Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về nhiều nội dung quan trọng
Trong hai ngày 24 – 25.8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về 10 nội dung quan trọng. Ngay tại cuộc họp, Thủ tướng đã ký Nghị quyết tháo gỡ khó khăn về đầu tư xây dựng.
Thường trực Chính phủ đã nghe Bộ Xây dựng trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng, (trước đó, tại Hội nghị toàn quốc về lĩnh vực này, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo Nghị quyết này).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, số lượng thủ tục đầu tư xây dựng còn nhiều, phức tạp, thời gian thực hiện còn dài; một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thống nhất. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng chưa chặt chẽ, kịp thời.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị định thông tư trong phạm vi được phân công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các luật, giữa nghị định với luật, giữa nghị định với thông tư trong các khâu: Chuẩn bị dự án, thực hiện dự án, kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác, sử dụng, bảo đảm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời tháo gỡ kịp thời các bất cập, vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn hoạt động đầu tư xây dựng, nhất là trong thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh. Trước đó, dự thảo Nghị quyết đã được gửi các thành viên Chính phủ để lấy ý kiến đóng góp.
Kết luận nội dung này, Thủ tướng cho rằng việc tổ chức thực hiện các quy định trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản cần tốt hơn nữa, trên tinh thần công khai, minh bạch, chống thất thoát, tham nhũng, tiêu cực.
Sau khi ban hành Nghị quyết, Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngay việc thông tin, tuyên truyền, giới thiệu Nghị quyết, tránh tình trạng có người không đọc, không biết, cứ lấy nghị quyết cũ để nói chuyện mới. Ngay tại cuộc họp, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị quyết này.
Video đang HOT
Trong một nội dung khác, Thường trực Chính phủ đã nghe báo cáo về việc đầu tư xây dựng các bến cảng tại cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và về mô hình quản lý, khai thác cảng biển.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Thủ tướng nêu rõ quy hoạch và đầu tư khu vực này phải bài bản để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm cảng nước sâu Lạch Huyện là điều kiện thu hút thế giới đầu tư vào Hải Phòng. Đây không chỉ là cảng của Hải Phòng mà cho cả khu vực miền Bắc. Phải quan tâm đến phát huy nguồn lực trong nước đầu tư vào đây, cũng như cần triển khai nhanh hơn, tránh tình trạng quá tải, đã có chủ trương mà mãi không triển khai…
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, cùng TP. Hải Phòng rà soát, sớm báo cáo Thủ tướng về vấn đề này.
Về mô hình Ban Quản lý cảng, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì cùng Bộ Giao thông vận tải, UBND. TP. Hải Phòng nghiên cứu, vận dụng tốt nhất luật pháp (Luật Hàng hải) với tinh thần là không phát sinh bộ máy mới, biên chế mới, kết hợp được các chức năng, nhiệm vụ phù hợp để phát huy hiệu quả của cảng.
Theo quy hoạch, Cảng biển Hải Phòng đến năm 2020 sẽ thông qua lượng hàng từ 109-114 triệu tấn/năm, đến năm 2030, khoảng 178,5-210 triệu tấn/năm. Riêng container dự kiến đạt khoảng 5,84 – 6,2 triệu TEU/năm vào năm 2020, 11,2-12,5 triệu TEU/năm vào năm 2030. Khu bến cảng Lạch Huyện phát triển thành khu cảng hiện đại, đáp ứng vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế, kết hợp phục vụ mục tiêu trung chuyển quốc tế.
Cũng tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã nghe, thảo luận về các nội dung: Việc lập thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án đi qua 2 tỉnh trở lên; đường nối tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên; các nội dung liên quan đến đầu tư của Samsung; một số nội dung trong lĩnh vực tín dụng, đầu tư, thủy điện, đấu thầu.
Theo Danviet
Thủ tướng yêu cầu thanh tra toàn diện việc cấp phép nhập phế liệu
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác quản lý môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ TNMT thanh tra toàn diện công tác cấp phép nhập khẩu phế liệu trong thời gian qua, xử lý nghiêm các cán bộ có liên quan, thu hồi giấy phép của các doanh nghiệp nếu phát hiện sai phạm.
Hàng ngàn container phế liệu vô chủ đang nằm tại các cảng biển Việt Nam. Ảnh: IT
Tình trạng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam thời gian qua diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Nhu cầu về phế liệu như giấy vụn, nhựa... để làm nguyên liệu là có thật, điều này có lợi về kinh tế cho nhà sản xuất nhưng không có lợi về môi trường. Hiện nay còn tồn đọng nhiều container phế liệu nhập khẩu tại các cảng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ TNMT, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu (là các địa phương có cảng biển có số lượng lớn phế liệu tồn đọng) căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra tình trạng trên; tăng cường phối hợp để kiểm soát chặt chẽ, tốt hơn việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam trong thời gian tới, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng tới môi trường sống và uy tín của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TNMT thanh tra toàn diện công tác cấp phép nhập khẩu phế liệu trong thời gian qua, xử lý nghiêm các cán bộ có liên quan, thu hồi giấp phép của các doanh nghiệp nếu phát hiện sai phạm.
Thủ tướng yêu cầu thanh tra toàn diện việc cấp phép nhập khẩu phế liệu. Ảnh minh họa.
Rà soát lại toàn bộ giấy phép nhập khẩu phế liệu còn hạn ngạch. Trong thời gian tới, không cấp mới giấy phép nhập khẩu phế liệu đối với hoạt động ủy thác nhập khẩu; chỉ xem xét cấp mới giấy phép nhập khẩu phế liệu cho doanh nghiệp khi chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất.
Bộ TNMT khẩn trương ban hành quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với toàn bộ mặt hàng phế liệu được phép nhập khẩu. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương làm rõ nhu cầu sử dụng từng loại phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước hiện nay, khả năng sử dụng các phế liệu sẵn có trong nước cho sản xuất, tác động đến môi trường của từng loại phế liệu, tiêu chí, tiêu chuẩn nhập khẩu của từng loại phế liệu để có cơ sở nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất theo hướng hạn chế tối đa danh sách phế liệu được nhập khẩu, bảo đảm công khai, minh bạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2018.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương, các cảng biển và Hải quan cung cấp danh sách để điều tra, làm rõ nguyên nhân các container phế liệu được vào Việt Nam mà không có người nhận, người vận chuyển; khẩn trương điều tra, truy tố một số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường do nhập khẩu phế liệu trái phép vào Việt Nam.
Bộ Quốc phòng huy động các lực lượng chức năng có trách nhiệm để phòng ngừa, ngăn chặn từ xa việc nhập khẩu phế liệu trái phép vào Việt Nam.
Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các địa phương tổ chức tiêu hủy, di dời các container phế liệu đang tồn đọng để trả lại không gian cho các cảng biển.
Bộ Công Thương rà soát quy định hiện hành, có giải pháp kiểm soát và hạn chế hoạt động tạm nhập tái xuất đối với phế liệu.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo đồng thuận trong nhân dân, kịp thời lên án các hành vi sai trái trong sản xuất kinh doanh, tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Theo Danviet
Thủ tướng giao Công an điều tra việc nhập phế liệu không người nhận Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương, các cảng biển và Hải quan cung cấp danh sách để điều tra, làm rõ nguyên nhân các container phế liệu được vào Việt Nam mà không có người nhận, người vận chuyển. Chính phủ siết chặt quy định nhập khẩu phế liệu (ảnh minh họa, ảnh IT)....