Thủ tướng Australia yêu cầu các hãng hàng không thông báo lộ trình bay
Ông Abbott cho rằng hành khách phải được hãng hàng không thông báo trong trường hợp máy bay bay qua khu vực xảy ra xung đột.
Thủ tướng Tony Abbott đã yêu cầu các hãng hàng không cần phải thông báo với hành khách của mình về những lộ trình bay đi qua khu vực chiến sự. Tuy nhiên, ông Abbott từ chối yêu cầu của công đoàn ngành giao thông cho rằng cần phải ra lệnh buộc hãng hàng không Qantas cấm bay qua Iraq.
Hãng Qantas bị TWU yêu cầu cấm bay qua Iraq (Ảnh:Getty Images)
Sau vụ máy bay MH17 bị bắn rơi, Liên minh Công đoàn ngành Giao thông Australia (TWU) đã kêu gọi chính phủ phải hạ lệnh bắt buộc các hãng hàng không có máy bay đi vào và rời khởi không phận Australia phải thay đổi lộ trình bay, tránh bay vào khu vực xảy ra xung đột.
Video đang HOT
Hãng Qantas cho biết họ là một trong rất nhiều hãng hàng không có các chuyến bay thương mại bay qua Iraq để tới châu Âu. Hơn nữa, hãng còn cho rằng không có bất kỳ nguy hiểm nào đối với một máy bay dân dụng bay qua Iraq ở độ cao mà hãng đã đăng ký.
Ông Abbott cho biết Chính phủ đã từ chối đề xuất này của công đoàn ngành giao thông. Thay vào đó, Thủ tướng yêu cầu các hãng hàng không phải công khai những thông tin về lộ trình của mình với các hành khách.
“Nếu tôi là một hành khách trên một chuyến bay từ Australia tới châu Âu, chắc hẳn tôi sẽ tò mò về đường đi cả máy bay”, ông Abbott phát biểu trên Đài phát thanh Fairfax ngày 31/7. “Tôi vẫn nhớ tới chuyến bay đầu tiên của tôi đến châu Âu cách đây nhiều năm trước. Lúc ấy, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và tự hỏi: “Liệu có phải đây là không phận Iran không nhỉ?” rồi lo lắng về nhiều điều không may có thể xảy ra. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đều có quyền được yêu cầu chính đáng về đường bay đang bay”.
Đại diện của TWU Tony Sheldon đề nghị Chính phủ cần đưa ra những quyết định cứng rắn hơn. Theo ông, hành khách Australia không được thông báo về lộ trình bay khi họ lên máy bay. Ông cũng cho biết hãng hàng không Emirates đã quyết định định tuyến lại các chuyến bay tới miền Bắc Iraq vì lý do an ninh và Qantas cần đưa ra thông báo tương tự. Hiện nay, các chuyến bay của hãng hàng không Qantas vẫn thường bay qua Iraq ở độ cao khoảng 11.000 đến 12.000 m.
Cơ trưởng Dick Tobiano cho biết hãng Qantas không bao giờ bay qua không phận mà họ nghĩ là không an toàn. Đây cũng chính là lý do mà hãng này đã chuyển hướng các chuyến bay qua Syria và Ukraine. Ông Tobiano cho hay: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến và thực hiện bất kỳ thay đổi nào cần thiết để bảo đảm sự an toàn cho các hành khách”.
Bill Shorten, nhà lãnh đạo phe đối lập cho biết các hành khách đã bị sốc với những gì xảy ra với chiếc MH17 ở miền Đông Ukraine và ông “không thể tưởng tượng được cái cách mà Qantas đang đặt hành khách vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”./.
Theo_VOV
Australia tham gia chiến lược "xoay trục"
Ý tưởng về chính sách tái cân bằng hoặc xoay trục chiến lược của Mỹ tại châu Á được khởi nguồn từ chuyến thăm Australia của Tổng thống Barack Obama năm 2011. Chuyến thăm của Thủ tướng Australia Tony Abbott đến Mỹ từ ngày10-14/6 đã góp phần khởi động lại việc triển khai thực hiện các chính sách của Mỹ đối với khu vực.
Không có thông báo chi tiết nào được đưa ra sau cuộc gặp ngắn tại Nhà Trắng giữa ông Obama và ông Abbott hôm 12/6. Tuy nhiên, theo tờ Nghiên cứu toàn cầu ngày 16/6, hai nhà lãnh đạo này đã ký kết một loạt thỏa thuận, trong đó có việc Australia sẽ mở cửa nhiều căn cứ của nước này hơn để chào đón các lực lượng Mỹ và đẩy mạnh sự tham gia của quân đội Australia vào công tác chuẩn bị của Mỹ cho các cuộc chiến tại khu vực. Đây là những thỏa thuận đánh dấu nấc thang mới về sự tham gia của Chính phủ Australia vào chính sách "xoay trục" của Mỹ sang châu Á.
Thủ tướng Abbott đã nhấn mạnh cam kết của Chính phủ Australia với những kế hoạch chiến tranh của Mỹ như Australia có thể cử máy bay chiến đấu, tàu chiến và máy bay vận chuyển để hỗ trợ các cuộc không kích và tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ.
Về phần mình, ông Obama cho biết ngoài việc tăng cường triển khai lính thủy đánh bộ của Mỹ tại Darwin lên 2.500 binh sĩ vào năm 2017, hai nước đã đạt thêm một loạt thỏa thuận xung quanh việc bố trí lực lượng, tăng cường hợp tác quân sự song phương và cho phép Mỹ vươn ra khắp khu vực rất quan trọng này của thế giới.
Phát biểu của hai nhà lãnh đạo rất có ý nghĩa trong bối cảnh Mỹ đang "gặp khó khăn" tại Trung Đông và Ukraine. Còn tại Australia thì đang diễn ra cuộc tranh luận về bản chất của quan hệ đồng minh ANZUS giữa Australia - New Zealand - Mỹ với việc Bộ trưởng Quốc phòng Australia Johnston cho rằng Australia không nhất thiết phải cam kết can thiệp vào cuộc xung đột quân sự tại châu Á mà Mỹ lôi kéo.
Thỏa thuận về bố trí lực lượng giữa Mỹ - Australia sẽ cung cấp một cơ chế mở cho những hoạt động quân sự rộng hơn của Mỹ tại Australia. Theo các báo cáo, Mỹ đã xác định Australia là một địa bàn quan trọng cho các hoạt động tại khu vực. Các thỏa thuận trên chắc chắn bao gồm việc nâng cấp các căn cứ để tạo thuận lợi cho các hoạt động của không quân Mỹ từ phía Bắc Australia. Các hạm đội Mỹ sẽ sử dụng căn cứ hải quân Stirling gần thành phố Perth ở Tây Australia và triển khai máy bay do thám, máy bay không người lái trên quần đảo Cocos tại Ấn Độ Dương. Căn cứ Stirling rất quan trọng đối với các hoạt động của tàu ngầm nguyên tử Mỹ, và Australia sẽ là bàn đạp cho các cuộc tấn công hải quân và không quân Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương.
Tại Washington, ông Abbott đã gia hạn nhiệm kỳ cho Đại sứ Australia tại Mỹ là Kim Beazley, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và lãnh tụ Công đảng luôn bảo vệ liên minh với Mỹ. Trên đường từ Mỹ về Australia, ông Abbott còn dừng chân tại Hawaii để thăm Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, nơi các sĩ quan cao cấp Australia đang tham gia, nhấn mạnh hơn nữa sự hội nhập của Canberra vào bộ máy quân sự của Mỹ.
Trong chuyến thăm, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Australia đã bày tỏ quan ngại về khả năng căng thẳng vũ trang gia tăng tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, khẳng định thông điệp Mỹ và Australia phản đối mạnh mẽ "việc sử dụng hành động đe dọa, ép buộc hoặc gây hấn để đạt được yêu sách chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào"; tán thành sử dụng cơ chế trọng tài quốc tế để giải quyết các tranh chấp trên biển.
Theo Thế giới và Việt Nam
Thủ tướng Australia: Tín hiệu hộp đen là của MH370 Theo AP, Thủ tướng Australia Tony Abbott ngày 11-4 cho biết các chuyên gia tin rằng tín hiệu mà thiết bị định vị thu được ở Nam Ấn Độ dương đúng là của hộp đen máy bay mang số hiệu MH370 thuộc Malaysia Airlines. "Khu vực tìm kiếm đã được thu hẹp đáng kể và chúng tôi rất tự tin rằng tín hiệu...