Thủ tướng: Bộ ngành báo cáo 15 phút, không nói thành tích
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng 28-12 yêu cầu các bộ ngành báo cáo không quá 15 phút, địa phương không quá 10 phút; không báo cáo thành tích, đi thẳng vào khó khăn vướng mắc và giải pháp tháo gỡ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng 28-12 yêu cầu các bộ ngành báo cáo không quá 15 phút, địa phương không quá 10 phút
Sáng nay 28-12, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2017. Hội nghị dự kiến diễn ra trong vòng 1,5 ngày.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là cuộc họp quan trọng để cùng thảo luận, phân tích, làm rõ, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội, những kết quả, tồn tại, yếu kém năm 2016 và tập trung vào những nhiệm vụ cần tập trung giải quyết, bàn giải pháp triển khai năm 2017.
Theo Thủ tướng, năm 2016, Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế.
Cụ thể, trong nước, năm 2016 là một năm thiên tai, nhân tai đặc biệt nghiêm trọng, khốc liệt xảy ra trên mọi miền đất nước. Sự cố môi trường miền Trung làm giảm 0,3% tăng trưởng GDP. Đến nay, bão lũ vẫn tiếp tục đe doạ miền Trung với sức tàn phá lớn. Tình hình quốc tế và khu vực phức tạp, khó lường, xu hướng bảo hộ thương mại, tình hình biển Đông rất phức tạp. Cùng đó, còn nhiều hạn chế tồn tại của nội tại nền kinh tế như: sức cạnh tranh thấp, nhiều dự án thua lỗ, thất thoát vốn nhà nước… Ngoài ra, năm 2016 cũng triển khai nhiều văn bản pháp luật mới nên cũng có nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt với tinh thần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, qua đó, đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận về kinh tế-xã hội. GDP ước tính tăng 6,21%, cao hơn các nước đang phát triển khu vực châu Á. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thu ngân sách tăng; mặt bằng lãi suất giảm; thị trường ngoại tệ, vàng cơ bản ổn định; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 41 tỉ USD, cao nhất từ trước tới nay.
Video đang HOT
Cơ cấu lại nền kinh tế đạt kết quả bước đầu. Xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng khoảng 8%, xuất siêu 2-3 tỉ USD trong bối cảnh thương mại quốc tế sụt giảm. Huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 32,5% GDP. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức cao kỷ lục, với 15,8 tỉ USD vốn thực hiện FDI (tăng 9% so với cùng kỳ) và vốn FDI đăng ký mới đạt 24,4 tỉ USD (tăng 7%). Năm 2016, lần đầu tiên có hơn 110.000 doanh nghiệp được thành lập mới; thu hút hơn 10 triệu khách du lịch…
Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra những bất cập, tồn tại để thảo luận và đưa ra các biện pháp khắc phục như: ngành công nghiệp khai khoáng giảm mạnh, nhất là dầu thô giảm 12% về sản lượng; thiên tai hạn hán, lũ lụt, xâm ngập mặn nghiêm trọng; sự cố môi trường biển miền Trung gây hậu quả nghiêm trọng; các dự án nghìn tỉ thua lỗ mất vốn; các ngân hàng thương mại yếu kém, mất vốn rủi ro cao; xảy ra nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng; nhiều vụ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; có sai phạm trong công tác cán bộ như vụ Trịnh Xuân Thanh và các vụ khác; xếp hạng quốc tế về đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc…
Với tinh thần quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, nói đi đôi với làm, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị các đại biểu trình bày báo cáo ngắn gọn, súc tích, trực diện, có các số liệu minh chứng rõ ràng; không nêu vấn đề một cách chung chung.
Thủ tướng đề nghị mỗi bộ ngành báo cáo không quá 15 phút, địa phương không quá 10 phút, không báo cáo thành tích mà tập trung đi vào làm rõ những mô hình tốt, cách làm hay, phương pháp làm việc, cách thức chỉ đạo.
Từ đó, tập trung thảo luận, đánh giá đúng kết quả đã đạt được, đề ra các giải pháp trọng tâm, đi thẳng vào những khó khăn vướng mắc, tháo gỡ những rào cản… để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra trong năm 2017 – năm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. “Câu hỏi lớn là điều hành năm 2017 làm sao cho hiệu quả và tốt nhất”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Ph.Nhung (Người lao động)
Thủ tướng hỏi Phó Chủ tịch Đồng Nai đã vào thăm trung tâm cai nghiện chưa?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận tình hình ma túy ở Việt Nam đang nổi lên nhiều vấn đề hết sức phức tạp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Chiều nay, 23-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma tuý.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), Trung tướng Đồng Đại Lộc, cho biết do Việt Nam nằm trong khu vực có số người nghiện lớn, cận kề nhiều nước có tỉ lệ người dân nghiện ma tuý cao như Lào, Campuchia..., đồng thời cũng gần Tam Giác Vàng - trung tâm sản xuất ma tuý lớn của thế giới - nên trở thành nơi trung chuyển ma tuý từ Tam Giác Vàng sang các nước khác. Theo báo cáo từ các địa phương, Việt Nam có trên 210.000 người nghiện, tăng hơn 10.000 người so với năm 2015. Trong đó, có 67,5% người đang sinh sống ngoài xã hội; 13,5% người trong các cơ sở cai nghiện; 19% người đang trong trại tạm giam, nhà giam giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Đáng chú ý, một số địa phương, tỷ lệ người sử dụng ma tuý tổng hợp cao như: Đồng Nai 87%, Đà Nẵng 85%, An Giang 76%...
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Nguyễn Trọng Đàm, ngoài việc Việt Nam có số người nghiện ma tuý lớn ra, tình hình vận chuyển, buôn bán ma tuý hết sức phức tạp, tinh vi. Điều đáng nói, theo ông Đàm, số người nghiện ở các địa phương có dưới 1.000 người nghiện, lại chưa được quan tâm nên số người nghiện tăng lên như các tỉnh miền Trung và Tây Nam bộ. Từ sự thiếu quan tâm của địa phương dẫn đến kinh phí dành cho công tác cai nghiện rất hạn chế. Cụ thể, nguồn ngân sách trung hạn dành cho cả nước trong 5 năm có 600 tỉ đồng nhưng xuống địa phương phân bổ cho công tác này còn 191 tỉ đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phân tích tình hình cơ sở cai nghiện tập trung trên cả nước hiện nay rơi vào 2 trường hợp: Trường hợp thứ nhất là cơ sở cai nghiện tập trung không sử dụng hết, để hoang hoá, có nơi cán bộ nhiều hơn học viên; trường hợp thứ 2 là nhóm các tỉnh trọng điểm về số lượng người nghiện thì thường quá tải, chật chội dẫn đến học viên phá trung tâm, bỏ trốn.
"Nhiều cơ sở cai nghiện xuống cấp, có nơi không đủ điều kiện là nơi điều trị người nghiện vì cai nghiện tập trung là nơi chữa bệnh chứ không phải cai quản. Phổ biến tình trạng chật chội, tới 40-50 học viên/phòng chứ không phải 8-9 người. Thậm chí có nơi không đủ chỗ vệ sinh tắm rửa."- ông Đàm lo ngại.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, quan điểm đối với người cai nghiện ở nhiều nơi không thống nhất cao, thậm chí là trái chiều. Đó là quan điểm không muốn đưa vào cai nghiện tập trung và quan điểm ngược lại. Trong khi đó, nhân lực để làm công tác cai nghiện không có, thiếu chuyên môn sâu mang tính quản lý, trông coi, nấu ăn là chính, còn tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề rất thiếu. Công tác cai nghiện ngoài cộng đồng cũng thiếu rất nhiều cán bộ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bà Nguyễn Hoà Hiệp, cho biết tỉnh lập hồ sơ 1.258 người nghiện vào cơ sở cai nghiện tập trung, cả tỉnh chỉ có 13 xã không có người nghiện ma tuý. Do cơ sở vật chất của cơ sở cai nghiện tập trung thiếu thốn nên năm 2016 đã có 783 học viên trốn trại, sau đó gom được 620 học viên, còn 163 học viên vẫn đang ở ngoài cộng đồng, hiện đang tuyên truyền, vận động và đã tiến hành khởi tố vụ án.
Bà Nguyễn Hoà Hiệp cho hay nguyên nhân trốn khỏi cơ sở cai nghiện là do các cơ sở này trước đây chỉ đáp ứng tối đa 300-400 người nghiện, nay do đối tượng người nghiện tăng nhanh và tỉnh đã thu gom về cơ sở dẫn đến quá tải. Hiện cơ sở cai nghiện còn 971 trường hợp đang cai nghiện.
"Đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các địa phương có kinh tế phát triển nên tập trung đông đối tượng nghiện ma tuý để nâng cấp cơ sở cai nghiện"- bà Hiệp bày tỏ.
Trước đề xuất của bà Nguyễn Hoà Hiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hỏi lại: "Đồng chí Hiệp đã vào trung tâm này chưa? Và có kế hoạch nâng cấp trung tâm này chưa?".
Trả lời Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết tỉnh đã đầu tư xây dựng thêm 10 phòng cai nghiện trị giá 3 tỉ đồng và đã quy hoạch xây dựng 1 cơ sở mới có diện tích 30 ha đáp ứng khoảng 2.000 học viên có cơ sở vật chất hoàn chỉnh kể cả khu vui chơi, giải trí....
Thủ tướng nhìn nhận tình hình ma túy ở Việt Nam đang nổi lên nhiều vấn đề hết sức phức tạp, nhất là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng về tội phạm ma tuý và hệ luỵ từ nghiện ma tuý gây nên. Các địa phương lớn như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương..., không có địa phương nào người nghiện không tăng lên.
"Ngay ngày hôm qua, 22-12, tại ngay Hà Nội, lực lượng chức năng đã phát hiện một cơ sở sản xuất ma tuý tổng hợp cho thấy tình hình ngày càng phức tạp"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Điều đáng nói vấn để nổi cộm trong thời gian gần đây là việc học viên phá trung tâm cai nghiện và bỏ trốn ra ngoài xã hội. "Nguyên nhân học viên bỏ trốn khỏi trung tâm thì có nhiều nhưng phải thẳng thắn nói rằng nhiều địa phương không quan tâm đến công tác cai nghiện cho người nghiện. 7-9 người sống trong 1 căn phòng nhỏ, thậm chí còn nhỏ hơn cả nơi tạm giam, lại không quan tâm đến đời sống tinh thần, giải trí, thể thao cho người cai nghiện... Việc quan tâm ở một số nơi còn kém cả nơi tạm giam. Các địa phương phải bóc tách toàn bộ thực tế và đề xuất giải pháp cụ thể"- Thủ tướng nhắc nhở.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM, bà Nguyễn Thị Thu, cho biết phương thức mua bán ma tuý ngày càng tinh vi, phức tạp, thậm chí thuê các chung cư trung đến cao cấp có thẻ từ vào thang máy... dẫn đến hoạt động trinh sát, đánh án khó khăn. Các đối tượng còn sử dụng vũ khí quân dụng và rất manh động. Đáng chú ý, theo bà Nguyễn Thị Thu, chính quyền, đoàn thể, các đơn vị, tổ chức TP HCM đã thường xuyên tổ chức nhiều đoàn đi thăm hỏi, tặng quà các học viên tại cơ sở cai nghiện, đồng thời tiến hành vận động, tuyên truyền người nghiện và gia đình đưa con em đến cai nghiện tập trung và tổ chức việc hướng nghiệp, dạy nghề, tư vấn. "TP HCM sẽ tiếp tục có các đoàn từ nay đến sau tết thăm các cơ sở cai nghiện, thể hiện sự quan tâm của thành phố đối với các em"- bà Thu nhấn mạnh. Trước phát biểu của đại diện chính quyền TP HCM, Thủ tướng biểu dương TP HCM trong công tác chăm lo, quan tâm, tặng quà người nghiện trong dịp lễ tết cũng như các biện pháp tuyên truyền. Thủ tướng xem đây là hoạt động rất cần thiết và các địa phương cần chia sẻ kinh nghiệm này.
Theo Thế Dũng (Người lao động)
Thủ tướng: Để thực hiện những tầm nhìn mạnh bạo, then chốt là xây dựng niềm tin Chiều 22/12, tại tỉnh Quảng Ninh, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh về tình hình kinh tế - xã hội địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng Quảng Ninh sẽ là đầu tàu kinh tế phát triển mạnh nhất cả nước trong nhiệm kỳ này, giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của vùng kinh tế...