Thủ tướng: Cùng là con cháu Lạc Hồng, phải chung tay xây dựng đất nước
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị của Thủ tướng với các tổ chức tôn giáo tổ chức tại TPHCM hôm nay, 19/12. Thủ tướng nhấn mạnh, đều là người Việt Nam, đều là con cháu Hồng Lạc, mỗi người cần có trách nhiệm chung với dân tộc, cùng chung tay xây dựng đất nước.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đã lắng nghe, trao đổi về những vấn đề mà các chức sắc cao cấp các tổ chức tôn giáo quan tâm.
Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay, Nhà nước ta đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 39 tổ chức tôn giáo, một pháp môn tu hành, với trên 24 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số. Cả nước có gần 53 nghìn chức sắc, 133,7 nghìn chức việc, 28 ngàn cơ sở thờ tự.
Thủ tướng gặp gỡ các chức sắc tôn giáo cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện các tổ chức tôn giáo bày tỏ, thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động. Các chức sắc tôn giáo khẳng định, đồng bào các tôn giáo luôn phát huy truyền thống yêu nước, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại diện các tổ chức tôn giáo đánh giá cao Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vừa được Quốc hội thông qua và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành để Luật sớm đi vào đời sống. Một số chức sắc tôn giáo bày tỏ mong muốn Chính phủ tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh hợp tác quốc tế…
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các đại biểu đã có nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, đóng góp với Chính phủ để thực hiện ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo. Các ý kiến đều thể hiện tinh thần yêu Tổ quốc cùng mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.
Theo Thủ tướng, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng đã được các cơ quan liên quan triển khai nghiêm túc, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại Kỳ họp thứ 2 tháng 11 vừa qua với nhiều điểm mới, tiến bộ.
Thủ tướng yêu cầu giải quyết thoả đáng các kiến nghị từ đại diện các tôn giáo.
Thời gian qua, tình hình tôn giáo ở nước ta tương đối ổn định. Các sinh hoạt tôn giáo cơ bản tuân thủ quy định của pháp luật. Đồng bào, chức sắc, tín đồ các tôn giáo nhiệt tình hưởng ứng và tham gia có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tham gia phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Một mặt vui mừng trước những kết quả đạt được nhưng chúng ta cũng cần khách quan nhìn nhận, hoạt động tôn giáo, công tác tôn giáo của chúng ta cũng đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức mà quý vị đại biểu, chức sắc, chức việc các tôn giáo đã nhìn nhận và phát biểu”, Thủ tướng trao đổi.
Khó khăn nằm cả ở mặt khách quan và chủ quan. Có những khó khăn về điều kiện kinh tế-xã hội, môi trường sống, có những khó khăn nằm ở cơ chế, chính sách, pháp luật và khâu thực hiện. Có những khó khăn do sự khác biệt về nhận thức, do có sự chưa thấu hiểu nhau giữa các cơ quan chức năng và các tổ chức tôn giáo; thậm chí đâu đó còn có sự xúi giục, kích động từ các thế lực xấu.
Video đang HOT
“Chúng ta đều là người Việt Nam, đều là con cháu Hồng Lạc, chúng ta cần có trách nhiệm chung với dân tộc, cùng chung tay xây dựng đất nước”, Thủ tướng đề nghị các vị chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Nhà nước cùng giải quyết những khó khăn, vướng mắc với tinh thần xây dựng, thiện chí, khách quan, thượng tôn pháp luật và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.
Ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng cũng trực tiếp xử lý, giải quyết các kiến nghị của các vị chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo.
Về kiến nghị Chính phủ có văn bản hướng dẫn sát với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tránh rơi vào cơ chế xin – cho, Thủ tướng nhìn nhận đây là ý kiến xác đáng và cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp với các các quan liên quan, khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn trên cơ sở bám sát các nội dung Luật giao cho Chính phủ thực hiện và sẽ công bố thời gian tới.
Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Nội vụ sớm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Luật, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến Luật đến đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo từ Trung ương đến địa phương. Thủ tướng đề nghị các chức sắc, chức việc, nhà tu hành cũng cần nghiên cứu Luật này để “chúng ta cùng nhau thực hiện tốt pháp luật trên tinh thần thượng tôn pháp luật”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Bí thư Thành uỷ TPHCM và các đại biểu tham gia hội nghị.
“Về ý kiến quý vị nêu việc thành lập chi hội trên các đảo thì hiện nay, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo có quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc. Tới đây, khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thì việc thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc được áp dụng tại điều 28, 29 của Luật này”, Thủ tướng phát biểu.
Trước phản ánh về tình trạng căng thẳng ở một số địa phương thời gian qua, Thủ tướng trả lời, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhưng không chấp nhận hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Đảng, Nhà nước, nhân dân cũng như đồng bào có đạo biết rất rõ ai có thái độ xây dựng, ai có thái độ thiếu xây dựng trước các sự việc của đất nước.
Thủ tướng cho rằng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới nhu cầu văn hóa tâm linh của đồng bào có đạo, trong đó có đồng bào có đạo ở nước ngoài. Các tổ chức tôn giáo cần quan tâm, qua sinh hoạt tôn giáo để đoàn kết cộng đồng, bảo tồn, phát huy văn hóa Việt Nam và các lĩnh vực khác, qua đó, xây dựng hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Trong khuôn khổ thời gian hạn hẹp, không thể giải đáp tất cả các vấn đề, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng ghi nhận, xem xét xử lý theo đúng thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng nếu vượt thẩm quyền với tinh thần “không để tình trạng kiến nghị không được trả lời”.
Để triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, cần kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối an ninh trật tự, lợi dụng chống phá Nhà nước, gây cản trở đối với Việt Nam trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam (Ảnh: VGP)
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ 1/1/2018, vì vậy Thủ tướng đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo trong thời gian từ nay đến 1/1/2018. Đồng thời, quán triệt, tuyên truyền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện Luật khi có hiệu lực.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, nhân văn, bác ái của các tôn giáo trong đời sống xã hội, làm phong phú và bồi đắp cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam; phát huy nguồn lực trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam nói chung và đồng bào tôn giáo nói riêng trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và lao động sản xuất. Đây vừa là mục tiêu vừa là động lực để chúng ta cùng phấn đấu thực hiện.
Thủ tướng giao Ban Tôn giáo Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chức năng, các địa phương rà soát các cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; các lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề; đặc biệt là vấn đề đất đai, xây dựng cơ sở thờ tự; hoạt động quốc tế, pháp nhân của tổ chức tôn giáo… để kịp thời đề xuất bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh trong các văn bản pháp luật khác phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
“Có thể nói, đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng cho đất nước phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người nhằm góp phần xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh; phát huy các nguồn lực tôn giáo, tạo sức lan tỏa trong xã hội, xây dựng nếp sống văn minh “tốt đời, đẹp đạo” gắn bó đồng hành cùng dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và phát triển đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Công Quang – Phương Thảo
Theo Dantri
Hứng chịu 5 trận lũ liên tiếp, Bình Định kêu gọi cứu trợ khẩn cấp
Phải hứng chịu 5 đợt lũ liên tiếp trong vòng 1 tháng, người dân ở Bình Định không còn gì để ăn hoặc phải ăn mì tôm. Tỉnh đang kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp lương khô, nước uống, đồ ăn sẵn cứu dân.
Mưa lớn liên tiếp đổ xuống Bình Định trong vòng 1 tháng qua khiến nhiều địa bàn trong tỉnh bị chia cắt, cô lập.
Chỉ trong vòng 1 tháng qua, Bình Định đã phải liên tiếp hứng chịu 5 cơn lũ đổ về. Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho toàn tỉnh. Người dân nơi đây đang gặp vô vàn khó khăn, kiệt quệ do không còn lương thực tích trữ.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai sáng nay (17/12) tại Hà Nội, ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, đợt lũ từ 12-16/12, toàn tỉnh có 11 huyện, thành phố thì tất cả đều bị ngập trong lũ.
Tỉnh đang hết sức khó khăn và đã huy động tổng lực để cứu trợ người dân. Trong đợt lũ vừa qua, nếu không có lực lượng công an, quân sự hỗ trợ thì thiệt hại về người với tỉnh sẽ là rất lớn.
Nhiều tài sản của người dân bị cuốn theo cơn lũ, thiệt hại rất nặng nề.
Tính tới thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Định có tới 31 người chết, trong đó 5 người vẫn chưa tìm được thi thể. Nhiều nhà dân vẫn ngập rất sâu trong nước, giao thông đình trệ, tài sản hư hỏng. 14 hồ có nước chảy qua đập có nguy cơ bị vỡ...
Trong buổi sáng nay, Bộ Quốc phòng đã cứu trợ khẩn cấp 5 tấn lương khô cho người dân Bình Định.
Để người dân không bị đói, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tiếp tục đề xuất: "Trước mắt, Chính phủ và các Bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ về lương khô và nước uống cho người dân bởi, người dân không ăn được mì tôm nữa, cũng không có nước sôi mà nấu mì tôm.
Những hộ dân ở vùng trũng thấp đang phải di chuyển lên vùng cao để tránh trú.
Với 50.000 học sinh trong vùng lũ không còn sách vở đi học, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp thời hỗ trợ sách vở và miễn học phí kỳ II cho con em vùng lũ. Kiến nghị Bộ Y tế cấp 1.000 cơ số thuốc cho người dân để phòng chống dịch bệnh..."
Về giải pháp lâu dài để khắc phục cơ sở hạ tầng và ứng phó với thiên tai ở các địa phương miền Trung, ông Dũng kiến nghị Thủ tướng dành một gói ODA để tái thiết các tỉnh miền Trung.
Trong khi đó, theo ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hôm nay mưa lớn tại các tỉnh miền Trung đã giảm dần, phổ biến 40-80mm. Nhưng từ 18-20/12 mưa lớn có thể gia tăng trở lại từ Quảng Nam - Ninh Thuận với cường độ từ 100-150mm, thậm chí 200mm. Việc này sẽ khiến lũ rút chậm, gây ngập lụt kéo dài.
Hàng ngàn học sinh phải nghỉ học, trường lớp, sách vở bị lũ cuốn trôi.
Đáng lo ngại khác, từ khoảng 23-24/12, theo nhận định xa, một vùng áp thấp phía Đông Phillipines nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tới Trung và Nam Trung bộ của Việt Nam. Vùng áp thấp kết hợp với khối không khí lạnh đi xuống có khả năng sẽ xảy đợt mưa lũ tiếp từ 26/12.
"Lượng mưa dự tính từ 200-300mm sẽ gây đợt lũ mới, hy vọng không kéo dài và khắc nghiệt như đợt lũ hiện tại", ông Cường chia sẻ.
Từ giữa tháng 10/2016 đến nay, mưa lũ đã làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương. Hơn 316.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại; 42.804 ha lúa, 4.703 ha mạ và 39.261 ha hoa màu bị ngập hư hại... Tổng thiệt hại ước tính trên 8.573 tỷ đồng. Riêng đợt mưa lũ từ ngày 12/12 đến ngày 16/12 đã làm 15 người chết, mất tích. Hơn 111.000 ngôi nhà bị ngập nước; hư hại và nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi... Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ở Việt Nam làm 235 người chết và mất tích, ước tính về kinh phí trên 37.650 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD).
Theo Triệu Quang (Dân Việt)
Thủ tướng: Thanh niên phải đi đầu đổi mới, xung kích chống tệ nạn Chiều 15/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để đánh giá những kết quả đạt được trong phối hợp công tác giữa Chính phủ và Trung ương Đoàn, bàn phương hướng phối hợp thời gian tới. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình,...