Thủ tướng: Có thật người dân tái định cư thu nhập tăng gấp 4 lần?
Đọc con số trong báo cáo tổng kết dự án di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc băn khoăn về con số năm 2015, thu nhập của người dân sau tái định cư tăng gần 4 lần so với năm 2005 tại nơi ở cũ…
Thủ tướng yêu cầu đánh giá đúng thực chất đời sống của người dân sau tái định cư.
Ngày 1/10, tại tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết Dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La. Tham dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Thủy điện Sơn La, để nhường đất cho nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á, số dân phải di chuyển, bố trí tái định cư lớn nhất từ trước tới nay với 20.340 hộ và 93.201 người của 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Sau 15 năm thực hiện, đến nay Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La đã cơ bản hoàn thành, góp phần đưa nhà máy thủy điện Sơn La vào hoạt động vượt tiến độ 3 năm. Về đời sống người dân tái định cư, thu nhập bình quân (đạt hơn 1,2 triệu đồng/người/tháng) tăng gấp 3,92 lần so với thời điểm trước khi di chuyển. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,56 lần.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, sự đồng tình, ủng hộ của người dân là một trong những điểm thuận lợi nhất trong triển khai dự án di dân, tái định cư, có tính quyết định đến việc nhà máy đi vào hoạt động.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng gửi lời tri ân sự đóng góp quý báu của các thế hệ cán bộ, lãnh đạo trung ương, địa phương và nhân dân 3 tỉnh đã rời bỏ quê hương, nhường đất cho dự án. Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao những kết quả đạt được của dự án di dân, tái định cư, nổi bật là đời sống người dân tốt hơn. Nhiều mô hình sản xuất mới được xây dựng. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng đây không phải là cuộc tổng kết, đánh giá cuối cùng đối với công tác tái định cư mà công tác này còn lâu dài, bền vững, không để người dân tái nghèo. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu nghiêm túc, nhìn thẳng vào mặt tồn tại, bất cập để tập trung khắc phục.
“Trong báo cáo của các đồng chí có một ý là thu nhập sau tái định cư năm 2015 tăng gần 4 lần so với năm 2005 tại nơi ở cũ thì thực tế có như vậy không hay chỉ một bộ phận thôi”, Thủ tướng nói.
Video đang HOT
Thủ tướng lưu ý việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở tái định cư, phải tận dụng đội ngũ cán bộ từ cộng đồng di cư đến để có sự chia sẻ, đồng cảm, đoàn kết dân tộc. Phải ưu tiên trực tiếp cho việc giảm nghèo bền vững, thoát nghèo sớm cho vùng tái định cư.
Thủ tướng trao huân chương lao động hạng ba cho các cá nhân có đóng góp cho dự án.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quan tâm hơn nữa về hạ tầng xã hội, nhất là đào tạo lao động, giải quyết việc làm, tư vấn, hỗ trợ đồng bào sản xuất, kinh doanh, giữ gìn văn hóa, bản sắc dân tộc tốt đẹp, chứ không chỉ quan tâm về kinh tế, lo cơm ăn ba bữa. “Trao cần câu chứ không không trao con cá” bởi nếu đưa một khoản tiền, gạo, xây hạ tầng nhưng không tổ chức sản xuất, tạo việc làm thì khi người dân hết gạo, hết tiền sẽ tái nghèo. Xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu tái định cư, trung tâm khuyến công, khuyến nông, hỗ trợ cách làm du lịch cộng đồng.
Thủ tướng nêu rõ, không chấp nhận công trình xây dựng rồi bỏ không, người dân không dùng. “Anh làm nhiều công trình mà do ý chủ quan của cấp trên đưa xuống không phải xuất phát từ yêu cầu cộng đồng, người dân, của đồng bào dân tộc ở đây thì làm xong có sử dụng không. Cả nước gặp tình trạng này nhiều”, Thủ tướng than phiền và yêu cầu các tỉnh xây dựng, phê duyệt, thực hiện quy chế quản lý, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng công trình công cộng tại các khu, điểm tái định cư. “Nếu không duy tu, bảo dưỡng thì ổ gà thành ổ voi mà chỉ cần một xe đất là xong. Muốn vậy, các đồng phải sát dân, chứ không thể ngồi tại hội trường, ngồi trong thành phố mà có thể chỉ đạo được các việc cụ thể”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặt vấn đề nghiên cứu cơ chế chia sẻ một phần lợi nhuận từ thủy điện Sơn La để dành cho công tác phát triển, cho những người dân đã hy sinh lợi ích của mình vì thành công của công trình, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và đặc biệt là EVN giải quyết.
Thủ tướng yêu cầu 3 tỉnh nghiên cứu các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế, hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liều với đất cho các hộ chưa được cấp; hoàn thành 6 công trình đang thi công; tăng cường khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân tái định cư…
Cán bộ phải có tinh thần phục vụ, khát vọng phát triển
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Điện Biên.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên, Thủ tướng ghi nhận kết quả nổi bật là lần đầu tiên Điện Biên thu ngân sách đạt mức 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ; tỷ lệ hộ nghèo còn cao (theo chuẩn cũ là 28%, chuẩn mới là 48,14%, cao nhất cả nước).
Thủ tướng cho rằng, cán bộ tại chỗ quyết định sự phát triển, thành công hay thất bại của địa phương. Đội ngũ cán bộ phải có sự đổi mới tư duy, có tinh thần phục vụ, có khát vọng phát triển.
Về lâu dài, tỉnh phải đặc biệt quan tâm nâng cao dân trí, giáo dục đào tạo. Thủ tướng nhấn mạnh dân trí chính là cội nguồn để xóa đói giảm nghèo, các mô hình bán trú dân nuôi, trường nội trú, các chính sách đối với xã đặc biệt khó khăn chính là cơ sở cho giảm nghèo. “Không lo cho con em học hành, vẫn tập tục cũ thì làm sao có thể giảm nghèo được. Ngay cả làm ruộng, chăn nuôi cũng phải học hành để năng suất cao hơn”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh cần coi xóa đói giảm nghèo tiếp tục là nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh. Nâng cao năng lực, trao quyền cho người dân về xóa đói giảm nghèo. Trước hết, tập trung giao đất, giao rừng để người dân có trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng, đẩy mạnh khuyến nông, khuyến lâm, đây là tiềm năng, lợi thế rất lớn của Điện Biên.
Tỉnh cần có quy hoạch rõ ràng các vùng chức năng trên cơ sở khoa học, khai thác lợi thế rừng, đất rừng; tận dụng lợi thế đất đai lớn và khí hậu để có giải pháp đột phá trong phát triển nông nghiệp, tiến tới chăn nuôi đại gia súc, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường.
P.T
Theo Dantri
Xuân về trên bản tái định cư thủy điện Sơn La
Sau 8 năm nhường đất cho dự án tái định cư thủy điện Sơn La để chuyển đến nơi ở mới, hiện nay cuộc sống của người dân ở bản tái định cư Quỳnh Thuận xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã ổn định.
Những ngày áp tết, bản tái định cư Quỳnh Thuận đẹp như một bức tranh khi những mái nhà sàn đỏ tươi xen lẫn những cánh hoa đào, hoa mơ, hoa mận đang đua nhau khoe sắc. Từ khi chuyển đến nơi ở mới để nhường đất cho dự án tái định cư thủy điện Sơn La, mặc dù không có nhiều đất để trồng lúa, trồng ngô, trồng sắn như ở quê cũ, người dân đã chuyển sang trồng cây cà phê, cây chè... mang lại thu nhập cao hơn.
Chị Lò Thị Đào, người dân bản bản tái định cư Quỳnh Thuận cho biết: Ngày trước ở quê cũ, dân bản chỉ làm nương ngô và chặt củi trên rừng đem đi bán nên thu nhập rất bấp bênh; rừng cũng hết củi dần nên cuộc sống của người dân càng khó khăn hơn. Nay về quê mới, các hộ dân được giao ngay đất ở, đất sản xuất đầy đủ, được hướng dân kỹ thuật trồng chăm sóc cây cà phê, cây chè, cây đào; thu nhập bây giờ cũng khá rồi, ổn định hơn quê cũ, giờ đây ai cũng yên tâm gắn bó với quê hương mới. Về nơi ở mới, vào dịp Tết người dân còn được xem truyền hình, đặc biệt là xem truyền hình màn bắn pháo hoa đêm giao thừa, rất vui.
Xuân về ấm áp với người dân ở bản tái định cư Quỳnh Thuận
Bản Quỳnh Thuận có 35 hộ dân, với 159 nhân khẩu. Khi chuyển về quê mới, cả bản được giao mỗi hộ 400 m2 đất ở và mỗi khẩu được giao 2.500 m2 đất sản xuất. Việc giao đất được thực hiện kịp thời, nhanh chóng, không xảy ra tranh chấp nên ngay năm đầu tiên lập nghiệp trên quê mới, cây cà phê và cây chè đã cho thu hoạch. Tuy nhiên do đất sản xuất có hạn nên trong những năm gần đây dân bản còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa và tận dụng những mảnh đất dốc trồng cây sa nhân để tăng thêm thu nhập.
Ông Điêu Chính So, Trưởng bản Quỳnh Thuận cho biết: Tháng 12/2007, hơn 30 hộ dân bản Nghe Tỏng, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai đã chuyển về bản Quỳnh Thuận để nhường đất cho dự án tái định cư thủy điện Sơn La. Được sự quan tâm của Nhà nước, ngay năm đầu chuyển về nơi ở mới, người dân trong bản đã nhận được 18,5 ha đất cà phê, 6,5ha đất chè và được tập huấn kỹ thuật sản xuất; được hướng dẫn người dân đã chuyển đổi việc sản xuất từ cây ngô sang cây cà phê và trồng những cây có hiệu quả như đào lai, đậu tương và đến năm 2013 người dân còn trồng thêm cây sa nhân để tăng thêm thu nhập. Giờ đây, người dân đã ổn định cuộc sống, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu trên quê hương mới.
Sau 8 năm chuyển đến nơi ở mới vì dòng điện Quốc gia, cuộc sống của người dân bản tái định cư Quỳnh Thuận đã có sự đổi thay rõ rệt. Người dân được dùng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, được tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại, đường làng ngõ xóm được trải bê tông, vệ sinh môi trường được quan tâm. Nhà nào cũng có tivi, xe máy, máy xay xát. Dù diện tích đất được giao không lớn, song hộ nào cũng tận dụng diện tích đất được giao để chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.
Ông Vũ Huy Hùng, Trưởng Ban di dân tái định cư huyện Thuận Châu cho biết: Để chuyển được gần 2.000 hộ dân từ nơi ở cũ đến nơi ở mới là một sự nỗ lực, cố gắng của các cấp chính quyền đặc biệt là sự ủng hộ của người dân sở tại cũng như dân tái định cư. Hiện nay, cơ quan chức năng đã giao được đất ở, đất sản xuất cho người dân, đặc biệt về các chế độ chính sách của người dân, cơ bản đơn vị đã chi trả xong; công tác khuyến công, khuyến nông được đơn vị triển khai đến từng hộ dân.
Một mùa xuân mới lại về, một cuộc sống ấm no đã và đang dần hiện hữu ở bản tái định cư. Mỗi người dân ở đây đều hiểu rằng bên cạnh những chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước về tái định cư, trên hết vẫn là tinh thần vươn lên, chủ động xây dựng cuộc sống mới, không trông chờ, ỷ lại. Người dân bản Quỳnh Thuận đang đoàn kết xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, phấn đấu bước sang năm 2016, cả bản sẽ không còn hộ nghèo.
Theo_EVN
Thoát nghèo nhờ nuôi cá trong hồ thủy điện Tận dụng mặt nước hồ Thủy điện Sơn La bằng mô hình nuôi cá rô phi trong lồng, bà con tái định cư gần lòng hồ thuộc địa phận thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên đã ổn định được cuộc sống, tăng thu nhập. Tận dụng lợi thế trời cho Sau khi hồ Thủy điện Sơn La dâng nước, tiềm năng nuôi...