Thủ tướng: Chính phủ đề xuất giảm thời gian cho thuê đất tại đặc khu
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 6/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, lắng nghe ý kiến các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, trí thức và nhân dân những ngày qua về vấn đề cho thuê đất với thời hạn có thể tới 99 năm tại đặc khu kinh tế, Chính phủ trình lại Quốc hội phương án theo hướng điều chỉnh giảm thời gian này…
Thủ tướng trao đổi bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Như Phúc)
Nói về việc xây dựng các đặc khu kinh tế, Thủ tướng cho biết, trên thế giới nhiều nước đã làm đặc khu, lân cận Việt Nam có Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore. Nhiều nước thành công nhưng cũng nhiều nước không thành công với mô hình này.
Thủ tướng khái quát, dự án luật được đưa ra, những ngày qua, không khí trao đổi rất sôi nổi liên quan đến quy định về thời hạn cho thuê đất tại các đặc khu, trong trường hợp đặc biệt, có thể tới 99 năm. Nội dung này nhận rất nhiều ý kiến góp ý của người dân, các trí thức, bà con Việt kiều.
“Tinh thần yêu nước như thế chúng ta rất hoan nghênh. Và tôi tin, với tinh thần của một dân tộc yêu nước như vậy, ta không bao giờ sợ mất nước. Nhưng chúng ta phải tiếp thu lắng nghe để điều chỉnh luật, để đảm bảo cho đất nước phát triển, tạo môi trường tự do kinh doanh nhưng cũng đảm bảo môi trường bền vững, đảm bảo độc lập, chủ quyền, tự do của đất nước một cách lâu dài, đảm bảo quyền lợi của đất nước dân tộc một cách xuyên suốt trong quá trình gìn giữ non sông đất nước Việt Nam”- Thủ tướng nói.
Video đang HOT
Lãnh đạo Chính phủ cũng phân tích, quy định trong luật là với đất thuê và thuê là phải theo quy trình cụ thể, chặt chẽ. Cụ thể, hàng năm, UBND đặc khu trình HĐND xem xét, quyết định giá thuê đất. Đây là cách thức hoàn toàn khác với việc giao đất vĩnh viễn theo kiểu “nhượng tô, nhượng địa” như ở Hong Kong, Ma Cau.
Thủ tướng bày tỏ: “Rất tiếc là nhiều người hiểu nhầm vấn đề này. Việc cho thuê đất khác hoàn toàn với nhượng địa”. Ngoài ra, tại đặc khu cũng có những quy định cần thiết để duy trì cơ cấu cần thiết các nhà đầu tư của một quốc gia, không phải chỉ là một nước có thể thuê toàn bộ đất đai, bao trọn các dự án tại đặc khu.
Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề an ninh quốc gia, an ninh kinh tế đi liền với đặc khu tại Việt Nam. Thủ tướng bác bỏ những lo ngại về việc một nước nào đó thực hiện đầu tư độc quyền trong lĩnh vực này. Những quy định để đảm bảo việc này được thiết kế cụ thể trong các văn bản hướng dẫn vì luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt về nguyên tắc chỉ là “khung” pháp lý cần thiết.
“Tuy nhiên, lắng nghe ý kiến đưa ra, chúng tôi thấy cũng cần điều chỉnh lại vấn đề thời gian thuê đất một cách hợp lý, phù hợp với nguyện vọng chính đáng mà nhân dân đã gửi tới. Mặc dù việc giao đất 99 năm như thế cũng chỉ là trong trường hợp đặc biệt, hãn hữu, như với dự án để làm cơ sở hạ tầng quan trọng, cần thời gian đầu tư, khai thác rất lớn nhưng tóm lại, chúng ta phải lắng nghe. Bà con, các lão thành, trí thức của chúng ta đã góp ý như vậy thì Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội phải tiếp thu một cách cụ thể để phù hợp với tình hình” – Thủ tướng giải thích.
Đối chiếu thêm với mô hình đặc khu các nước lân cận thực hiện, Thủ tướng cho biết, trong Đông Nam Á, ngay cạnh Việt Nam, Malaysia, Singapore cũng quy định về thời hạn cho thuê đất tới 99 năm. Tại Trung Quốc hiện cũng có một đặc khu thực hiện cơ chế này. “Nhưng chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến bà con, sẽ lắng nghe ý kiến các đại biểu Quốc hội, trình ra Quốc hội phương án theo hướng điều chỉnh giảm thời hạn cho thuê đất tại đặc khu xuống để đảm bảo nguyện vọng bà con một cách phù hợp. Việc giảm xuống bao nhiêu là do do Quốc hội quyết định” – Thủ tướng nhắc lại nguyên lý, phải tạo ra thể chế, môi trường đầu tư tốt tại đặc khu để có thể cạnh tranh được trong bối cảnh hiện nay nhưng tất cả các chính sách phải đảm bảo quyền lợi quốc gia dân tộc là tối thượng.
Quang Phong
Theo Dantri
Thủ tướng: "Tôi nhận rất nhiều tin nhắn, thư góp ý về cho thuê đất tại đặc khu"
Bên hành lang Quốc hội sáng 4/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi về chuyện thời sự đang làm "nóng" các diễn đàn, dư luận liên quan đến dự luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, về chính sách giao đất, cho thuê đất tại các đặc khu với thời hạn tối đa lên tới 99 năm...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu bên hành lang Quốc hội (ảnh: Như Phúc)
Nói về việc xúc tiến xây dựng luật, thành lập các đặc khu kinh tế vào thời điểm này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích, đặc khu kinh tế, thế giới đã làm nhiều, nhiều nơi đã thành công từ nhiều năm trước. "Việt Nam làm lúc này là chậm rồi. Cần có cơ chế để thu hút, để có môi trường đầu tư tốt ở đây. Đó là vấn đề quan trọng nhất" - Thủ tướng khái quát.
Về chính sách quản lý, sử dụng đất đai tại đặc khu, Thủ tướng cho biết, cá nhân người đứng đầu Chính phủ nhận được rất nhiều tin nhắn, thư, điện thoại của các nhân sĩ trí thức, đại biểu Quốc hội... về vấn đề cho thuê đất 99 năm trong dự thảo luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là luật Đặc khu).
"Một làn sóng rất khủng khiếp trong vấn đề này, nhất là giới trí thức rất tâm tư. Tôi nhận điện thoại, tin nhắn, thư góp ý gửi tới rất nhiều" - Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ lắng nghe các ý kiến, lắng nghe một cách có trách nhiệm đối với các trí thức, nhân dân và các đại biểu Quốc hội.
Về vấn đề thời hạn giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án tới 99 năm khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn, người lãnh đạo Chính phủ giải thích, những trường hợp cá biệt như vậy thì Thủ tướng sẽ xem xét và tất nhiên, trước khi quyết định phải xin ý kiến các cơ quan chức năng.
Theo Thủ tướng, giao đất 99 năm là trường hợp đặc biệt, phải xem xét cùng các điều kiện khác rất chặt chẽ.
"Nhưng đây không phải là điểm mấu chốt trong luật, nếu cần thì Quốc hội không chấp nhận điều đó. Chúng tôi muốn Quốc hội xem xét, quyết định một cách thận trọng, công khai. Còn quyết định thế nào là quyền của các đại biểu, của Quốc hội" - Thủ tướng nêu quan điểm.
Lãnh đạo Chính phủ phân tích, với đặc khu, quan trọng là tạo cơ chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi chứ những ưu đãi hay đất đai không phải là vấn đề quyết định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định một lần nữa, Thủ tướng lắng nghe ý kiến của đội ngũ trí thức, nhân dân, các nhà nghiên cứu còn Quốc hội xem xét, quyết định việc này và "quyết định thế nào Chính phủ cũng trân trọng".
P.Thảo
Theo Dantri
Thủ tướng trăn trở vì người dân nói "chưa từng gặp Chủ tịch huyện" Ngày 19/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, lãnh đạo các bộ, ngành và 27 tỉnh, thành phố có khiếu kiện đông người, phức tạp. Thủ...