Thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai
Hiện nay, nhiều người dân muốn mua nhà ở nhưng không đủ lực về tài chính. Một giải pháp tốt cho nhu cầu này là việc các ngân hàng cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã công bố Thông tư liên tịch hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.
Ngày 25/4/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Tư Pháp, Bộ Tài nguyên và môi trường đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 (Nghị định 71) của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở.
Theo đó, Thông tư này hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai (bao gồm thủ tục thế chấp, công chứng hợp đồng thế chấp và đăng ký thế chấp) của tổ chức, cá nhân để vay vốn tại tổ chức tín dụng mua nhà ở trong dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị (sau đây gọi tắt là dự án đầu tư xây dựng nhà ở) của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 61 của Nghị định số 71 của Chính phủ.
Thông tư không điều chỉnh đối với việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai của hộ gia đình, cá nhân được xây dựng trên khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình để vay vốn tại các tổ chức tín dụng; và việc thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai để vay vốn tại các tổ chức tín dụng.
Nguyên tắc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai
Thông tư quy định rõ các nguyên tắc thực hiện thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, bao gồm:
1.Tổ chức tín dụng nhận thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai của tổ chức, cá nhân để cho vay vốn mua nhà ở của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải thực hiện theo quy định tại Thông tư này, quy định của pháp luật khác có liên quan.
2.Việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai chỉ được thực hiện khi nhà ở đó đã có đủ các điều kiện thế chấp quy định tại Điều 6 của Thông tư này.
3.Giá trị nhà ở hình thành trong tương lai dùng để thế chấp do hai bên thỏa thuận trên cơ sở giá trị nhà ở được xác định tại thời điểm ký kết hợp đồng mua bán nhà ở.
4.Hợp đồng thế chấp phải được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định tại Thông tư này.
5.Bên thế chấp chỉ được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai tại một tổ chức tín dụng để vay vốn mua nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
6. Trường hợp nhà ở hình thành trong tương lai đang được thế chấp theo hình thức thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai thì không được tiếp tục thế chấp nhà ở đó tại tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư này. Trường hợp nhà ở hình thành trong tương lai đang được thế chấp theo quy định tại Thông tư này thì không được tiếp tục thế chấp theo hình thức thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở đó.
Nhà ở hình thành trong tương lai được thế chấp để vay vốn theo quy định tại Thông tư này bao gồm nhà ở thương mại và nhà ở xã hội
Video đang HOT
7.Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã được doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thế chấp để thực hiện nghĩa vụ dân sự khác thì doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký (rút bớt tài sản thế chấp) trước khi bán nhà ở trong dự án đó cho tổ chức, cá nhân.
8.Trước khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận, bên thế chấp và bên nhận thế chấp có thể thỏa thuận sửa đổi nội dung hợp đồng thế chấp đã ký hoặc ký hợp đồng thế chấp mới.
9.Cơ quan có thẩm quyền đăng ký thế chấp thực hiện việc đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai theo hình thức đăng ký ghi nhận trên cơ sở thông tin được kê khai trên đơn yêu cầu đăng ký. Người yêu cầu đăng ký kê khai hồ sơ đăng ký và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác của thông tin được kê khai và các loại tài liệu, giấy tờ trong hồ sơ đăng ký.
Về nhà ở hình thành trong tương lai được thế chấp để vay vốn theo quy định tại Thông tư này bao gồm nhà ở thương mại và nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở, cụ thể là căn hộ chung cư được xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở; hoặc nhà ở riêng lẻ (bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề) được xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
3 điều kiện nhà ở hình thành trong tương lai được chấp nhận thế chấp
Nhà ở hình thành trong tương lai được thế chấp tại tổ chức tín dụng phải có đủ các điều kiện sau đây:
1. Đã có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt, đã xây dựng xong phần móng nhà ở, đã hoàn thành thủ tục mua bán và có hợp đồng mua bán ký kết với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc nhà ở đã được bàn giao cho người mua nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật;
2.Không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhà ở đã được bàn giao cho người mua nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật;
3.Thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà dự án này đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hoặc đã có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, Thông tư trên có 04 Chương và 34 Điều quy định cụ thể về: Hồ sơ thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai; Quyền và nghĩa vụ của: Bên thế chấp, bên nhận thế chấp, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, Sàn giao dịch bất động sản đối với nhà ở thương mại thế chấp; Thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai; Đăng ký và cung cấp thông tin về việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai; Trách nhiệm của: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thi hành Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/6/2014 và thay thế Thông tư liên tịch số 05/2007/TTLT-BTP-BXD-BTNMT-NHNN ngày 21/5/2007 của Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp nhà ở.
Đinh Bách
Theo_VnMedia
Tổng Thanh tra Chính phủ: Khiếu kiện còn rất gay gắt và phức tạp
Trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 6/4, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, tất cả các chỉ số về khiếu nại trong năm 2013 đều giảm nhưng tính chất lại rất gay gắt và phức tạp...
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.
- Một số thống kê cho thấy, số đơn khiếu nại tố cáo về lượng đã giảm, nhưng các vụ việc tranh chấp nghiêm trọng có vẻ ngày càng tăng hơn, thậm chí nhiều vụ đối đầu với các cơ quan pháp luật. Xin Tổng thanh tra cho biết nguyên nhân là do đâu?
Các vụ khiếu nại trong năm 2013, tất cả các chỉ số đều giảm. Đặc biệt, khiếu nại đông người cũng giảm 30% so với năm 2012, nhưng tính chất rất gay gắt, phức tạp và người dân cũng hết sức bức xúc.
Nguyên nhân thứ nhất một phần là do cơ chế chính sách. Mặc dù chúng ta đã thay đổi, đã bổ sung, điều chỉnh nhiều lần, nhưng hiện vẫn còn bất cập, chưa đảm bảo với yêu cầu thực tế. Song song đó, vấn đề đất đai là vấn đề được người dân quan tâm, với tỉ lệ khiếu nại lên đến 67%.
Nguyên nhân thứ hai là trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo còn một số nơi, một số trường hợp chưa quyết liệt, giải quyết khiếu nại chưa đến nơi đến chốn, còn đùn đẩy, né tránh, có những việc giải quyết chưa khách quan, công tâm.
Nguyên nhân thứ ba là do ý thức của người dân trong việc khiếu nại. Có những trường hợp đã được giải quyết nhiều lần, nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lần, đã thấu lý đạt tình nhưng người dân vẫn chưa đồng tình. Cộng với việc do kể xấu lợi dụng kích động đề người dân nghe theo đi khiếu nại đông người để gây áp lực cho chính quyền. Vì vậy, chúng tôi đã đề ra một số công việc sẽ triển khai trong thời gian tới.
Theo đó, phải xem xét lại cơ chế chính sách, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Quốc hội vừa thông qua Luật Đất đai, sắp tới sẽ ban hành văn bản quy định hướng dẫn cụ thể, phải điều chỉnh theo yêu cầu thực tế. Thứ hai, các cấp chính quyền phải quan tâm hơn nữa, thể hiện trách nhiệm hơn nữa trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Song song đó phải chọn một số vụ việc, giải quyết dứt điểm đến nơi đến chốn. Gắn với đó, với người kích động, cầm đầu gây rối phải xử lý đến nơi đến chốn.
- Như Tổng Thanh tra vừa nói, việc tồn đọng đơn thư tố cáo, khiếu nại vốn nhức nhối nhiều năm nay. Một người dân gửi thư đến nói rằng: "Là một người dân gửi đơn thư đi, chúng tôi chờ đợi từng ngày từng giờ phản hồi từ cơ quan Nhà nước nhưng nhiều khi thất vọng, bặt vô âm tín. Xin hỏi, Tổng Thanh tra Chính phủ có kế hoạch gì để giải quyết tồn đọng tố cáo?
Chúng tôi cũng hiểu được những tâm tư, sự trông đợi của bà con là người khiếu nại, bởi vì có những vụ việc tồn đọng, kéo dài rất lâu. Chúng tôi phân loại, có những vụ việc kéo dài đến trên 30 năm.
Trước tình hình đó, năm 2012 Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch 1130 để giải quyết tồn đọng phức tạp kéo dài. Qua hơn 1 năm rà soát, phân loại, giải quyết những vụ việc tồn đọng phức tạp kéo dài, đến nay đã giải quyết được trên 90% vụ việc. Sau khi giải quyết, sự tin tưởng, hy vọng và đồng tình của người dân rất cao.
Từ thực tế đó, sau thực hiện kế hoạch 1130, Thanh tra Chính phủ xem xét thấy vẫn còn một số vụ việc tiếp tục tồn đọng nên đã ban hành kế hoạch 2100 để tiếp tục giải quyết những tồn đọng kéo dài.
- Một người dân khác hỏi: Thưa Tổng Thanh tra, được biết từ ngày 1/7 tới, Luật Tiếp công dân sẽ có hiệu lực. Hơn 50 năm nay, tôi đã nhiều lần đến cửa các cơ quan công quyền, gặp không ít nhiêu khê phiền toái. Xin hỏi Tổng Thanh tra Chính phủ, với luật mới này, chúng tôi có được hỗ trợ tốt hơn không? Người dân như chúng tôi sẽ được lợi gì so với quy định cũ?
Luật Tiếp công dân mới có những điểm sẽ giải quyết được các vấn đề người dân quan tâm. Thứ nhất, về mặt thủ tục hành chính, có thể giảm bớt nhiêu khê, phiền hà về mặt thời gian. Luật lần này còn quy định cả hệ thống chính trị, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải trực tiếp tiếp công dân. Thứ hai là quy định về vai trò của người đứng đầu trong việc tiếp công dân định kỳ, đồng thời quy định những điều cấm cán bộ tiếp công dân không được làm. Thứ ba là quy định nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của người đi khiếu nại.
Có thể nói, Luật Tiếp công dân lần này đã có nhiều điểm mới, khẳng định giá trị pháp lý rất cao để bảo đảm việc tiếp công dân sau này đi vào nề nếp, có hiệu quả.
- Có nhiều trường hợp gửi thư về chương trình nói là văn bản đã có hiệu lực nhiều năm, nhưng không ai thực hiện. Xin hỏi Tổng Thanh tra, ai là người chịu trách nhiệm giải quyết tới cùng cho họ?
Trong thời gian tới chúng tôi sẽ yêu cầu, thứ nhất là xây dựng một Nghị định trình Chính phủ, để quy định thực hiện quyết định có hiệu lực pháp luật, mang các chế tài cao hơn, thậm chí có những trường hợp không chấp hành thì phải cưỡng chế.
Thứ hai, chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là các cơ quan giải quyết khiếu nại phải quan tâm thực hiện quyết định có hiệu lực pháp luật, để chúng ta đi đến dứt điểm vụ việc.
- Xin ông cho biết trên thực tế công dân thực hiện quyền khiếu nại như thế nào và thực trạng và biện pháp xử lý đối với trường hợp khiếu nại sai?
Chúng tôi thống kê phân loại bước đầu thì năm 2013 là khoảng 60% khiếu nại sai, 50% tố cáo sai.
Thứ nhất là sai về mặt nội dung, tức là có những trường hợp nội dung khiếu nại không đúng. Cơ quan nhà nước đền bù, giải tỏa, người dân đã chấp nhận quyết định đền bù và đã nhận tiền, nhưng sau một thời gian rất dài, vì quyền lợi lại tiến hành tiếp khiếu.
Sai thứ hai về mặt nội dung là đòi lại đất cũ. Có những lô đất bà con chỉ làm một vài năm, rồi do điều kiện, hoàn cảnh, chuyển cho chủ sử dụng đất mới, đã sử dụng ổn định lâu dài, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì hiện nay cũng tiến hành đi đòi lại đất cũ.
Trường hợp thứ ba là khiếu nại sai thẩm quyền. Trong trường hợp này, bà con có tâm lý khiếu nại càng cao, hy vọng càng nhiều, được giải quyết nhanh, nhưng theo quy định pháp luật thì không phải như vậy mà phải giải quyết theo thẩm quyền. Tức là trước hết việc khiếu nại phải giải quyết tại địa phương, tại xã, phường, thị trấn, phải hòa giải ở cơ sở, tiến tới nếu không tạo được sự đồng thuận thì UBND cấp huyện, quận, tỉnh, thành phố trực thuộc tỉnh là cấp giải quyết khiếu nại lần đầu. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố giải quyết lần 2 là lần cuối cùng. Nếu trong trường hợp mà Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố giải quyết lần 1 thì Bộ trưởng chuyên ngành giải quyết lần 2 theo thẩm quyền.
Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để người dân hiểu được việc khiếu nại như thế nào, quyền nghĩa vụ, thẩm quyền, nội dung... để làm sao hạn chế đến mức thấp nhất khiếu nại sai. Mà khiếu nại sai thì cơ quan Nhà nước không giải quyết được, người dân cũng không được gì, làm mất thời gian và chi phí cho bà con.
- Xin cảm ơn Tổng thanh tra!
Xuân Hưng - (ghi)
Theo_VnMedia
Vụ máy bay Malaysia mất tích: Chỉ có Việt Nam mới được quyền công bố thông tin? Theo quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), chính phủ của vùng lãnh thổ nơi máy bay rơi có thẩm quyền đối với các mảnh vỡ và lãnh đạo cuộc điều tra. Hướng di chuyển của chiếc máy bay thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines - Ảnh: AFP Trong trường hợp này, nếu máy bay được xác định...