Thủ tướng: ‘Đáng sợ hơn cả mọi sự xâm lăng là xâm lăng văn hóa’
Thủ tướng nhấn mạnh trong thời đại ngày nay, đáng sợ hơn cả mọi sự xâm lăng, đó là xâm lăng văn hóa, đó là mất gốc.
Ngày 23/11, đúng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ hiến tặng thành quả sưu tầm nghiên cứu di sản văn hoá phi vật thể do nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hải Liên tặng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
Đó là toàn bộ công trình sưu tầm, nghiên cứu của ông Nguyễn Hải Liên trong hơn 30 năm về văn hóa phi vật thể Chăm, Raglai.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng cho rằng, xuyên suốt chiều dài lịch sử, trải qua hàng ngàn năm văn hiến, văn hóa được coi là một sức mạnh nền tảng trong xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, trong mọi tiến trình dựng nước và giữ nước. Trong đó, bản sắc văn hóa là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc. Dân tộc nào gìn giữ được bản sắc của mình thì dân tộc đó mãi mãi trường tồn.
Theo Thủ tướng, đây không phải là việc dễ dàng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế. Vì vậy, phát huy các di sản văn hóa dân gian trong thời kỳ hiện đại không chỉ là bảo tồn cho đúng các giá trị nguyên bản mà còn phải phát triển thêm các giá trị tốt đẹp để làm phong phú đời sống tinh thần của dân tộc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh VGP)
Video đang HOT
Thủ tướng nhấn mạnh, văn hóa không phải là thứ được sản xuất trong 1 ngày, nó được kết tụ và bồi lắng như thạch nhũ, hạt ngọc trai, trải qua suốt chiều dài lịch sử của cả dân tộc. Sự ra đời và định hình của văn hóa dân gian ở những giai đoạn sớm nhất của lịch sử dân tộc đã hình thành quan điểm cho rằng văn hóa dân gian là “văn hóa gốc”, là cội nguồn, sản sinh và nuôi dưỡng các hình thức của văn hóa dân tộc. Văn hóa dân gian còn là văn hóa của quần chúng lao động, mang tính bản địa, tính nội sinh cao.
Trải qua hàng nghìn năm, ông cha ta đã để lại một kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ với ca dao, hò vè; tín ngưỡng dân gian, lễ hội, các loại hình diễn xướng dân gian (múa rối, ca trù, trống quân, hát xẩm…), các nghề thủ công truyền thống…, cùng với các di sản văn hóa vật thể độc đáo khác trở thành tài sản, hình thành nên bản sắc văn hóa độc đáo của nước ta.
Sự đa dạng, phong phú, đặc sắc về văn hóa không chỉ là lợi thế cho ngành du lịch (đứng ở góc độ nào đó nó chính là “thương hiệu”, là giá trị và hình ảnh của đất nước chúng ta trong con mắt bạn bè quốc tế mà bấy lâu nay chúng ta còn chưa quan tâm, đầu tư và phát triển đúng cách), mà đây còn là đòn bẩy quan trọng cho đoàn kết, kết nối và thu hút nguồn lực của đất nước ta.
“ Khi mỗi dân tộc càng đạt tới tầm cao của nền văn minh phổ quát của nhân loại, thì họ càng tự hào dân tộc mình đã đóng góp được gì về mặt văn hóa cho kho tàng văn hóa nhân loại“, Thủ tướng khẳng định, bạn bè quốc tế đánh giá cao văn hóa vật thể cũng như phi vật thể của Việt Nam. Chúng ta có nhiều di sản văn hóa được UNESCO công nhận, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể chứa đựng những giá trị biểu trưng cho tâm hồn, trí tuệ và bản sắc của dân tộc Việt Nam.
Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao những tâm huyết, đóng góp to lớn của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên cho sự nghiệp làm giàu kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam. (Ảnh VGP)
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao những tâm huyết, đóng góp to lớn của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên cho sự nghiệp làm giàu kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Nhấn mạnh, “ trong thời đại ngày nay, đáng sợ hơn cả mọi sự xâm lăng, đó là xâm lăng văn hóa, đó là mất gốc“, Thủ tướng cho rằng, việc hiến tặng công trình tâm huyết và cũng là gia sản lớn nhất trong cuộc đời của ông Hải Liên cho Nhà nước để phục vụ đông đảo nhân dân, là thể hiện cụ thể và sống động nhất của tình yêu quê hương đất nước luôn tràn ngập và rực cháy trong ông.
Thủ tướng nhấn mạnh cam kết, công trình tâm huyết này sẽ tiếp tục được đầu tư bảo tồn, phát triển, phổ biến và diễn xướng một cách thích đáng trong nhân dân.
Nhân sự kiện này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai một số nội dung. Ngôn ngữ, chữ viết là cội nguồn, là cốt tủy văn hóa của một dân tộc. Vì vậy, muốn giữ được cốt tủy dân tộc, bảo tồn được văn hóa các dân tộc thiểu số, chúng ta phải giữ gìn, bảo tồn được chữ viết của đồng bào.
Thủ tướng cũng yêu cầu tổng hợp thống kê, báo cáo và đề xuất chi tiết các giá trị văn hoá dân gian cần được bảo tồn, duy trì và phát triển, đồng thời đề ra được những hành động cụ thể để thực hiện. Lựa chọn được những giá trị văn hóa nền tảng chung của các dân tộc anh em để phát huy.
Đồng thời cần quan tâm sát sao đến việc sưu tầm và làm giàu kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam. Kết hợp giữa phát triển du lịch với bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian thông qua các lễ hội truyền thống, các hoạt động du lịch cộng đồng.
Theo Thủ tướng, chúng ta cần tìm ra và phát huy những giá trị kinh tế và giá trị văn hóa trong văn hóa dân gian. Phải biến văn hóa trở thành di sản và tạo sinh kế cho người dân. Đây là vai trò của công tác quản lý nhà nước về văn hóa. Đồng thời, có chính sách ghi nhận, tôn vinh xứng đáng với các cá nhân, tổ chức tài trợ, tham gia vào công tác bảo tồn di sản văn hóa dân gian nói riêng, văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.
Bên cạnh đó, cần tìm cách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào văn hóa để khai thác, phát huy những tiềm năng và sức mạnh của văn hóa nước ta. Đặc biệt phải có cách thu hút sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp trong việc khôi phục nhiều làng nghề thủ công truyền thống đang dần mai một và có nguy cơ biến mất; hồi sinh những bản làng đặc sắc về văn hóa, kiến trúc và sinh thái, những lễ hội và ẩm thực dân gian, trò chơi dân gian các giá trị văn hóa nghệ thuật cổ xưa,…
“ Nói theo ngôn ngữ của thời đại số ngày nay, văn hóa dân gian là mã định danh để mỗi dân tộc hội nhập với thế giới mà vẫn định dạng được mình. Nói dân dã, dễ hiểu hơn thì đó là phong tục, tập quán, tri thức dân gian, là bản sắc và hồn cốt của dân tộc“, Thủ tướng nêu rõ, quản lý nhà nước về văn hóa rất cần những nhà nghiên cứu, những cá nhân tâm huyết như nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên chung tay đóng góp.
XUÂN TRƯỜNG
Theo vtc.vn
Khai mạc tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam
Tối 18-11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, TP Hà Nội), Bộ VH-TT-DL phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khai mạc tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: daidoanket.vn
Tới dự có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn... cùng đại diện các ban ngành, trung ương và Hà Nội cùng đại diện đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số anh em.
Trong 89 năm qua MTTQ luôn là cầu nối tin cậy giữa nhân dân với các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước của người dân. Thời gian qua, mặc dù đất nước ta gặp không ít khó khăn thách thức song nhờ sự đồng tâm hiệp lực đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước hiện nay đòi hỏi phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, trong đó, việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân và phát huy các giá trị văn hóa, con người Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Để phát huy hơn nữa những việc đã đạt được, Thủ tướng đề nghị MTTQ Việt Nam cần tiếp tục giương cao ngọn cờ tập hợp đại đoàn kết toàn dân tộc để Tổ quốc ta, nhân dân ta đi tới được bến bờ thành công và thịnh vượng, để đồng bào 54 dân tộc anh em không kể miền xuôi hay miền ngược phát triển đồng đều, không ai bị bỏ lại phía sau; tiếp tục có nhiều hành động và việc làm cụ thể, thiết thực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân... Đồng thời cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân, từng gia đình và từng người dân nỗ lực phấn đấu, hăng say lao động sản xuất, đổi mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tự vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ VH-TT-DL chỉ đạo Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các hoạt động phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống của đồng bào 54 dân tộc anh em để giới thiệu với du khách trong nước và bạn bè quốc tế về những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam, phát huy thế mạnh của văn hóa dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay; đổi mới hoạt động, duy trì sử dụng có hiệu quả tài sản và nguồn lực của Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, nhất là nguồn lực đất đai.
THU HÀ
Theo SGGP
Thủ tướng: "Đừng sợ dân giàu các đồng chí ạ" Sáng nay (11/11), Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Thảo luận tại tổ Hải Phòng, Đồng Tháp, Lạng Sơn, Thủ tướng Chính phủ có bài phát biểu rất đáng chú ý. Thủ tướng trao đổi với ĐBQH trong giờ giải lao (ảnh quochoi.vn). Người đứng đầu Chính phủ...