Thủ tướng chốt hạn phải có vắc xin phòng Covid-19 sản xuất trong nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra hạn định chậm nhất tới tháng 6/2022 phải có vắc xin phòng Covid-19 sản xuất trong nước, khi tới thăm, làm việc với một số cơ sở sản xuất vắc xin chiều 24/6.
Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Công ty TNHH MTV vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Sau khi thăm các phòng thí nghiệm, kho lưu trữ vắc xin, tìm hiểu về dây chuyền đóng ống, đóng gói vắc xin, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các Bộ, ngành và các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc xin.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát quy trình sản xuất tại Công ty TNHH MTV vắc xin và Sinh phẩm số 1.
Thông qua việc cấp phép vắc xin trong tình trạng khẩn cấp
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đại diện các công ty, đơn vị đã báo cáo về việc chuyển giao, nghiên cứu và sản xuất các loại sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế nói chung, trong đó có vắc xin và các sản phẩm phòng chống Covid-19.
Bộ Y tế đang thúc đẩy Công ty Vabiotech tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Sputnik V của Nga theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, dự kiến sẽ nhập bán thành phẩm, tận dụng hạ tầng của Vabiotech để đóng ống, đóng gói vắc xin Sputnik V, test thử tại Việt Nam từ tháng 6 và dự kiến sẽ nhập chính thức đóng ống, đóng gói từ tháng 7 năm nay. Giai đoạn 2 sẽ lên kế hoạch xây dựng nhà máy mới để mở rộng công suất đóng gói lên 100 đến 150 triệu liều/năm. Đồng thời, tiếp tục đàm phán với đối tác cho việc chuyển giao công nghệ và xây dựng nhà máy sản xuất gia công toàn phần vắc xin Sputnik V tại Việt Nam.
Bộ Y tế, các cơ quan cũng tạo điều kiện tối đa cho thử nghiệm vắc xin trong nước, nếu đạt kết quả thử nghiệm tốt, trong tình trạng khan hiếm vắc xin, Bộ Y tế sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền để thông qua việc cấp phép sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.
Video đang HOT
Chậm nhất tháng 6/2022 phải có vắc xin nội
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra với Chính phủ là phải nhanh chóng, thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến lược vắc xin.
“Tại cuộc làm việc này, chúng ta khẳng định quyết tâm với Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc tiếp cận, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vắc xin nói chung và nhất là tập trung cho vắc xin Coivid-19 nói riêng. Từ quyết tâm đó, báo cáo các cấp có thẩm quyền, huy động sự vào cuộc của nhân dân để thực hiện bằng được mục tiêu đã đề ra” – Thủ tướng dứt khoát.
Thủ tướng chủ trì cuộc làm việc ngay tại cơ sở với lãnh đạo Bộ Y tế, các đơn vị sản xuất vắc xin.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, bên cạnh những khó khăn, Việt Nam có những tiền đề hết sức quan trọng để thực hiện quyết tâm này.
Trước hết, Việt Nam có truyền thống trong nghiên cứu, sản xuất các loại vắc xin. Hiện Việt Nam đã sản xuất, chủ động 11/12 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Tiền đề thứ hai, các cơ sở của Việt Nam đã và đang nghiên cứu, thử nghiệm một số loại vắc xin Covid-19, sản xuất thành công nhiều loại sản phẩm, vật tư… phòng chống dịch.
Tiền đề thứ ba là truyền thống của người Việt Nam, càng gặp khó khăn, thách thức càng quyết tâm, đoàn kết và thống nhất, lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu, vươn lên, trưởng thành và phát triển.
Thủ tướng yêu cầu phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc, khắc phục mọi khó khăn theo tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.
“Phải tập trung cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất để chậm nhất là tháng 6/2022 phải có vắc xin phòng Covid-19 sản xuất trong nước” – Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng kiểm tra dây truyền sản xuất test thử (xét nghiệm nhanh).
Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng giao Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án về chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng Covid-19, báo cáo Chính phủ theo thủ tục rút gọn.
Thủ tướng cũng đồng ý dành một phần nguồn ngân sách của nhà nước trong điều kiện cho phép để làm “vốn mồi” cho hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin, trong đó có Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 (hiện đã có gần 8.000 tỷ đồng).
Nhấn mạnh tinh thần tiến công, nói đi đôi với làm, Thủ tướng quán triệt, đây là việc quan trọng phải làm có hiệu quả, vướng mắc tới đâu tháo gỡ tới đó và nhắc lại quyết tâm phải sản xuất bằng được vắc xin phòng Covid-19, chậm nhất là tháng 6/2022.
Vị lãnh đạo Chính phủ kỳ vọng kết quả có thể tới sớm hơn khi Việt Nam hiện đã có nhiều tiền đề quan trọng.
Bộ Y tế "hối" các đơn vị tiêm nhanh vắc xin phòng Covid-19
Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 3. Bộ yêu cầu phải hoàn thành trước ngày 18/6, không đợi tiêm mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1.
Ngày 20/5, Bộ Y tế đã ban hành quyết định về việc phân bổ vắc xin phòng Covid-19 đợt 3, sau đó là quyết định về điều chỉnh việc phân bổ. Trong đó, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai ngay khi nhận được vắc xin và hoàn thành trước ngày 15/8. Đến nay tất cả các địa phương, đơn vị đã tiếp nhận vắc xin Covid-19 và triển khai tiêm.
Để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, ngày 14/6 Bộ Y tế hỏa tốc đề nghị Dự án tiêm chủng mở rộng Quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện phân bổ ngay vắc xin; chủ động điều phối vắc xin theo quy định. Đồng thời, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai tiêm chủng cho các đối tượng trên địa bàn. Trường hợp không triển khai kịp thì phối hợp với Sở Y tế các tỉnh, thành phố để thực hiện việc điều chuyển vắc xin cho các đơn vị, địa phương khác và báo cáo Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) theo quy định.
Bên cạnh đó, cũng cần tổ chức các đoàn hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh, thành về việc tổ chức tiêm chủng, giám sát phản ứng sự cố bất lợi sau tiêm chủng đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng gửi công văn hỏa tốc đến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND các tỉnh thành. Trong đó Bộ đề nghị UBND các tỉnh thành chỉ đạo Sở Y tế chủ trì phối hợp với UBND cấp huyện huy động toàn bộ lực lượng y tế và các lực lượng khác bao gồm: công an, quân đội, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, tham gia hỗ trợ để tổ chức tiêm ngay vắc xin phòng Covid-19. Việc tiêm vắc xin cần hoàn thành trước ngày 18/6 đảm bảo an toàn, không đợi tiêm mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 để tăng độ bao phủ tiêm chủng.
Đồng thời, cũng cần huy động các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng xử trí các trường hợp tai biến nặng sau tiêm, đảm bảo tiêm đến đâu an toàn đến đó.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý tổ chức tiêm ngay vắc xin phòng Covid-19 hoàn thành trước ngày 18/6 đảm bảo an toàn, không đợi tiêm mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1. Các đơn vị tổ chức triển khai tiêm ngay và hàng ngày (trước 17 giờ) báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng).
Trường hợp có khó khăn, vướng mắc không triển khai kịp thì đơn vị cần khẩn trương báo cáo Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để điều chuyển vắc xin cho các đơn vị, địa phương khác.
Bộ Y tế thông tin về đột biến gen trên các mẫu bệnh phẩm Covid-19 Qua giải trình tự gen, các nhà khoa học phát hiện đột biến mất Y144 trên protein S của virus B.1.167.2 (biến thể Ấn Độ) trên 4 mẫu bệnh phẩm. Bản đồ dữ liệu thế giới chưa ghi nhận đột biến này. Theo thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, qua giải trình gen các mẫu bệnh phẩm Covid-19, các...