Thủ tướng Chính phủ tiếp các doanh nghiệp Trung Quốc
Trên tinh thần tiếp tục lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) nói chung, các DN FDI đầu tư tại Việt Nam nói riêng, chiều 12-6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp một số DN Trung Quốc đang đầu tư trong các lĩnh vực dệt may, sợi cao cấp, linh kiện động cơ, lốp ô-tô ở Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo một số doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: QUANG KHÁNH
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến nhiều DN, trong đó có DN FDI, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, địa phương đã thường xuyên gặp gỡ các DN, hiệp hội DN, ngành hàng, để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho các DN. Nhấn mạnh Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống tốt đẹp, Thủ tướng mong muốn thế hệ hôm nay có trách nhiệm vun đắp mối quan hệ này, đóng góp vào sự phát triển của mỗi nước.
Nói về thành công trong phòng, chống đại dịch Covid-19, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã chủ động, quyết liệt, có đối sách đúng và luôn đi trước một bước so với tình hình thực tế cho nên đã kiểm soát dịch thành công, đưa cuộc sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh dần trở lại bình thường. Các bệnh nhân người nước ngoài, trong đó có cả các bệnh nhân người Trung Quốc, đã được các y sĩ, bác sĩ Việt Nam chữa khỏi thành công và họ đã về nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết đã sớm có cuộc trao đổi với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, bàn giải pháp hợp tác và chia sẻ về kinh nghiệm phòng, chống Covid-19; hỗ trợ Trung Quốc trang thiết bị y tế trong phòng, chống dịch.
Tại buổi tiếp, các DN Trung Quốc bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp, đặc biệt là trân trọng cảm ơn Nhà nước Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh thành công, giúp các DN trở lại hoạt động gần như bình thường. Các DN Trung Quốc bày tỏ niềm tin mạnh mẽ vào quyết tâm của Chính phủ, chính quyền địa phương trong thực hiện mục tiêu kép cũng như các cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Đồng thời bày tỏ mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các DN mở rộng hoạt động đầu tư, làm ăn lâu dài và thành công tại Việt Nam.
Hoan nghênh các DN Trung Quốc muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, năm 2019 kim ngạch hai chiều đã đạt 120 tỷ USD, trong đó Việt Nam nhập siêu hơn 30 tỷ USD. Đến thời điểm hiện nay, tính lũy kế đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam có gần 3.000 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 21 tỷ USD, tương đương 5,5% tổng vốn đăng ký FDI vào Việt Nam. Với mức vốn này, Trung Quốc đứng thứ 7 trong số 136 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam. Hiện rất nhiều DN Trung Quốc làm ăn hiệu quả tại Việt Nam, đầu tư đa lĩnh vực. Ngoài ra, hai nước hợp tác tốt trong lĩnh vực du lịch với khoảng 6 triệu khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam.
Video đang HOT
Với việc dịch Covid-19 đang được hai nước kiểm soát hiệu quả, Việt Nam đang xem xét mở lại một số tuyến bay thương mại với Trung Quốc, trước mắt là đến Quảng Châu. Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục giải quyết, tạo điều kiện về xuất nhập cảnh cho các chuyên gia, nhà quản lý DN, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao của các nước, trong đó có Trung Quốc.
Thủ tướng đánh giá cao năng lực, thái độ đầu tư nghiêm túc và hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư lớn của Trung Quốc, trong đó có việc mở rộng sản xuất, kinh doanh, tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, quan tâm đến công nhân, trong đó có lĩnh vực nhà ở xã hội, đẩy mạnh xuất khẩu, mang lại lợi ích cho DN và đóng góp cho Việt Nam. Đặc biệt ngay trong bối cảnh khó khăn do Covid-19, Thủ tướng hoan nghênh những DN không cắt giảm lao động. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để qua đó khuyến khích các DN khác của Trung Quốc học tập, làm theo.
Lắng nghe kiến nghị của các DN tại buổi tiếp, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành xử lý các vướng mắc của DN, trong đó có việc sớm mở trở lại các chuyến bay, tạo thuận lợi về dịch vụ logistics… Đối với các kiến nghị cụ thể thuộc thẩm quyền các địa phương, bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành sớm giải quyết cho DN.
Họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống Covid-19: Đẩy mạnh xuất khẩu, bàn việc mở cửa trở lại karaoke, vũ trường
Họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống Covid-19: Đẩy mạnh xuất khẩu, bàn việc mở cửa trở lại karaoke, vũ trường
Sáng 9/6 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống Covid-19.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt ở nước ta, nhưng cần phải có sự đề phòng và không chủ quan khi trên thế giới số người mắc Covid-19 còn rất lớn, tái lây nhiễm xuất hiện ở nhiều quốc gia.
Thủ tướng cho rằng, việc quan trọng lúc này là phải hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước, gồm cả việc tính toán cho phép các chuyên gia, nhà đầu tư, công nhân lành nghề nước ngoài vào Việt Nam một cách có kiểm soát và có biện pháp y tế phù hợp. Đây cũng là nhu cầu mà nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ.
Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19 (ảnh VGP)
Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, đa dạng hóa thị trường, không để hàng hóa bế tắc đầu ra.
Với việc nhiều người Việt Nam ở nước ngoài muốn về nước, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành đề xuất các biện pháp hợp lý, gồm cả các chuyến bay, việc thực hiện cách ly...
Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên dự họp cho ý kiến về việc có thể mở cửa một số loại hình dịch vụ vẫn đang bị dừng hoạt động hay chưa, trong đó có dịch vụ karaoke, vũ trường.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục xây dựng kịch bản truyền thông về phòng, chống dịch của Việt Nam với tinh thần chủ động, không mất cảnh giác trong bối cảnh trở lại hoạt động bình thường trong tình hình mới. Mục tiêu kép là ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội và đề phòng dịch Covid-19 trở lại.
Toàn cảnh cuộc họp (ảnh VGP)
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo (tính đến 5h chiều 8/6), thế giới ghi nhận hơn 7,1 triệu trường họp mắc Covid-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ; 406.353 trường hợp tử vong.
Tại khu vực Đông Nam Á, ghi nhận 103.703 trường hợp mắc và 3.062 tử vong, trong đó Singapore ghi nhận số mắc cao nhất (38.296), Indonesia ghi nhận số tử vong cao nhất (1.851); 4 quốc gia chưa ghi nhận tử vong do dịch Covid-19 (Việt Nam, Campuchia, Timo-Leste và Lào).
Về xu hướng dịch bệnh trên thế giới, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến nay đã có 83 quốc gia/vùng lãnh thổ ghi nhận lây nhiễm trong cộng đồng, 82 quốc gia/vùng lãnh thổ có xuất hiện chùm ca bệnh, 36 quốc gia/vùng lãnh thố xuất hiện các ca bệnh rải rác, 2 vùng lãnh thổ không ghi nhận ca bệnh.
Mỹ vẫn là quốc gia có số trường hợp mắc và tử vong cao nhất trên thế giới với trên 2 triệu trường hợp mắc và trên 100.000 người tử vong; tuy nhiên, số trường hợp tử vong theo ngày đang có xu hướng giảm trong những ngày gần đây. Tại Nam Mỹ, các quốc gia tiếp tục ghi nhận số trường họp mắc mới và tử vong gia tăng, đặc biệt tại Brazil và Chile.
Tại châu Âu, dịch bệnh đang có xu hướng thuyên giảm. Nhiều quốc gia đang hướng tới việc nới lỏng các biện pháp hạn chế. Liên minh châu Âu dự kiến sẽ mở cửa cho khách du lịch ngoài khu vực từ tháng 7/2020.
Châu Á ghi nhận các dấu hiệu tích cực từ một số quốc gia như Trung Quốc đại lục không có thêm ca nhiễm trong nước, Hàn Quốc 5 ngày liên tiếp không ghi nhận ca tử vong, Nhật Bản có kế hoạch mở cửa du lịch đối với 4 quốc gia trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, ghi nhận 332 trường hợp mắc Covid-19 (liên tiếp 54 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới tại cộng đồng); ngày 8/6 ghi nhận thêm 3 trường hợp mắc mới, là các hành khách nhập cảnh trở về Việt Nam, đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Đến nay, đã ghi nhận 316 trường hợp khỏi (chiếm 95%); 16 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 15 bệnh nhân tình trạng ổn định, bệnh nhân số 91 diễn biến tốt lên. Hiện bệnh nhân đã ngồi dậy, tập vận động, tập ăn, tri giác nhận biết tốt.
Ngày 8/6, đang thực hiện cách ly y tế 8.182 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch, trong đó có 141 trường hợp cách ly tại các cơ sở y tế; 7.093 trường hợp cách ly tập trung và 948 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú./.
Đề xuất tách Tây nguyên gộp vào 2 vùng khác Hoàn thiện phương án phân vùng để tăng liên kết, hợp tác phát triển giữa các tỉnh, vùng nhưng không thể bỏ qua các yếu tố an ninh chính trị. Ngày 4-6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch....