“Thủ tướng bắt gặp xe hổ vồ chạy nườm nượp!”
Nói về hoạt động kiểm soát tải trọng xe đang bị bỏ ngỏ, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi công tác Tuyên Quang bắt gặp rất nhiều xe “hổ vồ”, xe 3 chân chạy nườm nượp, xe chở xi măng 180 tấn “nghiền” hỏng đường!
Tại buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sáng 21/3, Tổ công tác của Thủ tướng do ông Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã chỉ ra 9 vấn đề nội tại mà ngành GTVT phải làm ngay, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề kiểm soát tải trọng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, trước đây Bộ GTVT và Bộ Công an thực hiện công tác liên ngành có hiệu quả rất tốt trong kiểm soát xe quá tải, nhưng sau khi kết thúc kế hoạch này thì dường như tình hình bị “bỏ ngỏ” nên lại phức tạp.
“Có thể nói các trạm cân trên các tuyến hầu như bị bỏ ngỏ, xe quá tải quá khổ gia tăng quá lớn, hầu như xe cơ giới chở quá tải giờ quay trở lại hết. Thậm chí có tình trạng thanh tra giao thông bảo kê xe quá tải, không có sự hợp tác của các lực lượng công an. Mới đây Thủ tướng đi công tác Tuyên Quang bắt gặp toàn xe “hổ vồ” (xe Howo), xe 3 chân chạy nườm nượp trên đường, xe chở xi măng 180 tấn “nghiền” hỏng đường” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.
Ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Theo Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ GTVT và Bộ Công an phải ngồi với nhau, có kế hoạch tiếp tục kiểm soát tải trọng xe quyết liệt, sử dụng cả lực lượng cảnh sát cơ động vào cuộc chứ không riêng Cảnh sát giao thông. Bộ GTVT phải có các giải pháp căn cơ đồng bộ, phải có sự đồng lòng của địa phương, nhất là Bộ Công an thì mới làm được, nếu không kiểm soát được thì hạ tầng mấy năm nữa hỏng hết.
Nói về “mánh khóe” của hoạt động chở quá tải, ông Mai Tiến Dũng cho biết nhiều xe chủ xe tải chống đối rất linh hoạt. Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng dẫn thêm chiêu trò của chủ xe khi đi đăng kiểm. Ở Trung tâm đăng kiểm thì đúng xe nhưng chạy ra ngoài lại là loại xe khác. Lý do là lúc đăng kiểm thì chủ xe cất thùng cơi nới đi, mượn thùng xe chuẩn lắp vào để đăng kiểm.
Video đang HOT
Muốn xử lý phải cắt xe cơi nới triệt để, còn không xử lý được thì phải cắt xe để không thay được thùng, ông Dũng khẳng định đây là trách nhiệm của Bộ GTVT.
Chưa hết, ông Mai Tiến Dũng cũng cho rằng đối tượng “yểm trợ” cho xe quá tải phải kể tới các ông xe ôm ngồi ở các trạm cân, chốt kiểm soát tải trọng. “Các tài xế xe ôm được trả tiền để ngồi giam chân tại chốt làm cảnh giới cho xe quá tải, chứ bình thường đâu thể ngồi chơi suốt ngày, họ phải chạy xe ôm mà làm ăn”, Bộ trưởng nói.
Xe cơi nới thùng để chở quá tải (ảnh minh họa: Duy Tuyên)
Trên thực tế, chế tài xử lý xe quá tải hiện chưa mạnh nên không đủ sức răn đe, không giải quyết được triệt để tình trạng xe chở quá tải, mức phạt không nặng thì không có kết quả. Kiểm soát xe quá tải quá khổ là vấn đề bức xúc nên trong thời gian tới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ GTVT phải kiểm soát lại tình hình, đặc biệt là các giải pháp liên quan đến xử lý xe cơi nới, tăng nặng chế tài xử phạt.
Cuối buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng “mách nước” cho Bộ GTVT giải pháp kinh tế trong chống xe quá tải: “Khi bị dừng xe, thường tài xế hay bỏ xe để đi nhằm gây khó khăn cho lực lượng chức năng, nếu lái xe thích bỏ đi thì cứ để cho đi thoải mái, rồi thuê cẩu đến cẩu hàng và xe mang đi “nhốt” ở bãi, thuê người trông, rồi tính tiền nhà xe phải trả. Thay vì phạt trực tiếp thì giữ hàng và nhốt xe lại thời gian, không có phương tiện làm ăn kinh doanh thì họ sẽ phát hoảng ngay và phải tuân thủ theo quy định”.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Ông Mai Tiến Dũng: Không 'xử' xe quá tải thì hạ tầng sẽ hỏng hết
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Bộ giao thông đẩy mạnh xử lý xe quá tải, bởi mới đây ông trực tiếp đoàn xe quá tải "chạy nườm nượp trên đường" khi đi công tác ở tỉnh.
Ngày 21/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng) dẫn đầu đoàn kiểm tra tại Bộ Giao thông vận tải.
Bộ trưởng Dũng cho biết, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc truyền đạt ý kiến về 9 vấn đề, yêu cầu lãnh đạo Bộ Giao thông giải trình rõ thêm và đưa ra giải pháp xử lý. Trong đó, có tình trạng xe quá tải, quá khổ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Giao thông tại cuộc làm việc., Ảnh: VGP
"Mới đây Thủ tướng đi công tác ở Tuyên Quang đã chứng kiến hàng đoàn xe hổ vồ chạy nườm nượp, nhiều xe chở xi măng đến 180 tấn. Nếu để thế này thì hạ tầng mấy năm nữa hỏng hết", ông Dũng nhấn mạnh.
Theo ông, để xử lý xe quá tải, cùng với việc tăng cường lực lượng, phương tiện thì phải xóa toàn bộ tình trạng cơi nới thùng xe.
"Khi đăng kiểm, nhiều chủ xe bê thùng cơi nới cất đi, mượn thùng chuẩn đăng kiểm. Còn khi đi trên đường, nhiều xe chủ xe rất linh hoạt, xe có 10 bánh song chỉ để 4 bánh chạy cho nhanh, nếu gặp lực lượng kiểm tra thì hạ bánh xuống để đúng trọng tải", ông Dũng nói.
Lực lượng chức năng kiểm tra xe quá tải. Ảnh: Xuân Hoa
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ cho biết, tình trạng xe quá tải xuất hiện trở lại ở các địa phương nhiều hơn so với trước, do một số tỉnh đã dừng hoạt động các trạm cân xe. Hiện chỉ có cân cơ động để ở các trạm thu phí nhằm ngăn chặn xe quá tải vào các tuyến đường cao tốc, BOT.
"Để xảy ra tình trạng này là do thiếu phối hợp giữa ngành công an và các địa phương. Trong tháng 4 này, Bộ giao thông sẽ triển khai đồng loạt việc kiểm tra xe quá tải", ông Huyện nói.
Cũng tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu Bộ Giao thông khẩn trương sửa đổi nghị định 86 liên quan đến quản lý xe hợp đồng.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vận tải, cho biết thời gian qua xe dù bến cóc xuất hiện do quy định chưa chặt chẽ về điều kiện xe hợp đồng. Xe hợp đồng dưới 10 chỗ không phải thông báo về sở giao thông, nên nhiều doanh nghiệp đã cho xe hợp đồng lách luật chạy như xe khách tuyến cố định. Bộ Giao thông đã đề xuất sửa đổi quy định liên quan theo hướng, xe từ 8 chỗ trở lên khi thực hiện hành trình phải thông báo hợp đồng về sở giao thông như xe trên 10 chỗ.
Ngoài ra, Bộ Giao thông sẽ xây dựng phần mềm quản lý xe hợp đồng. Quy hoạch mạng lưới tuyến cố định, xây dựng bến xe thuận lợi cho người dân đi lại...
Đoàn Loan
Theo VNE
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông dừng cấp phép nạo vét luồng sông Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông dừng việc cấp phép các dự án nạo vét luồng sông, giao việc này cho địa phương. Sáng 21/3, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu làm việc với Bộ Giao thông...