Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm bố trí đủ vốn khắc phục sạt lở ở ĐBSCL
Hiện toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long có hơn 560 điểm sạt lở, tổng chiều dài lên tới trên 830km.
Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kiểm tra tình hình sạt lở tại một số đoạn đê biển ở tỉnh Tiền Giang, trong đó có đường bờ khu vực gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Đây là khu vực bị sạt lở liên tục 30 năm qua, nhất là những năm gần đây. Ngay trong chiều nay, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cùng lãnh đạo các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long về các giải pháp khắc phục tình trạng này. Thủ tướng nhấn mạnh, dù còn khó khăn nhưng Chính phủ quyết tâm bố trí đủ vốn cho vùng để chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp tại hiện trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, kể từ năm 1990 đến năm 2018, khu vực này đã bị sạt lở, xâm lấn tới 702 ha. 5 năm gần đây tốc độ sạt lở nghiêm trọng hơn. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do rừng chắn sóng bị mất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát tình hình sạt lở ở Tiền Giang. (Ảnh: VGP)
Thủ tướng nhấn mạnh: “Vừa phải có giải pháp mềm, vừa phải có biện pháp cứng, không thể chỉ biện pháp công trình cứng đối đầu với sạt lở. Phải làm một đê mềm để hãm tốc độ sạt lở và tiếp tục trồng rừng.”
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong buổi làm việc chiều nay, những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến ngày càng nghiêm trọng, do bùn cát từ thượng nguồn đổ về ngày càng giảm, cộng thêm tình trạng khai thác cát sỏi lòng sông. Ngoài ra tình trạng này còn do tác động của biến đổi khí hậu; thay đổi lớn về dòng chảy…
Hiện toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long có hơn 560 điểm sạt lở, tổng chiều dài lên tới trên 830km. Cũng theo bộ này, đang có 59 điểm sạt lở bờ sông ở mức đặc biệt nguy hiểm với chiều dài trên 100km.
Trong 10 năm qua, Chính phủ luôn quan tâm và đã bố trí tổng kinh phí gần 16.100 tỷ đồng xây dựng các công trình phòng chống sạt lở. Riêng năm ngoái và năm nay đã bố trí trên 4.000 tỷ đồng và đang rà soát để tiếp tục hỗ trợ trên 4.400 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã báo cáo dự báo hạn hán, mặn xâm nhập mùa khô năm 2019-2020. Bộ dự báo, hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô này đến sớm và nặng hơn so với nhiều năm. Mặn xâm nhập có khả năng ảnh hưởng đến 100 nghìn ha lúa Đông – Xuân tới, nhất là ở các địa phương Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… Ngoài ra sẽ có khoảng 50 nghìn hộ bị ảnh hưởng do thiếu nước.
Video đang HOT
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, do đó, Thủ tướng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng phải có tinh thần ứng phó mạnh mẽ Với tình trạng nước biển dâng, xâm mặn, sạt lở… Đảng, Nhà nước luôn nỗ lực, làm hết sức mình để hỗ trợ đồng bằng sông Cửu Long ứng phó và phát triển, trong đó đã bố trí nguồn lực lớn trong suốt hơn 10 năm qua đầu tư cho vùng.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo cần đánh giá tổng thể, căn cơ quy hoạch của vùng, từ đó áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong xử lý vấn đề sạt lở của vùng hiệu quả hơn, tránh tình trạng làm trước, hỏng sau. Trong đó tính toán các biện pháp như di dời và bố trí dân cư, làm đê mềm, kè cứng, giảm khai thác cát, các giải pháp về dự báo…
Thủ tướng chỉ đạo: “Trong báo cáo các đồng chí nói đến ứng dụng khoa học công nghệ mới để giảm sóng, gây bồi trong xử lý sạt lở bờ biển, qua đó tăng cường ổn định, nâng cao khả năng gây bồi, giá thành hạ. Cho nên những giải pháp hai hàng cọc ly tâm phía trong đã phát huy tốt, giảm từ 45 tỷ/km xuống 30 tỷ/km đối với bờ biển Đông, 30 tỷ xuống 20 tỷ/km đối với bờ biển Tây. Phối hợp với các nhà khoa học thế giới và huy động các nhà khoa học chuyên ngành trong nước phối hợp nghiên cứu giải pháp bảo vệ bờ biển. Tôi thấy việc này còn chắp vá, bị động từ trung ương đến địa phương, chưa chủ động tổng kết mô hình tốt nhân rộng cả nước. Tôi giao Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiên cứu một số đề tài đối với vùng bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phải nghiên cứu sát hơn vào việc này cùng Bộ Xây dựng đưa ra các phương pháp sớm kết luận hơn. Việc nóng bỏng của dân chúng ta phải tập trung làm, trong khi Quỹ nghiên cứu khoa học của chúng ta rất lớn”.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ chức năng phải bố trí cán bộ ở các vùng nguy cơ sạt lở lớn cùng với các địa phương để có phương áp kịp thời, nhất là di dời bố trí dân cư.
Về vấn đề kinh phí, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội bố trí đủ vốn cho chống sạt lở bờ sông, bờ biển khoảng 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ vùng trong năm nay và năm tới. Thủ tướng lưu ý một số địa phương đã được bố trí vốn nhưng các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển vẫn chưa hoàn thành và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ. Chính phủ sẽ tập trung nguồn lực để bố trí vốn cho công tác này, trong đó có việc xuất dự phòng Trung ương năm nay cho đồng bằng sông Cửu Long; bố trí 1.000 tỷ đồng bằng vốn đầu tư trung hạn (đã bố trí) và một số nguồn ODA khác.
Thủ tướng nhấn mạnh, dù còn khó khăn nhưng Chính phủ quyết tâm bố trí đủ vốn cho vùng để chống sạt lở bờ sông, bờ biển: “Chúng tôi đồng ý trên nền tảng kết luận số lượng này, giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan sớm đề xuất với Chính phủ, trong đó nền tảng đề xuất quan trọng là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vì đã có khảo sát số liệu chứng minh. Từ đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đầu tư nghiên cứu, sớm trình Thủ tướng Chính phủ chậm nhất vào tháng 10 tới. Chia làm hai giai đoạn, chủ yếu năm nay và một phần năm 2020 giải quyết đủ số vốn căn bản này. Đây là một quyết sách trách nhiệm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đối với đồng bằng sông Cửu Long một lần nữa, mặc dù trước đó chúng ta đã cung ứng một phần vốn rất lớn cho khu vực này, nhưng tình hình vẫn rất nghiêm trọng. Và các đồng chí nói với tôi rằng, nếu đủ số tiền này thì sạt lở bờ sông, bờ biển ở đồng bằng sông Cửu Long được giải quyết cơ bản”.
Về vấn đề hạn mặn và vụ Đông Xuân, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có biện pháp tính toán diện tích lúa để trồng các loại cây khác cho phù hợp. Về lâu dài, cần chuẩn bị phương án khoa học và công nghệ để ứng phó. Thủ tướng cũng giao Bộ chuẩn bị một hội nghị chuyên đề để giải quyết vấn đề lương thực cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất trong bối cảnh hạn mặn./.
Theo Vũ Dũng/VOV
Xây dựng nông thôn vùng đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ có những điển hình cần nhân rộng
Đó là ý kiến nhấn mạnh của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó BCĐ các chương trình mục tiêu Quốc gia Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ, sáng 17/8.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Đức Anh
Mở đầu bài phát biểu khai mạc tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Xây dựng nông thôn mới (NTM) ở vùng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ (ĐBSH và BTB) mang tính đặc trưng, đặc thù và đặc biệt. Trong quá trình triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, các địa phương trong khu vực gặp không ít khó khăn, thách thức. Song "cái khó ló cái khôn", các địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo vượt khó về đích NTM và trở thành điển hình nhân rộng ra cả nước.
"Chẳng hạn như Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng nhất nước, đông dân nhất với 16.500 Km2, dân số 3,2 triệu người, trong đó có 80% dân số sống ở vùng nông thôn, miền núi. Do đó, việc xây dựng NTM ở Nghệ An có những đặc thù riêng, những sáng tạo, cách làm hết sức đặc biệt..." - Bộ trưởng dẫn chứng.
Nghệ An là địa phương có sáng kiến hay trong xây dựng NTM đó là tổ chức cuộc thi "Xã NTM đẹp và thôn, bản NTM đẹp". Ảnh: Tư liệu
Nghệ An có cách làm sáng tạo trong việc phát hiện, tôn vinh các xã, thôn/bản tiêu biểu trong phong trào xây dựng NTM thông qua cuộc thi "Xã NTM đẹp và thôn/bản NTM đẹp" tạo động lực thúc đẩy phong trào ngày càng rộng khắp và đi vào chiều sâu, làm mẫu cho các địa phương khác học tập, nhân rộng.
Với đặc thù riêng, địa hình rộng, tỷ lệ các huyện, xã miền núi nhiều, dân số là đồng bào các dân tộc chiếm tỷ lệ cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, Thanh Hóa, Nghệ An đã lựa chọn xây dựng từng thôn, bản NTM với bộ tiêu chí phù hợp, từ đó xây dựng xã đạt chuẩn NTM đã tạo nên phong trào sôi nổi, rộng khắp, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đã 667 thôn/bản; Thanh Hóa có 576 thôn, bản đạt chuẩn đạt chuẩn NTM, diện mạo các thôn bản đổi thay từng ngày, đời sống người dân không ngừng được nâng cao.
Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó BCĐ các chương trình mục tiêu Quốc gia
Đặc biệt, xác định xây dựng NTM "chỉ có khởi đầu, không có kết thúc" nên các địa phương như: Nghệ An, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định... có chủ trương, các xã sau khi đã đạt chuẩn NTM được chỉ đạo xây dựng xã NTM kiểu mẫu với các tiêu chí nâng cao. Các xã đã tiếp tục giữ vững các tiêu chí hiện có, hoàn thiện nâng cao các tiêu chí còn yếu, đồng thời tiếp tục rà soát, khắc phục các khó khăn, khai thác tiềm năng, lợi thế, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập, giải quyết thêm nhiều việc làm tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, địa phương phát triển, phấn đấu sớm đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.
Một số hoạt động xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An. Ảnh: Tư liệu
Đó là mô hình xây dựng khu dân cư kiểu mẫu và vườn mẫu NTM ở Hà Tĩnh đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân thông qua mô hình kinh tế hộ; cải thiện môi trường; xây dựng làng quê thành những "nơi đáng sống" gắn với phát triển du lịch...
Hay như ở Hà Nội, là thủ đô nhưng lại có đến trên 386 xã nông thôn, do đó, việc xây dựng NTM đặt ra không ít thách thức. Để thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Thành ủy Hà Nội đã cụ thể hóa bằng Chương trình số 02-CTr/TU ngày 29/8/2011 về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015' và Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26/4/2016 về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" mà trọng tâm là xây dựng nông thôn mới.
Mô hinh du lịch canh nông ở Nghệ An. Ảnh Tư liệu
Với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở, đặc biệt là người dân, Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2020 có từ 10 huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, các xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, có từ 60 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, ở cơ sở đã có những cách làm hay, thiết thực, hiệu quả. Đó là việc đưa các nội dung tuyên truyền vận động vốn khô khan, cứng nhắc thành những vở kịch hát, những tiểu phẩm với những làn điệu dân ca quen thuộc, mượt mà dễ thuộc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người. Từ đó, thay đổi nhận thức, tư duy và hành động của người dân, từ "phải" xây dựng NTM sang muốn tham gia, muốn thực hiện và tự giác xây dựng NTM.
"Chúng tôi rất vui, tự hào, cảm động vì sự chuyển biến trong nhận thức của người dân trong xây dựng NTM. Kết quả này của khu vực đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung bộ thấm đẫm công sức của cả hệ thống chính trị. Thông qua hội nghị tổng kết lần này, qua các tham luận của các cấp, ngành, các địa phương trình bày tại hội nghị sẽ đóng góp những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo vào việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM cho giai đoạn tiếp theo 2021-2015"- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo Danviet
Sẽ cho nổ mìn nếu có sự cố xấu tại đập thủy điện Đắk Kar Sự cố kẹt van xả nước tại đập Đắk Kar vẫn chưa được xử lý. Cơ quan chức năng đang tính đến phương án cho nổ mìn để xả lũ tránh nguy cơ vỡ đập. Trưa 9/8, ông Lê Viết Thuận - Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông cho biết, cơ...