Thủ tướng chỉ đạo chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu TP Hà Nội làm tốt công tác quy hoạch, có giải pháp tổng thể để chống ùn tắc giao thông.
Ngày 16/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội và các bộ ngành về giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Nêu lý do triệu tập cuộc họp, Thủ tướng nhận định những ngày gần đây, tình hình ùn tắc giao thông đang gây bức xúc cho người dân, “đưa con đi học cũng mất mấy tiếng đồng hồ”.
“Biết tình hình xấu như vậy mà không có biện pháp thì không có trách nhiệm với nhân dân”, Thủ tướng nói.
Đại diện một số bộ ngành cho rằng, Hà Nội cần kiểm soát hiệu quả sự phát triển đô thị, rà soát điều chỉnh các quy hoạch liên quan đến giao thông như quy hoạch bệnh viện, trường học, cơ quan, trước mắt rà soát ngay các chung cư cao tầng ở nội đô; phát triển các loại hình giao thông như giao thông ngầm, trên cao.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Hà Nội cần tổ chức lại giao thông một cách hợp lý, cần có biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường vận tải hành khách công cộng. Có giải pháp chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, nhưng thay thế vào đó không phải làm nhà cao tầng mà dành cho dịch vụ công cộng.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nỗ lực của Hà Nội cùng sự phối hợp của các cấp, các ngành về chống ùn tắc giao thông, nhưng do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, cơ chế chính sách, nên số điểm ùn tắc không giảm đi mà còn tăng hơn. Có nhiều điểm ùn tắc kéo dài nhiều giờ, gây bức xúc cho xã hội và người dân.
Thủ tướng nhấn mạnh Hà Nội cần coi đây là nhiệm vụ quan trọng để phát triển Thủ đô bền vững. “Yêu cầu đặt ra là có lộ trình giải quyết kiên quyết hơn, hiệu quả hơn. Không để tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển của Hà Nội”.
Thủ tướng cho biết, từ kinh nghiệm của Hà Nội, Thủ tướng sẽ làm việc với TP HCM để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
Video đang HOT
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp.
Nhất trí với các giải pháp mà đại biểu nêu tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu cần quản lý tốt quy hoạch của Hà Nội, “chưa xây dựng nhà cao tầng khi phương án giao thông chưa có lối ra”, “tập trung mật độ cao quá ở trung tâm thì dứt khoát ùn tắc”.
Phải có biện pháp cần thiết hạn chế phương tiện cá nhân theo đúng quy định pháp luật kết hợp với tuyên truyền, vận động nhân dân; phát triển các loại hình giao thông ngầm, trên cao để giảm mật độ phương tiện trên mặt đường. Quản lý chặt chẽ quy hoạch hệ thống hạ tầng, bảo đảm không chồng chéo, mâu thuẫn.
“Phải có chương trình tổng thể nhiều năm nhưng trước mắt trong 5 năm tới, phải cơ bản hạn chế, chống ùn tắc bằng các biện pháp hết sức cụ thể và tập trung”, Thủ tướng nhấn mạnh và đồng tình, khuyến khích Hà Nội xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, trong đó, ưu tiên huy động nguồn lực trong nước, để không làm tăng nợ công. Thủ tướng gợi ý, nguồn lực này có thể huy động theo hình thức hợp tác công – tư (PPP).
Đi liền với đó, cơ chế nào phân cấp được cho Hà Nội để thành phố quản lý, chịu trách nhiệm trước Trung ương, trước Thủ tướng thì các cơ quan Trung ương tạo mọi điều kiện cho Hà Nội.
Các bộ ngành tham dự buổi làm việc cho rằng thành phố Hà Nội cần rà soát ngay chung cư cao tầng trong nội đô. Ảnh minh họa: Giang Huy.
Thủ tướng cũng nhắc nhở Hà Nội quan tâm triển khai các biện pháp chống ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán. Phối hợp với các cấp, các ngành dẹp bỏ tình trạng xe dù, bến lậu, quản lý thật nghiêm, nhất là trong những ngày cao điểm người dân về nghỉ Tết và trong những ngày người dân quay trở lại.
TP Hà Nội cần thành lập tổ công tác, do một Phó chủ tịch UBND làm tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về vấn đề giao thông, trật tự đô thị, tinh thần là “không để một người dân nào vì thiếu phương tiện giao thông mà không được về quê ăn Tết”.
Các tỉnh lân cận Hà Nội, nhất là các tỉnh có tuyến giao thông huyết mạch ra vào thành phố, tăng cường chỉ đạo phân luồng, chống ùn tắc tại các cửa ngõ thành phố.
TP Hà Nội cần rà soát, đánh giá lại ngay tính hiệu quả của xe bus nhanh để có lịch trình hoạt động hợp lý nhất.
Theo báo cáo của TP Hà Nội, trong năm 2016, thành phố đã giải quyết được 20/44 điểm ùn tắc. Tuy nhiên, hiện nay đã phát sinh trở lại 4 điểm cũ và phát sinh mới 13 điểm. Tổng số điểm ùn tắc hiện là 41 điểm.
Võ Hải
Theo VNE
Ai có thể lĩnh hơn 6 tỷ chống tắc đường cho Hà Nội?
Không phải đối tượng nào cũng có thể tham dự cuộc thi Ý tưởng Phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc, với tổng giá trị giải thưởng hơn 6 tỷ đồng.
Đối tượng tham dự cuộc thi ý tưởng chống ùn tắc giao thông của Hà Nội phải là những cá nhân, tổ chức có kinh nghiêm trong lĩnh vực quy hoạch giao thông (ảnh minh họa: Việt Linh)
Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa công bố cuộc thi "Ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030".
Đặc biệt, tổng giá trị giải thưởng lên tới hơn 6 tỷ đồng. Trong đó, giải Nhất sẽ nhận 200.000 USD (tương đương với hơn 4 tỷ đồng), giải Nhì nhận được 100.000 USD (tương đương hơn 2 tỷ đồng). Ban tổ chức sẽ hỗ trợ 25.000 USD cho mỗi bài thi có đầy đủ hồ sơ, chất lượng.
Thông tin trên đã thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận, tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tham dự cuộc thi này.
Theo thông báo về thể lệ cuộc thi do Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện ban hành, hồ sơ năng lực của tổ chức tư vấn phải có văn bản liên quan đến tư cách hoạt động tư vấn thiết kế lĩnh vực giao thông vận tải, quy hoạch.
Bản khai năng lực tổ chức, cá nhân phải nêu rõ tên, địa điểm các công trình đã tham gia thiết kế, đã xây dựng. Điều kiện năng lực đối với tổ chức tư vấn thiết kế là Hạng 1, còn đối với năng lực cá nhân là phải chủ trì thiết kế xây dựng công trình Hạng 1.
Mẫu phiếu đăng ký thi tuyển ý tưởng, đơn vị đăng ký phải cam kết đảm bảo đầy đủ điều kiện hành nghề tư vấn thiết kế giao thông vận tải theo quy định pháp luật Việt Nam và kinh nghiệm chuyên môn phù hợp với chức năng và quy mô dự án.
Thời hạn, nộp hồ sơ đăng ký dự thi từ ngày 19 - 23.1.
Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, quy chế cuộc thi đã được ban tổ chức bàn luận kỹ lưỡng.
"Khối lượng công việc phải giải quyết là rất lớn nên một cá nhân không thể giải quyết được mà cần một tổ chức tư vấn chuyên nghiệp có năng lực, kinh nghiệm mới đủ điều kiện thực hiện, ông Viện cho hay.
PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc Hà Nội tổ chức cuộc thi thể hiện tinh thần cầu thị của lãnh đạo TP. "Là người dân sống tại Hà Nội, ai cũng muốn góp sức mình cho thành phố. Nhiều người có chuyên môn, kiến thức mong muốn đóng góp mà chẳng cần giải thưởng. Tổ chức tìm ý tưởng rất hay nhưng làm không khéo có thể thành cuộc đấu thầu, hoạt động maketing. Có những phát minh, ý tưởng chỉ nửa trang giấy là đủ thay đổi", ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, để tập hợp ý tưởng của người dân, chuyên gia, Hà Nội có thể mở một hòm thư, ban chuyên đánh giá.
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia trong lĩnh vừa giao thông cho hay, ùn tắc giao thông là vấn đề lớn không của riêng Hà Nội. Nếu coi đây là cuộc thi ý tưởng thì nên mở rộng nhiều đối tượng có thể tham gia, sau đó sẽ chọn lọc những ý tưởng để nghiên cứu thành dự án.
Theo Tất Định (Dân Việt)
Lập danh sách 'đen' doanh nghiệp nguy cơ gây ô nhiễm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, sắp tới sẽ rà soát, kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường từ trung ương đến địa phương. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc xử lý môi trường...