Thứ trưởng Y tế: Hà Nội phải xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là cơ bản, lâu dài
Theo Thứ trưởng, do đặc điểm của biến thể Delta, nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch Covid-19 tại Hà Nội luôn hiện hữu.
Bởi vậy, TP phải xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là chính, cơ bản và lâu dài
Chiều ngày 15/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong chiến dịch xét nghiệm diện rộng đang triển khai, công xuất xét nghiệm của toàn TP đạt gần 70.000 mẫu đơn, tương đương 700.000 mẫu gộp 10 mỗi ngày.
“Tốc độ xét nghiệm tăng lên trong các ngày gần đây nhưng ca mắc cộng đồng giảm nhiều, cao nhất là 73 ca phát hiện ngày 25/8, đến ngày 12/9 giảm xuống còn 4 ca. Có 1 ngày (ngày 9/9) không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng”, bà Hà thông tin.
Về vấn đề tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, Hà Nội được Bộ Y tế phân bổ trên 5,4 triệu liều vắc xin. Tổng cộng đến nay, thành phố đã tiêm hơn 5,13 triệu liều (trong đó có hơn 4,7 triệu mũi 1 và hơn 425.000 mũi 2).
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19 tại Hà Nội chiều 15/9
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng thông tin thêm, để phòng chống dịch, Hà Nội huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và chủ động ngay từ cơ sở. TP triển khai chống dịch theo phương châm “lấy xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sĩ”. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên thành lập Sở chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 bên cạnh Ban Chỉ đạo chống dịch TP.
Hiện, Hà Nội vẫn duy trì việc cách ly F1 tập trung. TP luôn sẵn sàng kế hoạch xây dựng các khu cách ly tập trung ở mức độ cao, có thể đáp ứng điều kiện cách ly cho 120.000 người.
Về điều trị, theo ông Chử Xuân Dũng, địa phương đã xây dựng phương án 40.000 giường bệnh điều trị Covid-19, trong đó tỷ lệ tầng 1 là 32.000 giường (đạt 80%), tầng 2 và tầng 3 là 8.000 giường (chiếm 20%). TP cũng có phương án về nhân lực, trang thiết bị, cơ số thuốc cho các cơ sở điều trị.
“Qua việc triển khai công tác tiêm chủng, xét nghiệm, kiểm soát dịch bệnh thời gian qua, TP có thể tự tin khẳng định cơ bản đã kiểm soát được dịch. Các ca bệnh mới ghi nhận trong những ngày gần đây chủ yếu từ khu cách ly, khu phong toả. Hà Nội nóng như vậy, nguy cơ cao như vậy mà giữ được như hiện tại là sự cố gắng rất lớn, trong đó có sự hỗ trợ từ Bộ Y tế”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nói.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao những nỗ lực của Hà Nội trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt là triển khai xét nghiệm thần tốc và tiêm chủng vắc xin.
Tuy nhiên, do đặc điểm của biến thể Delta, nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch tại Thủ đô luôn hiện hữu. Thứ trưởng đề nghị Hà Nội phải xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là chính, cơ bản và lâu dài. Khi đã khoanh vùng phong toả thì thần tốc xét nghiệm nhanh để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, thu hẹp dần vùng phong toả, giãn cách.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phát biểu trong buổi làm việc với UBND TP Hà Nội chiều 15/9
Trong công tác điều trị, TP phải thực hiện nghiêm việc phân tầng theo đúng quy định của Bộ Y tế. “Làm tốt phân tầng và điều trị hiệu quả ở tầng 1, tầng 2 sẽ tránh được gánh nặng cho tầng 3, giảm nguy cơ cho người bệnh”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý Hà Nội cần chú trọng công tác phòng chống dịch trong các khu/cụm công nghiệp vì “dịch ở khu công nghiệp và cộng đồng có liên quan đến nhau”.
Theo đó, Hà Nội phải yêu cầu 100% doanh nghiệp xây dựng phương án phòng chống dịch cụ thể. Chủ doanh nghiệp cần ký cam kết phòng chống dịch với Ban Quản lý khu/cụm công nghiệp hoặc chính quyền địa phương (đối với doanh nghiệp nhỏ).
Video đang HOT
“Chúng ta phải đảm bảo theo đúng phương châm “An toàn để sản xuất. Sản xuất phải an toàn”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý.
Ông cũng đề nghị Hà Nội xây dựng phương án cách ly F1 tại nhà, cách ly, điều trị, chăm sóc sức khoẻ của F0 tại nhà; lên phương án xây dựng, thiết lập các trạm y tế lưu động.
“Hà Nội phải chuẩn bị sẵn sàng để không bị động. Tuy nhiên, chúng ta cùng nỗ lực trong phòng chống dịch để các phương án này không được sử dụng trong thực tiễn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng lưu ý sau đợt tổng xét nghệm, TP nên đánh giá lại mức độ nguy cơ các vùng, từ đó có kế hoạch xét nghiệm tiếp theo phù hợp với từng khu vực, từng mức độ nguy cơ. Đồng thời, xây dựng lộ trình cụ thể để gỡ bỏ phong toả từng khu vực.
Trong công tác tiêm chủng vắc xin, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Hà Nội tiêm nhanh nhưng phải đảm bảo an toàn; lưu ý cập nhật các hướng dẫn chuyên môn về tiêm chủng từ Bộ Y tế.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị TP Hà Nội quan tâm, biểu dương lực lượng tuyến đầu tham gia công tác phòng chống dịch.
Vượt 3.000 ca Covid-19, TP.HCM quyết liệt dập dịch những ngày cuối giãn cách
Dù áp dụng nhiều biện pháp mạnh hơn nhưng tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM vẫn phức tạp. Chỉ còn 3 ngày nữa là tròn 1 tháng giãn cách, chính quyền thành phố sẽ rất khó khăn để lựa chọn có tiếp tục hay không.
Tối 27/6, TP.HCM ghi nhận 200 ca Covid-19, chủ yếu liên quan đến các chuỗi lây nhiễm hoặc những bệnh nhân được công bố trước đó, đã ở trong khu vực cách ly, phong tỏa. Vẫn có 12 trường hợp chưa rõ nguồn lây.
Tổng số ca nhiễm trong nước ở đợt dịch thứ 4 này của thành phố là hơn 3.200, chỉ 4 ngày sau khi vượt mốc 2.000 ca được công bố.
Hơn 10 ngày qua, TP.HCM liên tiếp có số ca nhiễm mới 3 con số. Có ngày còn ghi nhận kỷ lục 667 ca dương tính nCoV (từ 6h ngày 24 đến 6h ngày 25/6), chủ yếu trong khu cách ly, phong tỏa và 14 ca do tầm soát phát hiện tại các bệnh viện...
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại thành phố đầu tàu của cả nước, ngày 26/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã vào thị sát và nghe lãnh đạo thành phố báo cáo tình hình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thị sát một số điểm tại TP.HCM và chủ trì họp trực tuyến về phòng, chống Covid-19 ngày 26/6. Ảnh: VGP
Đây là lần thứ hai Thủ tướng vào làm việc với TP.HCM, cách lần trước khoảng 1 tháng rưỡi, khi đó thành phố bắt đầu bị cuốn vào làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 này.
Lần này, Thủ tướng có chuyến thị sát từ sáng đến chiều tối, qua các điểm từ khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM đến nhà máy sản xuất vắc xin Nanogen, khu chế xuất Linh Trung rồi trở về họp trực tuyến tại trụ sở UBND.
Qua đó, Thủ tướng nhấn mạnh, TP.HCM và 7 tỉnh trong khu vực phải ngăn chặn, đẩy lùi, dập tắt đợt dịch này càng nhanh càng tốt. Căn cứ vào tình hình thực tế, đặt ra mục tiêu phù hợp cho địa phương mình.
Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, nếu chỉ nghe báo cáo về số lượng ca nhiễm lớn thì có thể thấy tình hình TP.HCM nóng lên. Nhưng phân tích trên dữ liệu cho thấy, ngoài số ca lây nhiễm trong khu cách ly thì xu hướng lây nhiễm bên ngoài cộng đồng bắt đầu giảm.
"Chỉ thị 10 của thành phố đã đúng hướng, "không mặc đồng phục cho cả thành phố", còn có nơi, có lúc chưa thực hiện nghiêm thì chúng ta phải siết lại", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM ngày 25/6, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong cho biết, nơi đáng lo ngại nhất là các khu chợ truyền thống, chợ đầu mối, các khu công nghiệp do mức độ tiếp xúc lớn.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn khi đó có khuyến nghị, thành phố cần tính toán, có biện pháp quyết liệt đối với hoạt động của các khu chợ này.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thì lưu ý, dù biện pháp gì thì không thể cấm lưu thông hàng hóa, làm đứt gãy chuỗi sản xuất.
Hiện thành phố đang đối mặt với 3 chuỗi lây nhiễm tại các chợ có quy mô lớn như chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú) có 64 ca, là chuỗi lây lớn nhất hiện nay; chợ đầu mối Hóc Môn 21 ca và chợ Bình Điền (quận 8) có 27 ca.
Chợ đầu mối Hóc Môn sẽ tạm đóng cửa từ 0h ngày 28/6 đến 10h ngày 4/7. Ảnh: Tuấn Kiệt
Chợ Sơn Kỳ đã phong tỏa từ ngày 22/6. Ngày 26/6, chợ đầu mối Hóc Môn cũng tạm dừng hoạt động 7 ngày (từ 0h ngày 28/6 đến 10h ngày 4/7).
Aeon Mall Tân Phú Celadon, một trong những trung tâm thương mại lớn của thành phố, nằm cách chợ Sơn Kỳ khoảng 500m, cũng phải tạm đóng cửa từ 25/6.
Cùng ngày, Sở Công thương có văn bản đề nghị TP Thủ Đức và tất cả các quận, huyện về việc tăng cường các biện pháp ứng phó khẩn cấp đối với các chợ truyền thống.
Sáng 27/6, chợ Bình Thới (quận 11), chợ đầu tiên áp dụng thẻ ra vào cho toàn bộ người dân và tiểu thương. Chợ đầu mối Bình Điền được phun khử trùng, tiêu độc.
Cùng ngày, nhà chức trách tiếp tục phát đi thông báo tìm người đến các chợ khi phát hiện những ca dương tính. Chợ Phạm Văn Hai (phường 2, quận Tân Bình) phải phong tỏa tạm thời khu vực phía sau chợ. Đồng thời tìm những người từng đến cửa hàng thịt heo Yến Vân.
Tiểu đoàn 38, Phòng hoá Quân khu 7 và bộ đội hoá học Bộ Tư lệnh TP.HCM huy động 7 xe chuyên dụng cùng 50 cán bộ, chiến sĩ tiến hành phun khử khuẩn tại chợ Bình Điền sáng 27/6.
Chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), chợ Hòa Hưng (quận 10) tạm đóng cửa. TP Thủ Đức thông báo tìm kiếm người từng đến mua hàng tại sạp thịt kế tiệm tạp hóa trong chợ Trường Thạnh. Phường 7, quận 8, tìm người đến chợ đầu mối Bình Điền, tại căng tin số 27 và sạp K1-018-019...
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo ngày 25/6, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong từng đặt vấn đề, dù đã áp dụng những biện pháp mạnh hơn nhưng tại sao tình hình vẫn phức tạp, số ca bệnh vẫn tăng.
Ông Phong yêu cầu các sở, ngành và quận, huyện phải đánh giá lại việc triển khai giãn cách, các giải pháp đã áp dụng và đưa ra những giải pháp mạnh. Từ đó làm căn cứ để đến ngày 30/6, thành phố có thể quyết định có tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách hay không.
Chiến dịch tầm soát quy mô lớn
Thành phố vừa quyết định mở chiến dịch xét nghiệm tầm soát lớn nhất trong 10 ngày (26/6 đến 5/7) cho 5 triệu dân.
Với mục tiêu lấy 500.000 mẫu xét nghiệm mỗi ngày, thành phố ưu tiên các khu vực có nhiều ca dương tính như quận 8, quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh.
Chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm cho 5 triệu người dân được triển khai. Ảnh: Trương Thanh Tùng
Ngoài ra, chiều 27/6, Bộ Y tế đồng ý cho TP.HCM triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà khi đảm bảo đủ các điều kiện để tránh quá tải cho các cơ sở cách ly tập trung. Thời gian cách ly tại nhà là 28 ngày.
Trước đó, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nhìn nhận, các khu cách ly Đại học Quốc gia TP.HCM đang có tình trạng quá tải, lực lượng nhân viên y tế có biểu hiện kiệt sức.
Theo ngành y tế, vừa rồi thành phố ghi nhận 667 ca mắc trong 24h, nhưng có tới 538 trường hợp trong khu cách ly; 99 trường hợp ở khu phong tỏa...
Khi kiểm tra khu cách ly kí túc xá Đại học Quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, chìa khoá trong khu cách ly, khu phong toả là thực hiện test nhanh và ứng dụng công nghệ để quản lý.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường lực lượng bảo vệ không để người cách ly trốn ra ngoài hoặc có sự giao lưu giữa những người cách ly với nhau. Ảnh khu cách ly KTX ĐHQG TP.HCM (Theo VGP)
TP.HCM cần rút kinh nghiệm từ các tỉnh, không để sơ hở ngay trong khu cách ly. Phải quản lý chặt chẽ, không để lây nhiễm chéo.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu thành phố phải trang bị wifi, tivi để người dân trong khu cách ly có thể giải trí, trao đổi thông tin, giao lưu qua mạng; không để người dân có cảm giác bức bí.
Quyết liệt chống dịch những ngày cuối giãn cách
Làm việc với TP.HCM và 7 tỉnh trong khu vực, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, TP.HCM phải phân tích kỹ hơn, xác định rõ nguồn lây nhiễm trong khu cách ly, trong cộng đồng để đưa ra giải pháp phù hợp.
Thủ tướng lưu ý bài học quý về khoanh vùng ổ dịch theo "3 lớp": Kiểm soát nghiêm ngặt lớp lõi bên trong có ca F0 với khả năng lây nhiễm lớn; giãn cách, quản lý chặt chẽ ở lớp thứ 2; thực hiện phòng ngừa mức độ cao ở lớp ngoài cùng.
Với hơn 10 triệu dân, hoạt động giao thương sôi động, TP.HCM không tránh khỏi lây lan dịch bệnh và khó kiểm soát hơn so với các tỉnh khác. "Cái khó của TP.HCM như vậy, nên việc kiểm soát được tình hình như hiện nay là nỗ lực rất lớn", Thủ tướng nhấn mạnh.
TP.HCM quyết tâm dập dịch sớm. Ảnh Trương Thanh Tùng
Tại cuộc họp, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, công nhân, doanh nghiệp,... bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Phấn đấu đến cuối năm nay, 70% người dân thành phố được tiêm vắc xin.
Trong một diễn biến khác, chiều 27/6, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay, đã có gần 645.000 người được tiêm vắc xin; hơn 82.000 người tạm hoãn tiêm do một số nguyên nhân. Họ phải quay về, tiêm vào đợt sau.
Theo ông Bỉnh, thời gian đầu tổ chức tiêm chủng còn xảy ra nhiều chệch choạc. Sau khi rút kinh nghiệm, rà soát các khâu, dự kiến việc tiêm chủng 806.000 liều về đích đúng kế hoạch.
Ngoài ra, hai ký túc xá Đại học Quốc gia vừa được dùng xây dựng hai bệnh viện dã chiến. Thành phố đã lên kế hoạch sẽ có 5.000 bệnh nhân và cũng đã có kịch bản khi có 10.000 bệnh nhân.
Đại diện Sở Công Thương TP. cũng cho biết, việc tạm ngưng chợ đầu mối Hóc Môn sẽ ảnh hưởng, gây khó khăn nhất định tới việc cung ứng hàng hóa cho một số khu vực. Tuy nhiên, các giải pháp đã được tính toán, cơ bản giảm thiểu khó khăn cho bà con.
Hiện các hệ thống siêu thị cũng chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu. Lượng khách mua đang đổ đến các siêu thị và tăng cường mua hàng online.
Covid-19 ở Bến Tre giảm sau 3 đợt giãn cách Sau 3 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, triển khai tầm soát diện rộng, số ca F0 cộng đồng theo tuần tại Bến Tre có xu hướng giảm so với tuần liền kề trước và giảm 27,5% so với tuần cao nhất đợt dịch. Cụ thể, đợt giãn cách đầu tiên từ ngày 19/7 đến 1/8, Bến Tre ghi nhận...