Thủ tướng Anh tiếp tục yêu cầu Hạ viện bỏ phiếu về thoả thuận Brexit
Thủ tướng Johnson tiếp tục đưa thoả thuận Brexit mới ra Hạ viện Anh, đề nghị các nghị sĩ bỏ phiếu để kịp đưa nước Anh rời EU vào ngày 31/10.
Sau 2 thất bại liên tiếp vào các ngày 19/10 và 21/10 khi Hạ viện Anh quyết định lùi thời điểm bỏ phiếu về thoả thuận Brexit mới, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày hôm nay tiếp tục gây sức ép buộc các nghị sĩ Anh phải sớm đưa ra quyết định.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Forbes
Theo kế hoạch được Văn phòng Thủ tướng Anh thông báo, chính phủ Anh sẽ đệ trình hai đề nghị để bỏ phiếu, đầu tiên là về thoả thuận Brexit và tiếp theo là về lộ trình để thoả thuận Brexit, nếu được thông qua, sẽ kịp hoàn tất trong ngày 24/10, tức đúng 1 tuần trước khi Brexit diễn ra.
Video đang HOT
Trước đó, trong tối ngày 21/10 toàn văn thoả thuận Brexit đã được chính phủ Anh công bố, theo đó thoả thuận này có 341 trang, trong đó 2/3 là để giải thích về các điều khoản của thoả thuận. Dự kiến Hạ viện Anh sẽ bắt đầu thảo luận về các chi tiết của thoả thuận Brexit từ đầu giờ chiều và một cuộc bỏ phiếu có thể được tiến hành vào 19h theo giờ địa phương tại London nếu các nghị sĩ Anh chấp nhận yêu cầu bỏ phiếu trong ngày hôm nay.
Tuy nhiên, khả năng này vẫn chưa chắc chắn do trong ngày 21/10, giải thích cho quyết định tạm hoãn việc bỏ phiếu thoả thuận Brexit mới, Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow tuyên bố các nghị sĩ Anh cần có thời gian xem xét kỹ các chi tiết.
Trong sáng 22/10, phát biểu trước các nghị sĩ châu Âu tại Strasbourg, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố việc EU có gia hạn Brexit cho Anh thêm một lần nữa hay không sẽ phụ thuộc vào các quyết định trong ngày hôm nay của Hạ viện Anh.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker thì chỉ trích phía Anh khi cho rằng Brexit đang là một sự lãng phí thời gian và năng lượng./.
TheoQuang Dũng/VOV-Paris
Chủ tịch Hạ viện Anh sẵn sàng 'linh hoạt' để luật ngăn chặn Brexit không thỏa thuận được thực thi
Ngày 12/9, Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow cam kết sẵn sàng "linh hoạt" để đảm bảo Thủ tướng Anh Boris Johnson tuân thủ luật ngăn chặn việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31/10 tới kể cả khi không có thỏa thuận.
Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow phát biểu trong cuộc họp Hạ viện tại London ngày 3/4/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một bài phát biểu trước giới luật sư vào chiều 12/9, ông Bercow cho rằng khi mọi việc diễn tiến tới giai đoạn phải trì hoãn Brexit thì Quốc hội chắc chắn sẽ buộc chính phủ phải tuân theo luật mới ban hành. Ông Bercow khẳng định nếu tình hình yêu cầu một sự linh hoạt trong quy trình thực hiện thì chắc chắn Hạ viện sẽ đáp ứng sự linh hoạt đó và không một giới hạn luật định hay áp lực thời gian nào có thể cản trở việc thực thi luật mới.
Chủ tịch Hạ viện Anh khẳng định Brexit chỉ có thể diễn ra theo cách thức được các nghị sĩ chấp thuận. Ông Bercow còn ví việc từ chối trì hoãn Brexit vì cái cớ để đưa Anh rời EU sớm nhất có thể chẳng khác nào "một tên cướp ngân hàng phạm tội nhưng bào chữa là sẽ mang tiền đi phân phát cho mục đích từ thiện ngay sau đó".
Những phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Johnson kêu gọi thực hiện Brexit vào ngày 31/10 tới dù có hay không có thỏa thuận. Sau khi Nữ hoàng Anh Elizabet II hôm 9/9 ký ban hành luật buộc Chính phủ Anh phải xin gia hạn Brexit thêm 3 tháng nếu hai bên không đạt thỏa thuận trước ngày 19/10, ông Johnson vẫn khẳng định sẽ không xin gia hạn Brexit.
Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng CH Ireland Leo Varadkar, ngày 13/9 cho biết khoảng cách giữa Anh và EU trong các cuộc đàm phán Brexit "rất rộng" và các đề xuất của Anh liên quan tới đường biên giới trên đảo Ireland cho tới nay đều chưa đáp ứng được nhưng yêu cầu cần thiết.
Phát biểu với đài phát thanh RTE, ông Varadkar thừa nhận khoảng cách giữa Anh và EU còn rất rộng, đồng thời khẳng định EU sẽ nỗ lực tới những giây phút cuối cùng để tránh kịch bản không thỏa thuận nhưng không phải là bằng mọi giá. Về điều khoản "chốt chặn" nhằm duy trì đường biên giới mở trên đảo Ireland, ông Varadkar cho biết dù EU luôn sẵn sàng cân nhắc những phương án thay thế cho điều khoản này nhưng cho tới nay chưa có đề xuất nào từ phía Anh thực sự đạt tới những yêu cầu cần thiết.
Trong khi đó, đảng Hợp nhất dân chủ (DUP) tại vùng Bắc Ireland khẳng định vùng này sẽ không chấp nhận việc bị buộc phải tuân thủ mọi quy định của EU thời hậu Brexit. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện các thông tin rằng các quan chức EU và CH Ireland đề xuất áp dụng "điều khoản chốt chặn" với riêng vùng Bắc Ireland như một cách để thay thế điều khoản hiện tại, nhằm tháo gỡ bế tắc và giúp tìm được một thỏa thuận Brexit.
DUP nhấn mạnh không chấp nhận đề xuất này hay bất kỳ một điều khoản "chốt chặn" được gọi với một cái tên nào khác. DUP phản đối mọi dàn xếp khiến vùng Bắc Ireland bị tách ra khỏi phần còn lại của nước Anh. DUP cho rằng thời hậu Brexit, vùng Bắc Ireland sẽ chỉ chấp nhận luật pháp EU nếu cơ quan lập pháp vùng này được lựa chọn những luật mà họ sẽ tuân thủ. Đây là điều kiện mà trước đó cả EU và CH Ireland đều đã bác bỏ.
Theo Lê Ánh (TTXVN)
EU cân nhắc yêu cầu gia hạn Brexit, dù Thủ tướng Anh gửi thư mới không ủng hộ gia hạn Nhà đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier ngày 20/10 đã họp với các đại sứ EU để thảo luận về nội dung bức thư của Thủ tướng Anh Boris Johnson về việc đề nghị gia hạn tiến trình nước này rời khỏi khối. Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) về Brexit, ông Michel Barnier....