái. Nhưng hiện nay, việc phát triển công nghiệp thức ăn đóng bao chuyên dùng đã giúp giải quyết một cách đơn giản khó khăn này.
Người nuôi chỉ cần mua và sử dụng các loại thức ăn đã phối trộn phù hợp cho heo cái ở các giai đoạn sinh trưởng theo đúng khuyến cáo định lượng của nơi sản xuất thức ăn. Đây là giải pháp có thể nói là tốt nhất trong việc áp dụng chế độ dinh dưỡng - thức ăn dành cho heo nuôi sinh sản.
Nếu cần, người nuôi có thể điều chỉnh tăng, giảm một chút số lượng thức ăn hoặc bổ sung một số chất vi dinh dưỡng (khoáng, vitamin, axit amin hoặc một số loại men tiêu hóa) nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả thức ăn.
Người chăn nuôi Đồng Nai đẩy mạnh chăm sóc đàn heo trong bối cảnh giá heo hơi và giá heo giống đều đang tăng cao ngất ngưởng. Ảnh: Nguyễn Vy
3. Tạo tiểu môi trường chăn nuôi thích hợp
Đối với các trường hợp xây chuồng trại mới hay cải tạo chuồng trại đã có đều cần đáp ứng được các yêu cầu sau: sạch sẽ, thông thoáng, thuận tiện công việc vệ sinh và xử lý chất thải.
Trong điều kiện diễn biến khí hậu ngày càng phức tạp, dịch bệnh khó lường, người nuôi nên nuôi mật độ thưa hơn mức kỹ thuật khuyến cáo chung. Tăng độ cao chuồng nuôi, sử dụng các loại vật liệu xây dựng có tính năng cách nhiệt, trồng cây xanh che bớt nắng. Đào ao gần nơi nuôi kết hợp lấy mặt nước giảm nhiệt và xử lý sinh học chất thải, lắp đặt hệ thống phun sương trong chuồng...
4. Tách riêng heo bằng chuồng lồng
Nguyên tắc chung là tạo môi trường yên tĩnh để hạn chế các tác động gây stress (choáng) do tiếng động lớn, chuyển chuồng, xua đuổi hay heo cắn nhau, nhất là khi heo mang thai và đẻ. Tốt nhất là từ lúc phối giống, heo hậu bị nên nuôi tách riêng cá thể bằng chuồng lồng để vừa thuận tiện theo dõi (đánh giá thể trạng, sức khỏe, phối giống, sử dụng vắc-xin,...) vừa giảm thiểu được các tác động gây stress. Cách nuôi riêng cá thể này tiếp tục áp dụng cho các giai đoạn mang thai, đẻ nuôi con và cả nái khô chờ phối lại.
5. Vệ sinh thú y chặt chẽ
Tiêm đầy đủ vaccine và thuốc thú y theo hướng dẫn phòng bệnh; vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải, kiểm soát người và phương tiện ra vào nơi chăn nuôi,... Tốt nhất là tuân thủ các phương thức chăn nuôi an toàn sinh học cho mọi thời điểm, tình huống. Kể cả lúc không có dịch bệnh cũng như lúc có dịch đe dọa.
6. Ghi nhật kí chăn nuôi
Đây là một yêu cầu rất cần thiết vì giúp người chăn nuôi không chỉ đánh giá được toàn bộ tiến trình sinh trưởng, sinh sản của heo cái để có những điều chỉnh kịp thời về con giống, chế độ dinh dưỡng, cách chăm sóc, quy trình vệ sinh thú y,... mà còn để đúc kết chính xác hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi qua con số thu, chi cụ thể.
Hiện hầu như các trang trại chăn nuôi lớn đều thực hiện việc quản lý sổ sách. Tuy nhiên, cơ sở nuôi heo nhỏ và nông hộ vẫn rất "lười" ghi chép, hoặc ghi không đầy đủ... Trở ngại này chính là nguyên nhân làm hạn chế nâng cao tay nghề của người nuôi, dù phần lớn người nuôi heo nái ở nông hộ đều có quá trình chăn nuôi lâu dài, nhiều kinh nghiệm.
An toàn thực phẩm với thịt gia súc, gia cầm ở Hà Nội: Kiểm soát lưu thông, chốt chặt nguồn gốc Theo thống kê mới nhất, hiện ngành nông nghiệp Hà Nội đang đáp ứng được 60% nhu cầu về các loại thịt, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, việc bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh cũng như ý thức chấp hành quy định của tiểu thương còn hạn chế. Điều này đặt ra yêu cầu mới trong việc...