Thủ tướng Australia nói không sợ Trung Quốc hăm dọa và “cưỡng ép”
Thủ tướng Australia Scott Morrison bác bỏ các tuyên bố từ Trung Quốc và nói rằng ông không sợ các hăm dọa và sẽ không nhượng bộ trước cưỡng ép.
Trung Quốc trong vài tuần qua đã cấm nhập thịt bò Australia và áp đặt thuế quan lên đại mạch Australia cũng như đưa ra các lời cảnh báo về các vụ tấn công phân biệt chủng tộc ở Australia.
Trước thực tế đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã bác bỏ các cảnh báo của Trung Quốc, đồng thời nói rằng ông sẽ không bao giờ đánh đổi các giá trị của nước mình trước sự cưỡng ép từ bất cứ nơi đâu.
Thủ tướng Australia Morrison. Ảnh: AAP.
Hôm 11/6, khi được hỏi rằng liệu Australia có tiếp tục bị ảnh hưởng về mặt xuất khẩu từ đối tác thương mại lớn là Trung Quốc, ông Morrison trả lời rằng ông sẽ không bị hăm dọa hay nhượng bộ trước sự cưỡng ép.
Căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Australia đã xấu đi sau khi Canberra chọc tức Bắc Kinh bằng việc kêu gọi quốc tế điều tra về nguồn gốc và sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Hội đồng Y tế Thế giới vào tháng 5 đã bỏ phiếu ủng hộ một cuộc thanh tra độc lập đối với đại dịch Covid-19 sau khi Australia và Liên minh châu Âu vận động hành lang cho điều này.
Video đang HOT
Vào ngày 9/6 vừa qua, Bộ Giáo dục Trung Quốc lại cảnh báo sinh viên nước này nên cân nhắc khi lựa chọn học ở Australia – động thái này được cho là đe dọa ngành nghề lớn thứ 4 của Australia, đó là giáo dục quốc tế, đem lại cho nước này 26 tỷ USD mỗi năm.
Đáp lại tuyên bố này của Trung Quốc, Thủ tướng Australia đã nói với đài phát thanh 2GB vào hôm 11/6 rằng “Chúng ta là một nước thương mại mở, và tôi sẽ không bao giờ đánh đổi giá trị của chúng ta để đáp ứng sự cưỡng ép đến từ bất cứ nơi đâu”.
Tuần trước, Bắc Kinh cũng cảnh báo du khách Trung Quốc nên tránh xa Australia.
Lý do mà Bắc Kinh đưa ra cho cả 2 lời cảnh báo trên là các vụ tấn công sắc tộc nhằm vào người châu Á trong đại dịch Covid-19.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn riêng rẽ trên 3AW, Thủ tướng Morrison bày tỏ phẫn nộ: “Thật là vớ vấn. Đó là một sự xác nhận lố bịch và điều này là bị bác bỏ”.
Australia đã bày tỏ sự phản đối của mình với Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh cũng như Đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra về 2 lời cảnh báo nói trên.
Phát biểu trên đài 2GB, ông Morrison khẳng định: “Australia cung cấp các sản phẩm giáo dục và du lịch tốt hàng đầu thế giới”.
Cựu Ngoại trưởng Australia Julie Bishop, nay là Chủ tịch Đại học Quốc gia Australia, cho hay thủ đô Canberra là một trong các thành phố tốt nhất thế giới và Australia được nhiều người coi là một trong những nơi an toàn nhất thế giới./.
Australia tuyên bố không để Trung Quốc 'chèn ép'
Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố ông sẽ không để bị hăm dọa hay chèn ép trong quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc.
"Chúng tôi là quốc gia giao dịch mở, là đối tác, nhưng tôi sẽ không bao giờ đánh đổi các giá trị trước sự chèn ép do bất cứ bên nào đưa ra", ông Morrison tuyên bố trên đài phát thanh thương mại 2GB hôm nay. "Australia cung cấp các sản phẩm giáo dục và du lịch tốt nhất thế giới. Việc công dân Trung Quốc chọn Australia là quyền quyết định của họ. Và tôi tin vào sự hấp dẫn của các sản phẩm Australia", ông khẳng định.
Tuyên bố được Thủ tướng Australia đưa ra sau khi Bắc Kinh có các động thái hạn chế thương mại với Canberra, đồng thời khuyến cáo người dân Trung Quốc không đến Australia, cũng như cảnh báo đối với các du học sinh nước này chọn đến Australia học tập.
Thủ tướng Australia Scott Morrison trong cuộc họp báo tại thủ đô Canberra hôm 14/5. Ảnh: Reuters.
Ba tuần trước, Trung Quốc áp thuế với lúa mạch Australia và dừng nhập thịt bò từ 4 lò mổ lớn nhất nước này. Cuối tuần trước, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc khuyến cáo người dân không đến Australia vì "tình trạng phân biệt chủng tộc gia tăng đáng kể đối với người Trung Quốc và người châu Á" giữa đại dịch. Tuần này, Bộ Giáo dục Trung Quốc đưa ra cảnh báo tương tự với các du học sinh chuẩn bị trở lại các trường đại học Australia khi học kỳ mới bắt đầu vào tháng 7.
Đề cập tới việc các quan chức Bắc Kinh cảnh báo người dân không đến Australia vì lo ngại "phân biệt chủng tộc", ông Morrison cho rằng điều này vô căn cứ. "Đó là chuyện nhảm, một khẳng định nực cười và không thể chấp nhận. Đó không phải là tuyên bố được đưa ra bởi lãnh đạo Trung Quốc", ông nói.
Khoảng 10% sinh viên đại học tại Australia đến từ Trung Quốc, mang lại cho nước này khoảng 12 tỷ đô la Australia (8,3 tỷ USD) tiền học phí mỗi năm. Các trường đại học tại Australia từ chối bình luận về cảnh báo của Bộ Giáo dục Trung Quốc, nói rằng đây là vấn đề của chính phủ hai nước.
Australia đã lên tiếng phản đối với Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra, liên quan đến các cảnh báo từ phía Bắc Kinh. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, với giá trị thương mại hai chiều khoảng 235 tỷ USD/năm.
Quan hệ song phương bắt đầu rạn nứt hồi năm 2017 khi Australia đưa ra luật an ninh mới nhằm ngăn sự can thiệp của nước ngoài vào chính trị trong nước. Trung Quốc cho rằng luật này nhắm thẳng vào họ. Khi căng thẳng chưa được giải quyết, Australia kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc nCoV. Đại sứ Trung Quốc Cheng Jingye từng cảnh báo Australia có thể đối mặt làn sóng tẩy chay của Trung Quốc trong lĩnh vực du lịch, xuất khẩu rượu, thịt bò và nhiều sản phẩm khác nếu Canberra cố theo đuổi một cuộc điều tra về Covid-19
Bốn lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Australia Trung Quốc có thể dùng thương mại và đầu tư, gây ảnh hưởng đến giá đất, an ninh lương thực, an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Australia. Theo thống kê năm 2018, Trung Quốc là chủ sở hữu đất nước ngoài lớn thứ hai ở Australia. Hầu hết đất đai thuộc sở hữu nước ngoài nằm ở bang Tây...