Thủ tướng Anh: Nói Nga can thiệp cuộc bỏ phiếu Brexit là hoang đường
Theo ông Johnson, không có bất cứ căn cứ nào để chứng minh về sự can thiệp của Matxcơva vào cuộc bỏ phiếu Brexit.
Thủ tướng Anh Boris Johnson so sánh cáo buộc Nga tác động đến kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016 không khác câu chuyện hoang đường về sự tồn tại của Tam giác quỷ Bermuda. Người đứng đầu Chính phủ Anh đưa ra sự so sánh trên vào tối ngày 22/11 trong cuộc tranh luận trước bầu cử trên sóng truyền hình BBC.
“ Xin thứ lỗi, nhưng tất cả những điều này (lý thuyết cho rằng Chính phủ bảo thủ cố tình trì hoãn việc công bố bản báo cáo về sự can thiệp của Nga vào nền dân chủ Anh) là nhảm nhí, tương tự như Tam giác quỷ Bermuada. Giả định cho rằng, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý, mà trong đó 17,4 triệu người bỏ phiếu rời khỏi EU, bằng cách nào đó bị làm sai lệch, bị bóp méo, không chính xác hoặc không công bằng, cũng là một điều nhảm nhí.
Tôi khẳng định rằng, người dân nước ta bỏ phiếu rời EU và đang chờ đợi thời điểm này trong suốt 3 năm rưỡi qua” – ông Johnson phát biểu.
Thủ tướng Anh Boris Johnson trong chương trình BBC Question Time. (Ảnh: EPA)
Người đứng đầu Chính phủ Anh cũng cho biết thêm rằng, ông không thấy có sự tồn tại của “ bất kỳ bằng chứng nào về sự can thiệp của Nga vào bất cứ cuộc bỏ phiếu nào” được tổ chức tại Vương quốc Anh. Theo ông, cũng chẳng có căn cứ nào có thể chỉ ra điều này trong bản báo cáo do Ủy ban liên đảng phụ trách hoạt động của các cơ quan tình báo và an ninh thuộc Quốc hội Anh chuẩn bị.
Video đang HOT
Theo truyền thông Anh, trong bản báo cáo, được thực hiện trong một năm rưỡi và cho đến nay vẫn chưa được công bố, có chỉ ra các mối đe dọa mà Matxcơva được cho là đã đặt ra đối với nền dân chủ Anh.
Phe đối lập Anh và cựu Tổng chưởng lý của Anh và xứ Wales, ông Dominic Grieve, người chỉ đạo ủy ban quốc hội chuẩn bị bản báo cáo, cáo buộc Thủ tướng Johnson cố tình trì hoãn việc công bố tài liệu này. Ông Johnson nói rằng, ông “ không thấy cần phải thay đổi thời gian công bố báo cáo” và rút ngắn quy trình phê chuẩn của văn phòng Thủ tướng đối với các tài liệu như vậy, điều có thể mất đến vài tuần.
Liên quan đến việc giải tán Quốc hội trong thời gian tổ chức chiến dịch tranh cử trước thềm cuộc bầu cử quốc hội sớm dự kiến vào ngày 12/12, cho nên bản báo cáo chỉ có thể được công bố sau khi cập nhật thành phần của Hạ viện.
Thủ tướng Anh Boris Johnson không ít lần tuyên bố rằng, không có bất cứ bằng chứng nào về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử ở Anh. Trước đó, bà Theresa May, người đứng đầu Chính phủ nước này từ tháng 7/2016 đến tháng 7/2019, cũng đã nhiều lần khẳng định điều này.
Về phần mình, Nga luôn tuyên bố rằng, họ không cố gắng can thiệp vào quá trình chính trị ở các quốc gia khác.
(Nguồn: BBC)
VĂN ĐỨC
Theo vtc.vn
Cuộc tranh luận đầu tiên chuẩn bị Tổng tuyển cử Anh: Ai đáng tin hơn?
Cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình giữa Thủ tướng Anh và lãnh đạo Công đảng Corbyn tập trung vào vấn đề cử tri quan tâm nhất hiện nay là Brexit.
Hôm qua (19/11) diễn ra cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn hướng đến cuộc bầu cử vào ngày 12/12 tới. Cuộc tranh luận được đánh giá là khá ôn hòa, với cả hai ứng cử viên đều tập trung vào vấn đề cử tri quan tâm nhất hiện nay là đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu ( Brexit).
Cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình giữa Thủ tướng Anh và lãnh đạo Công đảng Corbyn tập trung vào vấn đề cử tri quan tâm nhất hiện nay là Brexit. Ảnh: Reuters
Cuộc tranh luận kéo dài khoảng 60 phút, trong đó một nửa thời gian tập trung vào vấn đề Brexit. Thủ tướng Johnson một lần nữa khẳng định quyết tâm sẽ đưa nước Anh rời EU đúng hạn vào ngày 31/1/2020, trong khi ông Corbyn muốn có thêm 3 tháng để tiến hành đàm phán thỏa thuận với EU và 6 tháng để chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân đối với nội dung thỏa thuận giữa Anh và EU.
Trong cuộc tranh luận đầu tiên này, cả hai nhà lãnh đạo đều cố gắng tấn công đối phương về chính sách đang được cử tri quan tâm, cũng như khẳng định định hướng của mình là đúng đắn.
Thủ tướng Johnson cho rằng, với cam kết trưng cầu ý dân lần 2 của Công Đảng sẽ khiến tiến trình Anh ra khỏi Liên minh châu Âu bị kéo dài, đồng thời chỉ trích ông Corbyn không có lập trường rõ ràng là ủng hộ ra đi hay ở lại trong EU nếu tiến hành trưng cầu ý dân lần nữa.
"Ông Corbyn đang cố gắng tránh đi điều quan trọng nhất trong chính sách Brexit của mình, từ chối trả lời câu hỏi là sẽ đứng về phía bên nào. Công luận quan tâm và có quyền biết về điều này", ông Johnson nói.
Trong khi đó, ông Corbyn cũng bảo vệ quyết định của mình, với cam kết sẽ tôn trọng quyết định của người dân trong cuộc trưng cầu ý dân. Lãnh đạo Công Đảng đối lập cũng đặt câu hỏi về độ tin cậy trong cam kết của Thủ tướng Johnson khi nhà lãnh đạo Anh nhiều lần "sống chết" khẳng định đưa nước Anh ra khỏi EU đúng hạn chót 31/10 vừa qua, nhưng vẫn không thực hiện được. Ông cũng cho rằng việc Thủ tướng Johnson cam kết thỏa thuận tự do thương mại với EU sẽ đạt được vào cuối năm 2020 là điều không tưởng.
Ngoài vấn đề Brexit, hai bên cũng tập trung vào những vấn đề cử tri Anh quan tâm như hệ thống y tế công đang quá tải nghiêm trọng. Người đứng đầu hai đảng chính trị lớn nhất tại Anh đều khẳng định sẽ tăng chi tiền cho hệ thống y tế công (NHS) và chấm dứt thời kỳ "thắt lưng buộc bụng" của nền kinh tế Anh.
Với cuộc tranh luận đầu tiên được đánh giá là khá ôn hòa, chưa có các nét mới đột phá trong cam kết có thể khiến nhiều cử tri do dự. Một cuộc khảo sát được tiến hành ngay lập tức sau cuộc tranh luận của Tập đoàn Yougov cho thấy, dư luận đang bị chia rẽ trong việc ủng hộ đảng nào, với tỉ lệ ủng hộ cho ông Corbyn đang cao hơn Thủ tướng đương nhiệm Johnson. Mặc dù có 51% người được hỏi cho rằng ông Johnson có màn tranh luận tốt hơn, trong khi 49% ủng hộ ông Corbyn, nhưng điều này phản ánh một kết quả tốt hơn cho lãnh đạo đối lập khi khoảng cách giữa hai đảng đang bị thu hẹp dần.
Với lời kêu gọi bầu cử sớm, Thủ tướng Johnson hi vọng sẽ giúp khôi phục thế đa số cho đảng Bảo thủ cầm quyền và trao cho ông thêm tầm ảnh hưởng ở Quốc hội. Tuy nhiên chỉ còn tầm 3 tuần trước bầu cử, tỉ lệ ủng hộ Công đảng đang ở mức 42%, giảm 3 điểm trong khi Công đảng tăng lên 2 điểm lên mức 30%. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh tiến trình Brexit kéo dài khiến nhiều cử tri mệt mỏi và giận dữ, với lòng tin đối với hai đảng lớn đang bị xói mòn.
Lãnh đạo Đảng Brexit của Anh Farrage bày tỏ thất vọng với chiến dịch tranh cử của hai đảng lớn, với các cam kết không thực tế: "Cảm giác của tôi hiện giờ đó là tôi chưa bao giờ thấy một tâm lý ít quan tâm của người dân đến bầu cử như hiện nay. Chỉ còn hơn 3 tuần nữa là đến bầu cử và mọi thứ có thể thay đổi. Sẽ có sự kịch tính lớn trong cuộc đối đầu giữa ông Corbyn và ông Johnson. Nhưng ngay bây giờ, sự hoài nghi của chúng ta về chính trị đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Hàng loạt các lời hứa và cam kết nhưng điều quan trọng là chúng ta nên tin ai?"
Dư luận hiện hi vọng lãnh đạo hai đảng sẽ đưa ra các bước đi cụ thể và thực tế hơn trong việc thực hiện hóa cam kết của mình trong cuộc tranh luận trên kênh truyền hình BBC vào ngày 6/12 tới, cũng như 4 cuộc tranh luận với các chính đảng khác, giúp cử tri nước Anh có thêm động lực và niềm tin cho quyết định quan trọng của mình vào ngày 12/12 tới./.
Theo Phạm Hà/VOV1
Tổng hợp
Nga bị nghi can thiệp vào chính trị Anh Ủy ban An ninh và Phân tích của Quốc hội Anh (ISC) đang điều tra các cáo buộc cho rằng Nga đã có những hoạt động can thiệp vào chính trị Anh, trong đó bao gồm cả những hoạt động diễn ra trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, thời điểm ông Boris Johnson là người dẫn đầu chiến dịch kêu gọi...