Thủ tướng chỉ đạo giải quyết 3 vấn đề về giải ngân vốn đầu tư công
Sáng 16-7 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020.
Toàn cảnh hội nghị.
Chủ trì đầu cầu Chính phủ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng lãnh đạo các bộ, ngành.
Tại đầu cầu Hà Nội, dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; các Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản cùng lãnh đạo các sở, ngành…
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng của cả nước thấp so với nhiều năm, nhân dân đang gặp khó khăn về thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19, như công nhân mất việc làm, người lao động có tiền lương thấp… Nguyên nhân chính là các dòng vốn đầu tư, kể cả đầu tư xã hội và đầu tư Nhà nước, đều chậm, thấp so với nhiệm vụ kế hoạch. Cho nên, đầu tư công là một trong các nhiệm vụ quan trọng để đất nước vượt qua khó khăn. Đầu tư sẽ giải quyết được rất nhiều việc làm, giải quyết thu nhập cho người lao động, góp phần cho tăng trưởng…
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%. Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá, việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công chưa được tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn. Những năm gần đây, giải ngân đầu tư công đạt thấp. Mặc dù tốc độ giải ngân vốn năm nay tiến bộ hơn những năm trước, song còn số lượng lớn chưa được giải ngân. Bởi vậy, hội nghị được tổ chức nhằm tìm nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến tốc độ giải ngân chậm, kém.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Video đang HOT
Thủ tướng nêu lại những địa phương dẫn đầu giải ngân vốn hiện nay như Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ…; bên cạnh đó có các địa phương quá chậm như Quảng Trị, Ninh Thuận, Đồng Nai, Trà Vinh, Thái Nguyên, Đà Nẵng… Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ điều chuyển vốn đầu tư từ ngành này sang ngành khác, địa phương này sang địa phương khác nếu cần thiết.
Hội nghị cũng sẽ là cơ hội để nêu ra kinh nghiệm quý từ các địa phương, bộ ngành. Các bộ, địa phương cần tổ chức họp thường xuyên về tình hình giải ngân, không thể họp theo hình thức 6 tháng một lần, mà cần tổ chức họp hằng tháng để nắm được cụ thể về tình hình, tìm giải pháp. Đặc biệt, cần đưa ra chế tài mạnh trong điều hành, xử lý, kiểm tra, giám sát công việc này.
Thủ tướng nêu rõ, hội nghị này cần giải quyết 3 vấn đề: Không được để vốn đọng; không được để nợ đọng (hạng mục thi công xong, dự án hoàn thành nhưng không quyết toán); không để thủ tục đọng. Đây là nhiệm vụ chính trị 6 tháng cuối năm của các địa phương, các bộ, ngành… Kết thúc cuộc họp hôm nay phải có hành động cụ thể.
Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy
Lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 200 nghìn vụ với trên 3 nghìn đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 7.685kg heroin, 850kg thuốc phiện; 3.131kg và trên 4 nghìn viên ma túy tổng hợp cùng nhiều tài sản, tang vật khác
Toàn cảnh Hội nghị chiều 9/7. (Ảnh: ĐT)
Chiều 9/7, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng 10 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới và triển khai Chỉ thị 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành và các địa phương trong cả nước.
Bộ Công an đã yêu cầu lãnh đạo công an cấp huyện trong cả nước đều phải tham gia hội nghị trực tuyến để thống nhất nhận thức và cùng nhau hành động một cách đồng bộ, quyết liệt, quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: ĐT)
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, hội nghị tổng kết này nhằm đánh giá làm rõ những kết quả đạt được trong thực hiện Chỉ thị 21/CT-TW của Bộ Chính trị, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, những cách làm hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy để nhân rộng, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 36/CT-TW của Bộ Chính trị.
Từ thực tiễn 10 năm triển khai thực hiện, các đại biểu tập trung phân tích rõ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống ma túy và kiến nghị các giải pháp khắc phục (nhất là những khó khăn, vướng mắc về pháp luật, cơ chế, chính sách, nguồn lực, sự phối hợp).
"Tập trung phân tích, đánh giá, dự báo những vấn đề mới trong hoạt động tội phạm và tệ nạn ma túy xuyên quốc gia lợi dụng Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy đến nước thứ ba, những xu hướng mới, loại ma túy mới, phương thức và thủ đoạn mới của tội phạm ma túy để chủ động có các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả", Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ.
10 năm, bắt giữ trên 3 nghìn đối tượng phạm tội về ma túy
Theo báo cáo của Bộ Công an, qua 10 năm thực hiện chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tội phạm ma túy, tác hại, sự nguy hiểm của ma túy và nhiệm vụ phòng chống, kiểm soát ma túy trong tình hình mới từng bước được nâng lên. Nhiều đường dây, tụ điểm về ma túy phức tạp được phát hiện, triệt phá và xử lý nghiêm minh. Công tác dự phòng nghiện, cai nghiện và phục hồi sau cai có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần kiềm chế gia tăng người nghiện. Hệ thống văn bản pháp luật về phòng chống ma túy không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Hợp tác quốc tế về phòng chống ma túy được mở rộng và đi vào chiều sâu.
Nhờ đó trong 10 năm (2008-2018), lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 200 nghìn vụ với trên 3 nghìn đối tượng phạm tội về ma túy (tăng 48,39% số vụ và 42,9% số đối tượng so với giai đoạn 1998-2007); thu giữ 7.685kg heroin, 850kg thuốc phiện; 3.131kg và trên 4 nghìn viên ma túy tổng hợp cùng nhiều tài sản, tang vật khác có giá trị. Trong đó, lực lượng công an bắt giữ, xử lý khoảng 90% số vụ việc; triệt phá, bắt giữ hàng trăm đường dây, tổ chức mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia và liên quan quốc tế, góp phần ngăn chặn ma túy từ nước ngoài và Việt Nam.
Viện Kiểm sát nhân dân phối hợp với Tòa án nhân dân các cấp đưa ra truy tố, xét xử 152.197 vụ với gần 200 nghìn bị cáo (tăng 71,28% về số vụ và 63,24% về số đối tượng so với giai đoạn 1998-2008), đạt tỷ lệ 99,1% về số vụ và 99% số bị cáo; trong đó, 1,59% bị tuyên phạt tù chung thân và tử hình, phần lớn là tội phạm về tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt chất ma túy (chiếm 99%), trường hợp tái phạm và tái phạm nguy hiểm chiếm 5,8%; số bị cáo nghiện ma túy chiếm 28,6%, có 182 bị cáo là cán bộ công chức, 390 bị cáo là đảng viên.
Công tác cai nghiện ma túy, quản lý người sau cai nghiện và phòng, chống tái nghiện tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Trong 10 năm, cả nước đã tổ chức cai nghiện, phục hồi cho trên 200 nghìn lượt người cai nghiện ma túy dưới các hình thức; gần 14 nghìn người sau cai nghiện được tạo công ăn việc làm; gần 23 nghìn người đang được quản lý sau cai tại nơi cư trú; gần 50 nghìn trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, chiếm 21,3% số người nghiện có hồ sơ quản lý.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song trong quá trình thực hiện Chỉ thị vẫn còn còn tồn tại, hạn chế nhất định. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy chưa thường xuyên, quyết liệt. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc, có việc chưa chặt chẽ, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các nguồn lực xã hội cho công tác phòng, chống ma túy.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: ĐT)
Không để Việt Nam là điểm trung chuyển ma túy của các tổ chức tội phạm
Tại Hội nghị, đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ quán triệt Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị và kế hoạch thực hiện của Chính phủ. Trong đó, khẳng định Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị kế thừa, bổ sung, phát triển quan điểm chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy từ các giai đoạn trước đây cho phù hợp với giai đoạn hiện nay. Chỉ thị đã xác định mục tiêu tổng quát của công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới là phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy, xóa bỏ triệt để các tổ chức, đường dây, tụ điểm, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy trong nước; ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu ở trong nước, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy, cần xác định rõ hơn vai trò của các lực lượng chuyên trách như công an, biên phòng, cảnh sát biển... Làm sao để Việt Nam không phải là điểm trung chuyển ma túy của các tổ chức tội phạm. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phải kiên quyết rà soát, không để vỏ bọc là các công ty cho bọn tội phạm chế biến ma túy ở một số địa bàn xa xôi, bởi nếu trót lọt tội phạm có thể thu lời bất chính hàng trăm triệu USD. Đồng thời, không để tái trồng cây có chất ma túy, kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý sau cai làm giảm số người nghiện ma túy mới, quản lý chặt chẽ người nghiện ngoài xã hội, không để phát sinh tình phức tạp, góp phần xây dựng môi trường xã hội an toàn lành mạnh.
Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế hơn nữa đối với phòng, chống ma túy. Đồng thời, cần có sự phân công rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, cán bộ trong công tác này nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa đối với công tác đấu tranh, phòng, chống ma túy trong thời gian tới.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: ĐT)
Phải phát huy và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống ma túy
Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá cao, biểu dương những thành tích, kết quả đã đạt được của các cấp ủy chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân trong phòng, chống ma túy trong thời gian vừa qua. Nhiều cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng đã chiến đấu quên mình, anh dũng hy sinh vì sự bình yên của Tổ quốc và Nhân dân.
Đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo trong Chỉ thị 36/CT-TW đã xác định đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, sự quản lý thống nhất của chính quyền các cấp và sự tham gia của hệ thống chính trị và toàn dân trong đó lực lượng công an nhân dân là nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm vừa cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài đòi hòi phải kiên trì, bên bỉ, quyết liệt, quyết tâm rất cao, là sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội. Trong đó, phải phát huy và đề cao trách nhiệm người đứng đầu, các đơn vị địa phương và tính tiền phong gương mẫu của toàn bộ đảng viên trong công tác phòng, chống ma túy.
Đồng chí Trần Quốc Vượng yêu cầu, lực lượng công an cần làm tốt 2 nhiệm vụ. Trong đó, tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp về chỉ đạo điều phối công tác phòng, chống ma túy và phát huy trách nhiệm của các cấp, ngành; thông qua biện pháp nghiệp vụ trực tiếp tổ chức đấu tranh với tội phạm ma túy. Nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm về ma túy là do lực lượng công an chủ trì và phối hợp với lực lượng có liên quan; triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống kiểm soát ma túy; chú trọng đầu tư nguồn lực tương xứng với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Tăng cường hợp tác quốc tế đấu tranh ngăn chặn hiệu quả tội phạm ma túy. Rà soát, khắc phục những bất cập trong cơ chế pháp lý về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy.
Đồng chí Trần Quốc Vượng yêu cầu các địa phương, bộ ngành, đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát ma túy phù hợp với tình hình thực tế...
Vận động toàn dân tham gia phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tích cực tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19; vận động nhân dân ủng hộ, khắc phục hậu quả ảnh hưởng do đại dịch; giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) Ngày 8/7, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc...