Thủ tướng Chính phủ: Chưa chốt thời điểm học sinh đi học trở lại
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết chưa chốt thời điểm cho học sinh, sinh viên đi học trở lại và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi thêm tình hình, diễn biến của dịch Covid-19.
Ngày 24-2, chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chưa chốt ngày cho học sinh, sinh viên đi học trở lại. Thủ tướng cho rằng cần theo dõi sát diễn biến của dịch, đến ngày thứ 6 (28-2) tới đây mới đưa ra quyết định chính thức.
Đây là chỉ đạo được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra ngay sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ báo cáo về tình hình chuẩn bị để học sinh, sinh viên đi học trở lại.
Theo báo cáo của ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD-ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan, hướng dẫn cho các thầy cô, nhà trường vệ sinh, khử khuẩn, tiêu độc, quy trình phòng chống bệnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống Covid-19
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết qua theo dõi và tính toán, bộ đã ban hành nhiều văn bản điều chỉnh về khung năm học, dự kiến hết thời gian tạm nghỉ là ngày 28-2. Theo ông Phùng Xuân Nhạ, căn cứ tình hình kiểm soát dịch, không phát sinh diễn biến phức tạp thì từ ngày 2-3, học sinh trên toàn quốc đi học trở lại.
Theo ông Phùng Xuân Nhạ, không thể chờ hết dịch mới cho học sinh đi học, nên kiến nghị Thủ tướng phê duyệt đề nghị học sinh đi học trở lại vào này 2-3 để thống nhất chung trên cả nước, tránh mỗi địa phương một thời điểm sẽ gây khó cho điều hành. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu theo dõi thêm tình hình, sau đó sẽ xem xét để chốt chính thức thời gian cho học sinh, sinh viên đi học trở lại.
Về công tác phòng chống dịch, Thủ tướng Chính phủ đánh giá các biện pháp thời gian qua đã có hiệu quả tốt, chống dịch với tinh thần rất cao.
Video đang HOT
Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ lo ngại khi dịch Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở ngoài Trung Quốc như Nhật Bản, đặc biệt là Hàn Quốc.
“Không để tình trạng lây lan sang Việt Nam, tiếp tục bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Đó là yêu cầu trọng điểm của Chính phủ” – Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu có biện pháp cụ thể hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa để thực hiện tốt việc bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của người dân.
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết tính đến 12 giờ hôm nay 24-2, trên thế giới ghi nhận 79.363 trường hợp mắc Covid-19 tại 33 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 2.619 trường hợp tử vong.
Số trường hợp mắc hầu hết tại Trung Quốc chiếm 97% (77.150). Một số quốc gia khác có sự gia tăng và đã phát hiện trường hợp mắc thứ phát tại cộng đồng như: Hàn Quốc (763 mắc/7 tử vong), Nhật Bản (146 mắc/1 tử vong).
Tại Việt Nam, không ghi nhận trường hợp mắc mới kể từ ngày 13-2. Đến nay, Việt Nam ghi nhận có 16 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong và đã điều trị khỏi 16/16 trường hợp.
“Đến nay chưa có trường hợp bệnh lây chéo trong cơ sở điều trị, chưa có trường hợp lây từ người bệnh sang thầy thuốc và không có bệnh nhân tử vong” – Thứ trưởng Tuyên cho hay.
Cũng theo ông Tuyên, việc áp dụng biện pháp khoanh vùng toàn bộ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (nơi ghi nhận chùm ca bệnh gồm 6 người) là mô hình tốt, chuyển từ biện pháp cách ly trường hợp bệnh sang cách ly một cộng đồng đã cho thấy hiệu quả của biện pháp này, tạo tâm lý cho người dân an tâm, tin tưởng vào biện pháp quyết liệt của chính quyền trong việc ngăn chặn dịch.
Minh Chiến
Theo Nguoilaodong
Nỗi niềm người cha khi cả nhà nhiễm bệnh corona
Bị nhiễm virus corona nhưng ông Vinh ít lo bản thân mà lo nhiều cho con gái, vừa bị bệnh vừa chịu bao lời chỉ trích.
Khu cách ly đặc biệt tại Phòng khám đa khoa Quang Hà, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc hiện chỉ còn một mình ông Nguyễn Văn Vinh, 50 tuổi. Vài ngày trước, vợ và con gái thứ cũng cách ly tại phòng bên cạnh do nhiễm nCoV, lây từ con gái lớn Nguyễn Thị Dự. Đến nay, cả mấy mẹ con đều đã khỏi bệnh và xuất viện.
Căn phòng cách ly mở cửa thông thoáng, có nắng chiếu. Qua hành lang, ông có thể nhìn về phía dãy nhà đối diện cách chừng 20 mét, nơi có gần 50 người trong diện nghi ngờ do tiếp xúc gần với các bệnh nhân dương tính, cũng được cách ly. Người mẹ già 80 tuổi cùng hai người chị của ông Vinh ở đó.
"Bà con nhà tôi tổng cộng 21 người vào đây", ông Vinh nói. "Ở cùng một nơi nhưng không thể lại gần, không nói chuyện được. Tôi rất buồn bực".
Nói là vậy, nhưng ông cũng hiểu rằng hàng ngày được nhìn thấy những người thân khỏe mạnh đã là niềm hạnh phúc lớn. Cả họ giờ chỉ có mình ông còn virus trong người, nên ông càng phải động viên bản thân chiến đấu.
Ông Vinh được bác sĩ truyền dịch chiều chiều 23/2. Ảnh: Giang Huy
Ông kể, lúc biết tin Dự dương tính nCoV, cả nhà lo lắng. Các mẫu bệnh phẩm của gia đình ngay sau đó được nhân viên y tế đến lấy. Từ đó, bà con cũng liên lụy. Những người dân làng Ái Văn, xã Sơn Lôi kỳ thị gia đình ông. Đi qua cửa nhà, mọi người bảo nhau đi thật nhanh vì sợ lây nhiễm.
"Tôi bực", ông nói. "Nhưng cũng phải chịu chứ biết làm thế nào?".
Chính quyền và y tế đưa ông Vinh và cả họ đi cách ly. Mẹ ông thường muốn đi lại ra ngoài để hóng gió. Mỗi lần như vậy, cụ được bác sĩ nhắc nhở bệnh nhân về giường, không được bước chân ra ngoài dù chỉ một chút vì chưa có kết quả xét nghiệm. "Tôi thương mẹ lắm", ông chia sẻ.
Một mình với bốn bức tường, ông Vinh lấy chiếc điện thoại làm bạn. Khi báo chí lần lượt công bố vợ con dương tính nCoV, rồi đến việc con gái Dự bị cộng đồng chỉ trích, ông Vinh ngày đêm nghĩ ngợi mông lung. Người cha lo thân mình thì ít mà lo cho con gái thì nhiều. Dự, con gái ông từ Vũ Hán về nhà trước Tết rồi lây cho ít nhất 6 người, cả xã hơn 10.000 người phải cách ly phong tỏa. "Suốt quãng thời gian đó, tôi biết ơn các y bác sĩ đã luôn động viên gia đình tôi", ông chia sẻ.
"10 ngày cách ly, mãi vẫn chẳng quen được", ông bộc bạch. "Buồn chán và nhớ nhà. Cả gia đình tôi phải đi hết, nhà cửa không có ai trông nom".
Ông Vinh được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Hơn 20 y bác sĩ, nhân viên y tế túc trực, lo cho ông từ bữa ăn, giấc ngủ đến sinh hoạt cá nhân. Một ngày, hai ngày, ba ngày trôi qua, những người thân của ông Vinh lần lượt nhận kết quả âm tính, được chuyển sang khu khác để theo dõi thể trạng. Khi vợ và con gái thứ khỏi bệnh, ông giữ niềm phấn khởi trong lòng, ngồi sát vào cánh cửa, lặng lẽ quan sát lễ xuất viện từ xa. Con gái lớn chữa bệnh ở Hà Nội, đã ra viện từ trước.
Mẹ ông Vinh (trái), cùng hai chị gái được giám sát sức khỏe tại Trung tâm Y tế Quang Hà, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Ảnh: Giang Huy
Nhận được kết quả âm tính lần 1 chiều 23/2, quá đỗi vui mừng, ông Vinh gọi điện thông báo cho con gái Dự đầu tiên, rồi ra sát cửa sổ phơi nắng. Phía bên kia sân, mẹ và hai chị gái ông ngồi hóng gió. Thấy ông Vinh, họ vẫy tay cười. Ba người phụ nữ đã có kết quả xét nghiệm âm tính nhiều lần với nCoV nhưng chưa đủ thời gian cách ly. Ông Vinh vẫy tay chào lại.
"Tôi hiểu, cả nhà ai cũng mong chờ ngày ra viện giống tôi".
Thúy Quỳnh
Theo VNE
Dịch Covid-19 ngày 23/2: Người cuối cùng nhiễm Covid-19 ở Việt Nam lần đầu có kết quả âm tính Bệnh nhân 50 tuổi ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc lần đầu có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Bệnh nhân này là người thứ 16 nhiễm Covid-19 tại Việt Nam. Dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Để độc giả nắm được những diễn...