Thủ tướng chỉ thị tăng cường trấn áp tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Bộ Công an mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tội phạm trên không gian mạng.
Theo Chỉ thị 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.
Xuất hiện các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử…, đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Nhấn để phóng to ảnh
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm.
Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và phòng ngừa, tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng.
Thông tin rộng rãi, kịp thời, công khai, minh bạch trong nhân dân về chủ trương phát triển kinh tế, an sinh xã hội, dự án bất động sản, quy hoạch xây dựng… tuyên truyền, thông báo về hành vi, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể mang tính điển hình để người dân chấp hành pháp luật, đề cao cảnh giác.
“Xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang gương mẫu nêu cao cảnh giác, chấp hành pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”- chỉ thị nêu rõ.
Video đang HOT
Đồng thời rà soát hoàn thiện các quy định của pháp luật để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước liên quan đến phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là đối với các lĩnh vực dễ nảy sinh hoặc có sơ hở để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản như đất đai, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, đầu tư, kinh doanh, không gian mạng, xuất khẩu lao động…
Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tập trung điều tra, khởi tố, xử lý các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.
Xử nghiêm hành vi tiếp tay cho lừa đảo
Bộ Tư pháp chỉ đạo Sở Tư pháp địa phương quán triệt công chứng viên, người thực hiện công chứng, chứng thực, thừa phát lại tuân thủ nguyên tắc hành nghề, thực hiện đúng thẩm quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm hành vi tiếp tay cho hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, Internet lưu giữ đầy đủ, chính xác, bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên hạ tầng mạng, không cung cấp dịch vụ có nội dung lừa đảo.
Chỉ thị cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý, giám sát các trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân có hành vi huy động vốn, đầu tư trái phép, đổi tiền qua trung gian, quảng cáo mua bán hàng hóa, dịch vụ mua hộ hàng hóa, giới thiệu, quảng cáo đăng tin trên báo chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, xuất bản phẩm, quảng cáo… tích hợp trên các sản phẩm dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhấn để phóng to ảnh
Xử lý đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động (Ảnh: VPG).
Ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trong các vụ án
Chỉ thị 21/CT-TTg giao Bộ Công Thương quản lý, giám sát hoạt động thương mại điện tử, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an các cấp kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh các loại hình kinh doanh dịch vụ như công ty tài chính, cầm đồ, môi giới việc làm, nhà đất, du học, đưa người đi lao động ở nước ngoài, thương mại và thanh toán điện tử… để phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định đối với việc ứng dụng các phương tiện thanh toán mới, tiên tiến, bảo đảm chặt chẽ, an toàn; tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời các hành vi gian lận, không đúng quy định pháp luật về hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán, phòng ngừa đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong các hoạt động như cho vay, thanh toán, chuyển tiền, nhận tiền…
Phối hợp Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan trong công tác xác minh, xử lý tội phạm; kịp thời có biện pháp phong tỏa, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trong các vụ việc, vụ án.
Công an Hà Nội cảnh báo nóng vụ giả danh chiếm đoạt tài sản
Theo Công an Hà Nội, thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi khi giả mạo giao diện website trang thông tin điện tử Công an TP Hà Nội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân thiếu cảnh giác.
Cụ thể, các đối tượng sử dụng tài khoản Zalo có tên liên quan đến lực lượng Công an như "Vì Dân Phục vụ" nhắn tin và gửi kèm đường dẫn link Congan.113hanoi.com (trang web giả danh Trang Thông tin điện tử của Công an thành phố Hà Nội) tới tài khoản Zalo của nạn nhân với nội dung thông báo các nạn nhân có liên quan đến vụ án đang điều tra như buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia và yêu cầu nạn nhân truy cập vào trang web giả.
Website giả Trang thông tin điện tử CATP Hà Nội
Sau khi nạn nhân đăng nhập số chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân sẽ hiển thị hình ảnh Lệnh bắt tạm giam "giả' có tên nạn nhân.
Lệnh bắt tạm giam giả có tên nan nhân.
Sau đó, các đối tượng đe dọa rồi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định để phục vụ điều tra và chiếm đoạt số tiền. Với thủ đoạn như trên, đã có nạn nhân bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Các đối tượng còn tinh vi hơn khi sử dụng thiết bị, phần mềm chuyển số giả mạo các số máy công khai (số máy trực ban, số máy tiếp dân) của lực lượng Công an tự xưng là cán bộ điều tra của Công an Thành phố Hà Nội đang điều tra các vụ án có liên quan đến nạn nhân. Khi người dân kiểm tra số điện thoại thấy đúng nên tưởng thật.
Quá trình gọi điện, các đối tượng còn giả tạo âm thanh, giọng nói, tiếng còi hú, tiếng bộ đàm, tiếng hỏi cung... hoặc yêu cầu nạn nhân giữ máy trong thời gian dài để để uy hiếp tinh thần nạn nhân. Các đối tượng còn yêu cầu nạn nhân không được kể chuyện cho người khác, nếu làm lộ "bí mật điều tra" sẽ bị bắt ngay. Sau đó các đối tượng yêu cầu chuyển tiền đến tài khoản chỉ định để phục vụ điều tra và rút tiền ra chiếm đoạt.
Qua điều tra, các đơn vị chức năng Công an Thành phố đã xác định trang web Congan.113hanoi.com có thông tin đăng ký tên miền và địa chỉ IP máy chủ đặt tại nước ngoài; các số điện thoại sử dụng để gọi điện cho nạn nhân là số điện thoại giả danh không phải là số điện thoại chính thức, công khai của Công an Thành phố.
Công an Thành phố khẳng định chỉ sử dụng duy nhất Cổng Thông tin điện tử Công an thành phố Hà Nội với tên miền chính thức là congan.hanoi.gov.vn, mọi tên miền khác nhân danh Công an thành phố Hà Nội đều là giả mạo.
Website chính thức của Cổng thông tin điện tử CATP HÀ Nội
Công an Thành phố đề nghị người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo trên. Tuyệt đối không truy cập các trang tin không chính thống, không làm theo các yêu cầu từ số điện thoại lạ; không cung cấp thông tin nhân thân, tài khoản ngân hàng, tài khoản thư điện tử, mạng xã hội của mình cho bất kỳ ai qua điện thoại, mạng xã hội và các kênh trực tuyến khác nếu chưa xác minh chính xác thông tin người nhận, kể cả cá nhân tự nhận là đại diện của cơ quan Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát.
Thời gian tới, Công an thành phố Hà Nội sẽ tăng cường xác minh, điều tra, xử lý các đối tượng có hành vi giả mạo hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, trợ giúp.
Hòa Nguyễn - Anh Đức
Phó chỉ huy quân sự phường bị tố lừa tiền tỷ rồi bỏ trốn Lấy danh nghĩa là Phó chỉ huy quân sự phường để vay tiền, ông L.T.D bị nhiều cấp dưới và người dân tố cáo vay mượn hàng tỷ đồng rồi bỏ trốn. Ngày 14/12, Công an quận Bình Thạnh cho biết đã tiếp nhận nhiều đơn tố cáo ông L.T.D (30 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), nguyên Phó chỉ huy Quân sự phường...